2002
Được Thượng Đế Kêu Gọi
Tháng Mười Một Năm 2002


Được Thượng Đế Kêu Gọi

Chúng ta đã được ban cho quyền năng lớn lao của chức tư tế. Nó ban phước cho mỗi người chúng ta và cũng cung ứng các phước lành cho gia đình chúng ta.

Tín Điều Thứ Năm nói rằng: “Chúng tôi tin rằng muốn được thuyết giảng Phúc Âm và thực hiện các giáo lễ trong Phúc Âm, con người phải được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri và bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền.”1

Một trong những sự kêu gọi quan trọng nhất của chức tư tế, một sự kêu gọi mà đòi hỏi sự chú ý liên tục của chúng ta, là trong nhà và gia đình mình. Thưa các anh em, với tư cách là các người cha và tộc trưởng trong gia đình mình, thì “Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải … chủ tọa gia đình [mình] trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm … cung ứng những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ cho gia đình [mình]… .”

“Người chồng và người vợ có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và con cái của mình… Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống. Những người chồng và những người vợ—những người mẹ và những người cha—sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế trong việc hoàn thành các bổn phận này.”2

Chúng ta sống trong một thế giới đang cần đến sự lãnh đạo ngay chính dựa trên các nguyên tắc đáng tin cậy.

Trong Giáo Hội của chúng ta, chúng ta đã được giảng dạy, trong cách thức độc nhất của chúng ta, các nguyên tắc đúng đắn về sự lãnh đạo, do thẩm quyền chức tư tế hướng dẫn. Tôi tin rằng rất ít người trong chúng ta nhận thức được tiềm năng của chức tư tế và phước lành là gì. Chúng ta càng học hỏi về việc nắm giữ chức tư tế và hiểu biết sự hoạt động của nó, thì chúng ta càng biết ơn các phước lành mà Chúa đã ban cho chúng ta.

John Taylor có lần đã nói: “Tôi phải… trả lời ngắn gọn rằng [chức tư tế] là sự quản trị của Thượng Đế, dù ở dưới thế gian hay ở trên trời, bởi vì chính qua quyền năng, quyền tự quyết hay nguyên tắc đó mà tất cả mọi sự việc được duy trì và được quản trị trên thế gian và trên trời, và [chính] qua quyền năng đó mà tất cả mọi sự việc được chống đỡ và duy trì. Nó quản trị vạn vật—nó hướng dẫn vạn vật—nó duy trì vạn vật—và có liên quan đến vạn vật mà Thượng Đế và lẽ thật được liên kết.

“Đó là quyền năng của được Thượng Đế ủy thác cho những thực thể tri thức trên trời và cho loài người dưới thế gian… Khi chúng ta đến vương quốc thượng thiên của Thượng Đế, chúng ta sẽ thấy có sự thứ tự và sự hòa hợp toàn hảo nhất, bởi vì có được mẫu mực toàn hảo, thứ tự toàn hảo nhất của sự quản trị được thực hiện, và khi nào hoặc bất cứ khi nào các nguyên tắc đó được phát triển trên thế gian, so với việc chúng được lan tràn và hành động, chỉ trong sự tương xứng đó mà chúng sinh ra các phước lành và sự cứu rỗi cho gia đình nhân loại. Và khi sự quản trị của Thượng Đế được chấp nhận trọn vẹn, và khi lời cầu nguyện của Chúa Giê Su, mà Ngài giảng dạy các môn đồ biết là được đáp ứng, và vương quốc của Thượng Đế được đến, và ý Ngài được nên, ở dưới đất này như ở trên trời, rồi thì, và chỉ đến khi ấy, tình yêu thương, hòa bình, sự hòa thuận và đoàn kết chung mới lan tràn.”3

Chúa đã ban cho chúng ta một khải tượng về chức tư tế có thể như thế nào khi Ngài hướng dẫn các Sứ Đồ của Ngài, là những người phải tiếp tục công việc sau khi Ngài chết. Ngài đã phán cùng họ: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhơn danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi.”4

Một phước lành của việc nhận được chức tư tế là có được cơ hội thuộc vào một nhóm túc số. Một nhóm túc số chức tư tế gồm có một nhóm riêng biệt của những người nam cùng nắm giữ một chức phẩm chức tư tế, được tổ chức một cách hữu hiệu để phụ giúp việc xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế.

Chủ Tịch Stephen L. Richards có lần đã đưa ra cho chúng ta ba phần định nghĩa của một nhóm túc số chức tư tế. Ông nói một nhóm túc số chức tư tế gồm có ba điều: “thứ nhất, một lớp học; thứ nhì, một tình huynh đệ; và thứ ba, một đơn vị phục vụ.”5

Cách đây nhiều năm tôi được giảng dạy cách thức mà một nhóm túc số làm việc trong ba khía cạnh này khi tôi tham dự một buổi họp của nhóm thầy tư tế thượng phẩm trong một cộng đồng nhỏ ở miền nam Wyoming. Bài học trong tuần đó là về sự công chính và sự thánh hóa. Là điều hiển nhiên rằng, khi bài học bắt đầu, người giảng viên đã chuẩn bị kỹ để giảng dạy các anh em mình. Rồi một câu hỏi đưa đến câu trả lời mà đã thay đổi trọn chiều hướng của bài học. Để trả lời câu hỏi, một anh đã nhận xét: “Tôi đã nghe với nhiều thích thú tài liệu của bài học. Một ý nghĩ đã thoáng qua trong tâm trí tôi rằng chi tiết được trình bày sẽ sớm bị mất đi nếu chúng ta không tìm cách áp dụng tài liệu đã được trình bày bằng cách thực hành trong cuộc sống hằng ngày của mình.” Rồi anh tiếp tục đề nghị một đường lối hành động cho nhóm túc số.

Vào đêm trước, một người dân trong cộng đồng qua đời. Vợ của người ấy là tín hữu của Giáo Hội, nhưng người ấy thì không phải là tín hữu. Người thầy tư tế thượng phẩm này đã đi thăm người góa phụ và chia buồn với chị ấy. Khi rời căn nhà sau cuộc thăm viếng, ông đưa mắt nhìn quanh khu nông trại xinh đẹp của người anh em vừa qua đời. Người này đã bỏ rất nhiều công sức trong đời mình và lao nhọc trong việc xây dựng nó. Cỏ linh lăng đang đến độ cắt; lúa chẳng bao lâu nữa cần phải được gặt . Làm thế nào người chị em đau khổ này có thể đối phó với các vấn đề thình lình đổ xuống chị? Chị sẽ phải cần thời gian để sắp xếp bản thân chị cho các tránh nhiệm mới của chị.

Rồi ông đề nghị nhóm áp dụng nguyên tắc mà đã được giảng dạy—bằng cách làm việc với người góa phụ để giúp cho nông trại của chị hoạt động cho đến khi người góa phụ và gia đình chị có thể tìm ra một giải pháp lâu dài hơn. Thời gian còn lại của buổi họp được dành cho việc tổ chức dự án phụ giúp chị ấy.

Khi chúng tôi rời lớp học, thì có một cảm giác hân hoan giữa các anh em. Tôi nghe một người trong số họ nhận xét rằng khi người ấy bước qua ngưỡng cửa: “Dự án này đúng là điều chúng ta cần làm cho nhóm này cùng làm việc lại với nhau.” Một bài học đã được giảng dạy, một tình huynh đệ đã được củng cố, một dự án phục vụ đã được tổ chức để phụ giúp một người nào đó đang trong lúc khó khăn.

Giờ đây các nguyên tắc cơ bản này đã được giảng dạy để sử dụng trong tổ chức nhóm túc số, không chỉ áp dụng cho một nhóm túc số, mà các nguyên tắc đó còn được áp dụng cho việc lãnh đạo của chức tư tế trong nhà. Chúng ta có được lệnh truyền thiêng liêng là “… nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật.”6 Nếu các người cha không nuôi dạy con cái mình trong sự sáng và lẽ thật thì Chúa sẽ không hài lòng và sự kết tội chẳng mấy chốc sẽ tiếp theo. Đây là sứ điệp:

“Nhưng thật vậy, ta nói cho ngươi hay, tôi tớ của ta… ngươi vẫn bị kết tội này;

“Ngươi đã không dạy dỗ con cái mình biết sự sáng và lẽ thật đúng theo các giáo lệnh; và kẻ tà ác đó vẫn còn quyền hành đối với ngươi, và đây là nguyên do của nỗi thống khổ của ngươi.

“Và giờ đây, ta ban cho ngươi một lệnh truyền—nếu ngươi muốn được giải thoát thì phải sắp xếp nhà mình cho có trật tự, vì trong nhà ngươi có nhiều điều không phải.”7

Giáo Hội phải luôn gìn giữ khái niệm về nền tảng gia đình. Chúng ta cần phải giảng dạy khái niệm của việc xây dựng các thế hệ mai sau của các tín hữu là những người được kết hôn trong đền thờ và trung tín với các giáo lễ đền thờ. Chúng ta cần phải giảng dạy các giáo lý cơ bản và am hiểu mối quan hệ giữa sự tăng trưởng thuộc linh cá nhân với gia đình. Chúng ta muốn làm cho kết quả được thấy rõ ràng, mời gọi các tín hữu đến cùng Đấng Ky Tô và kiên trì đến cùng.

Trong số các lời chỉ dẫn đầu tiên được ban cho người nam và người nữ là: “Vậy nên người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và sẽ kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.”8

Thượng Đế, trong kế hoạch thiêng liêng của Ngài, đã quy định hôn nhân để mang đến đơn vị tổ chức cơ bản của Ngài—gia đình. Một trong các nguyên tắc đầu tiên mà Ngài giảng dạy cho A Đam và Ê Va là phát triển một mối quan hệ hữu hiệu. Thánh thư nói rằng:

“Và A Đam cùng Ê Va, vợ mình, cầu gọi danh Chúa, và họ nghe được tiếng nói của Chúa phán cùng họ từ hướng Vườn Ê Đen, nhưng họ không thấy được Ngài; vì họ đã bị loại ra khỏi sự hiện diện của Ngài.

“Và Ngài ban cho họ những lệnh truyền là họ phải thờ phượng Chúa, Thượng Đế của họ và phải hiến dâng những con vật đầu lòng trong các đàn gia súc của họ, để làm của lễ dâng cho Chúa. Và A Đam đã tuân theo những lệnh truyền của Chúa.”9

Rồi Chúa chỉ dẫn hai cha mẹ trần thế đầu tiên của chúng ta dạy dỗ con cái của họ về sự tuân theo các luật pháp của Ngài và “A Đam và Ê Va chúc phước danh của Thượng Đế, và họ bày tỏ tất cả mọi điều cho các con trai và các con gái của họ biết.”10

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy chúng ta biết về tính chất vĩnh cửu của gia đình:

“Công thức thì rất giản dị; chỉ cần một ít nguyên liệu, mặc dù có nhiều loại khác nhau.

“Thứ nhất, phải có thái độ kính trọng thích đáng đối với hôn nhân, là điều dự tính chọn lựa một người phối ngẫu mà có được tấm gương càng được gần nhiều với sự toàn hảo càng tốt trong tất cả mọi vấn đề mà quan trọng đối với những cá nhân đó. Rồi hai người đó phải đến bàn thờ trong đền thờ và ý thức được rằng họ phải cố gắng nhiều hướng về sự sống chung đầy thành công này.

“Thứ nhì, phải có một tấm lòng vị tha, quên mình và hướng tất cả mọi điều của cuộc sống gia đình và tất cả mọi điều liên quan đến gia đình về sự tốt lành cho gia đình, và sự tự chủ.

“Thứ ba, phải tiếp tục có sự tìm hiểu và bày tỏ tình cảm, lòng nhân từ và kính trọng để giữ cho tình yêu thương được tồn tại và lớn mạnh.

“Thứ tư, phải hoàn toàn sống theo các giáo lệnh của Chúa như đã được định nghĩa trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”11

Mái gia đình phải là một nơi nương tựa, một nơi trú ẩn an toàn, một nơi ẩn náu, một chốn hạnh phúc mà gia đình cùng sống chung, một nơi mà con cái được yêu thương và có thể được yêu thương. Trong nhà, cha mẹ phải giảng dạy cho con cái các bài học quan trọng của cuộc sống. Mái gia đình phải là trung tâm của kinh nghiệm trần thế của một người, nơi mà tình yêu thương và sự tôn kính lẫn nhau được hòa hợp thích đáng.

Thứ nhì, sau tầm quan trọng của việc làm người bạn đời vĩnh cửu là làm cha, mẹ trần thế. Cha mẹ cần phải xem xét vai trò của mình trong trách nhiệm lớn lao này. Cách đây nhiều năm, con cái tôi đã dạy tôi một bài học quan trọng. Gia đình chúng tôi di chuyển từ California đến Nữu Ước nơi mà tôi đã chấp nhận một việc làm với một công ty mới. Chúng tôi bắt đầu tiến trình tìm một căn nhà mới bằng cách tìm kiếm trong những cộng đồng gần nhất với thành phố. Tuy nhiên, dần dần, chúng tôi chọn chỗ xa hơn thành phố để tìm một căn nhà trong một vùng thích hợp với các nhu cầu của chúng tôi. Chúng tôi tìm ra một căn nhà xinh xắn cách hơi xa Thành Phố Nữu Ước. Đó là căn nhà một tầng nép sâu trong khu rừng xinh đẹp Connecticut. Trắc nghiệm cuối cùng trước khi mua căn nhà là tôi phải đáp xe lửa đi đến Thành Phố Nữu Ước và kiểm lại xem mất bao nhiêu thời gian cho một chuyến đi. Tôi làm cuộc hành trình và trở về lòng khá thất vọng. Một chuyến đi mất hết một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi bước vào căn phòng khách sạn của chúng tôi nơi mà gia đình tôi đang chờ tôi và trình bày cho con cái tôi với một sự chọn lựa.

Tôi nói: “Các con có thể có hoặc căn nhà mới này hoặc một người cha.” Tôi rất ngạc nhiên khi chúng trả lời: “Chúng con chọn lấy nhà. Dù sao thì cha cũng ít có mặt ở nhà.” Tôi sững người. Điều mà con cái tôi đã cho tôi biết là sự thật. Tôi cần phải hối cải nhanh. Con cái tôi cần một người cha có mặt ở nhà nhiều hơn. Cuối cùng chúng tôi đi đến một sự thỏa hiệp và mua căn nhà gần thành phố hơn, với thời gian đi và về ngắn hơn. Tôi thay đổi thói quen làm việc mà cho phép tôi có nhiều thời gian hơn với gia đình mình.

Suốt các thời đại, Chúa đã truyền lệnh cho dân của Ngài phải dạy dỗ cho con cái họ lẽ thật và sự ngay chính. Chúng tôi khuyến khích các anh chị em quy tụ gia đình mình lại cùng với nhau để cầu nguyện chung gia đình, học hỏi phúc âm, cùng làm việc và sinh hoạt chung gia đình. Chúng tôi khuyến khích các anh chị em phải hội ý với những người trong gia đình mình và khuyến khích họ tham gia vào những quyết định quan trọng chẳng hạn như hoạch định các sinh hoạt gia đình.

Chủ Tịch Brigham Young đã dạy: “Chức tư tế … là thứ tự và hệ thống cai trị toàn hảo, và chỉ điều này không thôi cũng có thể giải thoát gia đình nhân loại khỏi tất cả các điều xấu xa mà giờ đây đang làm khổ sở nhân loại và bảo đảm cho họ hạnh phúc và may mắn trong tương lai.”12

Chúng ta đã được ban cho quyền năng lớn lao của chức tư tế. Nó ban phước cho mỗi người chúng ta và cũng cung ứng các phước lành cho gia đình chúng ta; nó ban phước cho các nhóm túc số mà chúng ta thuộc vào; nó ban phước cho giáo đoàn mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ; và nó ban phước cho thế giới mà chúng ta sống. Chúng ta cần học cách tuân theo một cách ngay chính các giáo lý và những lời giảng dạy mà Chúa đã ban cho chúng ta là những người mang thánh chức tư tế của Ngài. Chúng ta đã được khuyên dạy:

“Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.

“Người nào biếng nhác thì sẽ không được xem là xứng đáng để ở, và người nào không học hỏi bổn phận của mình, và tự cho thấy là không được chấp nhận, thì sẽ không được xem là xứng đáng để ở lại.”13

Cầu xin Chúa ban phước cho chúng ta, là các tín hữu của Giáo Hội Ngài, để chúng ta có thể nhận thức được rằng thật là một phước lành biết bao khi có được chức tư tế trên thế gian và có thể sử dụng nó vì lợi ích của gia đình chúng ta và tất cả nhân loại. Cầu xin cho chúng ta được tăng trưởng và am hiểu mối quan hệ của mình với Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta và chức tư tế mà Ngài đã ban cho chúng ta, là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Những Tín Điều 1:5.

  2. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 1998, 24.

  3. “On Priesthood,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1935, 372.

  4. Giăng 15:16.

  5. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1938, 118.

  6. GLGƯ 93:40.

  7. GLGƯ 93:41õ43.

  8. Môi Se 3:24.

  9. Môi Se 5:4õ5.

  10. Môi Se 5:12.

  11. Marriage and Divorce (1976), 17õ18.

  12. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe (1954) tuyển chọn, 130.

  13. GLGƯ 107:99õ100.