2005
Ánh Sáng Trong Mắt Họ
Tháng Mười Một năm 2005


Ánh Sáng Trong Mắt Họ

Một ánh sáng thiêng liêng đến với đôi mắt và sắc mặt của chúng ta khi chúng ta có một mối ràng buộc cá nhân với Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài.

Thưa các anh chị em và các bạn thân mến ở khắp nơi trên thế giới, tôi khiêm nhường cầu xin sự thông cảm của các anh chị em và sự giúp đỡ của Thánh Linh của Đức Chúa Cha khi tôi ngỏ lời cùng các anh chị em buổi sáng nay.

Tôi rất biết ơn sứ điệp ngắn có tính cách tiên tri của Chủ Tịch Hinckley vào lúc bắt đầu đại hội này. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Hinckley là vị tiên tri của chúng ta, là người nhận hưởng biết bao sự hướng dẫn của Đấng Đứng Đầu Giáo Hội này, chính là Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta.

Giờ đây, tôi nhớ đến một buổi họp lịch sử ở Giê Ru Sa Lem cách đây 17 năm về hợp đồng thuê mảnh đất mà trên đó Trung Tâm Giê Ru Sa Lem dành cho Các Nghiên Cứu Vùng Cận Đông của trường Brigham Young University về sau đã được xây cất. Trước khi ký hợp đồng thuê này, Chủ Tịch Ezra Taft Benson và Anh Cả Jeffrey R. Holland, lúc đó là chủ tịch trường Brigham Young University, đã đồng ý với chính quyền Do Thái thay mặt Giáo Hội và trường đại học sẽ không giảng đạo ở Do Thái. Các anh chị em có lẽ muốn biết tại sao chúng tôi đồng ý sẽ không giảng đạo. Chúng tôi được đòi hỏi phải làm như vậy để xin giấy phép xây cất tòa nhà lộng lẫy đó mà tọa lạc trong thành phố lịch sử của Do Thái. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, Giáo Hội và trường BYU đã hoàn toàn giữ lời hứa không giảng đạo. Sau khi ký bản hợp đồng thuê xong, một trong những người bạn của chúng tôi đã nhận xét một cách thâm thúy: “Vâng, chúng tôi biết rằng các bạn sẽ không giảng đạo, nhưng các bạn sẽ làm gì về ánh sáng trong mắt của họ?” Người ấy ám chỉ đến các sinh viên của chúng ta đang học tập tại Do Thái.

Ánh sáng gì trong mắt họ mà hiện thật rõ rệt cho người bạn của chúng tôi thấy vậy? Chính Chúa đưa ra lời giải đáp: “Và ánh sáng mà nó chiếu sáng, nó cho các ngươi sự sáng, là nhờ có Ngài là Đấng soi sáng mắt các ngươi, và đó cũng chính là ánh sáng làm cho sự hiểu biết của các ngươi được linh hoạt.”1 Ánh sáng đó từ đâu đến? Một lần nữa Chúa đưa ra lời giải đáp: “Ta là sự sáng thật soi sáng cho mọi người sinh ra ở thế gian này.”2 Chúa là ánh sáng thật, “và Thánh Linh soi sáng cho mọi người ở khắp thế gian, là những người biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh.”3 Ánh sáng này hiện ra trong sắc mặt cũng như trong đôi mắt của chúng ta.

Paul Harvey, một nhà bình luận trứ danh, đã đến thăm một trong các khu trường sở của Giáo Hội cách đây vài năm. Về sau ông nhận xét: “Mỗi … khuôn mặt trẻ phản ánh một điều gì đó … của sự tin chắc. Thời buổi này nhiều người trẻ tuổi đều già sớm do vô số hành động trái với lương tâm. Nhưng [những người trẻ tuổi này] có hoàn cảnh thuận lợi làm người khác có thể ganh tị mà bắt nguồn từ kỷ luật, sự tận tụy, và cống hiến.”4

