2005
Thẩm Quyền Chức Tư Tế trong Gia Đình và Giáo Hội
Tháng Mười Một năm 2005


Thẩm Quyền Chức Tư Tế trong Gia Đình và Giáo Hội

Có nhiều điều tương tự và một số điều khác biệt trong cách thức thẩm quyền chức tư tế được thực hiện trong gia đình và trong Giáo Hội.

Đề tài của tôi là thẩm quyền chức tư tế trong gia đình và trong Giáo Hội.

I.

Cha tôi qua đời khi tôi bảy tuổi. Tôi là đứa con cả trong ba đứa con thơ dại mà bà mẹ góa phụ của tôi đã vất vả nuôi dưỡng. Khi tôi được sắc phong là một thầy trợ tế, mẹ tôi nói bà rất hài lòng khi có được một người nắm giữ chức tư tế trong gia đình. Nhưng Mẹ vẫn tiếp tục điều khiển gia đình, kể cả việc chỉ định đứa nào trong chúng tôi phải cầu nguyện khi chúng tôi cùng nhau quỳ gối cầu nguyện mỗi buổi sáng. Tôi rất hoang mang. Tôi đã được dạy rằng chức tư tế chủ tọa trong gia đình.Có lẽ có một điều gì đó mà tôi không biết về cách thức nguyên tắc này tác động.

Cũng vào khoảng thời gian này, chúng tôi có một người hàng xóm thích thống trị và đôi khi ngược đãi vợ ông. Ông ta gầm như con sư tử và bà ta chịu đựng như con cừu con. Khi họ đi bộ đến nhà thờ, thì bà ta luôn luôn đi một vài bước sau ông. Điều này làm mẹ tôi bực bội. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên quyết không thể nào chịu sự áp chế như thế, và mẹ tôi rất tức giận khi thấy một người phụ nữ khác bị ngược đãi trong cách thức đó. Tôi nghĩ đến phản ứng của mẹ tôi mỗi khi tôi thấy người đàn ông lạm dụng quyền hạn của họ để thỏa mãn tính kiêu ngạo của họ hay muốn kiểm soát hoặc cưỡng bách người vợ của mình với bất cứ mức độ bất chính nào (xin xem GLGƯ 121:37).

Tôi cũng chứng kiến một số phụ nữ trung tín đã hiểu lầm về chức năng của thẩm quyền chức tư tế. Vì ý thức được rằng họ cùng dự phần vào mối quan hệ với chồng của họ trong gia đình, một số người vợ đã tìm cách bành trướng mối quan hệ đó đến sự kêu gọi chức tư tế của chồng họ, chẳng hạn như giám trợ, hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo. Ngược lại, có một số các chị em độc thân là những người đã bị ngược đãi bởi những người đàn ông (chẳng hạn như trong vụ ly dị) đã nhầm lẫn chức tư tế với sự ngược đãi của phái nam và trở nên ngờ vực đối với bất cứ thẩm quyền chức tư tế nào. Một người từng có kinh nghiệm xấu với một dụng cụ điện nào đó không cần phải bỏ không sử dụng điện lực.

Mỗi trường hợp mà tôi mô tả là do sự hiểu lầm về thẩm quyền chức tư tế và nguyên tắc quan trọng là dù chức tư tế chủ tọa trong gia đình lẫn Giáo Hội, nhưng chức năng của chức tư tế được thực hiện khác nhau trong hai tổ chức này. Nguyên tắc này được am hiểu và áp dụng bởi nhiều vị lãnh đạo tài đức trong Giáo Hội và gia đình mà tôi quen biết, nhưng nó ít khi được giảng giải. Ngay cả thánh thư, dù có ghi chép những trường hợp sử dụng thẩm quyền chức tư tế, cũng ít khi nêu ra rõ ràng nguyên tắc nào thì chỉ nên áp dụng cho việc thi hành thẩm quyền chức tư tế trong gia đình, hoặc trong Giáo Hội, hoặc nguyên tắc nào thì nên áp dụng cho cả hai.

II.

