2005
Hãy Làm Bổn Phận của Mình—Đó Là Điều Tốt Nhất
Tháng Mười Một năm 2005


Hãy Làm Bổn Phận của Mình—Đó Là Điều Tốt Nhất

Chức tư tế thật sự không phải là một ân tứ mà là một lệnh truyền để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Thưa các anh em chức tư tế, đang tụ họp nơi đây tại Trung Tâm Đại Hội và trên khắp thế giới, tôi hạ mình trước trách nhiệm của tôi để nói đôi lời cùng các anh em. Tôi cầu xin Thánh Linh của Chúa giúp đỡ tôi khi tôi nói chuyện.

Tôi nhận thấy rằng cử tọa của chúng ta tối nay gồm có thầy trợ tế mới vừa được sắc phong cho đến thầy tư tế thượng phẩm lớn tuổi nhất. Đối với mỗi người ấy, sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery bởi Giăng Báp Tít và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph và Oliver bởi Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, là những sự kiện thiêng liêng và quý báu.

Cùng các thầy trợ tế, tôi xin nói rằng tôi nhớ lại thời gian khi tôi được sắc phong làm một thầy trợ tế. Giám trợ đoàn của chúng tôi đã nhấn mạnh đến trách nhiệm thiêng liêng của chúng tôi để chuyền Tiệc Thánh. Điều họ nhấn mạnh là việc ăn mặc chỉnh tề, cử chỉ trang nghiêm và tầm quan trọng của việc được thanh sạch bên trong lẫn bên ngoài. Trong khi được dạy cách thức chuyền Tiệc Thánh, chúng tôi được cho biết cách thức chúng tôi nên phụ giúp Louis McDonald, một người anh em đặc biệt trong tiểu giáo khu của chúng tôi là người bị liệt để anh ấy có cơ hội dự phần Tiệc Thánh thiêng liêng.

Tôi nhớ rõ được phân công chuyền Tiệc Thánh cho dãy ghế mà Anh McDonald ngồi. Tôi lo sợ và ngập ngừng khi tôi đến gần người anh em tuyệt vời này, và rồi tôi thấy ảnh mỉm cười và sự thiết tha bày tỏ lòng biết ơn cho thấy ước muốn của anh để được dự phần Tiệc Thánh. Cầm cái khay trong tay trái, tôi lấy một miếng bánh nhỏ và đưa nó lên môi anh. Và sau đó nước cũng đã được phục vụ bằng cách thức tương tự . Tôi cảm thấy mình đang làm một việc thánh thiện. Và tôi quả thật đã làm một việc thánh thiện. Đặc ân để chuyền Tiệc Thánh cho Anh McDonald đã làm cho tất cả chúng tôi trở nên những thầy trợ tế tốt hơn.

Mới hai tháng trước đây, vào ngày Chúa Nhật, 31 tháng Bảy, tôi đang ở tại căn cứ quân sự Fort A. P. Hill, Virginia tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh của Thánh Hữu Ngày Sau tổ chức trong lúc Đại Hội Hướng Đạo Toàn Quốc. Mục đích của tôi ở đó là để nói chuyện cùng 5.000 thiếu niên Thánh Hữu Ngày Sau và những người lãnh đạo của họ là những người đã tham dự các sinh hoạt trong Đại Hội Hướng Đạo tuần trước đó. Họ đã ngồi trang nghiêm trong một giảng đường trong lúc một ca đoàn gồm 400 giọng ca của Chức Tư Tế A Rôn đã hát:

Một thiếu niên Mặc Môn, một thiếu niên Mặc Môn

Tôi là một thiếu niên Mặc Môn.

Tôi có thể bị một vị vua ghen tị,

Vì tôi là một thiếu niên Mặc Môn.1

Tiệc Thánh đã được ban phước, với 65 thầy tư tế thực hiện tại nhiều bàn Tiệc Thánh lớn mà đã được đặt ở giữa nhóm người tụ họp. Rồi có khoảng 180 thầy trợ tế đã chuyền Tiệc Thánh. Trong cùng khoảng thời gian cần thiết dùng để chuyền Tiệc Thánh trong một giáo đường đông người của tiểu giáo khu, cuộc họp mặt này đã được phục vụ Tiệc Thánh. Thật là một cảnh tượng đầy soi dẫn mà tôi đã chứng kiến buổi sáng đó khi các thiếu niên Chức Tư Tế A Rôn này tham dự vào giáo lễ thiêng liêng này.

