2020
Các Trái Tim Đã Bị Xuyên Thấu bằng Những Vết Thương Sâu: Hiểu Được Nạn Lạm Dụng Ngược Đãi trong Gia Đình
Tháng Mười năm 2020


Các Trái Tim Đã Bị Xuyên Thấu bằng Những Vết Thương Sâu: Hiểu Được Nạn Lạm Dụng Ngược Đãi trong Gia Đình

Các thói quen không lành mạnh có thể phát triển trong bất cứ mối quan hệ nào. Việc nhận ra các thói quen như vậy có thể giúp phát hiện ra sự lạm dụng ngược đãi hoặc ngăn ngừa trước khi nó bắt đầu.

Hình Ảnh
upset woman and husband

Hình ảnh chỉ được sử dụng cho mục đích minh họa, do người mẫu thực hiện

Mới đây tôi nhận được một cú điện thoại của một người cha đau khổ. Con gái của ông, Jenna (tên đã được thay đổi) đi học xa và có một mối quan hệ tình cảm mới, và đang tiến triển rất nhanh. Người bạn trai của cô ấy, Jake, đã thúc giục cô tiến tới hôn nhân và hạn chế sự giao tiếp của Jenna với cha mẹ cô. Jenna đã xin lỗi họ, giải thích rằng đó là tình yêu mãnh liệt và ước muốn của Jake để được sống với nhau như tình nhân.

Gia đình Jenna trở nên lo lắng khi họ khám phá ra rằng Jake có một người vợ cũ và đứa con mà anh ta đã không nói cho Jenna biết. Họ đã gọi điện thoại cho người vợ cũ là người nói rằng Jake có tính khí nóng nảy và hay ghen. Khi Jake biết được thì trở nên nổi giận. Anh ta nói rằng cha mẹ của Jenna đang “khống chế” và đã kể rằng có một lần họ đã không chấp nhận một câu nói đùa châm biếm của anh ấy về trí thông minh của Jenna. Mỉa mai thay, Jake đã khăng khăng nói rằng Jenna tự đưa ra quyết định cắt đứt liên lạc với cha mẹ cô. Cha mẹ của Jenna đã rất tuyệt vọng khi các cú điện thoại và tin nhắn của họ giờ đây không được trả lời.

Ai cũng muốn có một gia đình hạnh phúc, nhưng các mối quan hệ có thể gây tổn thương ngay cả khi người ta cố gắng sống theo phúc âm. Một số thử thách là kết quả của những hiểu lầm và xích mích phổ biến đối với các gia đình. Tuy nhiên, trong những gia đình lành mạnh, mọi người xin lỗi vì hành vi sai quấy và hàn gắn những rạn nứt, trong khi trong những hoàn cảnh không lành mạnh thì sẽ có những kiểu hành hạ hoặc ngược đãi thường xuyên mà trở nên thành lạm dụng.

Nạn Bạo Hành trong Gia Đình và Phúc Âm

“Các anh em đã làm đau khổ trái tim của người vợ hiền của mình và làm mất sự tin tưởng của con cái mình” (Gia Cốp 2:35).

Sự lạm dụng ngược đãi bao gồm các hành động nhằm làm tổn thương hoặc kiểm soát. Nó bao gồm một loạt các hành vi mà có thể gồm có bỏ bê, thao túng, chỉ trích bằng lời nói, và bạo lực về thể xác hoặc tình dục.1 Rủi thay, các hành vi lạm dụng ngược đãi là phổ biến, với một số học giả ước tính rằng khoảng một phần tư số trẻ em trên toàn thế giới bị ngược đãi về mặt thể chất, tình dục hoặc cảm xúc.2 Người lớn cũng có tỷ lệ nạn nhân cao, với khoảng 1 trong 4 phụ nữ và 1 trong 10 đàn ông bị bạo lực thể xác từ người phối ngẫu.

Nạn lạm dụng ngược đãi có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào, và cả nam lẫn nữ cũng có thể là thủ phạm. Tuy nhiên, đàn ông có nhiều khả năng trở nên kiểm soát và bạo hành về thể xác và tình dục nghiêm trọng hơn, và phụ nữ có nhiều khả năng bị người phối ngẫu khủng bố, khống chế, hoặc gây đau đớn nặng nề hơn.3

Nạn lạm dụng ngược đãi làm nguy hại tâm hồn của cả người phạm tội lẫn nạn nhân và trái với những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Các vị tiên tri thời nay đã nói rằng những người “ngược đãi người hôn phối hay con cái … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”4 Những kẻ lạm dụng ngược đãi thường phớt lờ hoặc lợi dụng các nguyên tắc phúc âm. Ví dụ, tôi đã khuyên một cặp vợ chồng mà người chồng theo đuổi các mối quan hệ tình cảm với những phụ nữ khác và đánh bạc bằng tiền dành dụm của họ, nhưng thay vì xin lỗi, người ấy lại ép vợ mình phải tha thứ và khăng khăng nói rằng người vợ của mình có “tội nặng hơn” nếu không tha thứ cho người ấy. Người chồng đã gạt bỏ nỗi đau khổ của vợ mình và cho là mình được Thượng Đế chấp nhận nếu không thì đã không được làm việc trong đền thờ rồi. Khi người vợ nói chuyện với các vị lãnh đạo Giáo Hội thì người chồng đã hạ thấp mức độ phản bội của mình và phóng đại mối lo âu của vợ mình cùng nói rằng vợ mình bị trầm cảm. Người chồng đã chối bỏ “các nguyên tắc về … sự kính trọng, yêu thương [và] trắc ẩn”5 và ngược đãi vợ mình. Các nỗ lực của người vợ để sống theo các nguyên tắc phúc âm không thể giải quyết được vấn đề mà người chồng đang tạo ra.Mỗi người chúng ta có thể nhượng bộ những hành vi không lành mạnh. Có một số đặc điểm chung cho tất cả các kiểu lạm dụng ngược đãi, và những hành vi này càng nghiêm trọng và thường xuyên thì mối quan hệ sẽ càng kém lành mạnh hơn. Dưới đây là năm trong số các kiểu lạm dụng ngược đãi điển hình mà có thể giúp anh chị em nhận ra những hành vi không lành mạnh nơi bản thân mình và người khác.

Hình Ảnh
sad little girl

1. Sự Cay Nghiệt

“Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt; dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang: … miệng chúng nó đầy những lời nguyền rủa và cay đắng” (Rô Ma 3:13–14).

Một người đàn ông đã đến gặp tôi để trị liệu trái với những ước muốn của vợ người ấy, là người đã chế giễu anh ấy vì “cần giúp đỡ.” Ở nhà thờ, người vợ rất thân thiện và ngoan đạo, nhưng ở nhà thì những lời nói khinh thường tàn nhẫn của chị ấy như roi quất vào mặt chồng. Chị chỉ trích thu nhập của chồng và gọi nghề dạy học của anh là “việc làm của đàn bà.” Chị ấy nói với con trai mình: “Mẹ hy vọng con không trở thành một người yếu đuối như cha con,” và hằng ngày dành ra thời giờ để nói chuyện điện thoại với mẹ của chị, để cùng chê bai những người chồng của họ. Những người hay chê bai cảm thấy chính đáng khi gây ra đau đớn và “ưa thích người khác phải đau khổ” (Giáo Lý và Giao Ước 121:13). Những người trong gia đình này vi phạm lệnh truyền của Chúa Giê Su là “không đoán xét” và “không lên án” (Lu Ca 6:37) khi họ coi thường, tỏ ra chán ghét, hoặc chửi rủa.

2. Sự Lừa Gạt

“Ngươi bị tà ma dối trá ám, và ngươi đã gạt bỏ Thánh Linh của Thượng Đế” (An Ma 30:42).

Rất dễ nhận ra sự lừa gạt trong nạn lạm dụng ngược đãi khi thủ phạm lấp liếm hành động của họ, đổ lỗi cho người khác, và bóp méo lời nói. Điều này làm cho các nạn nhân trở nên hoang mang, như một trong những người tham gia nghiên cứu của tôi đã mô tả: “[Chồng tôi thường] nổi giận và sau đó xin lỗi rồi nói: ‘Dù sao thì đó cũng là lỗi của em’ … và cứ tiếp tục nói như vậy mãi cho đến khi tôi bắt đầu tin như thế.”6 Sự phủ nhận thực tế của người khác được gọi là thao túng tâm lý, và nó khiến cho nạn nhân hoang mang và không an tâm về ký ức và ý kiến của họ. Giống như các hình thức lừa gạt khác, sự thao túng tâm lý được sử dụng để thao túng các cuộc nói chuyện và khoác lên vỏ bọc xảo trá.

Những kẻ nào lạm dụng ngược đãi người khác thì dứt khoát không thừa nhận họ là những người gây tổn thương và thường sẽ cho rằng chính họ mới là nạn nhân. Khi Jenna bày tỏ sự khó chịu đối với những lời chỉ trích của Jake về cha mẹ cô thì anh ta đã nổi giận và khăng khăng nói rằng cô đã “xúc phạm” anh ta. Jake là một trong số “những kẻ gào lên sự phạm giới … và là con cái của sự bất tuân” (Giáo Lý và Giao Ước 121:17). Anh ta không những biện bạch cho câu chuyện bịa đặt của mình, không nhìn nhận sự thật mà còn bực tức với sự thật nữa.7

Hình Ảnh
man with head in hands

3. Lời Bào Chữa

“Thú nhận những điều sai quấy và những lỗi lầm mà con đã làm” (An Ma 39:13).

Một người khiêm nhường cảm thấy hối tiếc vì đã làm tổn thương người khác và hối cải cùng hành động tốt hơn. Một người có hành động lạm dụng ngược đãi cưỡng lại tiếng gọi của lương tâm với những lời bào chữa. Theo như một trong những người tham gia nghiên cứu của tôi đã nhớ lại: “Tôi cảm thấy kinh khiếp về việc bạo hành thể xác, và sau đó tôi thường nghĩ rằng điều đó có thể đã không xảy ra nếu chị ấy biết im miệng lại.” “Sự buồn rầu của [anh ta] không đưa tới sự hối cải” (Mặc Môn 2:13) mà thay vì thế lại bị gạt bỏ với cơn tức giận và đổ lỗi dữ dội.

Trong lúc trị liệu, tôi đã từng nói với một người vợ rằng tôi chưa bao giờ thấy người ấy cho thấy sự buồn rầu theo ý Chúa trong nhiều năm chỉ trích chồng mình. Câu trả lời của người ấy không phải là hối hận mà là hờn dỗi: “Được lắm, đây là một điều khác nữa mà tôi không làm!” Những người có hành động lạm dụng ngược đãi chối bỏ trách nhiệm và hay tự ái cùng bào chữa. Họ dễ dàng bị xúc phạm bởi những điều nhỏ nhặt.

4. Tính Kiêu Căng

“Hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi Líp 2:3).

Tính kiêu căng gồm có việc tự cho mình là trung tâm và có quyền. Một người đàn ông la mắng vợ con mỗi khi nghĩ rằng họ “vô lễ” đối với mình. Nếu ý kiến của họ không chiều theo ý của người ấy, thì họ đã “phá hoại” người ấy hoặc “không vâng lời.” Tính kiêu căng là sự ganh đua và tập trung vào quyền lực và chiến thắng. Ngược lại, một gia đình lành mạnh sẽ hợp tác, là nơi có cán cân công bằng, và những người trong gia đình “đều đối xử với nhau rất công bình.” (4 Nê Phi 1:2). Những người phối ngẫu phải là những người bạn đời bình đẳng,8 khi mà mỗi người có tiếng nói và tất cả các ý kiến đều có giá trị.

5. Sự Kiểm Soát

“Khi chúng ta … muốn kiểm soát, hay thống trị hoặc xúi giục tâm hồn con cái loài người, … thiên thượng sẽ tự rút lui” (Giáo Lý và Giao Ước 121:37).

Mặc dù chúng ta quý trọng quyền tự quyết, nhưng thật ngạc nhiên biết bao khi có những người trong gia đình thường ra lệnh cho nhau về cách phải suy nghĩ, cảm nhận, và hành động. Một số người còn kiểm soát qua sự dọa dẫm, bêu xấu, lạnh nhạt, hoặc đe dọa nữa. Một người chồng đã có những kỳ vọng khắt khe rằng người vợ nên chuẩn bị bữa ăn sáng mỗi ngày vào một thời điểm nhất định, đáp ứng những yêu cầu thân mật gần gũi cụ thể, và lắng nghe anh ta về những “mối lo âu” của mình mà thường liên quan đến cách người vợ có thể cải thiện. Anh ấy theo dõi chi tiêu của vợ mình và nổi giận nếu người vợ không nhanh chóng trả lời tin nhắn của mình.

Một người mẹ khác đã bày tỏ nỗi thất vọng thường xuyên đối với cô con gái tuổi thiếu niên của mình bất cứ lúc nào em này cho thấy nỗi buồn bã hoặc không sống theo các tiêu chuẩn của người mẹ. Nếu những kỳ vọng không được đáp ứng, hoặc nếu chồng của người ấy tỏ ra lo ngại thì người ấy sẽ gây “chiến tranh lạnh” với mọi người.

Hình Ảnh
holding hands

Niềm Hy Vọng và Sự Chữa Lành

“Ta có nghe lời cầu nguyện ngươi, thấy nước mắt của ngươi, này ta sẽ chữa lành cho ngươi” (2 Các Vua 20:5).

Mặc dù sự lạm dụng ngược đãi thật là đau lòng nhưng luôn luôn có thể có sự thay đổi. Nạn nhân có thể tìm đến những nguồn giúp đỡ về mặt tinh thần và hỗ trợ chuyên môn cùng tìm kiếm quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành vết thương của họ. Để tìm kiếm sự giúp đỡ, xin hãy vào trang mạng abuse.ChurchofJesusChrist.org.

Những người nào có hành động lạm dụng ngược đãi cần phải hối cải và tìm kiếm sự giúp đỡ. Điều này đòi hỏi phải “hạ mình xuống tận đáy sâu của sự khiêm nhường” (3 Nê Phi 12:2) và chấp nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của họ. Sự thay đổi cần nhiều hơn là những lời hứa ngắn hạn và những nỗ lực bên ngoài. Nỗi đau đớn của sự hối cải trọn vẹn là nỗi đau khổ tột cùng và một số người sẽ không sẵn lòng làm điều đó, vì thế khiến cho nạn nhân có những quyết định khó khăn về cách tự bảo vệ họ.9

Cha Thiên Thượng của chúng ta quan tâm đến chúng ta giống như người cha đau khổ đã gọi điện thoại cho tôi về con gái người ấy. Tình yêu thương của Thượng Đế “căng phồng lên như cõi bất tận” (Môi Se 7:41), và Ngài cũng đau đớn vô cùng khi con cái của Ngài gây tổn thương cho nhau. Trong một cuộc trò chuyện dịu dàng với Hê Nóc, Ngài đã khóc. “Hãy nhìn xem những anh em này của ngươi; chúng là tác phẩm của bàn tay ta, …và [ta đã] ban ra lệnh truyền, rằng chúng phải thương yêu lẫn nhau, … nhưng này, chúng không có tình nghĩa, và chúng thù hằn chính dòng máu của chúng” (Môi Se 7:32–33). Có tiếng khóc trên trời và dưới đất khi thể xác và linh hồn bị tổn thương. Tuy nhiên, với sự khiêm nhường, quyền năng của Thượng Đế, và sự giúp đỡ chuyên môn khi cần thiết, thì có thể ngăn chặn hành vi gây tổn hại và tạo ra một ngôi nhà có phẩm giá, an toàn, và tình yêu thương.

Ghi Chú

  1. Để biết thêm thông tin về bạo hành thể xác, xin xem abuse.ChurchofJesusChrist.org. Để biết thêm thông tin về lạm dụng và tấn công tình dục, xin xem Benjamin M. Ogles, “Agency, Accountability, and the Atonement of Jesus Christ: Application to Sexual Assault” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University devotional, ngày 30 tháng Một năm 2018), speeches.byu.edu; và Chieko N. Okazaki, “Healing from Sexual Abuse” (đại hội tại trường Brigham Young University ngày 23 tháng Mười năm 2002).

  2. Xin xem Maryam Ajilian Abbasi, Masumeh Saeidi, Gholamreza Khademi, Bibi Leila Hoseini, Zahra Emami Moghadam, “Child Maltreatment in the World: A Review Article,” International Journal of Pediatrics, quyển 3, số 1 (năm 2014), trang 353–65.

  3. Xin xem Hamby, S., “Current controversies: Are women really as violent as men? The ‘gender symmetry’ controversy,” trong Claire M. Renzetti, Jeffrey L. Edleson, and Raquel Kennedy Bergen, Sourcebook on Violence Against Women, ấn bản lần thứ 3 (năm 2018), trang 78–82.

  4. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145; xin xem thêm abuse.ChurchofJesusChrist.org.

  5. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”

  6. Jason B. Whiting, Megan Oka, và Stephen T. Fife, “Appraisal distortions and intimate partner violence: Gender, power, and interaction,” Journal of Marital and Family Therapy (năm 2012), phần bổ sung: 1:113–149.

  7. Để có những ví dụ khác trong thánh thư về việc bực tức lẽ thật, xin xem Giăng 3:19–21; Công Vụ Các Sứ Đồ 7:54; 2 Nê Phi 1:25–26; và 2 Nê Phi 4:13.

  8. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”; xin xem thêm H. Burke Peterson, “Unrighteous Dominion,” Ensign, tháng Bảy 1989, trang 6–11, để biết thêm thông tin về giáo lý về sự bình đẳng và những câu hỏi để suy ngẫm liên quan đến các mối quan hệ giao ước.

  9. Những người ở trong các hoàn cảnh bị lạm dụng ngược đãi thường phải đưa ra những lựa chọn về cách bảo vệ sự an toàn của họ, hoặc của người khác, cũng như liệu họ có cần thiết lập ranh giới hoặc hạn chế những giao tiếp với những người gây tổn thương hay không. Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007) đã thảo luận về tình huống khó khăn này khi một người nào đó bị lâm vào “một mối quan hệ kéo dài và dường như không thể cứu vãn được mà hủy hoại phẩm giá của một con người” (“Enriching Your Marriage,” Liahona, tháng Tư năm 2007, trang 3).