2002
Để Trút Bỏ Những Gánh Nặng
Tháng Mười Một Năm 2002


Để Trút Bỏ Những Gánh Nặng

Các anh chị em phải tin rằng Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng sống của Ngài ngõ hầu các anh chị em có thể thực hiện những thay đổi được đòi hỏi trong cuộc sống của mình, những thay đổi mà sẽ mang đến sự bình an.

Nhiều người trong các anh chị em phải mang những gánh nặng một cách vô ích bởi vì các anh chị em không mở rộng lòng mình để đón nhận quyền năng chữa lành của Chúa. Cầu xin cho sứ điệp này có thể khuyến khích các anh chị em cảm nhận được sự thúc giục của Đức Thánh Linh để thực hiện những thay đổi mà sẽ đưa dẫn các anh chị em đến việc được giải thoát khỏi các gánh nặng trĩu. Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Ta sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết…; và ta sẽ làm vậy … để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ.”1 Trước hết tôi sẽ ngỏ lời cùng các anh chị em bị đau khổ bởi vì sự chọn lựa sai của mình, rồi sau đó tôi sẽ đưa ra những lời đề nghị cho các anh chị em bị đau đớn vì những gì mà người khác đã làm cho mình.

Ngồi trước mắt tôi là một người đàn ông thất vọng, đôi tay ôm lấy đầu, nức nở khóc vì những hậu quả không thể tránh được của việc nhiều lần vi phạm các giáo lệnh của Thượng Đế. Anh đau đớn nói: “Tôi không biết làm gì nữa. Mọi điều đang đè nặng lên vai tôi. Tôi chán ngấy về việc trốn chạy rồi. Không có sự bình an , không có hạnh phúc. Khi tôi cầu nguyện, không còn ai lắng nghe. Thì có ích chi nữa?”

Tôi quen biết người ấy đã lâu. Cha mẹ của anh và những người khác đã cố gắng chỉ dẫn anh nhưng cũng ít hiệu quả. Bởi vì những chọn lựa của mình, nên anh đã bỏ quên các lẽ thật mà đáng lẽ giúp đỡ anh. Anh đã không nuôi dưỡng đức tin nơi Đấng Thầy cũng như nơi quyền năng của sự cầu nguyện. Các quyết định của anh tập trung vào những gì mà có thể thỏa mãn lập tức lòng thèm muốn của mình. Anh hoặc làm ngơ đối với những khó khăn hoặc nói dối về chúng. Anh lợi dụng sự rộng lượng của cha mẹ và bạn bè để cố gắng giải quyết nhanh những thử thách. Anh không lường được những hậu quả của những quyết định ngày nay mà ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai.

Với lòng cảm thương cho anh, tôi nhận thức rằng anh không nhìn thấy thực chất của thế gianọ một nơi đầy niềm vui và hạnh phúc, tình bằng hữu chân thật nơi mà đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và việc tuân theo những lời giảng dạy của Ngài mời gọi Đức Thánh Linh đến để thúc giục chúng ta chọn những quyết định đúng. Anh sống trong một môi trường bị ảnh hưởng của Sa Tan chi phối. Anh đã không tuân theo lời khuyên dạy hợp lý , bởi vì trong thế giới của anh, anh không thể thấy điều này có thể hữu hiệu cho anh. Cái nhìn sai lầm này về cuộc sống lại là thật tế đối với anh. Nó đã được phát triển khi anh nhượng bộ những lời cám dỗ tinh ranh như “Cứ làm đi. Cứ thử đi. Sẽ không ai biết đâu. Nó là cuộc sống của ngươi mà. Cứ sống theo lối mình muốn. Họ không thể bắt buộc ngươi được đâu. Ngươi có quyền tự quyết của mình về phương diện đạo đức mà.”

