2002
Dầu Chẳng Vậy
Tháng Mười Một Năm 2002


Dầu Chẳng Vậy

Thử thách quan trọng nhất của cuộc sống trần thế là đương đầu với chữ “tại sao” và rồi bỏ qua, chân thành tin tưởng nơi lời hứa của Chúa rằng “mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó.”

Một số ký ức đẹp nhất của tôi có liên quan đến những công tác chỉ định cuối tuần trong các đại hội giáo khu khi tôi tháp tùng vị chủ tịch giáo khu trong những cuộc thăm viếng các tín hữu của giáo khu ông mà đang đương đầu với những thử thách của cuộc sống với lòng can đảm và đức tin, nhất là những người đã mất một đứa con hoặc những người dũng cảm vất vả với việc chăm sóc một đứa con đau yếu, què quặt hay tật nguyền. Tôi biết được từ kinh nghiệm cá nhân đau đớn rằng không có gì đau khổ hơn việc mất một đứa con. Cũng như không có ngày nào dài lê thê và mòn mỏi bằng việc chăm sóc liên tục một đứa con bị tật nguyền về thể xác hay năng lực. Tất cả các bậc cha mẹ như thế có thể hoàn toàn thông cảm với người cha có một đứa con bị “quỷ câm” ám, là người khi bị Đấng Cứu Rỗi quở trách phải có sự tin tưởng, đã đáp với tâm hồn đầy thống khổ: “Tôi tin, xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi” (xin xem Mác 9:17, 23–24).

Và như thế, hôm nay, tôi mong muốn được ngỏ lời cùng tất cả những người đang vất vả trong sự thử thách của đức tin này mà được gọi là cuộc sống trần thế—và đặc biệt cùng các bậc cha mẹ đang gặp tang tóc, trĩu nặng buồn phiền, là những người nài nỉ hỏi: “Tại sao?”

Trước hết, xin hãy hiểu rằng nỗi sầu khổ là kết quả đương nhiên của tình yêu thương. Một người không thể có tình yêu thương bao la đối với một người khác mà không thể thấy buồn phiền với nỗi đau khổ hay ngay cả cái chết của người này. Một cách thức duy nhất để tránh nỗi đau khổ này là đừng yêu thương; và chính tình yêu thương mang sự dồi dào và ý nghĩa cho cuộc sống. Vì thế, lời cầu nguyện thiết tha của một người cha hay người mẹ đầy ưu phiền có thể không cần thiết phải lấy đi nỗi sầu khổ nhưng Chúa có thể ban cho một sự an tâm êm ái rằng bất luận hoàn cảnh của người cha hay người mẹ có ra sao đi nữa, thì đứa con cũng đang nằm trong vòng tay chăm sóc dịu dàng của Đấng Cha Thiên Thượng nhân từ.

Kế đến, đừng bao giờ nghi ngờ lòng nhân từ của Thượng Đế, ngay cả khi các anh chị em không biết “tại sao”. Câu hỏi được thường xuyên đặt ra bởi những người đang trong cảnh tang tóc và gánh nặng thì chỉ giản dị là: Tại sao? Tại sao con gái của chúng tôi chết khi chúng tôi cầu nguyện khẩn thiết để cho nó được sống và khi nó nhận được các phước lành chức tư tế? Tại sao chúng tôi vất vả với nỗi bất hạnh này khi những người khác lại có thể kể các kinh nghiệm chữa lành kỳ diệu đối với những người thân yêu của họ? Đây là những câu hỏi tự nhiên, những câu hỏi có thể thông cảm được. Nhưng cũng có những câu hỏi mà thường không được trả lời trong cuộc sống trần thế. Chúa đã phán một cách giản dị: “Đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi” (Ê Sai 55:9). Khi ý muốn của Đức Chúa Con “lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha” (Mô Si A 15:7), thì ý muốn của chúng ta cũng phải như thế.

Tuy nhiên, chúng ta là những người trần thế thì lẽ tự nhiên là muốn biết lý do tại sao. Nhưng, nếu chúng ta quá thiết tha tìm kiếm cho câu trả lời, thì chúng ta có thể quên đi lý do mà chúng ta hiện diện nơi đây trên trần thế, lý do hiện diện của chúng ta nơi đây có thể được giản dị nói đến như là thời gian mà chúng ta sẽ không có câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi của mình. Trần thế có một mục đích khác biệt, được định nghĩa một cách hạn hẹp hơn: Đó là một nơi để tự chứng tỏ, một trạng thái thử thách, một thời gian bước đi bằng đức tin, một thời gian để chuẩn bị gặp Thượng Đế. (Xin xem ví dụ, Áp Ra Ham 3:24–25; 2 Nê Phi 31:15–16, 20; An Ma 12:24; An Ma 42:4–13.) Đó là trong sự khiêm nhường tuyệt đối (xin xem An Ma 32:6–21) và sự tuân phục (xin xem Mô Si A 3:19) mà chúng ta có thể thấu hiểu trọn vẹn kinh nghiệm trần thế đã định trước cho mình và tự chuẩn bị trí óc và tâm hồn mình để tiếp nhận sự thúc giục của Thánh Linh. Về cơ bản, “lòng khiêm nhường” và “sự tuân phục” là một sự diễn đạt về việc hoàn toàn sẵn lòng bỏ qua những câu hỏi “tại sao” để không được trả lời cho bây giờ, hoặc có lẽ còn hỏi “Tại sao không?”. Đó là “kiên trì chịu đựng” đến cùng (xin xem 2 Nê Phi 31:15–16; An Ma 32:15; GLGƯ 121:8) mà chúng ta hoàn thành các mục đích của cuộc sống này. Tôi tin rằng thử thách quan trọng nhất của cuộc sống trần thế là đương đầu với chữ “tại sao” và rồi bỏ qua, chân thành tin tưởng nơi lời hứa của Chúa rằng “mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó” (GLGƯ 64:32).

Nhưng Chúa đã không để cho chúng ta cảm thấy bị bỏ mặc hay không được đáp ứng. Về việc chữa lành người bệnh, Ngài đã phán rõ ràng: “Và lại nữa, chuyện rằng, những kẻ nào có đức tin nơi ta thì sẽ được chữa lành, và kẻ nào không bị chỉ định phải chết thì cũng sẽ được chữa lành” (GLGƯ 42:48, sự nhấn mạnh thêm vào) Rất thường, chúng ta không chú ý tới cụm từ bổ ngữ: “kẻ nào không bị chỉ định phải chết” (“hay”, chúng ta có thể thêm vào, “phải bị đau yếu hay tật nguyền”). Xin đừng thất vọng khi những lời cầu nguyện thiết tha đã được dâng lên và các phước lành chức tư tế đã được thực hiện và người thân yêu của các anh chị em vẫn không thuyên giảm hay lại còn qua đời. Hãy lấy làm an ủi trong sự hiểu biết rằng các anh chị em đã làm hết mọi điều mà mình có thể làm. Đức tin, sự nhịn ăn và sự ban phước lành như thế không thể nào là vô ích được! Việc con của mình không bình phục mặc dù tất cả những gì đã được làm thay cho nó có thể, và phải, là nền tảng cho sự bình an và sự yên lòng đối với tất cả những người yêu mến nó! Tuy thế Chúalà Đấng soi dẫn các phước lành và là Đấng nghe hết mọi lời cầu nguyện thiết thađã gọi nó về nhà. Tất cả mọi kinh nghiệm về sự cầu nguyện, nhịn ăn và đức tin có thể vì lợi ích của chúng ta nhiều hơn là của đứa con.

Vậy thì, chúng ta nên tiến đến gần ngôi ân điển như thế nào khi chúng ta nghiêm chỉnh nài xin cho một người thân yêu và đặt tay lên đầu của người ấy để ban cho một phước lành qua thẩm quyền của chức tư tế? Làm thế nào chúng ta sử dụng đức tin của mình một cách thích đáng? Tiên Tri Joseph Smith đã định nghĩa nguyên tắc đầu tiên đó của phúc âm là “đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Những Tín Điều 1:4, sự nhấn mạnh được thêm vào). Chính là trong cụm từ định rõ nghĩa ấy—“nơi Chúa Giê Su Ky Tô”—mà đôi khi chúng ta lại quên đi. Rất thường, chúng ta dâng lên lời cầu nguyện của mình hay thực hiện việc làm lễ ban phước lành và rồi nôn nóng chờ đợi xem lời cầu xin của chúng ta sẽ được nhậm hay không, làm như sự nhậm lời sẽ cung ứng sự hiển nhiên cần thiết về sự hiện hữu của Ngài. Đó không phải là đức tin! Một cách khá giản dị, đức tin là sự tin tưởng nơi Chúa. Theo như lời Mặc Môn, thì đó là “một lòng vững chắc trong mọi hình thức tin kính” (Mô Rô Ni 7:30; sự nhấn mạnh được thêm vào). Ba người trai trẻ Hê Bơ Rơ đã biểu lộ sự tin tưởng rằng Chúa sẽ giải thoát họ khỏi lò lửa hực, “dầu chẳng vậy”, họ thưa cùng nhà vua, “chúng tôi không hầu việc các thần của vua” (Đa Ni Ên 3:18; sự nhấn mạnh được thêm vào). Chuyện đáng nói là, không phải ba, mà là bốn người được thấy đi giữa ngọn lửa, và “hình dong của người thứ tư giống như một con trai của các thần” (Đa Ni Ên 3:25).

Điều đó cũng giống như thế đối với chúng ta. Trên thế gian của chúng ta, việc nói rằng “thấy mới tin” là điều thông thường. Dù câu cách ngôn ngắn ngủi này có thể có một giá trị nào đó trong những sinh hoạt bình thường của trần thế, nhưng nó không áp dụng cho những vấn đề thuộc linh, khi chúng ta tìm đến Chúa trong lúc gặp những thử thách chông gai nhất của mình. Cách thức của Chúa được định nghĩa rõ nhất bởi một câu cách ngôn khác: “Tin rồi sẽ thấy”. Đức tin nơi Chúa là tiền đề chứ không phải là kết luận. Chúng ta biết Ngài hằng sống; vậy nên, chúng ta tin tưởng Ngài sẽ ban phước cho chúng ta tùy theo ý muốn và sự thông sáng thiêng liêng của Ngài. Sự tin tưởng chân thật này nơi Chúa được biết trong thánh thư một cách giản dị là sự “hy sinh” với “ một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (GLGƯ 59:8).

Tôi đưa ra điều này với tính cách là một chứng ngôn sâu sắc đạt được từ một thử thách gắt gao về đức tin của tôi trong cuộc sống này. Đứa con trai thứ nhì của chúng tôi, là Adam, được sinh ra khi tôi ở tận xa nơi những khu rừng và ruộng lúa ở Việt Nam. Tôi vẫn còn giữ bức điện tín báo tin vui về sự ra đời của nó. Adam là một đứa bé mắt xanh, tóc vàng với một bản tính tinh nghịch. Khi nó lên năm tuổi, Adam hăm hở trông chờ đến lúc được đi đến trường. Rồi, một bệnh dịch thường thấy nơi trẻ em bao trùm lấy cộng đồng của chúng tôi ở miền Nam California, và Adam mắc phải căn bệnh ấy. Ngoại trừ việc lo an ủi nó, chúng tôi không lo âu gì cả. Dường như bệnh tình của nó nhẹ. Đột nhiên, một buổi sáng nọ, nó không ra khỏi giường; nó bị hôn mê hoàn toàn. Chúng tôi vội chở nó vào bệnh viện, nơi mà nó được đem vào phòng cấp cứu đặc biệt. Một nhóm bác sĩ và y tá đầy tận tâm thường trực chăm sóc nó. Mẹ của nó và tôi thức trắng đêm trong phòng chờ đợi gần đó.

Tôi gọi điện thoại cho vị chủ tịch giáo khu thân yêu của chúng tôi, một người bạn từ thời thơ ấu và giờ đây là người bạn đồng sự yêu quý trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, là Anh Cả Douglas L. Callister, và yêu cầu ông đến bệnh viện và cùng tôi ban cho Adam một phước lành chức tư tế. Trong vòng vài phút, ông đã có mặt ở nơi đó. Khi chúng tôi bước vào căn buồng nhỏ chật hẹp nơi mà thân thể nhỏ bé bất động của Adam nằm, chiếc giường của nó bị vây quanh bởi một rừng dụng cụ linh tinh và máy móc y khoa chằng chịt, các vị bác sĩ và y tá cung kính bước lui và khoanh tay lại. Khi những lời quen thuộc và an ủi của phước lành chức tư tế được thốt ra bằng đức tin và sự khẩn cầu thiết tha, thì tôi bị chế ngự bởi một ý thức mãnh liệt rằng Một Đấng nào đó đang hiện diện. Tôi bị tràn ngập bởi ý nghĩ rằng nếu tôi mở mắt mình ra thì tôi sẽ trông thấy Đấng Cứu Rỗi đứng nơi đó! Tôi không phải là người duy nhất trong căn phòng ấy mà cảm nhận được Thánh Linh đó. Tình cờ mấy tháng sau đó chúng tôi biết được là một trong số các y tá hiện diện vào ngày ấy đã được cảm động nhiều đến nỗi bà đã đi tìm những người truyền giáo và chịu phép báp têm.

Nhưng tuy thế, bệnh tình của Adam không thuyên giảm. Tình trạng của nó không lấy gì làm khả quan hơn trong nhiều ngày nữa trong khi chúng tôi khẩn cầu với Chúa mang nó trở lại cho chúng tôi. Cuối cùng, một buổi sáng nọ sau một đêm thao thức bồn chồn, tôi đã một mình bước đi trong hành lang vắng vẻ của bệnh viện. Tôi thưa cùng Chúa rằng chúng tôi rất muốn đứa con trai nhỏ của mình trở về, nhưng mặc dù vậy, điều chúng tôi muốn nhất là ý Ngài được nên và chúng tôi—Pat và tôi—sẽ chấp nhận điều đó. Adam qua đời trong một thời gian ngắn sau đó.

Thật tình, chúng tôi vẫn còn đau buồn vì đứa con trai nhỏ của mình, mặc dù sự phù trợ dịu dàng của Thánh Linh và năm tháng trôi qua đã xoa dịu nỗi buồn của chúng tôi. Bức ảnh nhỏ của nó điểm thêm vẻ duyên dáng cho cái kệ đặt trên lò sưởi trong căn phòng khách của chúng tôi cạnh bên một tấm ảnh gia đình mới nhất với con cháu chúng tôi. Nhưng Pat và tôi biết rằng con đường của nó qua cuộc sống trần thế mà Cha Thiên Thượng nhân từ đã định cho thì ngắn ngủi và dễ dàng hơn con đường của chúng tôi và giờ đây nó vội vàng có mặt để chào đón khi chúng tôi cuối cùng rồi cũng bước qua ngưỡng cửa định mệnh đó.

Chừng khi qua biển rộng bao la, ta gọi người đi.

Buồn khổ khó khăn sẽ không đến quá sức người đâu.

Vì ta sẽ ở bên ngươi, giữ gìn ngươi an lành.

Oai quyền trong tay ta, ta ban phước thánh hóa ngươi:

Và ta sẽ đem ngươi ra khỏi chốn khốn khổ buồn lo.

Rồi trong những lúc hoạn nạn có ta ở cùng ngươi.

Thì ta sẽ ban phát ngươi phước ân thêm nhiều hơn

Và ta sẽ giúp ngươi thêm sức mạnh đứng vững vàng

Trong lò lửa hồng kìa ta sẽ giúp sức chống cho

Đừng sợ chi, ngươi sẽ đứng vững chắc trong ân lành ta.

Hồn tôi an nghỉ đời đời bên Giê Su Ky Tô.

Dù cho cuộc đời tôi đang khó khăn hay sầu lo,

Lòng tôi mãi mãi ghi sâu những lời răn dạy Ngài.

Linh hồn tôi không bao giờ từ bỏ Chúa Thánh tôi.

Ngài là nơi tôi nương nấu ấm áp trong cuộc đời này.

(“Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6)

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.