Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 28: Ngày 4, Mặc Môn 7:1–8:11


Đơn Vị 28: Ngày 4

Mặc Môn 7:1–8:11

Lời Giới Thiệu

Sau trận chiến cuối cùng giữa dân Nê Phi và dân La Man, Mặc Môn đã viết thư cho con cháu tương lai của những người trong thời kỳ Sách Mặc Môn đề cập đến tầm quan trọng của việc biết được họ là ai và họ cần phải làm gì để được cứu rỗi. Với tình yêu thương bao la dành cho con cháu tương lai của kẻ thù của mình, Mặc Môn đã dạy về tầm quan trọng của việc tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, để “mọi việc sẽ tốt đẹp cho các người vào ngày phán xét” (Mặc Môn 7:10). Sau khi Mặc Môn qua đời, chỉ còn lại một mình Mô Rô Ni để viết về sự hủy diệt của dân ông.

Mặc Môn 7

Trong chứng ngôn cuối cùng của Mặc Môn, ông khuyên nhủ những người dân La Man còn sót lại nên tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo phúc âm của Ngài

Hình Ảnh
Mặc Môn Nói Lời Từ Giã cùng một Dân Tộc Từng Là Vĩ Đại

Trong Mặc Môn 6 các em đã học được rằng có 230.000 dân Nê Phi chết trong trận chiến cuối cùng với dân La Man. Hãy tưởng tượng rằng các em sống sót sau một trận đại chiến như vậy, nhưng bạn bè và gia đình của các em đều không sống sót. Các em sẽ cảm thấy như thế nào về con cháu của những người đã giết chết những người thân yêu của các em và xâm chiếm quốc gia của các em? Đọc Mặc Môn 7:1–4, và tìm kiếm điều Mặc Môn đã viết cho các con cháu của dân La Man.

  1. Trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Mặc Môn đã muốn dân La Man và con cháu của họ phải biết điều gì?

    2. Điều này so sánh với ý nghĩ của các em là mình có thể cảm thấy như thế nào về các con cháu của những người đã giết chết bạn bè và gia đình của các em trong một tình huống tưởng tượng?

    3. Các em thấy được thuộc tính nào của Đấng Cứu Rỗi trong phản ứng của Mặc Môn đối với kẻ thù của ông?

Mặc Môn tiếp tục viết cho con cháu của dân La Man. Đọc Mặc Môn 7:5–7, và đánh dấu ít nhất ba lẽ thật mà Mặc Môn đã khuyên nhủ các con cháu của dân La Man nên tin về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

  1. Chọn một trong những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô mà các em đã nhận ra, và viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em việc tin vào giáo lý đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các em như thế nào.

Mặc Môn có thể đã cảm thấy hợp lý trong khi viết những lời lên án dân La Man đã giết chết rất nhiều người dân của ông, nhưng vì sự hiểu biết của ông về lẽ thật, nên ông đã viết để giảng dạy cho họ về những điều họ (và chúng ta) cần phải làm để trở nên vô tội trước mặt Thượng Đế trước rào phán xét. Đọc Mặc Môn 7:8–10, và nhận ra những điều Mặc Môn đã làm chứng rằng một người cần phải làm. Các em có thể muốn đánh dấu điều các em nhận ra trong thánh thư của mình.

Những câu này dạy rằng Chúa ban sự cứu rỗi cho tất cả mọi người và sẽ cứu chuộc những người chấp nhận các nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm của Ngài. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của mình. Hãy lưu ý rằng Mặc Môn đã dạy rằng chúng ta tiến đến việc biết cách sống theo nguyên tắc này là bằng cách học thánh thư (xin xem Mặc Môn 7:8). Có thể là điều hữu ích để hiểu rằng cụm từ “biên sử này” ám chỉ Sách Mặc Môn, và “biên sử từ dân Do Thái đến với Dân Ngoại” ám chỉ Kinh Thánh. Tương tự như vậy, từ “này” trong Mặc Môn 7:9 chỉ Sách Mặc Môn, và từ “ấy” chỉ Kinh Thánh. Các em có thể muốn đánh dấu những khác biệt này trong thánh thư của mình.

Khi các em kết thúc Mặc Môn 7, hãy dành ra một giây lát để suy ngẫm về tấm gương bác ái và trắc ẩn giống Đấng Ky Tô của Mặc Môn khi viết một sứ điệp đầy hy vọng và khích lệ như vậy cho con cháu của những người là kẻ thù ác liệt của ông.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy ghi lại những suy nghĩ của các em về câu hỏi sau đây: Làm thế nào tôi có thể noi theo gương của Mặc Môn và đối xử với người khác, kể cả những người có thể ngược đãi tôi, trong một cách mà phản ảnh giá trị vĩnh cửu của họ?

Mặc Môn 8:1–11

Mô Rô Ni viết về cái chết của cha mình, sự hủy diệt dân của ông, và việc ông còn lại một mình

Hãy nghĩ về một thời gian khi các em chỉ có một mình. Các em cảm thấy như thế nào khi chỉ có một mình? Hãy tưởng tượng rằng các em sống một mình trong nhiều năm.

Hãy lưu ý đến những ngày tháng trong phần tóm tắt chương hoặc ở dưới cùng của các trang trong Mặc Môn 7 và 8. Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ khi Mặc Môn viết những lời cuối cùng của ông trong chương 7 và khi Mô Rô Ni bắt đầu viết trên các tấm bảng khắc trong chương 8?

Hình Ảnh
Mô Rô Ni đau buồn vì Mặc Môn

Đọc Mặc Môn 8:1–2, và tìm kiếm điều đã xảy ra sau trận đại chiến ở Cumorah. Sau đó đọc Mặc Môn 8:3–9 và đánh dấu các cụm từ mô tả hoàn cảnh của Mô Rô Ni sau sự hủy diệt dân của ông. Suy ngẫm về cảm nghĩ của các em nếu các em đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Hãy nghĩ về một thời gian khi các em cảm thấy cô đơn trong niềm tin hoặc các tiêu chuẩn của mình. Trong thời gian đó, quyết tâm của các em để noi theo Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài đã gia tăng, vẫn như vậy hay là giảm bớt? Tại sao?

Hãy xem lại một lần nữa Mặc Môn 8:1, 3 để thấy điều Mô Rô Ni đã quyết tâm để làm bất kể hoàn cảnh của ông ra sao đi nữa. Tấm gương của Mô Rô Ni cho thấy rằng cho dù chỉ có một mình, các em cũng có thể chọn để luôn luôn trung tín. Các em có thể muốn viết lẽ thật này trong thánh thư của mình.

Có những người khác trong Sách Mặc Môn, giống như Mô Rô Ni, vẫn trung tín cho dù chỉ có một mình. A Bi Na Đi đứng một mình và làm chứng trước Vua Nô Ê và các thầy tư tế của nhà vua (xin xem Mô Si A 12–17). An Ma là thầy tư tế duy nhất đã tin vào những lời của A Bi Na Đi và cố gắng để bênh vực ông (xin xem Mô Si A 17:1–4).

Anh Cả Richard G. Scott đã chia sẻ câu chuyện sau đây về một thanh niên đã chọn để trung tín cho dù chỉ có một mình:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

“Hãy xem xét tấm gương của thanh niên [này]. “Qua nhiều năm tôi đã theo dõi cách cha mẹ của em đã dạy dỗ em từ thuở sơ sinh để sống đúng theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Qua tấm gương và lời giáo huấn, họ đã nuôi dưỡng em ấy, cùng với những đứa con khác của họ trong lẽ thật. Họ khuyến khích sự phát triển kỷ luật và hy sinh để đạt được những mục tiêu xứng đáng. Người thanh niên này chọn môn bơi lội để tôi luyện làm cho những đức tính đó thấm nhuần vào trong cá tính mình. Những buổi tập luyện sáng sớm đòi hỏi phải có kỷ luật và hy sinh. Sau một thời gian, em đã tỏ ra xuất sắc trong môn thể thao đó.

“Rồi những thử thách kéo đến—ví dụ, một buổi thi đua bơi lội giải vô địch tổ chức vào ngày Chủ Nhật. Em ấy sẽ tham dự hay không? Em ấy sẽ viện ra một ngoại lệ cho quy luật của mình là không bơi lội vào ngày Chủ Nhật để giúp đội của em thắng giải vô địch hay không? Không, em ấy sẽ không nhượng bộ, ngay cả dưới áp lực dữ dội của bạn bè. Em ấy đã bị chửi rủa và thậm chí còn bị đánh đập. Nhưng em ấy vẫn không nhượng bộ. Bị bạn bè bỏ rơi, nỗi cô đơn, và áp lực đã mang đến những thời gian buồn bã và đầy nước mắt. Nhưng em vẫn không nhượng bộ. Em đang trực tiếp học điều mà mỗi người chúng ta phải trở nên biết được, sự thực của lời dạy của Phao Lô cho Ti Mô Thê: ‘Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô thì sẽ bị bắt bớ’ (2 Ti Mô Thê 3:12). Qua nhiều năm mẫu mực kiên định này của việc sống ngay chính—được tạo ra từ hàng trăm quyết định đúng đắn, một số phải đối phó với thử thách lớn—đã phát huy một cá tính về sức mạnh và khả năng. Giờ đây, khi là một người truyền giáo, em ấy đã được các bạn bè biết ơn về khả năng làm việc của em, sự hiểu biết của em về lẽ thật, đức tính kiên trì tận tâm của em, và quyết tâm của em để chia sẻ phúc âm. Một người trước đó đã bị bạn bè mình ruồng bỏ giờ đã trở thành một người lãnh đạo được kính nể của bạn bè mình” (“Hãy Đặt Những Điều Quan Trọng Nhất Lên Trước,” Liahona, tháng Năm năm 2001, 8).

Đọc Mặc Môn 8:10–11, và nhận ra một cách Chúa giúp đỡ Mô Rô Ni và Mặc Môn (trước khi qua đời) trong hoàn cảnh khó khăn mà họ phải đối đầu. Lời khuyến khích sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson có thể giúp các em trong quyết tâm để luôn luôn trung tín cho dù khi các em đang chỉ một mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Trong cuộc sống hằng ngày, đức tin của chúng ta gần như không thể nào tránh khỏi bị thử thách. Đôi khi chúng ta có thể thấy mình bị những người khác vây quanh và còn thuộc vào nhóm thiểu số hay ngay cả một mình đứng trước điều có thể chấp nhận và điều không thể chấp nhận. Chúng ta có can đảm về mặt đạo đức để bênh vực cho niềm tin của mình không, cho dù sẽ phải đứng một mình khi làm như thế? …

“… Cầu xin cho chúng ta luôn luôn dũng cảm và sẵn sàng bênh vực cho điều mình tin, và nếu phải đứng một mình trong khi làm như thế, thì cầu xin cho chúng ta làm như vậy một cách dũng cảm, được củng cố bởi sự hiểu biết rằng trong thực tế chúng ta không bao giờ cô đơn một mình khi đứng với Cha Thiên Thượng” (“Dám Đứng Một Mình,” EnsignLiahona, tháng Mười Một năm 2011, 60, 67).

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết những câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:

    1. Các em có biết một người nào khác là một tấm guơng về việc luôn luôn trung tín ngay cả khi đứng một mình không?

    2. Làm thế nào lời phát biểu của Chủ Tịch Monson giúp các em quyết tâm luôn luôn trung tín cho dù chỉ có một mình?

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mặc Môn 7:1–8:11 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: