2002
Được Kêu Gọi Phục Vụ
Tháng Mười Một Năm 2002


Được Kêu Gọi Phục Vụ

Việc nuôi dưỡng gia đình của chúng ta và phục vụ trung tín trong Giáo Hội, làm tất cả những điều này mà không chạy nhanh hơn sức của mình đòi hỏi sự khôn ngoan, óc xét đoán, sự giúp đỡ thiêng liêng—và chắc chắn một số hy sinh.

Xin kính chào các anh chị em. Tôi mang đến các anh chị em lời chào mừng từ các tín hữu và những người truyền giáo tuyệt diệu ở Châu Mỹ La Tin. Như nhiều anh chị em đã biết, Anh Cả và Chị Dallin Oaks và Anh Cả và Chị Holland đã được kêu gọi phục vụ ở các Giáo Vùng Phi Luật Tân và Chí Lợi của Giáo Hội theo thứ tự. Nếu có sự bàn tán xôn xao về việc này, thì điều đó chứng tỏ rằng có mối quan tâm đến Giáo Hội nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Bất luận sự suy đoán của các anh chị em như thế nào, tôi nghĩ tôi được cho phép bảo đảm với các anh chị em rằng chúng tôi không đi đến nơi xa xôi ấy giống như hai trong số Bốn Kỵ Sĩ của Sách Khải Huyền. Đối với những người tìm kiếm một “dấu hiệu” trong tất cả điều này, thì hãy chấp nhận đó là một dấu hiệu của một Giáo Hội kỳ diệu, đang tăng trưởng và quốc tế, với các tín hữu và những người truyền giáo đang lan tràn khắp các ngôn ngữ và lục địa. Đó là niềm vui để gặp gỡ và phục vụ với các Thánh Hữu Ngày Sau bất cứ nơi đâu, gần hoặc xa, ở trong nước hoặc ở ngoại quốc và chúng tôi cám ơn các anh chị em về những lời cầu nguyện và mối quan tâm của các anh chị em trong công việc này.

Dĩ nhiên, sự phục vụ như thế bởi Nhóm Túc Số Mười Hai cũng không mới mẻ gì và tôi phải nói rằng thế hệ của chúng ta gặp ít thử thách khi ra đi hơn các bậc tiền bối của mình. Điều tốt hơn hết là tôi có được Chị Holland ở bên cạnh mình, thay vì bỏ chị ở lại nhà để lo liệu cho bản thân chị và con cái chúng tôi. Vả lại, tôi không phải lao nhọc chân tay khi đi đường ngõ hầu kiếm được tiền di chuyển đi Santiago. Chúng tôi bay đến địa điểm của mình trong một vài giờ đồng hồ trên một chiếc phi cơ phản lực hiện đại hơn là phải đi bằng tàu hằng tuần, ngay cả hằng tháng, ngồi trong khoang hạng chót. Tôi không ra đi mà bị nóng lạnh, dịch tả hay lao phổi, mặc dù tôi đã bị cảm lạnh và một chặng bay của chúng tôi bị trì hoãn một giờ đồng hồ. Tôi đã hy vọng rằng những sự hy sinh đó cho tôi đủ điều kiện để gặp Phi E Rơ và Phao Lô, Brigham và Heber.

Như nhiều anh chị em, tôi lớn lên và được nghe các câu chuyện về những người anh em thời xưa đã đi Gia Nã Đại, Anh, Scandinavia, lục địa Âu Châu, các Quần Đảo Thái Bình Dương, Mễ Tây Cơ, Á Châu và vân vân. Mới gần đây nhất, tôi đã đọc về sứ mệnh ngắn ngủi của Parley P. Pratt ở Chí Lợi, nơi mà hai vợ chồng ông đã mất đứa con sơ sinh và chôn nó ở Valparaiso. Tôi có đọc về Anh Cả Melvin J. Ballard đã được kêu gọi đi làm lễ cung hiến Nam Mỹ khi lục địa tuyệt vời đó vẫn còn là một nơi truyền giáo mới mẻ và mênh mông. Sự phục vụ để xây dựng một Giáo Hội mới, đang tăng trưởng không bị đòi hỏi một cách tình cờ mà cũng chẳng được ban cho một cách dễ dàng. Thỉnh thoảng những trở ngại thì lại to lớn và đôi khi giá phải trả thì rất đắt.

Và chúng ta không những nói đến những người anh em thời xưa đó mà đã ra đi phục vụ, mà còn nói đến những phụ nữ đã ủng hộ họ—và ngoài ra còn phải nuôi sống bản thân họ và con cái họ, ở lại nhà để nuôi dạy và bảo vệ gia đình, một phần kia của vườn nho của Chúa mà Ngài luôn nhắc nhở đến.

Vào ngày mà người chồng của mình ra đi lần thứ nhì đến nước Anh, Vilate Kimball rất yếu, run rẩy nhiều với cơn sốt, đến nỗi bà không thể làm gì hơn là nắm lấy tay chồng mình một cách yếu ớt khi ông nói lời từ giã trong nước mắt. Lúc bấy giờ, đứa con nhỏ David của họ chưa đến bốn tuần, và chỉ một đứa con, Heber Parley lên bốn tuổi, thì đủ mạnh để còn xách nước cho gia đình đang đau ốm. Trong vòng vài giờ sau khi chồng bà ra đi, Vilate mất hết sức và đã phải cần được dìu trở lại giường của mình.

Mary Ann Young và con cái của bà cũng đau yếu như thế khi Brigham ra đi với cùng một sứ mệnh, và tình trạng tài chính của họ thì cũng bấp bênh. Lời mô tả đầy cảm động về việc bà vượt qua Sông Mississippi trong mùa đông băng giá, áo quần mong manh và run lẩy bẩy vì lạnh, việc ôm chặt đứa con gái sơ sinh của mình vào lòng trong khi bà bước đi, việc đến văn phòng thu góp tiền thập phân ở Nauvoo để xin một ít khoai tây. Rồi, vẫn còn bị sốt, bà trở về với đứa bé vượt qua con sông nguy hiểm đó, mà không hề viết cho chồng mình biết gì về những nỗi khó khăn như thế.1

Ngày nay, rất ít khi chúng ta đương đầu với những hoàn cảnh đó, mặc dù nhiều người truyền giáo và các tín hữu vẫn còn hy sinh nhiều để làm công việc của Chúa. Khi các phước lành đến và Giáo Hội trưởng thành, tất cả chúng ta đều hy vọng rằng sự phục vụ sẽ không bao giờ khó khăn như các tín hữu thời xưa đã gặp, nhưng ngày nay trong khi những người truyền giáo đang hát từ Oslo đến Osorno và từ Seattle đến Cebu, thì chúng ta được “kêu gọi phục vụ.”2 Việc nuôi dưỡng gia đình của chúng ta và phục vụ trung tín trong Giáo Hội, làm tất cả những điều này mà không chạy nhanh hơn sức của mình 3 đòi hỏi sự khôn ngoan, óc xét đoán, sự giúp đỡ thiêng liêng—và chắc chắn một số hy sinh. Từ A Đam đến hiện giờ, đức tin chân thật nơi Chúa Giê Su Ky Tô luôn được liên kết với sự hy sinh, việc dâng hiến của chúng ta chỉ là một biểu tượng nhỏ so với sự dâng hiến vĩ đại của Ngài.4 Với ý nghĩ vững chắc vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng một tôn giáo mà không bao gồm các giao ước hy sinh thì không thể có được quyền năng để mang đến lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu.5

Tôi xin phép được chia sẻ một tấm gương hiện đại về cả sự thử thách lẫn các phước lành mà “sự kêu gọi phục vụ” của chúng ta có thể mang đến. Một chị phụ nữ tuyệt vời nọ mới đây nói với một người bạn thân: “Tôi muốn cho chị biết lúc mà tôi ngừng bực tức đối với thời gian và sự hy sinh của chồng tôi với tư cách là giám trợ. Dường như là điều kỳ lạ khi một ‘trường hợp khẩn cấp’ luôn xảy ra với một tín hữu trong tiểu giáo khu đúng lúc anh ấy và tôi sắp cùng đi ra ngoài cho một dịp đặc biệt nào đó.

“Một ngày nọ, tôi bày tỏ nỗi bực mình của mình và chồng tôi đồng ý là chúng tôi nên đảm bảo dành ra một đêm, ngoài các đêm thứ Hai, trong một tuần cho riêng chúng tôi. Vậy thì, ‘đêm hẹn đi chơi’ đầu tiên đến và chúng tôi sắp bước vào xe để đi chơi với nhau trong một buổi tối thì điện thoại reo.

“Tôi mỉm cười với anh ấy: ‘Đây là cuộc trắc nghiệm.’ Điện thoại tiếp tục reo. ‘Hãy nhớ đến sự thỏa thuận của chúng ta. Hãy nhớ đến cuộc hẹn đi chơi của chúng ta. Hãy nhớ đến em. Hãy để cho điện thoại reo.’ Cuối cùng tôi không còn mỉm cười được nữa.

“Người chồng tội nghiệp của tôi trông như đang giằng co giữa tôi và chiếc máy điện thoại đang reo. Tôi thật sự biết rằng lòng chung thủy cao quý nhất của anh ấy là cho tôi và tôi biết anh ấy rất muốn có được buổi tối đó như tôi rất muốn. Nhưng dường như anh ấy bị đờ người ra trước tiếng chuông điện thoại.