Thật là quan trọng đối với mỗi thầy trợ tế để được hướng dẫn đến một sự nhận biết thuộc linh về sự thiêng liêng của sự kêu gọi đã được sắc phong của mình. Trong một tiểu giáo khu, bài học này đã được giảng dạy một cách có hiệu quả về việc thu góp các của lễ nhịn ăn.

Vào ngày nhịn ăn, các tín hữu trong tiểu giáo khu được các thầy trợ tế và thầy giảng đến thăm để mỗi gia đình có thể đóng góp. Các thầy trợ tế đã hơi bực tức vì phải thức dậy sớm hơn thường lệ để làm tròn nhiệm vụ này.

Sự soi dẫn đã đến với giám trợ đoàn để đưa một xe buý t đầy các thầy trợ tế và thầy giảng đến Welfare Square ở Thành Phố Salt Lake. Nơi đây họ đã thấy các trẻ em nghèo nhận giầy mới và những món quần áo khác. Nơi đây họ đã chứng kiến những cái rổ không được chất đầy đồ tạp phẩm. Những món đồ này không phải bỏ tiền ra mua. Một lời bình luận ngắn đã được đưa ra: “Các em thiếu niên, đây là những gì có được bằng tiền các em thu góp trong ngày nhịn ăn—nhất là thức ăn, quần áo, và chỗ ở cho những người túng thiếu.” Các thiếu niên Chức Tư Tế A Rôn đã mỉm cười nhiều hơn, coi trọng sự kêu gọi của mình hơn và sẵn lòng phục vụ hơn để làm tròn nhiệm vụ của mình.

Giờ đây, về các thầy giảng và các thầy tư tế, mỗi em nên được trao cho nhiệm vụ để giảng dạy tại gia với một người bạn đồng hành nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Thật là một cơ hội tốt để chuẩn bị đi truyền giáo. Thật là một đặc ân để học về kỷ luật của bổn phận. Một thiếu niên sẽ tự động quên mình khi em ấy được giao cho nhiệm vụ “chăm sóc” những người khác.2

Chủ Tịch David O. McKay đã dạy: “Việc giảng dạy tại gia là một trong những cơ hội khẩn cấp và thỏa mãn nhất để nuôi dưỡng và soi dẫn, để khuyên dạy và hướng dẫn con cái của Cha Thiên Thượng của chúng ta … [Đó] là một sự phục vụ thiêng liêng, một sự kêu gọi thiêng liêng. Đó là bổn phận của chúng ta với tư cách là Các Thầy Giảng Tại Gia để đem Thánh Linh đến từng nhà và từng người.”3

Việc giảng dạy tại gia đáp ứng cho nhiều lời cầu nguyện và cho phép chúng ta thấy các phép lạ xảy ra trong cuộc sống.

Khi nghĩ về việc giảng dạy tại gia, tôi nhớ đến một người đàn ông tên là Johann Denndorfer ở Debrecen, Hung Gia Lợi. Ông đã cải đạo vào Giáo Hội nhiều năm trước ở Đức, và bây giờ, sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã tự thấy mình hầu như là một tù nhân trên chính quê hương Hung Gia Lợi của ông. Ông rất mong mỏi có được liên lạc với Giáo Hội. Rồi hai người thầy giảng tại gia của ông đến thăm. Anh Walter Krause và người bạn đồng hành của anh đã đi từ miền đông bắc của Đức đến tận Hung Gia Lợi để làm tròn nhiệm vụ giảng dạy tại gia của họ. Trước khi họ rời nhà mình ở Đức, anh Krause đã nói với người bạn đồng hành của anh: “Anh có muốn đi giảng dạy tại gia với tôi tuần này không?”

Người bạn đồng hành của anh hỏi: “Khi nào chúng ta đi?”

Anh Krause đáp: “Ngày mai.”

Rồi lại hỏi: “Khi nào chúng ta về?”

Anh Krause đã không do dự mà nói: “Ồ, khoảng một tuần sau.”

Và thế rồi họ đi thăm Anh Denndorfer và những người khác. Anh Denndorfer đã không có thầy giảng tại gia từ trước cuộc chiến. Giờ đây, khi thấy những tôi tớ của Chúa, lòng anh tràn ngập niềm vui. Anh đã không bắt tay họ; thay vì thế, anh đi vào phòng ngủ và lấy từ chỗ giấu bí mật số tiền thập phân mà anh đã để dành trong nhiều năm. Anh đưa số tiền thập phân này cho các thầy giảng tại gia của anh rồi nói: “Bây giờ tôi có thể bắt tay các anh.”

Giờ đây, tôi có đôi lời với các thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn. Các em là các thiếu niên có cơ hội để ban phước lành Tiệc Thánh, tiếp tục các bổn phận giảng dạy tại gia của mình, và tham gia vào giáo lễ báp têm thiêng liêng.

Cách đây năm mươi lăm năm, tôi biết một thiếu niên, Robert Williams, là người đã nắm giữ chức phẩm thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn. Là một giám trợ, tôi cũng là chủ tịch của nhóm túc số của em ấy. Khi nói chuyện, Robert lắp bắp và cà lăm, thiếu tự chủ. Ngượng ngùng, nhút nhát, và sợ chính mình và người khác, trở ngại này rất nguy hại đối với em ấy. Ít khi em ấy chấp nhận một công việc chỉ định; em ấy không bao giờ nhìn vào mắt ai; em ấy luôn nhìn xuống. Rồi một ngày nọ, qua một loạt những tình huống đặc biệt, em ấy đã chấp nhận một nhiệm vụ để thực hiện trách nhiệm làm phép báp têm cho một người khác.

Tôi đã ngồi cạnh Robert trong phòng báp têm tại Đại Thính Đường ở Salt Lake. Tôi biết em ấy cần tất cả mọi sự giúp đỡ mà em ấy có thể có. Em ấy mặc đồ trắng tinh, sẵn sàng cho giáo lễ mà em ấy sẽ thực hiện. Tôi hỏi em ấy cảm thấy như thế nào. Em ấy nhìn xuống sàn nhà và nói lắp bắp gần như không kiềm chế được rằng em ấy cảm thấy sợ hãi.

Cả hai chúng tôi đã thành khẩn cầu nguyện rằng em ấy sẽ có thể làm tròn nhiệm vụ của mình. Rồi người thư ký nói: “Bây giờ Nancy Ann McArthur sẽ được làm phép báp têm bởi Robert William, một thầy tư tế.”

Robert rời khỏi chỗ ngồi bên cạnh tôi, bước vào hồ nước, nắm tay và giúp bé Nancy bước vào trong nước mà làm thanh tẩy đời người và cung ứng một sự sinh lại phần thuộc linh. Em ấy đã nói những lời như sau: “Nancy Ann McArthur, với tư cách là người đã được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền, tôi làm phép báp têm cho em trong danh của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh. A Men.”

Và em ấy đã làm phép báp têm cho Nancy. Em ấy đã không nói lắp bắp dù một lần! Em đã không nói ngập ngừng dù một lần! Một phép lạ hiện đại đã được chứng kiến. Rồi sau đó Robert đã thực hiện giáo lễ báp têm cho hai hoặc ba đứa trẻ khác theo cùng một thể thức như thế.

Trong phòng thay đồ, khi tôi khen ngợi Robert. Tôi hy vọng được nghe lối nói lưu loát không đứt quãng như thế. Nhưng tôi đã lầm. Em ấy đã nhìn xuống và lắp bắp đáp cảm ơn.

Tôi làm chứng cùng các em rằng khi Robert hành động trong quyền năng của Chức Tư Tế A Rôn, em ấy đã nói với quyền năng, với sự tin chắc, và với sự giúp đỡ của thiên thượng.

Cách đây mới hơn hai năm, tôi đã có đặc ân nói chuyện tại tang lễ của Robert Williams và tỏ lòng tôn kính đối với người nắm chức tư tế trung tín này là người đã cố gắng hết sức trong suốt đời mình để vinh danh chức tư tế của mình.

Một số các em thiếu niên ở đây tối nay có thể là người vốn nhút nhát hay cho rằng mình không thích đáng để đáp ứng cho một sự kêu gọi. Hãy nhớ rằng công việc này không chỉ là của các em và tôi mà thôi. Chúng ta có thể nhìn lên và tìm kiếm sự giúp đỡ của thiên thượng.

Giống như một số các em, tôi hiểu thế nào là sự thất vọng và sự nhục nhã của tuổi trẻ. Khi còn niên thiếu, tôi đã chơi trong đội bóng chày của trường tiểu học và trường trung học cấp hai. Hai đội trưởng đã được chọn, và rồi họ luân phiên chọn những cầu thủ mà họ muốn chơi trong đội của họ. Dĩ nhiên là những cầu thủ giỏi nhất được chọn trước rồi đến những cầu thủ được chọn thứ nhì, và rồi đến thứ ba. Được chọn vào vòng thứ tư hoặc thứ năm thì cũng không đến nỗi nào, nhưng được chọn cuối cùng và bị chuyển xuống một vị trí ở bên ngoài thì thật là một điều hết sức tệ hại. Tôi biết vì tôi đã trải qua kinh nghiệm đó.

Tôi đã hy vọng là trái banh sẽ không bao giờ được đánh về hướng tôi, vì chắc chắn tôi sẽ làm rớt nó, người chạy của đội kia sẽ đạt điểm thắng và các bạn đồng đội tôi sẽ cười tôi.

Thể như chỉ mới hôm qua, tôi nhớ chính giây phút mà khi tất cả mọi việc đã thay đổi trong đời tôi. Trận đấu bắt đầu như tôi đã diễn tả: tôi được chọn cuối cùng. Tôi thất thểu đi ra vị trí xa của tôi ở sân bên phải và theo dõi trong khi đội của đối phương có cầu thủ chạy chụp banh ở mỗi chặng. Rồi hai người đánh hụt banh. Thình lình, người kế đó đánh trái banh thật mạnh. Tôi còn nghe người đó nói: “Kỳ này tôi sẽ ghi điểm thắng cho xem.” Thật là quá bẽ mặt vì trái banh bay qua hướng của tôi. Nó có vượt quá tầm tay tôi không? Tôi chạy nhanh về hướng mà tôi nghĩ trái banh sẽ rớt xuống, dâng một lời cầu nguyện trong khi đang chạy, và dang tay khum thành hình cái chén. Tôi đã làm chính mình ngạc nhiên. Tôi đã chụp được trái banh! Đội của tôi đã thắng trận đấu.

Một kinh nghiệm này đã củng cố sự tin tưởng của tôi, gây cảm hứng cho tôi để luyện tập và đưa tôi từ người bị chọn cuối cùng thành người thật sự góp phần cho đội.

Chúng ta có thể trải qua sự tin tưởng mãnh liệt đó. Chúng ta có thể cảm thấy niềm hãnh diện về kỳ công đó. Một công thức gồm ba chữ sẽ giúp chúng ta là : Chớ bỏ cuộc.

Có một câu đầy cảm hứng từ vở kịch Shenandoah: “Nếu chúng ta không thử, thì chúng ta không làm; và nếu không làm thì tại sao chúng ta lại ở đây?”

Có phép lạ ở khắp nơi khi những sự kêu gọi của chức tư tế được làm cho vinh hiển. Khi đức tin thay thế sự nghi ngờ, khi sự phục vụ vị tha loại trừ sự tranh đấu ích kỷ , thì quyền năng của Thượng Đế đem lại các mục đích của Ngài. Chức tư tế thật sự không phải là một ân tứ mà là một lệnh truyền để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Sự kêu gọi của bổn phận có thể đến một cách lặng lẽ khi chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế đáp ứng những phận sự được giao cho chúng ta. Chủ Tịch George Albert Smith, vị lãnh đạo khiêm nhường nhưng đầy hữu hiệu đó, đã tuyên bố: “Các anh em có bổn phận trước hơn hết để học điều mà Chúa muốn và rồi bởi quyền năng và sức mạnh của Thánh Chức Tư Tế của Ngài để làm vinh hiển sự kêu gọi của các anh em trong sự hiện diện của đồng bào mình theo cách thức mà họ sẽ vui mừng để đi theo các anh em.”4

Và một người làm vinh hiển sự kêu gọi của mình bằng cách nào? Tuyệt đối bằng cách thực hiện sự phục vụ liên quan đến sự kêu gọi đó. Một anh cả làm vinh hiển sự kêu gọi được sắc phong của một anh cả bằng cách học các bổn phận của mình là gì với tư cách là một anh cả và rồi bằng cách thực hiện các bổn phận đó. Giống như đối với một anh cả, một thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, một giám trợ, và mỗi người nắm giữ chức phẩm trong chức tư tế thì cũng thế.