Những thúc giục và sức cám dỗ của trái cấm đã kéo anh xuống con đường mà dường như đầy lôi cuốn hấp dẫn. Anh đã đạt được tột đỉnh ham muốn và đam mê mà quên đi những hậu quả cho đến khi xảy ra những chạm trán nẩy lửa không thể tránh được với các luật pháp của Thượng Đế. Điều đó đưa đến nỗi đau đớn, ân hận và hối tiếc. Rồi Sa Tan cung ứng một lời chỉ thị khác: “Đây là đường cùng rồi. Ngươi cứ tiếp tục làm những gì ngươi đang làm. Không còn hy vọng để thử thay đổi gì nữa được.” Bởi vì những tội lỗi của mình, nên anh ấy không thể thấy được một lối thoát cho những thất bại của mình. Anh sẽ không thấy những điều cần thiết cho một cuộc sống mới trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Sự vi phạm luật pháp vĩnh cửu do ước muốn thỏa mãn nhất thời đã tạo ra cho anh một thế giới bi thảm, đầy giam hãm.

Các anh chị em có thấy mình ở trong hoàn cảnh tương tự không? Các anh chị em có làm những điều mà các anh chị em ước gì mình đừng làm không? Có khó cho các anh chị em thấy được cách giải quyết những vấn đề của mình không? Dường như luôn luôn có một sức nặng trĩu đè lên mình mặc dù các anh chị em đã cố gắng biết bao nhiêu để ném nó xuống không? Dưới ảnh hưởng của những cảm xúc hay những chất kích thích, các anh chị em có thể thấy có những lúc mà dường như được khuây khỏa. Tuy nhiên, trong những lúc suy tư thầm lặng mà chắc chắn sẽ đến, thì các anh chị em nhận thức được rằng cuộc sống của mình không phải là lối mà mình muốn sống như thế. Các anh chị em có thể công khai phàn nàn rằng bạn bè của mình và ngay cả Chúa đã bỏ rơi mình, nhưng trong những lúc suy nghĩ chín chắn thì các anh chị em nhận thấy chính là các anh chị em đã bỏ rơi Ngài và họ. Ôi, xin hãy quyết định bây giờ để tìm lối về với sự bình an và niềm vui mới mẻ mà có thể thay thể những lạc thú thoáng qua của tội lỗi và nỗi đau khổ và trống rỗng theo sau. Các anh chị em đã xác nhận những gì mà thánh thư dạy: “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”2 Giờ đây hãy đạt được niềm vui lâu dài bằng một cuộc sống trong sạch và có mục đích.3

Tôi biết rằng các anh chị em có thể thoát được ảnh hưởng kiềm chế của quỷ dữ và xiềng xích áp chế mà trói buộc cuộc sống của các anh chị em. Sự khuây khỏa đó sẽ đòi hỏi các anh chị em chấp nhận một giải pháp mà có vẻ xa lạ đối với kinh nghiệm cá nhân hiện tại của mình. Nó sẽ đòi hỏi các anh chị em sử dụng đức tin nơi một Cha Thiên Thượng luôn yêu thương các anh chị em. Mặc dù bây giờ các anh chị em có thể không hiểu lý do tại sao, nhưng các anh chị em phải tin rằng Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng sống của Ngài ngõ hầu các anh chị em có thể thực hiện những thay đổi được đòi hỏi trong cuộc sống của mình, những thay đổi mà sẽ mang đến sự bình an và thành công khó đạt được và dường như luôn luôn vượt ngoài tầm tay với của các anh chị em. Hãy tin rằng các anh chị em có thể khắc phục được hoàn cảnh chán nản mà mình đang sống trong đó bằng cách tin tưởng rằng có một đường lối tốt hơn. Các anh chị em phải tìm kiếm sự giúp đỡ của những người khác mà hiểu biết và sống theo đường lối tốt hơn đó, mặc dù các anh chị em không thể hiểu thấu được bây giờ. Điều này sẽ đòi hỏi các anh chị em học hỏi và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa. Một khi các anh chị em đã tự cam kết trọn vẹn việc thực hiện sự thay đổi đó, thì các anh chị em sẽ thấy rằng điều đó không khó như chúng ta nghĩ bây giờ.

Những hậu quả đau đớn của tội lỗi được một Cha Thiên Thượng đầy lòng trắc ẩn cố ý đặt vào kế hoạch hạnh phúc của Ngài ngõ hầu các anh chị em không cần phải đi theo con đường đời đầy bi thảm đó. Một người tội lỗi không những sẽ bị đau khổ trong đời này, mà các tội lỗi không được tha thứ qua sự hối cải chân thành sẽ còn mang nỗi đau đớn cho đến cuộc sống mai sau.4

Sa Tan cố gắng thuyết phục rằng tội lỗi có thể được giấu kín đối với những người khác, tuy thế cũng chính nó khiến cho tội lỗi được tiết lộ trong những tình huống tai hại nhất. Mục tiêu của nó là nô dịch hóa con cái của Thượng Đế. Tất cả những cám dỗ lôi cuốn của nó là nhằm hủy diệt từng cá nhân một. Thật vậy, mỗi người chúng ta cần thường xuyên hối cải và vâng lời ngõ hầu ân tứ của Đấng Cứu Rỗi sẽ thỏa mãn những đòi hỏi của công lý cho ngay cả những lỗi lầm nhỏ của việc mà chúng ta làm hay không làm.

Đấng Cứu Rỗi sẽ mang lấy những hậu quả tội lỗi của các anh chị em khi các anh chị em hối cải bây giờ. Nếu các anh chị em không chịu hối cải, thì sớm muộn gì, các anh chị em cũng sẽ gánh chịu đau khổ vì các tội lỗi của mình.

Hãy nói chuyện với vị giám trợ của các anh chị em. Ông sẽ chỉ cách cho các anh chị em hối cải và sẽ giúp các anh chị em làm điều đó. Khi các anh chị em cầu nguyện và thực hành, thì các anh chị em sẽ được dẫn dắt đến những người khác mà sẽ hỗ trợ các anh chị em.5 Sự hối cải là một tiến trình tẩy sạch. Điều này rất khó khăn, nhưng nó có một mục đích, một mục đích vinh quang với sự bình an và sự tha thứ mới mẻ và phép lạ của một sự khởi đầu mới. Việc thú nhận hành vi sai trái là một bước quan trọng nhưng đó không phải là sự hối cải hoàn toàn. Vị giám trợ của các anh chị em sẽ giải thích kỹ càng những gì các anh chị em phải làm. Tôi sẽ đề cập đến hai khía cạnh của sự hối cải mà mang đến quyền năng chữa lành lớn lao. Một khía cạnh được tìm thấy trong lời phán này của Đấng Thầy:

“Vì ta là Chúa chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận;

“Tuy nhiên, kẻ nào biết hối cải và tuân theo những giáo lệnh của Chúa sẽ được tha thứ.”6

Câu thánh thư đó nhấn mạnh rằng Chúa không thể chịu được tội lỗi nhưng Ngài sẽ tha thứ cho người phạm tội mà biết hối cải nhờ vào tình yêu thương toàn hảo của Ngài. Nó cũng giảng dạy rằng không những là điều quan trọng để tuân giữ một giáo lệnh mà các anh chị em đã vi phạm vào, mà còn bằng cách tuân theo tất cả các giáo lệnh mà các anh chị em sẽ đạt được thêm quyền năng và sự giúp đỡ trong tiến trình hối cải.

Một khía cạnh quan trọng khác của sự hối cải là nhận biết vai trò của Đấng Cứu Rỗi qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Quả thật, chính Sự Chuộc Tội đó làm cho sự hối cải có thể được thực hiện. Khi các anh chị em cầu nguyện và suy ngẫm về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của các anh chị em, thì các anh chị em sẽ thu đạt được động lực và sự khích lệ lớn lao để giúp các anh chị em hối cải. Hãy noi theo tấm gương này của An Ma:

“Cha phải trải qua…trong nỗi đau đớn đắng cay và lo âu nhất trong tâm hồn, cho đến khi cha kêu cầu Chúa Giê-Su Ky Tô thương xót cha, nếu không thì chẳng bao giờ cha được xóa miễn tội lỗi. Nhưng kìa, cha đã khẩn cầu Ngài, và cha đã tìm được bình an cho tâm hồn cha.

“ … Cha nói điều này cho con nghe để con học hỏi rằng loài người chẳng có đường lối hay phương tiện nào khác để được cứu rỗi cả, ngoài cách nhờ Đấng Ky Tô và Đấng Ky Tô mà thôi. Kìa Ngài là sự sống và là sự sáng của thế gian.”7

Các anh chị em sẽ được giúp đỡ bằng cách học hỏi lời giải thích tuyệt diệu về sự cần thiết hối cải và cách thức có thể đạt được nó, như An Ma đã khuyên bảo Cô Ri An Tôn, đứa con lạc lối của mình, trong Sách Mặc Môn.8 Qua sự tin cậy nơi kế hoạch hạnh phúc và khả năng của Đấng Cứu Rỗi để làm tròn các lời hứa của Ngài, bóng tối tội lỗi có thể bị xua tan và niềm vui của một cuộc sống xứng đáng trở lại với sự tin cậy của những người thân yêu, khi đạt được đường lối của Chúa. Đừng đổ lỗi của mình cho những người khác. Hãy hối cải với lòng khiêm nhường bởi vì thánh thư có chép rằng: “Để đáp ứng các mục đích của luật pháp, Ngài tự hiến thân mình làm vật hy sinh để chuộc tội cho tất cả những ai có lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, ngoài ra, chẳng một ai khác có thể được mục đích của luật pháp ấy đáp ứng cả.”9 Xin các anh chị em hãy quyết định hối cải ngay bây giờ.

Các anh chị em có thể đang mang một gánh nặng về cảm nghĩ bị tổn thương bởi một người khác là người đã xúc phạm nặng nề đến các anh chị em. Phản ứng của các anh chị em đối với sự xúc phạm đó có thể đã làm sai lạc sự hiểu biết của các anh chị em đến đỗi các anh chị em cảm thấy là việc chờ cho người đó đến xin lỗi để hết còn đau đớn là đúng. Đấng Cứu Rỗi đã bác bỏ ý nghĩ như thế khi Ngài truyền lệnh:

“Vậy nên, ta nói với các ngươi là phải biết tha thứ cho nhau, vì kẻ nào không biết tha thứ anh em mình thì sẽ bị kết tội trước nhan Chúa, vì kẻ đó còn mắc phải trọng tội hơn.

“Ta là Chúa sẽ tha thứ cho ai ta muốn tha thứ; còn các ngươi thì cần phải biết tha thứ tất cả mọi người.”10

Đừng mang gánh nặng của sự xúc phạm bởi người khác nữa. Hãy thành thật cầu xin sự tha thứ một người đã xúc phạm đến mình, ngay cả khi các anh chị em thấy mình không làm điều gì sai trái. Nỗ lực đó chắc chắn sẽ mang đến cho các anh chị em sự bình an và sẽ có thể bắt đầu chữa lành những hiểu lầm nghiêm trọng.

Nếu các anh chị em tự mình thoát khỏi tội lỗi nghiêm trọng, thì đừng chịu đựng một cách vô ích những hậu quả của tội lỗi người khác. Với tư cách là người vợ, chồng, cha, mẹ hay một người thân, các anh chị em có thể cảm thấy lòng trắc ẩn đối với người mà đang sống trong đắng cay khốn khổ của tội lỗi. Tuy nhiên, các anh chị em không nên gánh lấy một cảm nghĩ về trách nhiệm đối với những hành vi đó. Khi các anh chị em đã làm những gì hợp lý để giúp người mà mình yêu thương, thì hãy đặt gánh nặng xuống chân của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã mời gọi các anh chị em làm như thế để các anh chị em có thể thoát khỏi nỗi lo âu và thất vọng vô ích.11 Khi làm như vậy, không những các anh chị em sẽ tìm được sự bình an mà còn chứng tỏ đức tin của mình nơi quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để nâng gánh nặng tội lỗi lên khỏi một người thân qua sự hối cải và sự vâng lời của người ấy.