Anh ấy nói với đôi mắt buồn bã: ‘Ít nhất anh cũng nên xem như thế nào. Có lẽ cũng chẳng có gì đâu.’

Tôi kêu lên: “Nếu anh làm thế, thì cuộc hẹn đi chơi của chúng mình sẽ bị bãi bỏ. Em biết mà.’

“Anh siết tay tôi và nói: ‘Anh trở lại ngay,’ và anh phóng người chạy vào nhấc điện thoại.

“Vâng, khi chồng tôi không trở lại xe ngay, tôi biết điều gì đã xảy ra. Tôi bước ra khỏi xe, đi vào nhà và đi ngủ. Sáng hôm sau, anh nhẹ nhàng nói lời xin lỗi, tôi thốt ra một lời chấp nhận còn nhẹ nhàng hơn và câu chuyện chấm dứt ở đó.

“Hoặc là tôi nghĩ như thế. Tôi thấy sự kiện đó vẫn còn làm cho tôi khó chịu đến mấy tuần sau đó. Tôi không trách chồng mình, nhưng tôi thất vọng. Sự kiện đó vẫn còn mới mẻ trong tâm trí tôi cho đến khi tôi gặp một người phụ nữ trong tiểu giáo khu mà tôi hầu như không quen biết. Chị rất ngại ngùng khi yêu cầu được cơ hội để nói chuyện. Rồi chị kể về sự say đắm của chị với một người đàn ông mà dường như mang đến nhiều hào hứng cho cuộc sống vất vả cực nhọc của chị; chị là người có chồng làm việc toàn thời gian và ghi danh học nhiều lớp tại trường đại học. Căn hộ của họ thì chật hẹp. Con cái chị còn nhỏ và thường vòi vĩnh, ồn ào và làm chị mệt mỏi. Chị nói: ‘Tôi đã rất muốn rời bỏ những gì tôi thấy là hoàn cảnh bất hạnh của tôi, và ra đi với người đàn ông này cho rồi. Tình cảnh của tôi làm cho tôi cảm thấy tôi có quyền xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp hơn những gì tôi đang có. Lý luận của tôi thuyết phục tôi nghĩ rằng tôi có thể bỏ chồng tôi, con tôi, các giao ước đền thờ của tôi và Giáo Hội của tôi và đi tìm hạnh phúc với một người xa lạ.’

“Chị nói: ‘Kế hoạch đã định, giờ thoát ly của tôi đã được thỏa thuận. Tuy thế, như thể một giây phút tỉnh táo cuối cùng, lương tâm của tôi bảo tôi gọi chồng của chị, vị giám trợ của tôi. Tôi nói ‘lương tâm’ nhưng tôi biết đó là sự thúc giục thiêng liêng thẳng từ thiên thượng. Hầu như miễn cưỡng, tôi đã gọi. Điện thoại reo và reo và reo mãi. Và như thế trong tâm trí tôi có ý nghĩ: ‘Nếu vị giám trợ không trả lời, thì đó sẽ là một dấu hiệu cho tôi phải đi theo với kế hoạch của mình.’ Điện thoại tiếp tục reo và tôi sắp bỏ xuống và đi thẳng đến sự hủy diệt thì đột nhiên tôi nghe tiếng của chồng chị. Nó xuyên thấu hồn tôi như sấm chớp. Thình lình, tôi nghe tiếng mình nức nở nói rằng: ‘Giám trợ, phải giám trợ đó không? Tôi đang gặp rắc rối. Tôi cần được giúp đỡ.’ Người chồng của chị đã đến với sự giúp đỡ và ngày nay tôi được an toàn bởi vì ông ấy đã trả lời cú điện thoại đó.

“‘Tôi nhìn lại và nhận biết rằng tôi mệt mỏi, rồ dại và yếu đuối. Tôi hết lòng yêu thương chồng tôi và con cái. Tôi không thể tưởng tượng nổi thảm kịch mà cuộc sống của tôi sẽ phải chịu nếu không có họ. Những lúc sau này vẫn còn những thời gian khó khăn cho gia đình của chúng tôi. Tôi biết mọi người đều gặp phải điều đó. Nhưng chúng tôi đã giải quyết một số vấn đề và hoàn cảnh của chúng tôi dường như sáng sủa hơn. Và cuối cùng nó luôn được như thế.’ Rồi chị ấy nói: ‘Tôi không quen biết chị nhiều nhưng tôi muốn cám ơn chị đã tán trợ chồng chị trong sự kêu gọi của ông ấy. Tôi không biết cái giá của sự phục vụ như thế là ra sao đối với chị, hay với con cái của chị nhưng nếu vào một ngày khó khăn, thì có một cái giá đặc biệt dành cho cá nhân, xin hãy biết rằng tôi sẽ mãi mãi biết ơn sự hy sinh mà những người giống như chị đã làm để giúp cứu vớt những người như tôi.’”

