2002
Cha Ơi, Cha Còn Thức Không
Tháng Mười Một Năm 2002


Cha Ơi, Cha Còn Thức Không

Các đứa con trai của các anh em có bao giờ tự hỏi là các anh em còn đang ngủ khi có những điều quan trọng nhất xảy ra với chúng không?

Cách đây không lâu, Anh Cả Pace, Anh Cả Condie và tôi họp với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Khi chúng tôi bước vào phòng, Chủ Tịch Hinckley nhìn kỹ chúng tôi và rồi với nụ cười trên mặt, ông nói: “Làm thế nào mà ba người lớn tuổi, tóc bạc lại là Chủ Tịch Đoàn Hội Thiếu Niên của Giáo Hội này?” Câu trả lời duy nhất của chúng tôi là: “Bởi vì Chủ Tịch đã kêu gọi chúng tôi.”

Các em thiếu niên thân mến, chúng tôi hy vọng rằng các em đang phấn khởi về chương trình Chức Tư Tế A Rôn, Làm Tròn Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế. Chương trình này đã được giới thiệu với tất cả những người thuộc Chức Tư Tế A Rôn trên khắp thế giới. Chương trình này nhằm ban phước cho các em về phương diện thuộc linh, vật chất, giao tế và tinh thần. Những điều kiện đòi hỏi đều có ý nghĩa và sẽ làm cho các em hầu như tận dụng các khả năng của mình. Các em sẽ có khả năng thiết lập các mục tiêu cá nhân và hoàn tất chúng với sự giúp đỡ của cha mẹ và những vị lãnh đạo cao quý của mình. Có một sự phấn khởi tuyệt diệu về chương trình này trong toàn Giáo Hội. Chúng tôi muốn mỗi một em được hội đủ điều kiện và tiếp nhận Phần Thưởng đáng được mong muốn đó về Bổn Phận đối với Thượng Đế.

Cách đây nhiều năm, tôi dẫn con trai duy nhất của chúng tôi làm một chuyến đi cắm trại, câu cá đầu tiên của nó—nó chỉ là một đứa bé trai. Sườn núi thì dốc và rất khó để leo xuống vực núi. Nhưng câu cá ở đó thì rất tốt. Mỗi lần cá cắn câu thì tôi đưa cần câu cho đứa bé trai đầy hăm hở này và với tiếng reo mừng, nó quay sợi dây kéo con cá hồi thật đẹp vào. Dưới bóng mát của xế chiều, chúng tôi bắt đầu leo trở lên mép núi trên cao. Nó bò nhanh lên núi trước tôi với lời thách thức: “Nào, Cha, con đánh cuộc là con sẽ thắng cha tới đỉnh núi trước.” Tôi có nghe lời thách thức đó nhưng đã khôn ngoan làm ngơ. Tấm thân nhỏ bé của nó dường như thực sự bay bổng, trên, dưới hay chung quanh mỗi trở ngại trong khi mỗi bước chân của tôi dường như khó khăn đến nỗi tôi nghĩ là tôi sắp chết, nó đến đỉnh núi và đứng đó cổ vũ khích lệ tôi. Sau bữa ăn tối, chúng tôi quỳ xuống cầu nguyện. Giọng nhỏ nhẹ của nó dịu dàng hướng về thiên thượng dâng lên lời cầu nguyện kết thúc trong ngày của chúng tôi. Rồi chúng tôi chui vào chiếc túi ngủ khổ đôi to rộng và sau một hồi trăn trở, tôi cảm thấy tấm thân bé nhỏ của nó rúc gần vào người tôi để có được hơi ấm và sự an toàn trong đêm đen. Khi tôi nhìn đứa con trai bên cạnh mình, đột nhiên tôi cảm thấy một tình yêu thương trào dâng qua thân thể tôi mãnh liệt đến nỗi nó khiến tôi ứa nước mắt. Và, vào đúng lúc đó, nó choàng đôi cánh tay nhỏ bé quanh người tôi và nói: “Cha ơi.”

“Sao, con.”

“Cha còn thức không?”

“Ừ, con, cha còn thức đây.”

“Cha ơi, con thương cha một triệu, một tỉ lần!!”

Và ngay sau đó, nó thiếp đi. Nhưng, tôi còn thức rất lâu để bày tỏ lòng cảm tạ sâu xa của tôi đối với các phước lành tuyệt diệu như thế được thể hiện trong hình hài của một đứa bé trai.