Trong phần lý thuyết và thực hành của chúng ta, gia đình và Giáo Hội có một mối liên hệ hỗ tương chặt chẽ. Gia đình nương tựa vào Giáo Hội về giáo lý , các giáo lễ, và các chìa khóa của chức tư tế. Giáo Hội cung ứng sự giảng dạy, thẩm quyền và các giáo lễ cần thiết để duy trì mối liên hệ gia đình đến cuộc sống vĩnh cữu.

Chúng ta có các chương trình và sinh hoạt cho cả gia đình lẫn Giáo Hội. Mỗi chương trình và sinh hoạt đó tương quan với nhau chặt chẽ đến mức nếu phục vụ cho chương trình và sinh hoạt này thì đồng thời cũng phục vụ cho chương trình và sinh hoạt kia. Khi con cái thấy cha mẹ trung tín trong việc thi hành sự kêu gọi của Giáo Hội thì điều đó củng cố mối liên hệ gia đình. Khi gia đình được vững mạnh, thì Giáo Hội cũng được vững mạnh. Cả hai tổ chức này đi song song với nhau. Mỗi tổ chức đều quan trọng và cần thiết và phải được điều hành với mối quan tâm lớn lẫn cho nhau. Các chương trình và các sinh hoạt của Giáo Hội không nên chiếm quá nhiều thời giờ đến nỗi gia đình không thể có mặt đủ mọi người trong thời gian dành cho gia đình. Và các sinh hoạt gia đình cũng không nên được hoạch định mà trùng với lễ Tiệc Thánh hay các buổi họp thiết yếu khác của Giáo Hội.

Chúng ta cần cả hai sinh hoạt Giáo Hội và sinh hoạt gia đình. Nếu mọi gia đình đều đầy đủ và hoàn hảo, thì Giáo Hội chỉ cần tổ chức ít sinh hoạt hơn. Nhưng trong một thế giới mà có nhiều thanh thiếu niên lớn lên trong nhà thiếu mất một người cha hoặc người mẹ, không phải là tín hữu, hay là không tích cực trong vai trò lãnh đạo theo phúc âm, thì có một nhu cầu đăc biệt cho các hoạt động của Giáo Hội để bù đắp những khiếm khuyết đó. Bà mẹ quả phụ của chúng tôi đã khôn ngoan thấy rằng các sinh hoạt Giáo Hội sẽ cung ứng cho các con trai của bà những kinh nghiệm mà bà không thể cung ứng được bởi vì chúng tôi đã không có ai là nam giới làm mẫu mực trong nhà. Tôi nhớ mẹ tôi đã khuyên nhủ tôi nên quan sát và noi gương theo những người nam tốt lành trong tiểu giáo khu của chúng tôi. Mẹ tôi đã thúc đẩy tôi tham gia vào Chương Trình Hướng Đạo và các sinh hoạt khác của Giáo Hội mà tạo ra cơ hội này.

Trong một nhà thờ mà có nhiều người tín hữu độc thân, là những người hiện không có người bạn đời như ý định của Chúa cho các con trai và các con gái của Ngài, thì Giáo Hội và các gia đình của giáo hội cũng nên có mối quan tâm đặc biệt về nhu cầu của những người thành niên độc thân.

III.

Thẩm quyền chức tư tế được thực hiện trong gia đình lẫn Giáo Hội. Chức tư tế là quyền năng của Chúa được sử dụng để ban phước cho tất cả con cái của Ngài, cả nam lẫn nữ. Có một lối nói ngắn gọn như “phụ nữ và chức tư tế,” truyền đạt một ý niệm sai lầm. Người nam không phải là “chức tư tế.” Buổi họp chức tư tế là một buổi họp cho những người nắm giữ và thực thi chức tư tế. Các phước lành của chức tư tế, như phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, lễ thiên ân trong đền thờ và hôn nhân vĩnh cửu đều có sẵn cho người nam lẫn người nữ. Thẩm quyền của chức tư tế được thực hiện trong gia đình và trong Giáo Hội tùy theo các nguyên tắc mà Chúa đã thiết lập.

Khi cha tôi qua đời, mẹ tôi lãnh đạo gia đình của chúng tôi. Mẹ tôi không có chức phẩm tư tế, nhưng vì là người mẹ sống lâu hơn trong hôn nhân của mình, nên mẹ tôi đã trở thành người lãnh đạo trong gia đình mình. Nhưng đồng thời, mẹ tôi luôn luôn tuyệt đối tôn trọng thẩm quyền chức tư tế của vị giám trợ của chúng tôi và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội. Bà lãnh đạo gia đình mình nhưng họ lãnh đạo Giáo Hội.

IV.

Có nhiều điều tương tự và một số điều khác biệt trong cách thức thẩm quyền chức tư tế được thực hiện trong gia đình và trong Giáo Hội. Nếu chúng ta không chấp nhận và tôn trọng những sự khác biệt này thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Các chìa khóa. Một sự khác biệt quan trọng giữa các chức năng của nó trong Giáo Hội và trong gia đình là tất cả thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội được thực hiện dưới sự hướng dẫn của người nắm giữ các chìa khóa thích đáng của chức tư tế. Trái lại, thẩm quyền chủ tọa trong gia đình—dù đó là người cha hay người mẹ độc thân—được thực hiện trong những vấn đề gia đình mà không cần thẩm quyền từ bất cứ ai đang nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Thẩm quyền gia đình này gồm cả việc hướng dẫn các sinh hoạt trong gia đình, các buổi họp gia đình như buổi họp mặt tối gia đình, cầu nguyện chung gia đình, giảng dạy phúc âm, và khuyên răn cùng kỷ luật những người trong gia đình. Điều này cũng gồm có việc những người cha đã được sắc phong ban phước lành chức tư tế.Tuy nhiên, cần phải có các chìa khóa của chức tư tế để cho phép làm lễ sắc phong hay làm lễ phong nhiệm cho những người trong gia đình, vì tổ chức mà Chúa đã thiết lập để chịu trách nhiệm cho việc thực hiện và ghi vào hồ sơ các giáo lễ chức tư tế chính là Giáo Hội, chứ không phải gia đình.

Các ranh giới. Các tổ chức của giáo hội như tiểu giáo khu, các nhóm túc số hoặc các tổ chức bổ trợ luôn luôn có ranh giới địa phận mà hạn chế trách nhiệm và thẩm quyền của những sự kêu gọi liên hệ đến các tổ chức đó. Ngược lại, mối liên hệ và trách nhiệm gia đình không lệ thuộc vào nơi trú ngụ khác nhau của những người trong gia đình.

Thời gian kêu gọi. Sự kêu gọi trong Giáo Hội luôn luôn là tạm thời, nhưng mối liên hệ gia đình lại là vĩnh viễn.

Sự kêu gọi và giải nhiệm. Một điều tương phản khác liên quan đến sự khởi đầu và kết thúc của các chức vụ. Trong Giáo Hội, một người lãnh đạo chức tư tế nắm giữ các chìa khóa cần thiết thì có thẩm quyền để kêu gọi hoặc giải nhiệm những người phục vụ dưới sự hướng dẫn của ông. Ông còn có thể khiến cho họ mất đi quyền làm tín hữu của họ và tên của họ bị “xóa bỏ” (xin xem Mô Si A 26:34–38; An Ma 5:56–62). Trái lại, mối liên hệ gia đình rất quan trọng đến mức người gia trưởng không có thẩm quyền để thay đổi vai trò của những người trong gia đình. Điều đó chỉ có thể thực thi bởi một người có được thẩm quyền để thích nghi mối liên hệ gia đình theo luật pháp của con người hay các luật pháp của Thượng Đế. Vậy nên, dù một vị giám trợ có thể giải nhiệm một chủ tịch Hội Phụ Nữ, nhưng ông không thể cắt đứt mối liên hệ của ông với vợ ông trừ khi ông ly dị vợ ông theo luật pháp của con người. Mặt khác, sự gắn bó của ông cho thời vĩnh cửu cũng không thể bị chấm dứt nếu không có thủ tục hủy bỏ theo các luật pháp của Thượng Đế. Tương tự như vậy, một thiếu niên phục vụ trong một lớp học hay chủ tịch đoàn nhóm túc số có thể được giải nhiệm bởi thẩm quyền chức tư tế trong tiểu giáo khu, nhưng cha mẹ không thể ly dị một đứa con mà có lối sống làm họ buồn phiền. Mối liên hệ gia đình tồn tại lâu hơn mối liên hệ Giáo Hội.