Thưa các anh chị em, xin hãy hiểu rằng tôi là một người đang rao giảng một cách rõ ràng với một kỳ vọng có thể hiểu được, hiện thực hơn về những gì mà các vị giám trợ và những vị lãnh đạo khác của các anh chị em có thể làm. Tôi đặc biệt cảm thấy một loạt đòi hỏi về bổn phận công dân, nghề nghiệp hoặc những đòi hỏi khác mà sẽ bắt buộc cha mẹ, kể cả và đặc biệt những người mẹ, phải rời nhà nơi mà các con cái được nuôi dưỡng là một trong số những vấn đề nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện nay. Và bởi vì tôi kiên quyết về việc những người phối ngẫu và con cái xứng đáng được có thời gian thiêng liêng, cam kết của một người chồng và người cha, cho nên hết chín phần mười, tôi đồng ý với người vợ bảo chồng mình đừng trả lời điện thoại. Nhưng tôi biết ơn, trong cách thức riêng của mình như người phụ nữ trẻ đó trong cách thức riêng của chị, rằng trong trường hợp này, người đàn ông tốt bụng này đã tuân theo sự thúc giục của Thánh Linh và đã trả lời “cú điện thoại” đó của mình—trong trường hợp này, thực sự—là “sự kêu gọi phục vụ” của người ấy.

Tôi làm chứng về nhà cửa, gia đình và hôn nhân, những tài sản quý giá nhất của con người trong cuộc sống chúng ta. Tôi làm chứng về sự cần thiết để bảo vệ và bảo tồn chúng trong khi chúng ta tìm ra thời giờ và cách thức để phục vụ trung tín trong Giáo Hội. Trong những giây phút mà tôi hy vọng là hiếm hoi ấy, khi mà các trách nhiệm gia đình và “sự kêu gọi phục vụ” xung đột với nhau, khi Thánh Linh và bổn phận của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải hành động, thì tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với mọi người vợ đã phải ngồi một mình chờ đợi chồng với bữa ăn nguội lạnh, mọi người nam đã tự nấu ăn và bữa ăn dù thế nào đi nữa cũng không ngon vì nguội lạnh, và mỗi trẻ em mà đã bị thất vọng vì chuyến đi cắm trại hoặc một trận đấu banh đã bị hoãn lại khi người cha hay mẹ đã bất ngờ phải vắng mặt (và chớ để điều đó xảy ra quá thường!) Tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với mỗi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo và vợ của họ, con cái của họ, mỗi cặp vợ chồng lớn tuổi được kêu gọi phục vụ với họ, và tất cả những người khác là những người trong một thời gian đã vắng mặt khi có cháu sinh ra và lễ báp têm, đám cưới và đám tang, những kinh nghiệm gia đình và vui chơi để đáp ứng “sự kêu gọi phục vụ.” Tôi cám ơn tất cả mọi người trong những hoàn cảnh khó khăn trong khắp Giáo Hội, đã “làm hết khả năng tốt nhất mà họ có thể làm” để xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.

Tôi làm chứng về sự hy sinh và phục vụ của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đã ban mọi điều cho chúng ta và trong tinh thần ban cho đó đã phán: “hãy theo ta.”6 Ngài đã phán: “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người.”7 Sự phục vụ như thế chắc chắn mang đến những quyết định khó khăn về cách quân bình các ưu tiên và cách làm môn đồ tốt nhất mà Ngài muốn chúng ta trở thành. Tôi cảm tạ Ngài về sự hướng dẫn thiêng liêng của Ngài trong việc giúp chúng ta chọn những quyết định đó và giúp chúng ta tìm ra con đường đúng cho mọi người có liên hệ đến quyết định đó. Tôi cảm tạ Ngài “đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta”8 và Ngài đã kêu gọi chúng ta làm cùng những điều ấy cho nhau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Để biết thêm tác phẩm đầy đủ về những kinh nghiệm này, xin xem James B. Allen và những người khác, Men with a Mission: The Quorum of the Twelve Apostles in the British Isles, 1837õ1841 (1992). Nỗi đau khổ của Vilate Kimball và Mary Ann Young được ghi lại ở các trang 267õ76.

  2. Xin xem Hymns, số 249.

  3. Xin xem Mô Si A 4:27.

  4. Đây là một giáo lý chuyên đề quá bao quát để dẫn chứng bằng tư liệu ở đây. Xin xem Môi Se 5:4õ8; 3 Nê Phi 9:17õ21; GLGƯ 59:8õ12; 97:8õ9.

  5. Xin xem Lectures on Faith (1985), 68õ69.

  6. Giăng 21:22.

  7. Giăng 12:26.

  8. Mô Si A 14:4; xin xem thêm Ê Sai 53:4.