Giờ đây, đứa con trai của tôi là một người đàn ông, và có được một đứa con trai của chính nó. Thỉnh thoảng cả ba chúng tôi đi câu cá. Tôi nhìn đứa cháu nội nhỏ của mình với mái tóc màu đỏ bên cạnh cha nó và tôi nhớ lại hình ảnh của thời gian tuyệt vời đó cách đây đã lâu. Câu hỏi được đặt ra một cách ngây thơ: “Cha ơi, cha còn thức không?” vẫn còn vang lên trong lòng tôi.

Đối với mỗi người cha, tôi cũng đặt ra câu hỏi nghiêm túc ấy: “Cha ơi, cha còn thức không?” Các đứa con trai của các anh em có bao giờ tự hỏi là các anh em còn đang ngủ khi có những điều quan trọng nhất xảy ra với chúng không? Tôi xin đề nghị rằng có vài lãnh vực mà cho thấy chúng ta ‘đang thức’ hoặc ‘đang ngủ’ trong mắt của các đứa con trai của mình.

Thứ nhất: Tình yêu mến đối với Thượng Đế và chấp nhận vai trò của mình là người lãnh đạo gia đình trong việc tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Cách đây một vài năm, tiếp theo một đại hội giáo khu, tôi có ấn tượng là phải đi thăm một anh nắm giữ chức tư tế mà đã xa rời Giáo Hội. Chúng tôi tìm thấy anh đang làm việc trong miếng vườn của anh. Tôi tiến đến gần anh và nói: “Người anh em thân mến, Chúa Giê Su Ky Tô gửi tôi đến thăm anh. Tôi là Anh Cả Hammond, một trong các tôi tớ của Ngài.”

Chúng tôi ôm chào nhau theo tục lệ của người Mỹ La Tin và bước vào căn nhà nhỏ xinh xắn của anh. Anh gọi vợ và ba con của anh ra nói chuyện với chúng tôi. Hai thiếu niên đẹp trai và một cô gái mỹ miều ngồi bên cạnh cha mẹ của chúng. Tôi hỏi các đứa trẻ hiện nay chúng muốn điều gì hơn hết trên thế gian. Đứa con trai lớn nói: “Nếu chúng tôi có thể trở lại Giáo Hội với tư cách là một gia đình, thì chúng tôi sẽ hạnh phúc lắm—biết ơn nhiều.” Tôi bảo họ rằng Đấng Cứu Rỗi cần họ biết bao và Ngài yêu mến họ biết bao. Chúng tôi chia sẻ chứng ngôn của mình với họ và rồi quỳ xuống cầu nguyện. Người cha cầu nguyện. Người mẹ khóc. Giờ đây họ đã trở về tích cực hoạt động trong Giáo Hội. Các đứa con lấy làm hãnh diện về người cha của mình và họ được hạnh phúc.

Mỗi người cha trong Giáo Hội phải thực hiện chức năng là người tộc trưởng. Người cha phải đảm nhận việc hướng dẫn phần thuộc linh trong gia đình mình. Người cha không được ủy thác hay từ bỏ các trách nhiệm của mình cho người mẹ. Người cha phải kêu gọi mngười tham gia vào việc cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, đọc thánh thư và những cuộc phỏng vấn thỉnh thoảng của người cha. Người cha là người bảo vệ, người bênh vực và nguồn kỷ luật nhân ái. Người cha phải là người hướng dẫn, đoàn kết và củng cố đơn vị gia đình bằng cách chấp nhận chức tư tế của Thượng Đế và đáp ứng những sự kêu gọi và các đặc ân liên quan đến thẩm quyền chức tư tế. Mối quan hệ của người cha với Thượng Đế và Vị Nam Tử Giê Su Ky Tô của Ngài là một trong những ngọn hải đăng hướng dẫn các con trai và các con gái của mình qua những sóng gió ngấm ngầm của cuộc đời.

Nếu người cha là một môn đồ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô, thì các đứa con trai sẽ noi theo người cha như đêm và ngày. “Cha ơi, cha còn thức không?”

Thứ hai: Mối quan hệ mà chúng ta có với người vợ của mìnhọlà mẹ của con cái chúng ta. Khi suy xét về mọi thứ khác mà chúng ta làm, cách thức chúng ta đối xử với người vợ của mình có thể tác động mạnh mẽ nhất đối với cá tính của các đứa con trai của chúng ta. Nếu một người cha phạm tội ngược đãi trong lời nói hay hành động trong bất cứ mức độ nào với người bạn đời của mình, thì các đứa con trai của người ấy sẽ phẫn nộ đối với người ấy về điều đó, có lẽ ngay cả xem thường người ấy. Nhưng khá thú vị thay, khi chúng lớn lên và kết hôn, chúng có thể noi theo mẫu mực ngược đãi ấy với vợ của chúng. Trong xã hội của chúng ta rất cần phải có những người cha mà tôn trọng vợ họ và đối xử với vợ họ bằng tình yêu thương mặn mà, dịu dàng.

