2020
Nhận Ra Nạn Lạm Dụng Cảm Xúc
Tháng Mười năm 2020


Chỉ Dành Cho Kỹ Thuật Số

Nhận Ra Nạn Lạm Dụng Cảm Xúc

“Chồng tôi không lạm dụng ngược đãi. Anh ấy la mắng và chửi rủa tôi, nhưng đó không phải là lạm dụng ngược đãi, phải không?”

Chúng ta biết rằng “Chúa kết án hành vi lạm dụng ngược đãi dưới mọi hình thức.”1 Và một số hình thức lạm dụng ngược đãi, giống như sự bạo hành thể xác, rất dễ thấy, nhưng sự lạm dụng cảm xúc có thể khó phát hiện hơn nhiều. Sự tổn thương có thể dẫn đến nỗi hoang mang, sợ hãi, xấu hổ, vô vọng, và cảm giác tự ti.

Sự lạm dụng tình cảm là một người cố gắng lấy đi quyền tự quyết của người kia và kiểm soát họ bằng những lời nói hoặc hành vi mà thao túng những cảm xúc hoặc lựa chọn. Sự lạm dụng tình cảm có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong tình bạn, trong các mối quan hệ hẹn hò, hoặc ở giữa các đồng nghiệp.

Một Số Ví Dụ Nào về Sự Lạm Dụng Tình Cảm?

Việc biết được các dấu hiệu về sự lạm dụng tình cảm có thể giúp anh chị em tự bảo vệ mình và những người thân của mình. Một số hành vi lạm dụng gồm có:

  • Chửi rủa hoặc nói đến anh chị em một cách khinh thường.

  • Làm anh chị em ngượng ngùng trước mặt người ngoài.

  • Chỉ trích và hạ giá trị những thành quả của anh chị em và những gì anh chị em làm.

  • Đổ lỗi cho anh chị em về hành động của họ và không chịu trách nhiệm.

  • Làm cho anh chị em cảm thấy tội lỗi để anh chị em sẽ làm một điều gì đó cho họ vì họ đã làm một điều đó cho anh chị em.

  • Cô lập anh chị em khỏi những người khác và kiểm soát cách anh chị em sử dụng thời gian của mình.

  • Đe dọa nếu anh chị em không hành động theo một cách nào đó hoặc làm một số điều nào đó.

  • Không bày tỏ tình cảm cho đến khi anh chị em làm một số điều nào đó cho họ.

  • Thao túng anh chị em về mặt thuộc linh bằng cách sử dụng niềm tin tôn giáo để kiểm soát anh chị em.

Làm Thế Nào Tôi Có Thể Nhận Ra Sự Lạm Dụng Tình Cảm?

Việc quan trọng không kém là phải trở nên quen thuộc với các hành vi lạm dụng và các dấu hiệu cảnh báo trong suy nghĩ của anh chị em. Sau đây là một số lối suy nghĩ và quyết định điển hình mà có thể khiến anh chị em vẫn ở trong một mối quan hệ lạm dụng tình cảm:

  1. Bào chữa cho hành vi của người lạm dụng anh chị em:

  2. Biện minh cho hành vi của người lạm dụng: “Cô ấy không thường làm vậy đâu—cô ấy hiện đang chịu rất nhiều áp lực.”

  3. Giảm nhẹ hành vi: “Đó thật sự cũng chẳng có gì quan trọng.”

  4. Tự trách mình vì hành vi của họ: “Nếu tôi chuẩn bị xong bữa ăn tối đúng giờ thì anh ấy đã chẳng tức giận và mắng tôi như vậy.”

  5. Bỏ qua cảm xúc khó chịu. Thoạt đầu, khi là nạn nhân của sự lạm dụng tình cảm thì anh chị em có thể muốn tránh né kẻ lạm dụng vì anh chị em cảm thấy khó chịu hoặc nghĩ tiêu cực về bản thân mình khi có mặt họ ở xung quanh. Để giữ gìn mối quan hệ, anh chị em có thể bỏ qua những cảm nghĩ khó chịu này. Theo thời gian, sự khó chịu đó có thể biến mất do anh chị em đã trở nên quen thuộc với hành vi của họ.

  6. Sử dụng niềm tin tôn giáo để biện minh cho tình huống. Điều này rất phổ biến trong xã hội của chúng ta, kể cả các tín hữu của Giáo Hội. Người bị ngược đãi có thể nghĩ như thế này: “Chúa ra lệnh cho chúng ta phải tha thứ. Tôi đang phạm tội nếu tôi không tha thứ.” Sự tha thứ là một lệnh truyền. Nhưng, như Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy về Đấng Cứu Rỗi: “Ngài không nói rằng: ‘Các ngươi không được phép cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra.’ Ngài cũng không nói rằng: ‘Để được hoàn toàn tha thứ, các ngươi phải tiếp tục một mối quan hệ không lành mạnh hoặc quay trở về tình trạng bị ngược đãi, bị tổn thương.’”2

  7. Bỏ bê các nhu cầu của riêng mình. Anh chị em đáp ứng các nhu cầu của người khác bằng cách hy sinh việc chăm sóc cho bản thân mình. Ví dụ, chịu đựng nỗi đau về tình cảm để tránh làm tổn thương cảm xúc của ai đó hoặc đưa tiền cho một người bạn, cho dù anh chị em không có đủ tiền để đưa.

  8. Cảm thấy vô dụng. Sự lạm dụng cảm xúc có thể cản trở những cảm nghĩ về sự tự trọng của anh chị em. Tuy nhiên, anh chị em là một con trai hoặc con gái của Thượng Đế và có một thiên tính và số mệnh. Giá trị lớn lao của anh chị em không thay đổi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10).

Tôi Có Thể Làm Gì Nếu Tôi Bị Lạm Dụng Cảm Xúc?

Đôi khi một mối quan hệ có sự lạm dụng tình cảm có thể có sức tàn phá đến mức có thể cần phải rời bỏ mối quan hệ đó. Tuy nhiên, bỏ đi không phải là sự lựa chọn duy nhất trong mọi tình huống. Sự thay đổi có thể xảy ra, và một mối quan hệ có thể trở nên lành mạnh qua nỗ lực và thường là qua sự giúp đỡ của một chuyên gia. Nếu anh chị em tin rằng mình có thể đang ở trong một mối quan hệ có sự lạm dụng tình cảm thì những điều sau đây có thể giúp ích:

  1. Tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ từ một người đáng tin cậy là người mà anh chị em có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình, như một người bạn, một vị lãnh đạo Giáo Hội, hoặc một chuyên gia trong một tổ chức cộng đồng. Người này có thể cung cấp sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và một quan điểm tích cực về con người của anh chị em và có thể dành thời gian đặc biệt cho anh chị em tránh khỏi sự lạm dụng. (Xin xem trang mạng abuse.ChurchofJesusChrist.org. Bấm vào “In Crisis” để có một bản liệt kê các đường dây trợ giúp.)

  2. Đặt và giữ những giới hạn với người cho thấy hành vi lạm dụng bằng cách nhận ra hành vi lạm dụng và đặt giới hạn trong mối quan hệ liên tục của anh chị em. Anh chị em có thể nói: “Tôi cảm thấy không được anh/em tôn trọng bây giờ. Tôi muốn nói chuyện với anh/em nhưng tôi sẽ không làm vậy trừ khi anh/em đối xử với tôi một cách tôn trọng và tử tế hơn.”

  3. Nhận sự giúp đỡ từ một người tư vấn chuyên nghiệp là người am hiểu về sự lạm dụng tình cảm và những ảnh hưởng của nó. Đôi khi những kẻ xúc phạm còn không biết rằng họ đang có hành động lạm dụng ngược đãi. Họ có thể học cách thay đổi nếu họ sẵn lòng tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu mối quan hệ không tiếp tục, thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia, cùng với sự giúp đỡ của Chúa, sẽ giúp anh chị em được chữa lành.

  4. Tìm thêm thông tin và tài liệu hữu ích trên trang mạng abuse.ChurchofJesusChrist.org.

Cho dù hoàn cảnh của anh chị em ra sao đi nữa thì cũng hãy biết rằng có những người yêu thương anh chị em và muốn giúp đỡ anh chị em. Và bằng cách trông cậy Cha Thiên Thượng, Đấng Cứu Rỗi, và Đức Thánh Linh, thì anh chị em có thể có niềm hy vọng và sự chữa lành.

Ghi Chú

  1. Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “Đối Phó với Nạn Lạm Dụng Ngược Đãi,” ngày 28 tháng Bảy năm 2008.

  2. Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hoà,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 79.