Sự chung phần cộng sự. Có một điểm khác biệt quan trọng nhất trong việc thực hiện thẩm quyền chức tư tế trong gia đình và trong Giáo Hội phát sinh từ sự kiện là lối điều hành gia đình được người cha đảm nhiệm, trong khi lối điều hành của Giáo Hội là theo hệ cấp. Khái niệm về sự chung phần cộng tác được thực hiện khác trong gia đình hơn là trong Giáo Hội.

Bản tuyên ngôn gia đình đưa ra lời giải thích tuyệt hay này về mối liên hệ giữa vợ chồng: Dù họ có trách nhiệm khác nhau, nhưng “trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và những người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Chủ tịch Spencer W. Kimball đã nói như sau: “Khi chúng ta nói về hôn nhân là một sự chung phần cộng sự, thì chúng ta hãy nói về hôn nhân là một sự chung phần cộng sự trọn vẹn. Chúng ta không muốn các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau của mình làm những người bạn đời thầm lặng hay có giới hạn trong công việc vĩnh cửu đó! Xin hãy làm người bạn đời luôn góp phầntrọn vẹn“ (The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản [1982], 315).

Chủ tịch Kimball cũng nói rằng: “Chúng tôi đã từng nghe những người nam nói cùng vợ họ: ‘Anh nắm giữ chức tư tế và em phải làm theo những gì anh nói.’” Ông dứt khoát bác bỏ lối lạm dụng thẩm quyền chức tư tế đó trong hôn nhân, và nói rằng người như vậy “không nên được ban cho vinh dự trong chức tư tế của mình” (The Teachings of Spencer W. Kimball, 316).

Có những phong tục hay tập quán tại một vài nơi trên thế giới mà cho phép người đàn ông áp chế phụ nữ, nhưng những sự ngược đãi đó chớ mang vào các gia đình của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy nhớ lời giảng dạy của Chúa Giê Su: “Các ngươi có nghe lời phán rằng… . Song ta phán cho các ngươi biết… .” (Ma Thi Ơ 5:27–28). Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi phủ nhận phong tục phổ biến khi Ngài đối đãi ân cần với các phụ nữ. Bài học của chúng ta phải là phong tục phúc âm mà Ngài đã dạy.

Nếu người nam muốn có các phước lành của Chúa trong sự lãnh đạo gia đình của mình, thì họ phải sử dụng thẩm quyền chức tư tế theo các nguyên tắc của Chúa quy định cho việc sử dụng thẩm quyền đó.

“Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, sự nhịn nhục, nhờ sự diệu hiền và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật; Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy” (GLGƯ 121:41–42).

Khi thẩm quyền chức tư tế được sử dụng theo cách đó trong gia đình mà người cha lãnh đạo thì chúng ta đạt được “sự chung phần cộng sự trọn vẹn” như Chủ tich Kimball đã dạy. Như đã được nói trong bản tuyên ngôn gia đình:

“Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Các cuộc hôn nhân và các gia đình thành công được thiết lập và duy trì trên các nguyên tắc của đức tin, cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, [và] thương xót” (Liahona, tháng Mười năm 2004, 49).

Những sự kêu gọi trong Giáo Hội được thực hiện theo các nguyên tắc mà chi phối tất cả chúng ta khi làm việc dưới thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội. Các nguyên tắc này gồm có sự thuyết phục và sự hiền lành được giảng dạy trong tiết 121, là điều cần thiết đặc biệt cho tổ chức hệ cấp của Giáo Hội.

Các nguyên tắc mà tôi vừa nêu ra cho việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế thì dễ hiểu và thoải mái cho một người phụ nữ đã lập gia đình hơn so với người phụ nữ độc thân, nhất là một phụ nữ chưa hề lập gia đình. Người ấy hiện chưa hề có kinh nghiệm về thẩm quyền của chức tư tế trong mối liên hệ chung phần cộng sự của hôn nhân. Các kinh nghiệm của người ấy đối với thẩm quyền của chức tư tế đều nằm trong mối liên hệ về cấp hệ của Giáo Hội, và một số phụ nữ độc thân cảm thấy rằng họ không có tiếng nói đóng góp trong mối liên hệ đó. Do đó, điều chủ yếu là phải có một hội đồng tiểu giáo khu hữu hiệu, nơi mà các chức sắc thuộc nam phái lẫn nữ phái của tiểu giáo khu ngồi lại với nhau thường xuyên để bàn bạc dưới thẩm quyền chủ tọa của vị giám trợ.

V.

Tôi xin kết luận với một vài lời bình luận tổng quát và một kinh nghiệm cá nhân.

Thuyết Thần Học của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô đặt trọng tâm vào gia đình. Mối liên hệ của chúng ta với Thượng Đế và mục đích của cuộc sống trên thế gian được giải thích dựa theo gia đình. Chúng ta là con cái linh hồn của cha mẹ thiên thượng. Kế hoạch phúc âm được thực hiện qua các gia đình trên thế gian, và nguyện vọng cao nhất của chúng ta là duy trì mối liên hệ gia đình đó suốt thời vĩnh cửu. Sứ mệnh tối thượng của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là nhằm giúp chúng ta đạt được sự tôn cao trong vương quốc thượng thiên, và điều đó chỉ có thể đạt được trong mối liên hệ gia đình.

Thảo nào mà Giáo Hội của chúng ta được biết là một giáo hội đặt trọng tâm vào gia đình. Thảo nào chúng ta lo âu trước những sự suy đồi của nền công lý và tập tục hiện tại trong phạm vi hôn nhân và sinh sản. Trong thời đại mà dường như thế giới đang đánh mất sự hiểu biết của mình về mục đích của hôn nhân và giá trị của sự sinh sản, thì điều thiết yếu là Các Thánh Hữu Ngày Sau chớ có nhầm lẫn về những vấn đề này.

Người mẹ góa bụa trung tín là người nuôi dưỡng chúng tôi đã không có sự nhầm lẫn nào về tính chất vĩnh cửu của gia đình. Mẹ tôi luôn luôn tôn trọng vị thế của người cha đã khuất bóng của chúng tôi. Mẹ tôi luôn nhắc đến sự hiện diện của cha tôi trong gia đình. Mẹ tôi nói về sự tồn tại vĩnh cửu của hôn nhân trong đền thờ của mình. Mẹ tôi thường nhắc nhở chúng tôi về điều mà cha chúng tôi muốn chúng tôi làm để chúng tôi có thể đạt được lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng gia đình chúng tôi có thể được vĩnh cửu.

Tôi nhớ lại một kinh nghiệm mà cho thấy ảnh hưởng của sự giảng dạy của mẹ tôi. Một năm nọ, ngay trước lễ Giáng Sinh, vị giám trợ yêu cầu tôi, lúc đó là một thầy trợ tế, phụ ông phân phối giỏ quà Giáng Sinh cho các góa phụ trong tiểu giáo khu. Tôi đem giỏ quà đến mỗi cửa nhà với lời chúc mừng giáng sinh của ông. Khi ông chở tôi về nhà thì còn lại một giỏ quà. Ông trao giỏ quà cho tôi và nói rằng giỏ này là cho mẹ tôi. Khi ông lái xe đi khỏi, tôi đứng dưới trời tuyết đang rơi và tự hỏi rằng tại sao lại có một giỏ quà cho mẹ tôi. Mẹ tôi không hề cho mình là một góa phụ, và tôi cũng không hề nghĩ rằng mẹ mình là một góa phụ. Đối với đứa bé trai 12 tuổi, bà không phải là một góa phụ. Mẹ tôi có chồng và chúng tôi có một người cha. Cha tôi chỉ đi xa trong một thời gian thôi.

Tôi mong đợi cho ngày vinh hiển đó khi những người bị chia cách sẽ được xum họp và tất cả chúng ta sẽ được làm cho trọn vẹn như Chúa đã hứa. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Con Độc Sinh của Đức Cha Vĩnh Cửu, mà thẩm quyền chức tư tế của Ngài và Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài làm cho hết thảy mọi điều có thể được thành tựu, trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.