Thưa các anh em, chính trong việc làm—chứ không phải chỉ trong mơ ước—mà những cuộc sống mới được ban phước, những người khác mới được hướng dẫn, và các linh hồn mới được cứu. Gia Cơ khuyên dạy: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.”5

Cầu xin tất cả những ai đang lắng nghe tôi nói hãy làm một nỗ lực mới để hội đủ tiêu chuẩn cho sự hướng dẫn của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều người nài xin và cầu nguyện cho sự giúp đỡ. Có những người bị nản lòng và cần một bàn tay giúp đỡ.

Cách đây nhiều năm khi tôi phục vụ với tư cách là một giám trợ, tôi đã chủ tọa một tiểu giáo khu lớn với hơn 1.000 người, kể cả 87 góa phụ. Trong một dịp nọ, tôi cùng một cố vấn của tôi đi thăm một góa phụ và người con gái tật nguyền đã trưởng thành của bà. Khi chúng tôi rời căn hộ của họ, một người đàn bà ở căn hộ đối diện bên kia hành lang, đứng bên ngoài cửa và chặn chúng tôi lại. Bà nói với một giọng ngoại quốc và hỏi tôi có phải là giám trợ không; Tôi trả lời là đúng thế. Bà bảo là bà để ý thấy tôi thường đi thăm những người khác. Rồi bà nói: “ Không một ai đến thăm tôi hay người chồng bị ốm liệt giường của tôi cả. Ông có thời giờ để vào thăm chúng tôi không, mặc dù chúng tôi không phải là tín hữu của giáo hội của ông?”

Khi chúng tôi vào căn hộ của bà, chúng tôi thấy bà và chồng bà đang nghe Đại Ca Đoàn Tabernacle từ máy phát thanh. Chúng tôi trò chuyện với cặp vợ chồng này một lúc rồi ban cho người chồng một phước lành.

Sau buổi thăm viếng đầu tiên đó, tôi ghé qua thường xuyên khi tôi có dịp. Cuối cùng, cặp vợ chồng đó gặp những người truyền giáo, và người vợ, Angela Anastor, đã chịu phép báp têm. Ít lâu sau đó, người chồng qua đời, và tôi đã có đặc ân để điều khiển và nói chuyện trong tang lễ của ông. Chị Anastor, vì biết tiếng Hy Lạp, về sau đã phiên dịch cuốn sách mỏng được dùng khắp nơi Joseph Smith Kể Chuyện của Ông sang tiếng Hy Lạp.

Tôi thích câu ngạn ngữ: “Hãy làm bổn phận của mình, đó là điều tốt nhất. Hãy để lại cho Chúa những điều còn lại.”6

Việc phục vụ tích cực trong Chức Tư Tế A Rôn sẽ chuẩn bị cho các em thiếu niên tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, phục vụ truyền giáo, và kết hôn trong Đền Thờ Thánh.

Các em sẽ luôn luôn nhớ đến những người cố vấn trong nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và những người bạn thành viên trong nhóm túc số của mình, do đó sẽ kinh nghiệm lẽ thật này: “Thượng Đế ban cho chúng ta ký ức để chúng ta có thể nhớ lại những kỷ niệm đẹp đầu đời trong những năm cuối đời mình.”7

Các em thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn, tương lai của các em đang mời gọi; hãy chuẩn bị cho nó. Cầu xin Cha Thiên Thượng luôn hướng dẫn các em khi các em làm như thế. Cầu xin Ngài hướng dẫn tất cả chúng ta khi chúng ta cố gắng kính trọng chức tư tế mà chúng ta nắm giữ và làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta, tôi khiêm nhường cầu xin trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Evan Stephens, “A Mormon Boy,” trong Jack M. Lyon và những người khác, các ấn bản, Best-Loved Poems of the LDS People (1996), 296.

  2. Xin xem GLGƯ 20:53.

  3. Priesthood Home Teaching Handbook, ấn bản sửa chữa (1967), ii–iii.

  4. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1942, 14.

  5. Gia Cơ 1:22.

  6. Henry Wadsworth Longfellow, “The Legend Beautiful,” trong The Complete Poetical Works of Longfellow (1893), 258.

  7. Diễn giải về James Barrie, trong Peter’s Quotations: Ideas for Our Time, do Laurence J. Peter (1977) biên soạn, 335.