Mới đây, tôi đã nghe chuyện về một người cha đã điên rồ gọi người vợ mỹ miều, thông minh của mình là “ngu xuẩn” và “đần độn” trong một cách thức nhục mạ nhất đối với một lỗi lầm nhỏ nào đó mà chị ấy đã vô tình làm. Mấy đứa con đã nghe được, bối rối và hoảng sợ cho Mẹ chúng. Chị bị xem thường trước mặt những người mà chị yêu thương nhất. Mặc dù đã có một lời xin lỗi và sự tha thứ, nhưng sự tổn thương và nỗi tủi thẹn của giây phút rồ dại ấy vẫn còn.

Thánh Linh của Chúa không thể được trông mong ban phước cho cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta vẫn khăng khăng tức giận, nhẫn tâm và ác độc với vợ của mình. Chúng ta không thể trông mong các con trai của mình phát triển sự kính trọng và tính hòa nhã đối với mẹ của chúng nếu chúng ta không cung ứng tấm gương đúng đắn. Chủ Tịch David O. McKay đã nói: “Điều quan trọng nhất mà một người cha có thể làm cho con cái của mình là yêu thương mẹ của chúng.” (được trích dẫn từ Theodore Hesburgh, Readers’s Digest, tháng Giêng năm 1963, 25; trong Richard L. Evans’ Quote Book, [1971], 11) “Cha ơi, cha còn thức không?”

Thứ ba: Cung ứng kỷ luật chính đáng và thi hành với tình yêu thương. Nhiều khi, bởi vì sự bực mình và yếu đuối của mình, chúng ta đưa tay đánh con cái mình, thường là trong một cố gắng bảo vệ tính kiêu ngạo ích kỷ của mình. Mỗi đứa trẻ cần được kỷ luật. Không những chúng cần kỷ luật, mà chúng còn kỳ vọng được kỷ luật, chúng muốn được kỷ luật. Kỷ luật mang đến sự hướng dẫn và dạy sự tự chế, nhưng trong tất cả mọi kỷ luật, phải có một ý nghĩa của óc xét đoán ngay chính và tình yêu thương chân thật.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, người Mẹ góa bụa của tôi đã dạy dỗ tôi với kỷ luật nghiêm khắc nhất mà bà có thể làm. Bà nói với đôi mắt đẫm lệ: “Con của mẹ, mẹ rất thất vọng về con.” Nỗi đau đớn trong lòng tôi nặng nề hơn tôi có thể chịu đựng được. Hằng ngàn ngọn roi cũng không thể làm tôi đau bằng. Tôi biết rằng lời khiển trách như thế chỉ có thể được thốt ra với tôi từ tình yêu thương chân thật của bà mà thôi, bởi vì nếu có một điều mà tôi chắc chắn biết, thì đó là Mẹ tôi yêu thương tôi. Tôi quyết tâm không làm người Mẹ thiên thần của tôi phải chịu thất vọng và đau lòng nữa. Tôi tin rằng tôi đã thành công trong quyết tâm đó.

Khi nói về kỷ luật, thì “Cha ơi, cha còn thức không?

Thưa các người cha, điều quan trọng mà tôi đã đề cập đến là những thử thách phải bị khống chế trong cuộc sống của chúng ta nếu các đứa con trai của chúng ta cần phải trưởng thành về phương diện thuộc linh và tình cảm. Nếu chúng ta làm thế, thì chúng sẽ không hổ thẹn vì chúng ta, cũng như chúng sẽ không bao giờ hổ thẹn vì bản thân của chúng. Chúng sẽ trở thành những người có danh dự, biết kính trọng, đầy tình thương, sẵn lòng phục vụ Đấng Cứu Rỗi và đặt ý muốn của chúng tuân phục theo Ngài. Rồi chúng ta sẽ hân hoan với sự kiện rằng chúng thuộc về chúng ta mãi mãi. Chúng sẽ nói: “Cha ơi, cha còn thức không?”

Và chúng ta sẽ đáp: “Ừ, con, cha vẫn còn thức đây.”

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.