Giờ đây đối với các anh chị em đã bị tổn thương bởi tội lỗi lạm dụng ngược đãi đáng sợ. Sự lạm dụng tinh thần, thể xác hay tình dục có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài trừ phi chúng được Chúa chữa lành. Chúng có thể gồm có sự sợ hãi, buồn rầu, mặc cảm, tự oán giận mình và một sự thiếu tin cậy sâu xa nơi những người khác mà trở thành một trở ngại cho sự chữa lành. Sự lạm dụng mà các anh chị em phải chịu đựng là kết quả của sự tấn công bất chính của những người khác vào quyền tự quyết về phương diện đạo đức trái với ý nguyện của mình. Theo công lý , Chúa đã cung ứng một cách thức cho các anh chị em để vượt qua những hậu quả nguy hại của sự lạm dụng. Sự giúp đỡ đó có thể bắt đầu với lời khuyên nhủ của cha mẹ, các vị lãnh đạo chức tư tế và, khi cần thiết, sự giúp đỡ của các chuyên gia thạo giỏi. Tuy nhiên, các anh chị em không cần nhận lấy lời khuyên nhủ cả đời mình. Sự hoàn toàn chữa lành sẽ đến qua đức tin của các anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng và khả năng của Ngài, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, để chữa lành các vết thương lòng của điều phi lý và bất công. Các anh chị em có thể thấy rằng thật là điều khó khăn để tin tưởng với những cảm nghĩ hiện tại của mình. Tôi đã chứng kiến việc Đấng Cứu Rỗi đã chữa lành những trường hợp lạm dụng gia trọng theo cách thức đó. Hãy suy ngẫm về quyền năng của Sự Chuộc Tội.12 Hãy cầu nguyện để hiểu được cách thức nó có thể chữa lành các anh chị em.13 Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của vị giám trợ của các anh chị em ngõ hầu Chúa có thể giải thoát các anh chị em khỏi gánh nặng mà các anh chị em không gây ra.

Để kết thúc, nếu các anh chị em cảm thấy ấn tượng được giải thoát khỏi những gánh nặng do chính các anh chị em hay những người khác gây ra, thì những ấn tượng đó là một lời mời gọi từ Đấng Cứu Chuộc. Hãy hành động theo những thúc giục đó ngay bây giờ. Ngài yêu mến các anh chị em. Ngài phó mạng sống của Ngài để các anh chị em có thể được giải thoát khỏi các gánh nặng không cần thiết. Ngài sẽ giúp các anh chị em làm điều đó. Tôi biết rằng Ngài có được quyền năng để chữa lành các anh chị em. Hãy bắt đầu ngay bây giờ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mô Si A 24:14.

  2. An Ma 41:10.

  3. Xin xem GLGƯ 82:10.

  4. Xin xem GLGƯ 19:4, 15õ24.

  5. Xin xem Harold B. Lee, Stand Ye in Holy Places (1974), 220õ21; xin xem thêm Spencer W. Kimball, The Miracle of Forgiveness (1969), 177õ90, 201õ12, 339õ60.

  6. GLGƯ 1:31õ32; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  7. An Ma 38:8õ9.

  8. Xin xem An Ma 39õ42.

  9. 2 Nê Phi 2:7; xin xem thêm Thi Thiên 34:18.

  10. GLGƯ 64:9-10; xin xem thêm Mác 11:25õ26; Lu Ca 6:37; Mô Si A 26:29õ32; 3 Nê Phi 13:14õ15.

  11. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28õ30.

  12. Xin xem John Taylor, The Mediation and Atonement [1882].

  13. Xin xem Richard G. Scott, “Healing the Tragic Scars of Abuse,” Ensign, tháng Năm năm 1992, 31.