Lớp Giáo Lý
Đơn vị 26: Ngày 1, 3 Nê Phi 17


Đơn vị 26: Ngày 1

3 Nê Phi 17

Lời Giới Thiệu

Khi sắp kết thúc ngày đầu tiên của Ngài với dân Nê Phi, Chúa Giê Su Ky Tô nhận thấy rằng nhiều người đã không hiểu thấu điều Ngài đã giảng dạy cho họ. Do đó, Ngài dạy cho họ cách nhận được thêm sự hiểu biết. Dân chúng khóc khi Ngài nói rằng Ngài sắp ra đi. Lòng tràn đầy trắc ẩn, Đấng Cứu Rỗi ở lại với họ lâu hơn. Ngài đã chữa lành cho những người bệnh của họ, ban phước cho con cái của họ, và cầu nguyện cho họ. Đám đông cảm nhận niềm vui và tình yêu mến sâu đậm dành cho Đấng Cứu Rỗi khi họ giao tiếp với Ngài.

3 Nê Phi 17:1–3

Chúa Giê Su truyền lệnh cho dân chúng phải suy ngẫm về lời Ngài và cầu nguyện để hiểu

Các em đáp ứng như thế nào khi bắt gặp một lời giảng dạy trong thánh thư hoặc từ một vị lãnh đạo Giáo Hội mà các em không hiểu? Khoanh tròn tất cả những điều áp dụng:

  • Tôi chỉ cần bỏ qua lời giảng dạy đó.

  • Tôi nhờ người khác giúp tôi hiểu.

  • Tôi suy nghĩ kỹ về lời giảng dạy đó.

  • Tôi cầu xin Cha Thiên Thượng giúp tôi hiểu được.

Các sự kiện được ghi lại trong 3 Nê Phi 17 đã xảy ra ở gần cuối ngày đầu tiên của Chúa Giê Su Ky Tô với đám đông dân Nê Phi. Đọc 3 Nê Phi 17:1–3, và đánh dấu điều Đấng Cứu Rỗi phán với dân Nê Phi phải làm để hiểu rõ hơn về điều Ngài đã giảng dạy cho họ. Hãy xem xét việc các em trở về nhà để suy ngẫm và cầu nguyện có thể giúp các em hiểu rõ hơn các lẽ thật phúc âm như thế nào.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích suy ngẫm có nghĩa là gì. Đọc lời phát biểu sau đây và tô đậm các từ hoặc cụm từ mà mô tả suy ngẫm có nghĩa là gì: “Việc đọc, học và suy ngẫm thánh thư thì không giống nhau. Chúng ta đọc những từ và chúng ta có lẽ hiểu được khái niệm. Chúng ta học và có thể khám phá ra mẫu mực và những điều liên quan trong thánh thư. Nhưng khi suy ngẫm, chúng ta mời sự mặc khải đến qua Thánh Linh. Đối với tôi, suy ngẫm là suy nghĩ và cầu nguyện sau khi tôi đã đọc và học kỹ trong thánh thư” (“Phục Vụ với Thánh Linh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 60).

Xem kỹ 3 Nê Phi 17:3, và lưu ý rằng Đấng Cứu Rỗi chỉ dẫn dân chúng phải “chuẩn bị tâm trí [họ]” cho kinh nghiệm tiếp theo của họ với Ngài. Trước khi tiếp tục việc học tập của các em, hãy suy ngẫm cách các em sẽ trả lời các câu hỏi sau đây: Các em có thể làm gì để chuẩn bị tâm trí của mình trước khi đi nhà thờ? Trước khi đi học lớp giáo lý? Trước khi lắng nghe đại hội trung ương? Trước khi học thánh thư? Các em nghĩ việc chuẩn bị tâm trí của mình sẽ tạo ra sự khác biệt nào trong điều các em đạt được từ những cơ hội học hỏi đó?

Một trong những nguyên tắc chúng ta học được từ những câu này là: Bằng cách suy ngẫm và cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, chúng ta có thể nhận được sự hiểu biết sâu sắc hơn. (Các em có thể muốn viết điều này trong thánh thư của các em bên cạnh 3 Nê Phi 17:1–3).

  1. Để giúp các em áp dụng nguyên tắc này, hãy chọn một hoặc cả hai mục bên dưới và kết hợp hành động này vào cuộc sống của các em trong tuần tới. Viết trên nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em điều các em đã làm. Cũng viết về cách mà hành động này gia tăng điều các em đã học được trong nhà thờ, lớp giáo lý, hoặc đại hội trung ương hoặc từ thánh thư. Hãy chuẩn bị để chia sẻ sinh hoạt này trong nhật ký với giảng viên của các em. Ngoài ra, cũng lập kế hoạch để tiếp tục cải thiện một trong các lãnh vực này trong vài tuần tới.

    1. Tôi sẽ chuẩn bị tâm trí mình trước khi đi nhà thờ hay lớp giáo lý.

    2. Tôi sẽ suy ngẫm và cầu nguyện về điều tôi nghe ở nhà thờ hay lớp giáo lý.

3 Nê Phi 17:4–25

Đấng Cứu Rỗi chữa lành người bệnh trong số dân Nê Phi và ban phước cho con cái của họ

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô Ban Phước cho Các Trẻ Em Nê Phi

Hãy nghĩ về một thời gian mà các em cảm thấy đuợc nâng cao tinh thần và tràn đầy niềm vui đến mức các em không muốn kinh nghiệm đó kết thúc. Đọc 3 Nê Phi 17:4–5 để tìm hiểu dân Nê Phi đã phản ứng như thế nào khi Đấng Cứu Rỗi phán rằng Ngài sẽ trở về cùng Cha của Ngài.

Đấng Cứu Rỗi đáp ứng những ước muốn ngay chính của dân Nê Phi với lòng trắc ẩn. Sinh hoạt sau đây có thể giúp các em hiểu trọn vẹn hơn tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho tất cả chúng ta. Sinh hoạt này cũng có thể giúp các em khám phá ra các lẽ thật trong thánh thư về cá tính và bản tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Hãy viết tài các phần tham khảo thánh thư sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Hãy chừa khoảng trống dưới mỗi phần tham khảo để biết thêm chi tiết: 3 Nê Phi 17:17:6–10; 3 Nê Phi 17:11–18; 3 Nê Phi 17:19–25. Hãy học mỗi đoạn thánh thư này, tìm kiếm lẽ thật về cá tính của Đấng Cứu Rỗi—Ngài là người như thế nào. Tìm ra ít nhất ba lẽ thật, một lẽ thật cho mỗi phần tham khảo thánh thư, và ghi lại trong phần tham khảo thích hợp.

Một trong những sự kiện cảm động nhất được mô tả trong Sách Mặc Môn là Chúa Giê Su ban phước cho các trẻ nhỏ đang có mặt trong dịp đó. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu được bản tính và cá tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Trước khi trích dẫn câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi và các trẻ em từ 3 Nê Phi 17:11–12, 21–25, Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Trong câu chuyện về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa dân Nê Phi, chúng ta có thể nhìn sâu hơn vào tâm hồn của Ngài có lẽ còn hơn cả vào bất cứ nơi nào khác” (“Teach the Children,” Ensign, tháng Hai năm 2000, 16–17).

Hãy lưu ý rằng đám đông mang những người bệnh và đau đớn đến cùng Đấng Cứu Rỗi, kể cả “những người bị đau đớn về mọi thể cách khác” (3 Nê Phi 17:9). Những nỗi đau đớn này có thể là về mặt thể chất, tình cảm, hay tinh thần. Hãy suy ngẫm về những cách các em có thể bị “đau đớn.” Đấng Cứu Rỗi có thể giúp các em với nỗi đau đớn của các em như thế nào nếu đích thân Ngài ban phước cho các em?

  1. Xem lại nguyên tắc về việc suy ngẫm mà các em đã học ở phần đầu của bài học này. Một cách để suy ngẫm là hình dung ra mình đang ở trong tình trạng tương tự đã được mô tả trong câu chuyện của thánh thư. Dành ra một giây lát và hình dung xem sẽ như thế nào nếu các em là một người tham gia vào trong những sự kiện đã được ghi lại trong 3 Nê Phi 17. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy mô tả điều các em nghĩ rằng các em đã có thể nghe, thấy và cảm nhận trong dịp đó và điều các em đã có thể học được từ Đấng Cứu Rỗi. Các em cũng có thể muốn mô tả phước lành các em có thể đã tìm kiếm được từ Đấng Cứu Rỗi.

Hãy nghĩ về một câu mô tả một lẽ thật mà các em đã học được từ 3 Nê Phi 17:6–25. Viết câu này ở ngoài lề trang thánh thư của các em bên cạnh những câu thánh thư này hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Một trong các lẽ thật từ những câu thánh thư này là: Đấng Cứu Rỗi cảm thấy có lòng trắc ẩn lớn lao đối với chúng ta. Tại sao là điều quan trọng đối với các em để biết các lẽ thật về cá tính của Đấng Cứu Rỗi mà các em đã học được từ những câu này?

Đọc lời phát biểu sau đây về đức tin: “Để cho đức tin của các em dẫn các em đến sự cứu rỗi, thì đức tin đó phải được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. … Các em có thể sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô khi các em có một sự bảo đảm rằng Ngài hiện hữu, một ý tưởng đúng đắn về cá tính của Ngài, và một sự hiểu biết rằng các em đang cố gắng để sống theo ý muốn của Ngài” (Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 54).

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Làm thế nào việc hiểu được bản tính đầy trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi giúp các em sử dụng đức tin nơi Ngài?

  2. Chia sẻ với một người khác một điều gì đó các em đã học được về Đấng Cứu Rỗi từ 3 Nê Phi 17. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy ghi lại tên của người này và một bản tóm tắt về điều các em nói với người này.

Mặc dù chúng ta chưa có được kinh nghiệm như dân Nê Phi đã có với Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng ngày đó sẽ đến với mỗi chúng ta khi chúng ta thấy và nghe Ngài. Trong suốt ngày hôm sau hoặc hai ngày sau, hãy suy ngẫm về bài học này. Hãy suy nghĩ về lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi khi các em cầu nguyện về những ước muốn, yếu kém, đau khổ, và thử thách của các em.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 3 Nê Phi 17 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: