2010
Câu Chuyện của Nê Phi tức là Câu Chuyện của Tôi
tháng Tư năm 2010


Phúc Âm trong Cuộc Sống của Tôi

Câu Chuyện của Nê Phi tức là Câu Chuyện của Tôi

Điện thoại của Jake làm cho tôi đau khổ vô cùng nhưng tôi tìm ra hy vọng trong tấm gương của một vị tiên tri thời xưa.

Cách đây vài năm sau khi học xong đại học, tôi thấy mình ngồi trong buổi họp tối gia đình với các thành niên trẻ tuổi độc thân khác trong tiểu giáo khu của tôi. Chúng tôi được mời đến nhà của một cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu và vợ của ông hướng dẫn bài học.

Chúng tôi đọc câu chuyện của Nê Phi và các anh em của ông đi lấy bảng khắc bằng đồng từ La Ban (xin xem1 Nê Phi 3–5). Người giảng viên của chúng tôi nói về lòng can đảm và sự kiên trì mà Nê Phi đã cho thấy. Rồi người ấy nhìn lên nhóm nhỏ của chúng tôi. Ánh mắt bà rất thâm trầm.

Bà nêu lên rằng: “Nê Phi và các anh em của ông đã được ban cho một nhiệm vụ khó khăn. Họ phải thử vài lần và không lần nào là dễ dàng cả. Nhưng điều đó thật đáng bõ công kiên trì. Vì có được thánh thư nên Nê Phi đã ngăn cản không cho gia đình ông ‘suy đồi và bị diệt vong trong sự vô tín ngưỡng’1 Nê Phi 4:13).

Bà nói tiếp “Sẽ có những ‘thử thách’ trong cuộc sống của các em. Có lẽ các em sẽ được kêu gọi để cho thấy lòng can đảm khi hẹn hò. Bất luận những hy sinh, trở ngại, nỗi thất bại, nỗi đau lòng như thế nào đi nữa—bất luận điều gì để bảo tồn gia đình tương lai của mình và giữ cho họ khỏi bị suy đồi trong sự vô tín ngưỡng—trở lại lấy các bảng khắc.”

Tôi nghĩ rằng đó là một lối so sánh đầy thú vị. Tôi giữ nó trong ký ức của mình. Vào lúc đó tôi không cảm thấy rằng cuộc sống của mình có nhiều cản trở. Tôi đã học xong, tôi thích việc làm của mình, và tôi đang hẹn hò với một chàng thanh niên tử tế—một tình bạn lâu năm đã biến thành mối quan hệ thân thiết hơn—trong khoảng bốn tháng. Tôi không thể nào có nhiều hạnh phúc hơn như lúc đó.

Vài tháng sau mối quan hệ của tôi với Jake (tên đã được thay đổi) đã tiến triển rất nhiều. Nhưng cha mẹ của Jake đã ly dị nhiều năm trước đó và việc chia tay của họ vẫn còn ảnh hưởng sâu xa đến anh ấy. Anh ấy rất sợ rằng nếu chúng tôi kết hôn thì cuối cùng rồi chúng tôi cũng giống như cha mẹ của anh ấy.

Tôi nói với anh ấy rằng tôi sẵn lòng cho anh ấy thời gian—rất nhiều thời gian nếu anh ấy cần—để suy nghĩ. Chúng tôi đã nói chuyện về việc chọn quyết định dựa trên đức tin thay vì nỗi sợ hãi. Chúng tôi thảo luận vai trò của quyền tự quyết và việc anh ấy không cần phải tin rằng con đường của cha mẹ anh ấy sẽ tự động là số phận của anh ấy. Và chúng tôi nói chuyện về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và khả năng của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành tâm hồn của chúng ta.

Các cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như giúp vơi nhẹ phần nào nỗi lo lắng của anh ấy và mối quan hệ của chúng tôi tiếp tục như thường lệ. Vậy nên, khi anh ấy gọi điện thoại cho tôi vào một trưa thứ bảy để chia tay, thì điều đó còn làm tôi ngạc nhiên nhiều hơn nữa. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy không thể nào thấy mình kết hôn với tôi trong đền thờ—hoặc với bất cứ ai khác. Anh ấy không còn tin ở hôn nhân nữa.

Trong một giờ đồng hồ kế tiếp chúng tôi nhắc lại điều mà chúng tôi đã thảo luận nhưng tôi vẫn không thể thuyết phục được anh ấy. Anh thì thầm: “Anh rất tiếc,” và rồi bỏ điện thoại xuống. Tôi im lặng ngồi trên giường, lệ chảy dài trên má, thật sự bàng hoàng.

Một lát sau người bạn chung phòng với tôi gõ cửa phòng ngủ. Chị hỏi: “Chị có đi dự đại hội giáo khu không?” Tôi không cảm thấy muốn đi đâu hoặc làm gì cả tuy nhiên tôi vẫn mặc áo vào và leo lên xe chị ấy.

Khi chúng tôi đến đó, người đầu tiên mà tôi thấy là người phụ nữ đã hướng dẫn bài học trong buổi họp tối gia đình vài tháng trước. Không một ai trong chúng tôi nói gì cả nhưng chúng tôi nhìn nhau và trong tâm trí mình, tôi nghe một tiếng nói gọi tên tôi và nói rằng: “Hãy trở lại và lấy các bảng khắc.”

Vì một lý do nào đó tôi đã biết tất cả những điều ngụ ý trong sự thúc giục đó. Điều đó không phải chỉ nhằm vào một vị tiên tri thời xưa trở lại lấy một biên sử thiêng liêng mà còn nhằm vào tôi nữa. Điều đó có nghĩa là mặc dù Jake không tin vào hôn nhân nhưng tôi vẫn còn có thể tin. Tôi có thể hy vọng và cầu nguyện cùng cố gắng làm cho hôn nhân được hữu hiệu—không phải theo một cách đầy mơ ước, khát khao mà là một cách đầy tin tưởng, tích cực, tự chuẩn bị hằng ngày vì đây là kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Điều đó không có nghĩa là tôi phải trở lại với Jake và ở bên anh ấy cho đến khi tôi “làm anh ấy mệt mỏi” với ý nghĩ về hôn nhân, và điều đó cũng không có nghĩa là tôi phải bắt đầu hẹn hò với một người nào đó ngay lập tức. Việc tôi cần phải có thời gian để đau khổ và chữa lành là điều tốt.

Nhưng trong lúc ấy tôi có thể tránh đắm mình vào sự tự than. Tôi có thể chống lại cám dỗ để có ác cảm đối với Jake—hoặc đàn ông nói chung. Tôi có thể tìm ra những người bạn tin tưởng và trông chờ hôn nhân. Và tôi có thể, giống như Nê Phi, tin tưởng nơi Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng không đưa ra lệnh truyền—cho dù đó là việc đi lấy các biên sử thiêng liêng thời xưa hoặc kết hôn và lập gia đình—mà không chuẩn bị một đường lối cho chúng ta để thực hiện lệnh truyền đó.

Tôi vẫn còn đang ở trong giai đoạn “thực hiện”—chứ chưa “hoàn tất”—. Tôi vẫn chưa kết hôn nhưng tôi cảm thấy biết ơn về những kinh nghiệm hẹn hò thú vị mà tôi đã có—những kinh nghiệm được làm cho dồi dào hơn nhờ vào việc hiểu rõ hơn về vai trò kiên trì trong những mục tiêu ngay chính.

Tôi cũng cảm thấy được an ủi và tin tưởng để biết điều mà Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về mẫu mực kiên trì của Nê Phi. Ông nói:

“Sau hai lần cố gắng và bị thất bại, Nê Phi vẫn luôn tin tưởng. Ông lẻn vào trong thành phố và đi hướng về nhà La Ban mà không có tất cả những câu trả lời. Ông nhận xét: ‘Tôi được Thánh Linh dẫn dắt, không biết trước được là mình sẽ phải làm gì,’ và thêm vào một cách đầy ý nghĩa, ‘Tuy nhiên tôi vẫn thẳng tiến.’ (1 Nê Phi. 4:6–7; chữ nghiêng được thêm vào.)

“Nê Phi sẵn lòng cố gắng nhiều lần và sử dụng các nỗ lực tốt nhất của ông. Ông bày tỏ đức tin rằng ông sẽ được giúp đỡ. Ông từ chối không chịu bị nản lòng. Nhưng vì ông đã hành động, tin tưởng nơi Chúa, biết vâng lời và sử dụng quyền tự quyết của mình một cách đúng đắn nên ông đã được hướng dẫn. Ông được soi dẫn từng bước một để thành công, và bằng lời của mẹ ông, ông đã được ‘ban cho… quyền năng [để] thực hiện được điều Chúa truyền bảo.’ (1 Nê Phi 5:8; chữ nghiêng được thêm vào.)”1

Dĩ nhiên, nguyên tắc kiên trì này không giới hạn trong lãnh vực hẹn hò không thôi mà còn áp dụng đối với những người bị bệnh kinh niên và không chắc là họ có thể vui vẻ đương đầu với một ngày đầy đau đớn nữa; đối với một cặp vợ chồng đang cố gắng giải quyết những thử thách trong hôn nhân của họ; đối với các bậc cha mẹ cầu nguyện nhiều năm cho một đứa con đã lạc đường; đối với một thiếu nữ gặp sự chống đối tại trường học vì tín ngưỡng của mình; đối với những người truyền giáo cố gắng trong nhiều ngày mà không giảng dạy được một bài học nào. Trong một phương diện nào đó, tất cả chúng ta đã được truyền lệnh để trở lại lấy các bảng khắc.

Và giống như Nê Phi, chúng ta cũng có thể làm điều đó. Với lòng can đảm, kiên trì, và đức tin, chúng ta có thể thực hiện tất cả những điều mà Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta làm.

Ghi Chú

  1. Richard G. Scott, “Learning to Recognize Answers to Prayer,” Ensign, Tháng Mười Một năm 1989, 32.

Tranh do Michael Parker minh họa