Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 28: Ngày 2, Mặc Môn 1–2


Đơn Vị 28: Ngày 2

Mặc Môn 1–2

Lời Giới Thiệu

Mặc dù Mặc Môn lớn lên trong một thời kỳ có nhiều cảnh tà ác, nhưng ông đã chọn sống trung tín. Nhờ vào lòng trung tín của mình, ông được trao cho trọng trách phải bảo tồn các biên sử của dân Nê Phi. Khi được 15 tuổi, Mặc Môn đã “được Chúa viếng thăm, và … đã nếm qua và biết được lòng nhân từ của Chúa Giê Su” (Mặc Môn 1:15). Trong cùng năm đó, dân Nê Phi đã lập ông lên để chỉ huy quân đội của họ (xin xem Mặc Môn 2:1). Ông mong muốn giúp dân Nê Phi hối cải, nhưng vì sự phản nghịch cố ý của họ, nên ông đã bị Chúa cấm không thuyết giảng cho họ. Dân Nê Phi đánh mất ân tứ Đức Thánh Linh và các ân tứ khác của Thượng Đế và họ phải trông cậy vào sức mạnh của họ khi chiến đấu với dân La Man.

Mặc Môn 1:1–5

Mặc Môn được giao cho trọng trách gìn giữ các biên sử thiêng liêng

Các em muốn mọi người sử dụng một số từ nào khi họ mô tả các em?

Các em có bao giờ được mô tả là một người Mặc Môn không? Việc được một người nào đó mô tả các em là người Mặc Môn có nghĩa là gì?

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói về biệt danh Người Mặc Môn, mà một số người sử dụng khi đề cập đến các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

“Mặc dù đôi khi tôi cảm thấy tiếc là người ta không gọi giáo hội này bằng tên riêng của giáo hội, nhưng tôi vui mừng thấy rằng biệt danh mà họ sử dụng là một vinh dự lớn do một người phi thường và một cuốn sách để tạo ra và cung cấp một chứng ngôn chưa từng có về Đấng Cứu Chuộc của thế gian.

“Bất cứ ai tiến đến việc biết nhân vật Mặc Môn, qua việc đọc và suy ngẫm lời nói của ông, bất cứ ai đọc kho tàng lịch sử quý giá này được ông hết lòng giúp kết hợp lại và bảo tồn, sẽ tiến đến việc biết rằng Mặc Môn không phải là một tiếng xấu, mà nó đại diện cho điều tốt nhất, điều tốt đó là thuộc vào Thượng Đế” (“Mormon Should Mean ‘More Good,’” Ensign, tháng Mười Một năm 1990, 52–53).

Tiên tri Mặc Môn sinh ra trong một thời kỳ mà gần như tất cả mọi người trong xứ đang sống trong sự tà ác. Vào thời kỳ này, một vị tiên tri tên là Am Ma Rôn được truyền lệnh phải chôn giấu tất cả các biên sử thiêng liêng (xin xem 4 Nê Phi 1:47–49). Am Ma Rôn đến thăm cậu bé Mặc Môn lúc đó 10 tuổi và đưa cho cậu bé những chỉ dẫn liên quan đến trách nhiệm tương lai của cậu bé với các biên sử. Đọc Mặc Môn 1:2, và tìm kiếm các từ hoặc cụm từ mà Am Ma Rôn dùng để mô tả thiếu niên Mặc Môn.

Một từ Am Ma Rôn sử dụng để mô tả Mặc Môn là đứng đắn. Từ đứng đắn có nghĩa là nghiêm túc, nghiêm trang, ngay chính, hoặc ngoan đạo. Các em có thể muốn viết định nghĩa này bên lề trang thánh thư của các em. Các em nghĩ mình nên có thái độ đứng đắn đối với những đề tài hoặc tình huống nào trong cuộc sống? Điều quan trọng là phải hiểu rằng những người đứng đắn có thể vui chơi và cười đùa, nhưng họ hiểu khi nào là thích hợp để thư thái và khi nào là thích hợp để nghiêm túc hơn.

Am Ma Rôn cũng mô tả Mặc Môn là “biết quan sát nhanh nhạy” (Mặc Môn 1:2). Các em nghĩ quan sát nhanh nhạy có nghĩa là gì? Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Đồ đã giải thích rằng từ quan sát được sử dụng trong thánh thư theo hai cách:

“[Một] ân tứ thuộc linh mà dường như giản dị và có lẽ bị đánh giá thấp----khả năng của việc ‘quan sát nhanh nhạy’ (Mặc Môn 1:2)—là vô cùng quan trọng đối với các [anh chị] em và đối với tôi trong thế giới mà chúng ta đang sống và sẽ sống. …

“Xin hãy xem xét ý nghĩa của ân tứ thuộc linh quan trọng này. Như được sử dụng trong thánh thư, từ quan sát có hai cách sử dụng chính. Một cách sử dụng có nghĩa là ‘nhìn’ hay ‘thấy’ hoặc ‘nhận biết’—như chúng ta học trong Ê Sai 42:20. …

“Cách sử dụng thứ hai của từ quan sát có nghĩa là ‘vâng theo’ hoặc ‘tuân giữ’—như hiển nhiên trong [Giáo Lý và Giao Ước 54:6]. …

“Vì vậy, khi quan sát nhanh nhạy, chúng ta nhanh chóng nhìn hoặc nhận biết và tuân theo. Cả hai yếu tố cơ bản—nhìn và tuân theo—đều rất cần thiết để quan sát nhanh nhạy. Và tiên tri Mặc Môn là một tấm gương phi thường về ân tứ này bằng hành động” (“Quick to Observe,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2006, 31–32).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết xuống những suy nghĩ của các em về đặc tính quan sát nhanh nhạy này có thể giúp các em trong cuộc sống hàng ngày như thế nào.

Đọc Mặc Môn 1:3–5, và nhận ra những chỉ dẫn của Am Ma Rôn cho Mặc Môn. Đặc tính đứng đắn và quan sát nhanh nhậy của Mặc Môn có thể giúp đỡ ông với những trách nhiệm này như thế nào?

Mặc Môn 1:6–19

Mặc Môn bị Chúa nghiêm cấm việc thuyết giảng vì sự phản nghịch cố ý của dân chúng

Hình Ảnh
Mặc Môn

Các em có bao giờ bị mất một cái gì đó rất có giá trị không? Trong khi còn trẻ, Mặc Môn đã chứng kiến một số trận đánh giữa dân Nê Phi và dân La Man và sự tà ác lan tràn trong xứ (xin xem Mặc Môn 1:6–13). Vì sự tà ác của dân Nê Phi trở nên quá lớn lao nên Mặc Môn viết rằng họ đã làm mất rất nhiều ân tứ quý giá từ Chúa.

  1. Làm hai cột trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Tiêu đề của cột thứ nhất “Ân Tứ của Dân Nê Phi Đã Mất.” Đọc Mặc Môn 1:13–14, 18, và tìm kiếm các ân tứ nào Chúa đã cất khỏi dân Nê Phi. Viết xuống những điều các em đã tìm thấy trong cột thứ nhất. Tiêu đề cột thứ hai: “Tại Sao Chúa Đã Lấy Đi Các Ân Tứ của Ngài.” Đọc Mặc Môn 1:14, 16–17, 19, và tìm kiếm lý do tại sao Chúa lấy các ân tứ của Ngài khỏi dân Nê Phi. Viết xuống những điều các em đã tìm thấy trong cột thứ hai.

Từ những câu này chúng ta có thể biết được rằng sự tà ác và không tin làm cản trở các ân tứ của Chúa và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Mặc dù sự phản nghịch của dân Nê Phi là cực độ nhưng nguyên tắc này cũng áp dụng cho cá nhân chúng ta khi chúng ta không tuân theo bất cứ giáo lệnh nào của Thượng Đế.

Nếu các em sống trong thời kỳ của Mặc Môn, thì ân tứ nào trong số các ân tứ của Thượng Đế được đề cập trong Mặc Môn 1:13–14, 18 các em sẽ hối tiếc nhất vì đã đánh mất?

Đọc Mặc Môn 1:15, và tìm kiếm điều Mặc Môn đang kinh nghiệm được trong khi số dân Nê Phi còn lại đã đánh mất ân tứ Đức Thánh Linh và các ân tứ khác của Thượng Đế. Các em nghĩ làm thế nào Mặc Môn có thể có những kinh nghiệm thuộc linh mặc dù ông đang ở giữa cảnh tà ác lớn lao?

Mặc Môn 2:1–15

Mặc Môn chỉ huy quân đội Nê Phi và buồn rầu trước sự tà ác của họ

Xem xét tình huống sau đây: Một người 30 tuổi sống ở nhà với cha mẹ của mình và chọn không tìm việc làm. Thay vào đó, người này sống nhờ vào sức lao động của cha mẹ mình và lãng phí thời giờ của mình trong những sinh hoạt vô ích chẳng hạn như dành phần lớn thời gian của mình để chơi các trò chơi video. Đối chiếu tình huống đó với điều mô tả thiếu niên Mặc Môn khi các em học Mặc Môn 2.

Đọc Mặc Môn 2:1–2, và tìm kiếm xem Mặc Môn đã được giao cho trách nhiệm nào và ông được bao nhiêu tuổi khi nhận được trách nhiệm đó.

Không bao lâu sau khi Mặc Môn được bổ nhiệm làm người chỉ huy quân đội Nê Phi, thì quân đội La Man tấn công dân Nê Phi với lực lượng mạnh đến nỗi dân Nê Phi lo sợ và rút lui. Dân La Man đuổi họ chạy từ thành phố này đến thành phố khác cho đến khi dân Nê Phi quy tụ lại tại một chỗ. Cuối cùng, quân đội Mặc Môn chống cự lại dân La Man và làm cho dân La Man chạy trốn (xin xem Mặc Môn 2:3–9).

  1. Đọc Mặc Môn 2:10–15, và tìm kiếm tình trạng thuộc linh của dân Nê Phi sau các cuộc giao tranh này. Sau đó trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Tại sao dân Nê Phi buồn rầu?

    2. Theo Mặc Môn 2:14, làm thế nào Mặc Môn biết rằng nỗi buồn của họ không phải là một dấu hiệu về sự hối cải chân thành?

    3. Trong Mặc Môn 2:13–14, các em có thể thấy được những điểm khác biệt nào giữa những người buồn rầu dẫn tới sự hối cải và những người có nỗi buồn dẫn đến sự đoán phạt (bị ngừng lại trong sự tiến triển của họ) không?

Những câu này dạy rằng nếu nỗi buồn của chúng ta vì tội lỗi dẫn tới sự hối cải, thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô với tấm lòng khiêm nhường. Các câu này cũng minh họa nguyên tắc rằng nỗi buồn chỉ vì những hậu quả của tội lỗi dẫn đến sự đoán phạt (hoặc bị ngừng lại trong sự tiến triển của chúng ta hướng đến cuộc sống vĩnh cửu).

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Làm thế nào một người nào đó đã phạm tội có thể cho thấy sự buồn rầu theo thế gian—loại buồn rầu dẫn đến sự đoán phạt?

    2. Làm thế nào một người nào đó đã phạm tội cho thấy loại buồn rầu dẫn đến sự hối cải?

Suy ngẫm cách phản ứng của các em khi các em nhận biết rằng mình đã lầm lỗi hoặc phạm tội. Nếu các em đến cùng Đấng Cứu Rỗi với một tấm lòng khiêm nhường và hối cải thì các em có thể cảm thấy bình an và được hòa giải với Thượng Đế.

Mặc Môn 2:16–29

Mặc Môn nhận được các bảng khắc và ghi chép một bài tường thuật về sự tà ác của dân ông

Trong khi trận chiến với dân La Man tiếp tục, Mặc Môn thấy mình đến gần ngọn đồi nơi Am Ma Rôn đã chôn giấu các biên sử của dân Nê Phi. Ông lấy các bảng khắc của Nê Phi và bắt đầu ghi chép điều ông đã quan sát ở giữa dân chúng kể từ lúc ông còn là một đứa trẻ (xin xem Mặc Môn 2:16–18). Đọc Mặc Môn 2:18–19, và đánh dấu một số các cụm từ mô tả các điều kiện thuộc linh mà Mặc Môn đã lớn lên với các điều kiện đó.

Từ điều các em đã học được về Mặc Môn, các em nghĩ tại sao ông tin tưởng rằng ông sẽ được “nâng cao vào ngày sau cùng”? (Mặc Môn 2:19). (Trong văn cảnh này, “được nâng cao vào ngày sau cùng” có nghĩa là được tôn cao—được phục sinh với một thể xác thượng thiên và được đưa vào nơi hiện diện của Thượng Đế để ở lại với Ngài vĩnh viễn).

Cuộc đời của Mặc Môn là một chứng ngôn rằng chúng ta có thể chọn sống ngay chính cho dù đang ở trong một xã hội tà ác.

Hãy xem xét lời khuyên sau đây: “Các em chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Thượng Đế quan tâm đến các em và sẽ giúp các em chọn những điều tốt, cho dù gia đình và bạn bè của các em sử dụng quyền tự quyết của họ theo những cách không đúng. Hãy có lòng can đảm về mặt đạo đức để vững vàng trong việc tuân theo ý muốn của Thượng Đế, cho dù các em phải đứng một mình. Khi làm như vậy, các em nêu gương cho những người khác để noi theo” (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [cuốn sách nhỏ, 2011], 2).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về một thời gian khi các em thấy một người bạn hoặc một người trong gia đình luôn quyết tâm tuân theo ý muốn của Thượng Đế, cho dù những người khác không làm như vậy. Cũng viết những suy nghĩ của các em về tấm gương của người đó và tấm gương của Mặc Môn là hữu ích cho các em như thế nào.

Phương châm của Hội Thiếu Nữ là “Bênh Vực cho Lẽ Thật và Sự Ngay Chính.” Cho dù các em là một thiếu nữ hay thiếu niên, hãy suy nghĩ về một lãnh vực cụ thể trong cuộc đời các em mà các em có thể có quyết tâm mạnh mẽ hơn để bênh vực điều đúng. Chúa sẽ giúp các em khi các em cố gắng bênh vực điều đúng cho dù những người khác xung quanh các em có thể không làm như vậy.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mặc Môn 1–2 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: