Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 29: Ngày 2, Mặc Môn 9


Đơn Vị 29: Ngày 2

Mặc Môn 9

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni hoàn tất biên sử của cha ông bằng cách kêu gọi những người không tin vào Chúa Giê Su Ky Tô nên trở về với Thượng Đế qua sự hối cải. Ông dạy rằng Thượng Đế là một Thượng Đế với nhiều phép lạ và không hề thay đổi. Ông cũng dạy rằng các phép lạ chỉ chấm dứt khi mọi người ngừng có đức tin. Ông khuyến khích tất cả nhân loại nên cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô để nhận được những điều họ cần.

Mặc Môn 9:1–6

Mô Rô Ni kêu gọi những người không tin vào Chúa Giê Su Ky Tô phải hối cải

Hãy tưởng tượng điều các em có thể nghĩ và cảm thấy nếu các em phải bước vào nơi chốn hiện diện của Thượng Đế hôm nay. Các em nghĩ rằng những người tà ác sẽ cảm thấy như thế nào nơi chốn hiện diện của Ngài? Đọc Mặc Môn 9:1–5, và lưu ý rằng Mô Rô Ni đã mô tả điều gì cuối cùng sẽ xảy ra khi những người chọn không tin vào Chúa Giê Su Ky Tô cuối cùng được mang đến nơi hiện diện của Thượng Đế.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích rằng nhiều người lầm tưởng rằng họ sẽ cảm thấy thoải mái trong chốn hiện diện của Thượng Đế cho dù họ đã không hối cải các tội lỗi của họ:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Joseph Fielding Smith

“Không thể có sự cứu rỗi mà không có sự hối cải. Khi một người không thể bước vào vương quốc của Thượng Đế trong tội lỗi của mình. Sẽ là một điều rất mâu thuẫn đối với một người đi vào chốn hiện diện của Đức Chúa Cha và sống trong chốn hiện diện của Thượng Đế trong tội lỗi của mình. …

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người trên thế gian, nhiều người trong số họ có lẽ trong Giáo Hội—ít nhất là một số người trong Giáo Hội—là những người nghĩ rằng họ có thể sống suốt cuộc sống này và làm điều họ thích, vi phạm các lệnh truyền của Chúa, và tuy vậy cuối cùng họ sẽ đi vào chốn hiện diện của Ngài. Họ nghĩ rằng họ sẽ hối cải, có lẽ trong thế giới linh hồn.

“Họ nên đọc những lời này của Mô Rô Ni: ‘Các người có cho rằng các người sẽ được sống với Ngài [Đấng Ky Tô] trong ý thức tội lỗi của mình chăng? Các người có cho rằng các người sẽ được chung sống trong hạnh phúc với Đấng Thánh, trong khi tâm hồn các người bị ý thức về tội lỗi dằn vặt vì các người đã từng lạm dụng những luật pháp của Ngài?

“‘Này, tôi nói cho các người hay rằng, nếu các người sống chung với một Đấng Thượng Đế công bình và thánh thiện mà vẫn có ý thức về sự ô uế của mình trước mặt Ngài, thì các người sẽ bị khổ sở hơn là chung sống với những người bị đoán phạt ở ngục giới. Vì này, khi các người bị đem đến trước mặt Thượng Đế để thấy sự trần trụi của mình, và để thấy sự vinh quang của Thượng Đế cùng sự thánh thiện của Chúa Giê Su Ky Tô, thì một ngọn lửa không thể bị dập tắt được sẽ nhóm lên trong các người’ [Mặc Môn 9:3–5]” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 quyển. [1954–56], 2:195–96).

  1. Trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em nghĩ tại sao việc chờ đợi để hối cải trong cuộc sống này vì tin rằng mình có thể hối cải trong đời sau là sai lầm? (Các em có thể muốn sử dụng điều mình học được từ Mặc Môn 9:1–5; An Ma 12:14; và An Ma 34:32–34 trong câu trả lời của các em).

Đọc Mặc Môn 9:6, và tìm kiếm điều “những kẻ không tin” cần phải làm để tránh nỗi đau khổ mà Mô Rô Ni đã mô tả. Hãy cân nhắc việc đánh dấu các từ trong Mặc Môn 9:6 mà mô tả tình trạng của những người trở về với Thượng Đế và cầu xin Ngài tha thứ. Từ câu này chúng ta học: Nếu chúng ta chịu hối cải và kêu cầu Thượng Đế, thì chúng ta sẽ không có tì vết khi đi vào chốn hiện diện của Ngài. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này trong thánh thư của các em hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của mình.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết một vài câu về cảm nghĩ mà các em tưởng tượng mình sẽ có trong chốn hiện diện của Thượng Đế nếu các em biết rằng mình đã được làm tinh khiết và không tì vết nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Qua sự hối cải và cuộc sống ngay chính, các em có thể chuẩn bị để được thoải mái trong chốn hiện diện của Thượng Đế. Suy ngẫm về điều quan trọng nhất các em cảm thấy các em có thể làm ngay bây giờ để được sẵn sàng gặp Thượng Đế.

Mặc Môn 9:7–20

Mô Rô Ni tuyên bố rằng Thượng Đế làm các phép lạ và đáp ứng những lời cầu nguyện của người trung tín

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô Chữa Lành một Người Mù

Các em có bao giờ chứng kiến hay nhận được một phép lạ chưa? Viết định nghĩa của các em về từ phép lạ:

Tra từ {phép lạ trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để làm sáng tỏ hoặc thêm vào định nghĩa của các em. Các em nghĩ tại sao một số người ngày nay không tin vào phép lạ?

Như được ghi trong Mặc Môn 9:7–8, Mô Rô Ni đã viết cho những người trong những ngày sau cùng là những người sẽ phủ nhận rằng Thượng Đế hằng sống, rằng Ngài ban cho những điều mặc khải, và Ngài trút các ân tứ xuống cho người trung tín. Mô Rô Ni đã dạy một cách hùng hồn rằng có một Thượng Đế và Ngài lúc nào cũng vậy “hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi về sau” (Mặc Môn 9: 9). Ngài tiếp tục làm phép lạ ở giữa những người trung tín trong mọi lứa tuổi. Đọc Mặc Môn 9:9–11, 15–19, và nhận ra điều Mô Rô Ni đã dạy về thiên tính của Thượng Đế để ông có thể giúp mọi người tin rằng Thượng Đế vẫn còn làm phép lạ.

  1. Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư, hãy viết điều các em đã học được từ Mặc Môn 9:9–11, 15–19 về thiên tính của Thượng Đế. Cũng hãy viết câu trả lời của các em cho câu hỏi này: Các câu này dạy cho các em biết gì về sự sẵn sàng và khả năng làm các phép lạ của Thượng Đế trong cuộc sống của con người ngày nay?

Đọc Mặc Môn 9:20, và tìm kiếm các lý do tại sao một số người có thể không nhận được các phép lạ.

Những lời của Mô Rô Ni được ghi lại trong Mặc Môn 9:9–19 dạy nguyên tắc này: Vì Thượng Đế là Đấng không thay đổi, nên Ngài sẽ ban cho các phép lạ theo đức tin của con cái của Ngài. Các em có thể muốn viết nguyên tắc này bên cạnh Mặc Môn 9:19–20 trong thánh thư của các em.

Chúng ta có thể nhận được quyền năng kỳ diệu của Thượng Đế bằng nhiều cách trong cuộc sống của chúng ta. Sau khi xem lại một số các phép lạ kỳ diệu được mô tả trong thánh thư, Chị Sydney S. Reynolds, là người đã phục vụ trong chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi, đã dạy rằng:

“Cũng quan trọng như những ‘phép lạ lớn lao’ này là những ‘phép lạ cá nhân’ nhỏ hơn dạy mỗi người chúng ta phải có đức tin nơi Chúa. Những phép lạ này đến khi chúng ta nhận biết và lưu tâm đến sự thúc giục của Thánh Linh trong cuộc sống của mình. …

“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể làm chứng về những phép lạ nhỏ này. Chúng ta biết các trẻ em cầu nguyện để được giúp tìm kiếm một món đồ bị mất và tìm được nó. Chúng ta biết về những người trẻ tuổi lấy hết can đảm để đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế và cảm nhận được sự giúp đỡ của Ngài. Chúng ta biết những bạn bè đóng tiền thập phân của họ với số tiền cuối cùng còn lại của họ và rồi, qua một phép lạ, thấy mình có thể trả được tiền học hay tiền thuê nhà hay bằng một cách nào đó có được thức ăn cho gia đình mình. Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm về các lời cầu nguyện được đáp ứng và các phước lành chức tư tế mà cho sự can đảm, mang lại sự an ủi, hoặc phục hồi sức khỏe. Những phép lạ thường ngày này giúp chúng ta quen thuộc với ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của chúng ta” (“Một Thượng Đế Có Nhiều Phép Lạ,” Ensign, tháng Năm năm 2001, 12).

  1. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về một kinh nghiệm các em đã có hoặc một kinh nghiệm mà các em biết đã xác nhận rằng Thượng Đế vẫn còn là một Thượng Đế với nhiều phép lạ ngày nay.

Mặc Môn 9:21–37

Mô Rô Ni dạy về sự cầu nguyện và về mục đích của biên sử của Nê Phi

Hình Ảnh
em bé gái cầu nguyện

Các em có thể nhớ lại một thời gian khi các em cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng đã ban cho các em sự giúp đỡ các em cần vì các em đã cầu nguyện không? Đọc Mặc Môn 9:21, và tìm kiếm điều Mô Rô Ni đã dạy về việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để được giúp đỡ.

Đọc lời phát biểu sau đây, và tìm kiếm ý nghĩa của việc cầu nguyện trong danh của Đấng Ky Tô: “Chúng ta cầu nguyện trong danh của Đấng Ky Tô khi ý định của chúng ta là ý định của Đấng Ky Tô, và những ước muốn của chúng ta là những ước muốn của Đấng Ky Tô—khi lời của Ngài ở trong chúng ta ( Giăng 15:7). Rồi chúng ta cầu xin những điều mà Thượng Đế có thể ban cho. Nhiều lời cầu nguyện vẫn không được đáp ứng vì không được dâng lên trong danh Đấng Ky Tô một chút nào cả; những lời cầu nguyện này không hề tiêu biểu cho ý định của Ngài, mà nảy sinh từ tấm lòng ích kỷ của con người” (Bible Dictionary, “Prayer”).

Hãy xem xét những lời cầu nguyện của các em dựa trên điều các em vừa đọc. Các em có thể làm gì để cầu nguyện một cách trọn vẹn hơn trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô?

Để đưa ra một ví dụ về những người đã tin vào Đấng Cứu Rỗi và đã có thể làm phép lạ, Mô Rô Ni trích dẫn điều Chúa Giê Su đã giảng dạy cho các môn đồ Nê Phi của Ngài. Như đã được ghi trong Mặc Môn 9:22–25, Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài phải đi khắp thế gian và thuyết giảng phúc âm, và Ngài hứa rằng “những điềm triệu [kỳ diệu] sẽ đi theo những ai tin” (Mặc Môn 9:24). Sau đó, Mô Rô Ni tiếp tục những lời giảng dạy của Ngài về sự cầu nguyện.

  1. Đọc Mặc Môn 9:27–29, và nhận ra điều Mô Rô Ni đã dạy về cách chúng ta nên cầu nguyện trong đức tin. Viết những điều các em nhận ra trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Sau đó, viết một vài câu mô tả cách các em có thể sử dụng một trong những điều giảng dạy này để cải thiện những lời cầu nguyện của mình.

Các em có thể muốn viết nguyên tắc sau đây trong thánh thư của mình gần bên Mặc Môn 9:27: Nếu chúng ta cầu nguyện trong đức tin lên Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta các phước lành mà sẽ giúp chúng ta thực hiện sự cứu rỗi của mình.

Khi Mô Rô Ni kết thúc lời mình, ông đã bày tỏ sự lo ngại rằng một số người trong những ngày sau cùng sẽ chối bỏ Sách Mặc Môn vì sự không hoàn hảo của những người đã viết nó (xin xem Mặc Môn 9:30–34). Đọc Mặc Môn 9:35–37, và tìm kiếm điều Mô Rô Ni đã tuyên bố về các mục đích của Sách Mặc Môn.

Xem xét cách ra đời của Sách Mặc Môn là bằng chứng thêm rằng Thượng Đế là một Thượng Đế với nhiều phép lạ và Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mặc Môn 9 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: