2020
Giúp Đỡ Mẹ Tôi trong Cuộc Hành Trình của Bà để Cai Rượu
Tháng Mười năm 2020


Chỉ Dành Cho Kỹ Thuật Số: Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi

Giúp Đỡ Mẹ Tôi trong Cuộc Hành Trình của Bà để Cai Rượu

Thật là không dễ dàng gì, nhưng việc đi trên con đường hồi phục với những người đang vật lộn với thói nghiện thật đáng bõ công.

Khi tôi đủ lớn để hiểu rượu là gì thì tôi biết là mẹ tôi có vấn đề với nó. Những người trong gia đình đã cố gắng che giấu vấn đề của mẹ với hai chị em tôi, nhưng bấy lâu nay họ chỉ có thể giấu được những cơn say sưa và chếnh choáng vì rượu vào sáng sớm trong bấy lâu mà thôi.

Mẹ của chúng tôi là một người nghiện rượu—và không có lý do bào chữa hay câu chuyện dài dòng nào mà có thể thay đổi điều đó.

Khi còn nhỏ, tôi đã tin rằng thói nghiện là một sự lựa chọn. Sau đó, tôi cảm thấy đau khổ mỗi lần mẹ tôi bước qua cửa nhà chúng tôi với hơi thở đầy mùi men tuy đã hứa là sẽ bỏ rượu. Hình như bà đã không muốn thay đổi. Nhưng nhiều năm chứng kiến những giọt lệ đau đớn, những nỗ lực không thành và những cơn sảng rượu sau cai của mẹ đã dạy tôi điều ngược lại.

Khi học cấp hai, tôi bắt đầu nhận biết rằng thói nghiện của mẹ tôi sẽ không “từ bỏ trong chốc lát,” như thi sĩ Dylan Thomas đã từng viết1—chứ không phải vì bà không muốn thay đổi. Đó không phải là về sự thiếu ý chí từ phía bà hoặc là vì bà đã chọn rượu thay vì gia đình. Bà đã bị mắc kẹt trong thói nghiện của mình.

Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích: “Về sau, thói nghiện sẽ đầu hàng sự tự do lựa chọn. Nhưng vì não bộ bị ảnh hưởng các chất hóa học, nên người nghiện có thể thực sự mất đi ý chí của chính mình!”2 Việc tìm kiếm sự hồi phục là một cuộc chiến giữa thể xác và linh hồn của bà trong nhiều năm tới.

Chịu Đựng Chu Kỳ Tái Phạm

Sau khi mẹ tôi cai rượu được sáu tháng, tôi đã bắt đầu nhận ra mẹ trở lại—là người đã từng nhảy múa trong xe hơi và làm thơ rất hay và kể những câu chuyện cười làm cho tất cả bạn bè của tôi ngượng ngùng. Như thể ai đó vô hình đột nhiên mang ánh sáng trở lại cho đôi mắt bà và cố gắng hết sức để giữ cho ánh sáng ấy không tắt. Bà đã nghiện rượu trong một thời gian dài trong nhiều năm và thật là điều tuyệt vời khi bà đã thay đổi.

Nhưng điều đó không kéo dài được lâu. Một đêm nọ, trước khi bà có cơ hội để nói, thì chị em tôi đã biết. Đôi mắt đờ đẫn và đôi má ửng đỏ của bà đã nói lên tất cả: sau sáu tháng và bốn ngày, bà đã uống rượu trở lại. Trong một chốc lát, chúng tôi nghĩ đến việc bước ra khỏi cửa, tránh xa nỗi lo âu và sợ hãi, nhưng chúng tôi biết rằng bà đã muốn thay đổi. Chúng tôi không thể làm điều đó cho bà, nhưng chúng tôi có thể hỗ trợ cho bà trong quá trình hồi phục.

Phá Vỡ Sự Im Lặng về Thói Nghiện

Trong vài tháng tiếp theo, chị em tôi tìm mọi cách để giúp mẹ tiếp tục cai nghiện dài hạn. Thật là không dễ dàng gì, nhưng bà đã làm được một lần rồi và chúng tôi biết rằng bà có thể làm lại được.

Vì đã thấy mẹ tôi những lần bỏ rượu trước đây nên chúng tôi biết phải trông đợi điều gì, vì vậy chúng tôi đã thu gom hết các chai rượu mạnh và rượu vang mà chúng tôi có thể tìm được và ném chúng xuống cống. Sau đó, chúng tôi mua dự trữ các chai nước uống thể thao Gatorade tại cửa hàng tạp hóa và dọn nhà kỹ lưỡng; đó là nỗ lực tốt nhất của chúng tôi để đưa mẹ tôi ra khỏi môi trường mà bà đang ở khi bà tái diễn việc uống rượu.

Sau một vài ngày, mẹ tôi đã đủ khỏe để quay trở lại làm việc, nhưng chúng tôi biết là cuộc chiến chưa kết thúc. Cho đến thời điểm đó, thói nghiện nặng của bà đã được giấu không cho hầu hết gia đình và bạn bè của chúng tôi biết. Trong nhiều năm qua, nó đã trở thành một phần bí mật—gây ra nỗi xấu hổ, một điều mà nhà nghiên cứu khoa học xã Hội Brené Brown giải thích là “vì không thể nói ra được, nên nỗi xấu hổ này mới có được sức mạnh như vậy.”3 Nếu chúng tôi muốn bà luôn tỉnh táo thì chúng tôi cần phá vỡ sự im lặng.

Việc quyết định công khai với gia đình của chúng tôi và một số bạn bè đáng tin cậy là rất khó nhưng cũng thật là nhẹ nhõm khi được tự do nói ra điều đó. Nỗi xấu hổ “ăn mòn phần bên trong chúng ta mà tin rằng chúng ta có thể thay đổi và làm tốt hơn,”4 vì vậy hành động nói về thói nghiện của bà đã mang đến cho mẹ tôi (và cho tôi!) niềm hy vọng một lần nữa. Chúng tôi không đơn độc một mình, và lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng tôi đã bắt đầu hình dung ra một cuộc sống không bị kiểm soát bởi thói nghiện của mẹ tôi.

Bám Chặt vào Hy Vọng

Tôi sẽ không cố gắng nói quanh co: việc giữ vững niềm hy vọng thì không luôn luôn dễ dàng. Trong nhiều năm, tôi đã giúp đỡ mẹ tôi khi bà cố gắng không say rượu nhưng sẽ là dối trá nếu tôi nói là đã không trải qua nỗi buồn phiền, chán ngán, và thất vọng trong suốt kinh nghiệm này. Khi nói về cuộc hành trình khó khăn mà một người phải đối mặt để khắc phục thói nghiện, Chủ Tịch Nelson giải thích: “Mỗi một người quyết tâm leo lên con đường dốc để hồi phục thì phải thắt lưng thật chặt cho cuộc chiến của cả cuộc đời. Nhưng việc giành lại một con người là đáng bõ công cho cuộc chiến mà người ta phải chịu đựng.”5

Nếu anh chị em đã từng yêu thương một người nào đó đang vật lộn với thói nghiện thì anh chị em biết là khó đến mức nào khi nhìn họ tự hủy hoại bản thân họ. Nhưng ngay cả sau khi đã tái phạm, thì cũng không bao giờ mất hy vọng. Vì sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi biết “cách giúp đỡ [chúng ta] theo những sự yếu đuối của [chúng ta]” (An Ma 7:12). “Với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài” (3 Nê Phi 25:2), Ngài đỡ chúng ta lên khi chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi để tiếp tục, “gìn giữ chúng ta và khuyến khích chúng ta, không chịu buông chúng ta ra cho đến khi chúng ta được an toàn trở về nhà .”6

Vì vậy, cho dù anh chị em vừa mới đi bước đầu tiên của mình hoặc đi một ngàn dặm với ai đó trong cuộc hành trình hồi phục của họ thì đây là một vài điều tôi đã học được qua nhiều năm:

  1. Hãy giúp họ tránh các tình huống có thể gây nghiện trở lại.

    Cho dù người mà anh chị em đang hỗ trợ là một người bạn, người phối ngẫu, người trong gia đình, hoặc người quen, thì việc giúp họ tránh các tình huống gây nghiện trở lại rất là quan trọng! Ví dụ, bất cứ khi nào gia đình tôi đi ra ngoài ăn với mẹ tôi, thì chúng tôi yêu cầu được ngồi ở một bàn cách xa quầy bar. Nếu không có sẵn bàn thì chúng tôi tán gẫu cho đến khi có bàn.

  2. Hãy ủng hộ họ trong các hoàn cảnh xã hội.

    Chỉ vì người mà anh chị em đang giúp đỡ đã nói chuyện với anh chị em về thói nghiện của họ thì không có nghĩa là họ đã sẵn sàng cởi mở về vấn đề đó với mọi người. Trong giai đoạn đầu của tiến trình hồi phục, có thể là điều cực kỳ khó khăn để giải thích lý do tại sao một người nào đó đang tránh một số tình huống nào đó hoặc đưa ra một số quyết định nhất định, nhất là với người lạ. Trong những tình huống này, hãy làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn bằng cách giúp họ giải thích nếu mọi thứ trở nên khó xử.

  3. Hãy giúp họ tìm thêm những nguồn hỗ trợ.

    Cho dù anh chị em có tham gia vào tiến trình hồi phục như thế nào đi chăng nữa, thì anh chị em cũng không thể nào một mình làm tất cả được. Đôi khi mẹ tôi chỉ cần nói chuyện với một người nào đó mà cũng có cùng kinh nghiệm, một người nào đó thấu hiểu hoàn cảnh đó, và như thế là tốt rồi! Các nhóm hỗ trợ và các tài liệu chuyên môn (như Chương Trình Hồi Phục Thói Nghiện của Giáo Hội, các nhóm giúp hồi phục, các chuyên gia về thói nghiện và hành vi) hầu như làm thay đổi nhiều cuộc đời, vì vậy, đừng ngần ngại khuyến khích người mà anh chị em đang hỗ trợ tận dụng các công cụ này.

  4. Nếu họ ngã, hãy giúp họ đứng lên lại.

    Nếu chúng ta sống trong một thế giới hoàn hảo, sẽ không có sự tái phạm nhưng đây là trần thế. Nếu người mà anh chị em đang hỗ trợ tái phạm, thì hãy nhắc nhở họ rằng họ đã có những tiến bộ như thế nào trước đây. Khuyến khích họ đừng “bỏ cuộc bởi những thất bại sau đó và tự xem bản thân [họ] là không đủ khả năng để từ bỏ tội lỗi và khắc phục thói nghiện.”7 Như Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Tình hình sẽ chỉ tệ hơn nếu như [họ] ngừng cố gắng”8 (và anh chị em cũng không thể làm vậy). Sự tái phạm không mang họ trở lại từ đầu. Nó không xóa bỏ tất cả công việc và động lực mà họ đã đạt được. Họ luôn luôn có một cơ hội khác để trở lại với tiến trình hồi phục, tìm đến Đấng Cứu Rỗi và tiếp tục.

  5. Hãy giữ chặt niềm hy vọng.

    Việc nhìn một người nào đó mà anh chị em yêu thương đang vật lộn để khắc phục thói nghiện của họ đôi khi có thể khiến anh chị em tự hỏi liệu họ có bao giờ hồi phục hoàn toàn không. (Tin tôi đi, tôi biết mà. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn tôi muốn thừa nhận.) Ngay cả Mặc Môn cũng hỏi: “Và các người sẽ hy vọng điều gì?” Nhưng dù có khó khăn đến đâu đi nữa, thì niềm “hy vọng qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô” luôn nằm trong tầm với của chúng ta (Mô Rô Ni 7:41).

Trong suốt cuộc đời tôi, mẹ tôi đã tái phạm nhiều hơn số lần tôi có thể đếm được, nhưng tôi hãnh diện để nói rằng đã sáu năm trôi qua kể từ khi bà ngưng uống rượu. Mặc dù tôi đã mất nhiều năm học hỏi và học lại cách hỗ trợ tốt nhất cho bà nhưng việc bà hồi phục đã dạy cho tôi biết rằng không ai bị lún quá sâu vào tội lỗi. Cho dù người mà anh chị em yêu thương có tái phạm bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì cũng hãy tiếp tục—tiếp tục cố gắng hỗ trợ họ bằng mọi cách có thể được. Sự hồi phục là một cam kết trọn đời—một cuộc hành trình đầy nước mắt, chiến thắng, thất bại, và thành công—điều đó thật đáng bõ công để chiến đấu.

Ghi Chú

  1. Dylan Thomas, “Do not go gentle into that good night” (năm 1951).

  2. Russell M. Nelson, “Addiction or Freedom,” Ensign, tháng Mười Một năm 1988, trang 7.

  3. Brené Brown, Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead (năm 2012), trang 58.

  4. Brené Brown, Dare to Lead: Brave Work. Những Cuộc Chuyện Trò Khó Nói. Whole Hearts (năm 2018), trang 129.

  5. Russell M. Nelson, “Addiction or Freedom,” trang 7.

  6. Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 42.

  7. Ulisses Soares, “Hãy Vác Thập Tự Giá Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 114.

  8. Ulisses Soares, “Hãy Vác Thập Tự Giá Mình,” trang 114.