2005
Điều Quan Trọng Nhất Là Điều Tồn Tại Lâu Nhất
Tháng Mười Một năm 2005


Điều Quan Trọng Nhất Là Điều Tồn Tại Lâu Nhất

Với tư cách là những người lãnh đạo của các anh chị em, chúng tôi kêu gọi các tín hữu của Giáo Hội ở khắp mọi nơi phải đặt gia đình lên trên hết, và nhận ra những cách thức cụ thể để củng cố gia đình riêng của mình.

Một số Vị Thẩm Quyền Trung Ương và tôi mới vừa đi thăm một vài trung tâm tị nạn ở Louisiana, Mississippi, và Texas nơi mà các nạn nhân của Cơn Cuồng Phong Katrina gánh chịu cảnh đổ nát tan hoang và di tản đang trú ngụ khi họ bắt đầu cố gắng làm lại cuộc đời của họ. Câu chuyện và hoàn cảnh của họ đầy thương tâm và bi thảm trong nhiều phương diện nhưng trong số tất cả những điều tôi đã nghe được mà làm tôi cảm động nhất là sự khóc lóc tìm kiếm gia đình bị thất lạc: “Mẹ tôi đâu?” “Tôi không tìm được đứa con trai của tôi.” “Tôi đã thất lạc đứa em gái của tôi.” Đây là những người đói khát, sợ hãi, đã mất hết mọi thứ và cần thực phẩm, sự chăm sóc y tế, và trợ giúp trong mọi phương diện, nhưng điều mà họ mong muốn và cần có nhất là gia đình của họ.

Bất cứ khủng hoảng hay thay đổi nào đều thường nhắc nhở chúng ta đến điều quan trọng nhất. Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường coi gia đình—cha mẹ, con cái, và các anh chị em—là đương nhiên phải có. Nhưng trong lúc hiểm nguy và cần thiết và thay đổi, thì chắc chắn điều mà chúng ta quan tâm nhất là gia đình mình! Điều này lại càng quan trọng hơn khi chúng ta rời cõi đời này để vào thế giới linh hồn. Tất nhiên những người mà chúng ta sẽ tìm kiếm trước tiên là cha, mẹ, người phối ngẫu, con cái và anh chị em.

Tôi tin rằng mục đích của cuộc sống trần thế là “để xây đắp một gia đình vĩnh cửu.” Ở trên thế gian này chúng ta cố gắng để trở thành một phần tử của các gia tộc với khả năng tạo lập và tổ chức phần tử của riêng mình trong các gia tộc đó. Đó là một trong các lý do mà Cha Thiên Thượng đã gửi chúng ta đến nơi đây. Không phải mọi người sẽ tìm được một người bạn đời và có một gia đình trên trần thế, nhưng tất cả mọi người, bất luận hoàn cảnh cá nhân, đều là thành viên yêu quý trong gia đình của Thượng Đế.

Thưa các anh chị em, năm nay đánh đấu năm thứ mười kỷ niệm bản tuyên ngôn cùng thế giới về gia đình, mà đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ công bố vào năm 1995 (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49; Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 102). Đó là tiếng gọi vang dội cho lúc đó lẫn bây giờ để bảo vệ và củng cố gia đình và một lời cảnh cáo nghiêm khắc trong một thế giới mà các giá trị suy đồi và thứ tự ưu tiên bị đảo lộn đang đe dọa hủy diệt xã hội bằng cách làm suy yếu đơn vị cơ bản của xã hội.

Bản Tuyên Ngôn này là một văn kiện có tính cách tiên tri, vì không những nó được công bố bởi các vị tiên tri mà vì nó được công bố trước khi thời kỳ suy đồi xảy ra. Nó cảnh cáo về rất nhiều điều mà đã đe dọa và làm suy yếu gia đình trong thập niên qua và kêu gọi việc đem lại thứ tự ưu tiên cùng nhấn mạnh về nhu cầu của gia đình nếu họ muốn được tồn tại trong một môi trường mà dường như càng ngày càng có hại cho truyền thống hôn nhân và cho mối liên hệ của cha mẹ và con cái.

Lời lẽ rõ ràng và đơn giản của Bản Tuyên Ngôn thì hoàn toàn trái ngược với khái niệm lộn xộn và phức tạp của một xã hội mà không thể đồng ý trong định nghĩa về gia đình, thì làm sao có thể cung ứng sự giúp đỡ và hỗ trợ cho nhu cầu của cha mẹ và gia đình. Các anh chị em đã quen thuộc với những lời lẽ của bản tuyên ngôn như sau:

  • “Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn.”

  • “Phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.”

  • “Người chồng và người vợ có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình.”

  • “Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn.”

  • “Sự tan vỡ gia đình sẽ mang lại cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia những tai họa mà đã được các tiên tri thời xưa và hiện đại tiên đoán.”

Và những lời cuối cùng của bản tuyên ngôn biểu lộ lẽ thật giản dị rằng gia đình là “đơn vị cơ bản của xã hội.”

Ngày hôm nay tôi kêu gọi các tín hữu của Giáo Hội này và các bậc cha mẹ, ông bà và thân quyến đầy lòng tận tụy ở mọi nơi nên tôn trọng triệt để bản tuyên ngôn quan trọng này, để làm cho nó thành một cờ hiệu tương tự như “lá cờ tự do” của Tổng Lãnh Binh Mô Rô Ni, và để tự cam kết sống theo những lời giáo huấn đó. Vì chúng ta đều là một phần tử của một gia đình, nên bản tuyên ngôn này áp dụng cho mọi người.

Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng loài người ở bất cứ nơi nào trên thế gian thường coi gia đình là ưu tiên cao nhất của họ, vậy mà trong những năm gần đây, tổ chức xã hội dường như làm ngơ hay định nghĩa sai về gia đình. Hãy xem xét một số thay đổi trong thập niên qua:

  • Nhiều cơ quan quốc gia và quốc tế lớn hơn mà đã từng hỗ trợ và củng cố gia đình nay lại cố gắng thay thế hay còn phá hoại chính các gia đình mà các tổ chức đó được thành lập để phục vụ.

  • Với danh nghĩa “khoan dung”, định nghĩa về gia đình bị bành trướng thái quá đến nỗi “gia đình” có thể là bẩt cứ cá nhân nào bất kể phái tính nào mà sống chung với nhau dù có hay không có sự cam kết, hoặc con cái, hoặc mối quan tâm đến hậu quả của việc làm này.

  • Chủ nghĩa duy vật và sự ích kỷ thái quá đánh lừa nhiều người để nghĩ rằng gia đình, và nhất là con cái, là một gánh nặng và là gánh nặng tài chính mà sẽ ràng buộc họ thay vì là một đặc ân thiêng liêng mà sẽ dạy họ trở nên giống như Thượng Đế hơn.

Tuy nhiên đa số các bậc cha mẹ trên khắp thế giới tiếp tục biết về tầm quan trọng lẫn niềm vui gắn liền với các gia đình thiên nhiên. Những người bạn của tôi, vừa mới trở về từ chuyến đi diễn thuyết về gia đình và cha mẹ trên vài lục địa, đã thuật lại cho tôi nghe rằng niềm hy vọng và mối quan tâm của các bậc cha mẹ giống nhau một cách rõ rệt trên khắp thế giới.

Ở Ấn Độ một người mẹ theo đạo Ấn đầy lo âu nói: “Ước muốn của tôi chỉ là có ảnh hưởng lớn đến con cái tôi hơn là giới truyền thông hay nhóm bạn bè.”

Và một người mẹ Phật Tử ở Mã Lai nói: “Tôi muốn các con trai của tôi sống ở thế gian, nhưng tôi không muốn chúng thuộc về thế gian.” Các bậc cha mẹ từ mọi phong tục và tôn giáo khác nhau cùng nói và cảm thấy những điều tương tự như chúng ta là các bậc cha mẹ trong Giáo Hội.

Thế gian cần biết điều mà bản tuyên ngôn giảng dạy, bởi vì gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, của nền kinh tế, của văn hóa và của chính phủ chúng ta. Và như Các Thánh Hữu Ngày Sau đã biết, gia đình cũng sẽ là đơn vị cơ bản trong vương quốc thượng thiên.

Trong Giáo Hội, niềm tin của chúng ta về sự tối quan trọng của gia đình bắt nguồn từ giáo lý đã được phục hồi. Chúng ta biết về sự thiêng liêng của gia đình trong cả hai chiều hướng của cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta biết rằng trước cuộc sống này chúng ta đã sống với Cha Thiên Thượng với tư cách là một phần tử của gia đình Ngài, và chúng ta biết rằng mối liên hệ gia đình có thể tồn tại sau khi chết.

Nếu chúng ta sống và hành động theo sự hiểu biết này, thì chúng ta sẽ thu hút thế gian theo chúng ta. Các bậc cha mẹ mà đặt gia đình mình làm ưu tiên thì sẽ được thu hút đến với Giáo Hội vì Giáo Hội cung ứng một cấu trúc gia đình, giá trị, giáo lý , và viễn ảnh vĩnh cửu mà họ tìm kiếm nhưng không tìm thấy ở nơi nào khác.

Viễn cảnh đặt trọng tâm vào gia đình của chúng ta nên làm cho Các Thánh Hữu Ngày Sau cố gắng sống để trở thành cha mẹ tốt nhất trên thế giới. Nó nên khiến chúng ta kính trọng con cái của mình mà thật ra là các anh chị em linh hồn của chúng ta, và điều đó nên khiến chúng ta dành hết thời giờ cần thiết để củng cố gia đình mình. Quả thật, không một điều gì lại liên quan trực tiếp đến hạnh phúc—của riêng mình cũng như của con cái mình—bằng bao nhiêu tình thương và sự hỗ trợ mà chúng ta dành cho nhau trong một gia đình.

Chủ Tịch Harold B. Lee đã nói về Giáo Hội như là một sự hỗ trợ thiết yếu để giúp chúng ta xây đắp cá nhân và gia đình (xin xem Conference Report, tháng Mười năm 1967, 107). Giáo Hội là vương quốc của Thượng Đế trên thế gian, nhưng trong vương quốc của thiên thượng, gia đình sẽ là nguồn gốc của sự tiến triển vĩnh cửu lẫn niềm vui của chúng ta và là thánh ban của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Như chúng ta thường được nhắc nhở, một ngày nào đó chúng ta sẽ được giải nhiệm khỏi những sự kêu gọi của mình trong Giáo Hội; nhưng nếu xứng đáng, chúng ta sẽ không bao giờ bị giải nhiệm khỏi mối liên hệ gia đình của mình.

Joseph F. Smith đã nói: “ Không thể có một hạnh phúc chân thật nào khác bên ngoài gia đình, và mỗi nỗ lực tạo ra để thánh hóa và bảo tồn ảnh hưởng của gia đình đều nâng cao tinh thần của những người đã lao nhọc và hy sinh cho sự thiết lập gia đình. Người nam lẫn người nữ thường tìm cách thay thế cuộc sống gia đình bằng một lối sống nào khác; họ làm cho bản thân họ tin rằng gia đình có nghĩa là sự ràng buộc; rằng sự tự do triệt để nhất là cơ hội trọn vẹn nhất để đi bất cứ nơi nào tùy ý . Sẽ không có hạnh phúc nếu không có sự phục vụ, và sẽ không có sự phục vụ nào cao cả hơn là việc biến gia đình thành một tổ chức thiêng liêng, và để đẩy mạnh và bảo vệ cuộc sống gia đình” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 382).

Giờ đây, một người có thể hỏi: “Làm sao chúng ta che chở và bảo vệ cùng củng cố nhà cửa và gia đình của mình trong một thế giới lôi kéo mạnh mẽ qua các phương hướng trái ngược nhau?” Tôi xin đưa ra ba đề nghị đơn giản:

  1. Hãy nhất quán trong việc cầu nguyện chung gia đình mỗi ngày và tổ chức buổi họp tối gia đình hằng tuần. Cả hai việc này mời gọi Thánh Linh của Chúa, mà cung ứng sự giúp đỡ và quyền năng mà chúng ta cần có với tư cách là cha mẹ và những người lãnh đạo gia đình. Chương trình giảng dạy của Giáo Hội và các tạp chí có rất nhiều sáng kiến cho buổi họp tối gia đình. Cũng hãy nghĩ đến việc tổ chức buổi họp chứng ngôn trong gia đình nơi mà cha mẹ và con cái có thể bày tỏ niềm tin và cảm nghĩ cho nhau trong một bối cảnh riêng tư và thân mật.

  2. Giảng dạy phúc âm và các giá trị cơ bản trong gia đình mình. Hãy tạo nên lòng yêu thích đọc thánh thư chung với nhau. Có quá nhiều cha mẹ đã trao phó trách nhiệm này cho Giáo Hội. Mặc dù trường giáo lý , các tổ chức bổ trợ, và các nhóm túc số chức tư tế đều quan trọng với tính cách là những tổ chức để bổ sung cho cha mẹ trong việc giảng dạy phúc âm, nhưng trách nhiệm chính yếu là của gia đình. Các anh chị em nên chọn một đề tài phúc âm hoặc một giá trị của gia đình rồi tìm cơ hội để giảng dạy nó. Hãy khôn ngoan và đừng để cho con cái hoặc chính mình tham gia quá nhiều sinh hoạt bên ngoài nhà khiến cho chúng ta quá bận rộn đến nỗi chúng ta không nhận ra hay cảm nhận được Thánh Linh của Chúa khi Ngài ban cho chúng ta sự hướng dẫn đã được hứa ban cho chúng ta và gia đình mình.

Hãy tạo ra các mối ràng buộc gia đình đầy ý nghĩa mà cho con cái của các anh chị em có được một đặc tính mạnh mẽ hơn những gì chúng có thể thấy nơi bạn bè của chúng, tại trường học, hay một nơi nào khác. Điều này có thể được thực hiện qua các truyền thống gia đình trong các ngày sinh nhật, ngày lễ, trong bữa ăn tối, hoặc ngày Chúa Nhật. Điều này cũng có thể được thực hiện qua các chính sách và các quy luật của gia đình với các hậu quả tự nhiên và được thông hiểu rõ ràng. Hãy có một đường lối điều hành giản dị trong gia đình để con cái gánh vác những công việc nhà nào đó hoặc bổn phận trong gia đình cùng nhận được lời khen ngợi hay phần thưởng khác xứng với việc làm của chúng. Dạy chúng về tầm quan trọng của việc tránh nợ nần và việc kiếm tiền, dành dụm và xài tiền một cách khôn ngoan. Giúp chúng học trách nhiệm về sự tự túc về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Trong thế giới ngày nay, nơi mà sự gây hấn của Sa Tan đối với gia đình rất thường thấy, thì cha mẹ phải làm tất cả những gì họ có thể làm được để củng cố và bảo vệ gia đình họ. Nhưng nỗ lực của họ có thể không đủ. Tổ chức gia đình cơ bản nhất của chúng ta rất cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ của họ hàng quyến thuộc và các cơ quan công cộng chung quanh chúng ta. Thưa các anh chị em, các cô chú, cậu mợ, ông bà, và anh em họ hàng có thể tạo một sự khác biệt mạnh mẽ trong cuộc sống của con cái. Hãy nhớ rằng những sự bày tỏ tình thương và lời khuyến khích từ một người trong gia quyến sẽ thường cung ứng ảnh hưởng tốt và giúp đỡ một đứa trẻ vào lúc nguy kịch.

Chính Giáo Hội sẽ tiếp tục là tổ chức đầu tiên và trước hết—là sự hỗ trợ—để giúp xây đắp gia đình vững mạnh. Tôi có thể cam đoan cùng các anh chị em rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội này quan tâm rất nhiều đến sự an lạc của gia đình các anh chị em, vì vậy các anh chị em sẽ thấy các nỗ lực về việc đặt ưu tiên và chú trọng đến nhu cầu gia đình gia tăng. Nhưng với tư cách là những người lãnh đạo của các anh chị em, chúng tôi kêu gọi các tín hữu của Giáo Hội ở khắp mọi nơi phải đặt gia đình lên trên hết, và nhận ra những cách thức cụ thể để củng cố gia đình riêng của mình.

Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi các cơ quan công cộng nên tự duyệt xét và giảm bớt những gì mà có thể làm phương hại đến gia đình và gia tăng những gì mà sẽ giúp đỡ họ.

Chúng tôi kêu gọi giới truyền thông nên thêm vào những chương trình đẩy mạnh các giá trị của gia đình truyền thống và nâng cao tinh thần cùng hỗ trợ gia đình và giảm bớt những gì truyền bá sự đồi trụy và chủ nghĩa duy vật.

Chúng tôi kêu gọi giới chính quyền và các vị lãnh đạo chính trị nên đặt nhu cầu của trẻ em và cha mẹ lên trên hết, và nên nghĩ đến ảnh hưởng của gia đình trong khi đề ra luật pháp và chính sách.

Chúng tôi kêu gọi những người cung cấp mạng lưới internet và những người tạo ra trang mạng website hãy chịu trách nhiệm thêm về tiềm lực của họ trong việc ảnh hưởng và chấp nhận mục tiêu đầy ý thức về việc bảo vệ trẻ em khỏi sự bạo động, hình ảnh sách báo khiêu dâm, đồi trụy và bẩn thỉu.

Chúng tôi kêu gọi các tổ chức giáo dục nên giảng dạy về các giá trị chung, về gia đình, và về kiến thức làm cha mẹ, hỗ trợ các bậc cha mẹ trong trách nhiệm của họ để nuôi dưỡng chúng trở thành những người lãnh đạo của gia đình trong thế hệ tương lai.

Chúng tôi kêu gọi các tín hữu của Giáo Hội nên tìm đến những người láng giềng và bạn hữu của các tôn giáo khác trong tình yêu thương, cùng mời họ sử dụng nhiều nguồn phương tiện của Giáo Hội để giúp đỡ gia đình. Các cộng đồng và láng giềng của chúng ta sẽ được an ninh và vững mạnh hơn khi dân chúng thuộc mọi tôn giáo cùng hợp tác với nhau để củng cố gia đình.

Là điều quan trọng để nhớ rằng tất cả các đơn vị khác lớn hơn của xã hội đều lệ thuộc vào đơn vị nhỏ và cơ bản nhất, đó là gia đình. Bất luận chúng ta là ai hoặc chúng ta là gì đi nữa, thì chúng ta cũng tự giúp mình bằng cách giúp đỡ gia đình.

Thưa các anh chị em, khi chúng ta giơ cao cờ hiệu bản tuyên ngôn cùng thế giới về gia đình và khi chúng ta sống theo và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta sẽ làm tròn mục đích tạo dựng của mình trên thế gian này. Chúng ta sẽ tìm được sự bình an và hạnh phúc nơi này và trong thế giới mai sau. Chúng ta không cần phải có một trận cuồng phong hoặc cơn khủng hoảng khác để nhắc nhở chúng ta về những điều quan trọng nhất. Phúc âm và kế hoạch hạnh phúc và cứu rỗi của Chúa nên là điều nhắc nhở chúng ta. Điều quan trọng nhất là điều tồn tại lâu dài nhất, và gia đình chúng ta là nhắm vào thời vĩnh cửu. Tôi xin làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.