2005
Trở Thành một Người Truyền Giáo
Tháng Mười Một năm 2005


Trở Thành một Người Truyền Giáo

Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và công bố sứ điệp về Sự Phục Hồi … Công việc truyền giáo là một sự biểu lộ về chân tính và di sản thuộc linh của chúng ta.

Tất cả chúng ta mà đã nhận được thánh chức tư tế đều mang bổn phận thiêng liêng để ban phước cho các quốc gia và gia đình trên thế gian bằng cách rao giảng phúc âm và mời gọi mọi người tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi bằng thẩm quyền thích đáng. Nhiều người chúng ta đã phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trọn thời gian, một số người trong chúng ta hiện đang phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trọn thời gian, và tất cả chúng ta giờ đây đang phục vụ và sẽ tiếp tục phục vụ với tư cách là những người truyền giáo suốt đời. Mỗi ngày, chúng ta là những người truyền giáo trong gia đình mình, tại trường học của mình, ở những nơi làm việc của mình, và trong cộng đồng của mình. Bất luận tuổi tác, kinh nghiệm hoặc hoàn cảnh nào trong cuộc sống, chúng ta đều là những người truyền giáo.

Việc rao giảng phúc âm không phải là một sinh hoạt mà trong đó chúng ta tham gia một cách định kỳ và tạm thời. Và những lao nhọc của chúng ta với tư cách là những người truyền giáo chắc chắn không giới hạn trong thời gian ngắn ngủi dành cho công việc phục vụ truyền giáo trọn thời gian trong tuổi thanh niên hoặc trong tuổi già của mình. Đúng hơn, bổn phận để rao truyền phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô vốn gắn liền với lời thề và giao ước của chức tư tế mà chúng ta đã lập. Thực chất của công việc truyền giáo là một trách nhiệm của chức tư tế, và tất cả chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế là các tôi tớ có thẩm quyền của Chúa trên thế gian và là những người truyền giáo vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu—và chúng ta sẽ luôn luôn là như vậy. Đặc tính chính yếu của chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế và là dòng dõi của Áp Ra Ham trong phạm vi rộng lớn được xác định bằng trách nhiệm để rao giảng phúc âm.

Sứ điệp của tôi đêm nay có thể được áp dụng cho tất cả chúng ta trong bổn phận chức tư tế của mình để rao giảng phúc âm. Tuy nhiên, mục đích cụ thể của tôi trong buổi họp chức tư tế này là để nói thẳng thắn với các thiếu niên của Giáo Hội là những người đang chuẩn bị cho sự kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo. Các nguyên tắc mà tôi sẽ thảo luận với các em thì giản dị lẫn có ý nghĩa thuộc linh, và các nguyên tắc này nên khiến cho chúng ta phải suy ngẫm, đánh giá và cải tiến. Tôi cầu nguyện có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh ở với tôi và ở với các em khi chúng ta cùng nhau nghiên cứu đề tài quan trọng này.

Câu Hỏi Thường Được Đặt Ra

Trong các buổi họp với các tín hữu trẻ tuổi của Giáo Hội trên khắp thế giới, tôi thường mời những người hiện diện đặt câu hỏi. Một trong những câu hỏi mà tôi thường được hỏi nhất bởi các thiếu niên là: “Em có thể làm gì để chuẩn bị một cách hữu hiệu nhất để phục vụ với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian?” Một câu hỏi thành thật như vậy xứng đáng có được một câu trả lời nghiêm túc.

Các em thân mến, chỉ có một điều quan trọng nhất mà các em có thể làm để chuẩn bị cho sự kêu gọi phục vụ là trở thành một người truyền giáo từ lâu trước khi các em đi truyền giáo. Xin lưu ý rằng trong câu trả lời của tôi, tôi đã nhấn mạnh trở thành thay vì đi. Tôi xin được giải thích điều tôi muốn nói.

Trong từ vựng thông thường của Giáo Hội, chúng ta thường nói đi nhà thờ, đi đền thờ, và đi truyền giáo. Tôi xin được táo bạo để đưa ra giả thuyết rằng thói quen của chúng ta khi nhấn mạnh đến việc đi đã không trúng vấn đề.

Vấn đề không phải là đi nhà thờ; mà đúng hơn vấn đề là thờ phượng và tái lập các giao ước khi chúng ta tham dự nhà thờ. Vấn đề không phải là đi đến hay đi qua đền thờ; mà đúng hơn, vấn đề là có được trong lòng mình tinh thần, các giao ước và các giáo lễ của Nhà của Chúa. Vấn đề không phải là đi truyền giáo; mà đúng hơn, vấn đề là trở thành người truyền giáo và phục vụ trong suốt đời mình với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh. Có thể có một thiếu niên đi truyền giáo mà không trở thành một người truyền giáo, và đây không phải là điều mà Chúa đòi hỏi hoặc Giáo Hội cần.

Hy vọng thiết tha của tôi cho mỗi em thiếu niên là các em sẽ không chỉ đi truyền giáo—mà các em còn sẽ trở thành những người truyền giáo từ lâu trước khi các em nộp giấy tờ xin đi truyền giáo của mình, từ lâu trước khi các em nhận được sự kêu gọi để phục vụ, từ lâu trước khi các em được sắc phong bởi vị chủ tịch giáo khu của các em, và từ lâu trước khi các em vào MTC (Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo).

Nguyên Tắc Trở Thành

Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy chúng ta một cách hữu hiệu nhất về thử thách trong việc trở thành một điều gì đó thay vì chỉ làm những điều được trông mong hoặc thực hiện một số hành động nào đó.

“Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng những lời giảng dạy của Chúa và các giảng viên được ban cho để chúng ta đều có thể đạt ‘được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô’ (Ê Phê Sô 4:13). Tiến trình này đòi hỏi nhiều hơn chỉ là việc đạt được kiến thức. Việc chúng ta tin theo phúc âm thì vẫn chưa đủ; chúng ta phải hành động và suy nghĩ để chúng ta được cải đạo theo phúc âm. Trái với những định chế của thế gian mà dạy chúng ta biết một điều gì đó, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thách thức chúng ta để trở thành một điều gì đó… .

“… Bất cứ ai chỉ làm một cách chiếu lệ thôi thì không đủ. Các giáo lệnh, các giáo lễ và các giao ước của phúc âm không phải là một bản liệt kê những điều kiện mà cần phải hoàn tất để được vào thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một kế hoạch mà cho chúng ta thấy cách thức để trở thành con người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta phải trở thành” (“The Challenge to Become,” Anh Cả Dallin H. Oaks, Liahona, tháng Giêng năm 2001, trang 40).

Các em thân mến, thách thức để trở thành áp dụng chính xác và hoàn toàn cho việc chuẩn bị truyền giáo. Hiển nhiên, tiến trình để trở thành một người truyền giáo không đòi hỏi một thiếu niên phải mặc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt đi học mỗi ngày, hoặc tuân theo những chỉ dẫn cho người truyền giáo về giờ đi ngủ và thức dậy, mặc dù đa số cha mẹ chắc chắn là sẽ ủng hộ ý kiến đó. Nhưng các em có thể gia tăng ước muốn của mình để phục vụ Thượng Đế (xin xem GLGƯ 4:3), và các em có thể bắt đầu suy nghĩ như người truyền giáo suy nghĩ, đọc những thứ mà người truyền giáo đọc, cầu nguyện như người truyền giáo cầu nguyện và cảm nhận như người truyền giáo cảm nhận. Các em có thể tránh các ảnh hưởng của thế gian mà khiến cho Đức Thánh Linh phải rút lui, và các em có thể đạt được sự tin tưởng trong việc nhận biết và đáp ứng theo sự thúc giục của Thánh Linh. Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít, các em có thể dần dần trở thành người truyền giáo mà các em hy vọng sẽ trở thành và người truyền giáo mà Đấng Cứu Rỗi kỳ vọng.

Các em sẽ không đột nhiên hoặc có phép thần thông biến đổi thành một người truyền giáo chuẩn bị sẵn sàng và biết vâng lời vào cái ngày mà các em bước qua ngưỡng cửa trước của MTC [Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo]. Con người mà các em đã trở thành trong những ngày tháng và những năm trước khi các em phục vụ truyền giáo là con người mà các em sẽ trở thành ở MTC. Quả thật vậy, tính chất của giai đoạn chuyển tiếp mà qua đó các em trải qua trong MTC sẽ là một dấu chỉ mạnh mẽ về sự tiến bộ của các em trong việc trở thành một người truyền giáo.

Khi vào MTC, hiển nhiên các em sẽ nhớ gia đình mình, và nhiều khía cạnh trong lịch trình hằng ngày của các em sẽ mới mẻ và khó khăn. Nhưng đối với một thiếu niên mà đã chuẩn bị kỹ để trở thành một người truyền giáo, thì sự thích nghi cơ bản với sự khắc khổ của công việc và lối sống của người truyền giáo sẽ không quá lớn lao, nặng nề hoặc thúc ép. Do đó, một yếu tố chính của việc nâng cao các tiêu chuẩn gồm có nỗ lực để trở thành một người truyền giáo trước khi đi truyền giáo.

Thưa những người cha, các anh em có hiểu vai trò của mình trong việc giúp đỡ con trai mình trở thành người truyền giáo trước khi nó đi truyền giáo không? Các anh em và vợ của mình đóng vai trò chính yếu trong tiến trình trở thành một người truyền giáo của con trai mình. Thưa các vị lãnh đạo chức tư tế và các tổ chức bổ trợ, các anh em có nhận biết trách nhiệm của mình để phụ giúp các bậc cha mẹ và để giúp mỗi thiếu niên trở thành một người truyền giáo trước khi em ấy đi truyền giáo không? Tiêu chuẩn cũng được nâng cao đối với cha mẹ và đối với tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Sự thành tâm suy ngẫm về nguyên tắc trở thành sẽ mời gọi sự soi dẫn mà sẽ đáp ứng theo những nhu cầu của con trai các anh em hoặc các thiếu niên mà các anh em phục vụ.

Sự chuẩn bị mà tôi đang mô tả không phải chỉ nhắm vào sự phục vụ truyền giáo của các em là các thanh niên 19, 20 hay 21 tuổi. Các em thân mến, các em đang chuẩn bị suốt đời cho công việc truyền giáo. Là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta luôn luôn là những người truyền giáo. Nếu các em thật sự tiến triển trong quá trình trở thành một người truyền giáo, thời gian trước khi đi truyền giáo lẫn thời gian đang phục vụ truyền giáo, thì sẽ đến ngày mà các em được giải nhiệm một cách danh dự với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian, các em sẽ rời công việc phục vụ của mình và trở về với gia đình mình—nhưng các em sẽ không bao giờ ngừng phục vụ truyền giáo. Một người nắm giữ chức tư tế là một người truyền giáo vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Một người truyền giáo chính là con người của chúng ta với tư cách là những người mang chức tư tế và là dòng dõi của Áp Ra Ham.

Dòng Dõi của Áp Ra Ham

Những người thừa tự tất cả các lời hứa và các giao ước do Thượng Đế lập với Áp Ra Ham được gọi là dòng dõi của Áp Ra Ham (xin xem Bible Dictionary, “Seed of Abraham,” trang 771). Các phước lành này chỉ nhận được qua sự tuân theo các luật pháp và các giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em thân mến, tiến trình để trở thành một người truyền giáo liên quan trực tiếp đến sự hiểu biết chúng ta là ai với tư cách là dòng dõi của Áp Ra Ham.

Áp Ra Ham là một vị tiên tri cao trọng mà đã có ước muốn được ngay chính và tuân theo tất cả giáo lệnh mà ông nhận được từ Thượng Đế, kể cả lệnh truyền dâng con trai yêu quý của ông, Y Sác, làm của lễ hy sinh. Vì lòng kiên trì và sự vâng lời của ông, Áp Ra Ham thường được nói đến là tổ phụ của những kẻ trung thành, và Cha Thiên Thượng đã thiết lập một giao ước và đã hứa ban cho các phước lành lớn lao cho Áp Ra Ham và con cháu của ông.

“Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi:

“[Ta] sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được thành quân nghịch.

“Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước (Sáng Thế Ký 22:16–18).

Do đó, Áp Ra Ham được hứa sẽ có một dòng dõi đông đúc và các dân tộc trên thế gian sẽ được phước qua dòng dõi đó.

Các dân tộc trên thế gian được phước như thế nào qua dòng dõi của Áp Ra Ham? Câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này được tìm thấy trong Sách Áp Ra Ham.

“Và ta sẽ làm cho ngươi [Áp Ra Ham] thành một dân lớn, và ta sẽ ban phước cho ngươi không lường được, và làm cho tên của ngươi danh tiếng khắp các quốc gia, và ngươi sẽ là một phước lành cho dòng dõi của ngươi sau ngươi, ngõ hầu qua bàn tay của mình, họ sẽ đem giáo vụ và Chức Tư Tế này đến với tất cả các quốc gia.

“Và ta sẽ ban phước cho họ qua danh của ngươi; vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của ngươi, và sẽ được xem như dòng dõi của ngươi, và sẽ đứng lên chúc phước cho ngươi là tổ phụ của họ” (Áp Ra Ham 2:9–10).

Chúng ta học được trong những câu này rằng những người thừa tự trung tín của Áp Ra Ham sẽ có được các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thẩm quyền của chức tư tế. Như vậy, câu nói “đem giáo vụ và Chức Tư Tế này đến với tất cả các quốc gia” ám chỉ trách nhiệm rao giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi qua thẩm quyền thích đáng của chức tư tế . Quả thật, trách nhiệm lớn lao được ban cho dòng dõi của Áp Ra Ham trong những ngày sau cùng này.

Các lời hứa và các phước lành này có liên quan gì đến chúng ta ngày nay không? Qua dòng dõi chính thống hoặc qua sự thừa nhận làm dòng dõi, mỗi người đàn ông và mỗi thiếu niên đang nghe tôi nói đêm nay là một người thừa tự chính thức các lời hứa do Thượng Đế lập với Áp Ra Ham. Chúng ta là dòng dõi của Áp Ra Ham. Một trong những lý do chính mà chúng ta nhận phước lành tộc trưởng là giúp chúng ta hiểu một cách trọn vẹn hơn chúng ta là ai với tư cách là các con cháu của Áp Ra Ham và nhận biết trách nhiệm được ban cho chúng ta.

Thưa các anh em, các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải ban phước cho tất cả mọi dân tộc trong mọi quốc gia trên thế gian. Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và công bố sứ điệp về Sự Phục Hồi. Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi. Việc rao truyền phúc âm không phải là một bổn phận bán thời gian của chức tư tế. Đó không phải chỉ là một sinh hoạt mà chúng ta tham gia vào trong một thời gian giới hạn hoặc một sự chỉ định mà chúng ta phải hoàn tất với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đúng hơn, công việc truyền giáo là một sự biểu lộ về chân tính và di sản thuộc linh của chúng ta. Chúng ta đã được tiền sắc phong trong cuộc sống tiền dương thế và sinh ra đời để làm tròn giao ước và lời hứa mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham. Chúng ta hiện diện nơi đây trên thế gian vào thời điểm này để làm vinh hiển chức tư tế và để rao giảng phúc âm. Đó là việc chúng ta là ai, và đó là lý do mà chúng ta hiện diện nơi đây—ngày hôm nay và mãi mãi.

Các anh em có thể thích nghe nhạc, thể thao hoặc giỏi về máy móc, và một ngày nào đó các anh em có thể làm việc kinh doanh hoặc có một nghề nghiệp hay làm nghệ thuật. Cho dù các sinh hoạt và nghề nghiệp như vậy có thể quan trọng đến đâu chăng nữa, thì chúng cũng không xác định rõ chúng ta là ai. Đầu tiên và trước hết, chúng ta là những linh thể. Chúng ta là các con trai của Thượng Đế và là dòng dõi của Áp Ra Ham.

“Vì những ai trung thành để nhận được hai chức tư tế mà ta đã nói tới, và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, thì được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới.

“Họ trở thành con trai của Môi Se và A Rôn, và dòng dõi của Áp Ra Ham, và giáo hội và vương quốc, và dân chọn lọc của Thượng Đế” (GLGƯ 84:33–34).

Các anh em thân mến, chúng ta đã được ban cho nhiều và cũng sẽ được đòi hỏi nhiều. Cầu xin cho các em thiếu niên hiểu một cách trọn vẹn hơn các em là ai với tư cách là dòng dõi của Áp Ra Ham và trở thành những người truyền giáo từ lâu trước khi các em đi truyền giáo. Sau khi trở về nhà và gia đình của mình, cầu xin cho các em là những người truyền giáo được giải nhiệm vẫn luôn luôn là những người truyền giáo. Và cầu xin cho tất cả chúng ta hãy đứng lên với tư cách là những người của Thượng Đế và ban phước cho các dân tộc của thế gian với chứng ngôn và quyền năng thuộc linh lớn lao hơn bao giờ hết.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống! Và tôi làm chứng rằng chúng ta, với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, là những người đại diện của Ngài trong công việc vinh quang của sự rao giảng phúc âm của Ngài, ngày hôm nay và mãi mãi. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.