Những người thực sự hối cải sẽ nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô và được báp têm vào Giáo Hội này để được xá miễn tội lỗi của họ. Các bàn tay được đặt lên đầu của họ và qua chức tư tế của Thượng Đế, họ nhận được Đức Thánh Linh.5 Đó là “ân tứ của Thượng Đế ban cho tất cả những ai chuyên tâm tìm tới Ngài.”6 Như Anh Cả Parley P. Pratt đã mô tả, ân tứ Đức Thánh Linh “chính là … niềm vui cho tâm hồn, [và] ánh sáng cho đôi mắt.”7 Đức Thánh Linh là Đấng An Ủi mà đã được Đấng Cứu Rỗi hứa trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.8 Đức Thánh Linh ban cho Các Thánh Hữu xứng đáng sự hướng dẫn thuộc linh lẫn sự bảo vệ, gia tăng kiến thức và sự hiểu biết của chúng ta về “mọi điều.”9 Đây là giá trị lớn lao vào lúc mà bóng tối thuộc linh đang gia tăng.

Chủ nghĩa thế tục đang lan tràn ở hầu hết các nơi trên thế giới ngày nay. Chủ nghĩa thế tục được định nghĩa là “sự thờ ơ hoặc bác bỏ hoặc ngăn chận tôn giáo và những mối quan tâm tôn giáo.”10 Chủ nghĩa thế tục không tin rằng nhiều sự việc là bất biến. Mục tiêu chính của nó là sự hài lòng và tư lợi. Thường thường những người đi theo chủ nghĩa thế tục trông khác với những người khác. Như Ê Sai nhận xét: “Bộ mặt họ làm chứng nghịch lại mình.”11

Vậy mà, với tất cả chủ nghĩa thế tục ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người vẫn khát khao và ao ước những sự việc của Thánh Linh và lắng nghe lời của Chúa. Như A Mốt đã tiên tri: “Này, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê Hô Va:

“Bấy giờ chúng nó sẽ đi dông dài từ biển này đến biển khác, từ phương bắc đến phương đông; chạy đi đây đó đặng tìm lời Đức Giê Hô Va mà không tìm được.”12

Chúng ta có thể nghe những lời của Chúa ở đâu? Chúng ta có thể nghe những lời đó từ vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác. Chúng ta cũng có thể nghe những lời này từ các vị chủ tịch giáo khu và giám trợ của chúng ta. Những người truyền giáo có thể nghe những lời này từ các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của họ. Chúng ta có thể đọc những lời này trong thánh thư. Chúng ta cũng có thể lắng nghe tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ mà đến qua Đức Thánh Linh. Việc lắng nghe những lời của Chúa nâng chúng ta lên khỏi bóng tối thuộc linh để “đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.”13

Chúng ta làm gì để giữ cho ánh sáng tỏa chiếu trong đôi mắt và vẻ mặt của chúng ta? Phần lớn ánh sáng đó đến từ kỷ luật, sự tận tụy, và cống hiến14 của chúng ta đối với một số nguyên tắc bất biến quan trọng. Nguyên tắc bất biến trước nhất là có một Thượng Đế là Cha linh hồn của chúng ta là Đấng mà chúng ta phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình. Thứ nhì, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Thứ ba, rằng kế hoạch hạnh phúc vĩ đại đòi hỏi sự vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Thứ tư, rằng ân tứ lớn lao nhất của Thượng Đế là cuộc sống vĩnh cửu.15

Các phước lành khác thêm vào ánh sáng trong mắt của chúng ta. Đây là các ân tứ của Thánh Linh đến từ Đấng Cứu Rỗi.16 Sự hân hoan, niềm hạnh phúc, sự thành đạt, và bình an là các ân tứ của Thánh Linh mà đến từ quyền năng của Đức Thánh Linh.

Nói về niềm hạnh phúc nơi đây và trong thời vĩnh cửu, phần lớn những sự tin tưởng của chúng ta đều gây ấn tượng mạnh mẽ. Những sự tin tưởng này thật kỳ diệu, và một số thì độc nhất thuộc vào đức tin của chúng ta. Những sự tin tưởng quý báu này đều dựa trên sự trung tín của chúng ta và gồm có những điều sau đây, không nhất thiết phải theo thứ tự quan trọng:

  1. Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài là hai nhân vật vinh quang. Thượng Đế Đức Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo hằng sống của chúng ta, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chúng ta được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế.17 Chúng ta biết được điều này bởi vì Joseph Smith đã trông thấy hai Ngài, hai Ngài nói chuyện với ông, và ông nói chuyện với hai Ngài.18

  2. Các phước lành đền thờ gắn bó vợ chồng với nhau, không những cho cuộc sống này mà còn cho thời vĩnh cửu. Con cháu có thể được liên kết với nhau bằng lễ gắn bó này.

  3. Mỗi nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội có thể nắm giữ và thực hành chức tư tế của Thượng Đế. Người ấy có thể thực hành thẩm quyền thiêng liêng này trong gia đình của mình và trong Giáo Hội dưới sự kêu gọi bởi người có thẩm quyền.

  4. Các quyển thánh thư bổ sung gồm có Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá.

  5. Các vị tiên tri và các vị sứ đồ tại thế nói lời của Thượng Đế trong thời kỳ của chúng ta, dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, nguồn mặc khải liên tục trong thời kỳ của chúng ta.

  6. Ân tứ Đức Thánh Linh có sẵn cho tất cả các tín hữu. Khi Tiên Tri Joseph Smith được hỏi “ở khía cạnh nào [Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau] khác biệt … với các tôn giáo khác vào thời kỳ đó,” ông đã trả lời rằng đó là ở trong “ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay, … [và] rằng tất cả các lý do khác đều được chứa đựng trong ân tứ Đức Thánh Linh.”19

  7. Sự đề cao vai trò của nữ giới. Phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới trước mắt Chúa. Vai trò của phụ nữ vốn đã khác với vai trò của nam giới. Sự hiểu biết này được ban cho chúng ta với Sự Phục Hồi của phúc âm trong thời kỳ trọn vẹn, với sự thừa nhận rằng phụ nữ được ban cho các trách nhiệm lớn lao về vai trò làm mẹ và nuôi dưỡng. Có nhiều cơ hội đã đến với các phụ nữ từ năm 1842 khi Tiên Tri Joseph Smith, trong tôn danh của Thượng Đế, đã trao chìa khóa này cho họ, hơn là các phụ nữ từ thời kỳ đầu của nhân loại trên thế gian.20

Cách đây mấy năm, Constance, một sinh viên y tá, được phân công để cố gắng giúp đỡ một phụ nữ mà đã bị thương ở chân trong một tai nạn. Người phụ nữ này từ chối sự trợ giúp y tế bởi vì bà đã có một kinh nghiệm xấu với một người nào đó trong bệnh viện. Bà đã sợ hãi, và trở nên xa lánh mọi người. Lần đầu tiên Constance đến thăm, người phụ nữ bị thương đã đuổi chị về. Lần thứ hai, bà đã cho phép Constance vào. Lúc này chân của người phụ nữ ấy bị lở loét nhiều nơi và một số phần thịt đã bị thối rữa. Nhưng bà vẫn không muốn được điều trị.

Constance đã cầu nguyện, và sau một vài ngày đã có được sự đáp ứng. Chị mang theo một ít nước sát trùng sủi bọt vào lần thăm kế. Bởi vì loại nước sát trùng này không gây đau đớn gì, nên người phụ nữ lớn tuổi đã để cho Constance bôi loại nước này lên chân của người ấy. Sau đó họ nói về việc điều trị quan trọng hơn tại bệnh viện. Constance bảo đảm với bà rằng bệnh viện sẽ cố gắng hết sức để cho thời gian bà nằm trong bệnh viện có thể được dễ chịu. Vài ngày sau, người phụ nữ đó đã có can đảm để đi vào bệnh viện. Khi Constance đến thăm bà, bà đã cười và nói: “Cháu đã thuyết phục được bà.” Rồi bất ngờ bà hỏi Constance: “Cháu thuộc vào giáo hội nào đấy?” Constance nói rằng chị là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Người phụ nữ nói: “Bà đã biết điều đó. Bà đã biết rằng cháu được gửi đến cho bà từ ngày đầu tiên bà gặp cháu. Có một ánh sáng trong gương mặt của cháu mà bà đã thấy nơi những người khác cùng tín ngưỡng với cháu. Bà đã đặt niềm tin nơi cháu.”

Trong vòng ba tháng cái chân mưng mủ đã được hoàn toàn lành lặn. Các tín hữu thuộc tiểu giáo khu nơi người phụ nữ lớn tuổi này sống đã tu sửa lại nhà của bà và sửa sang lại mảnh vườn của bà. Những người truyền giáo đã gặp bà, và bà đã được làm phép báp têm ngay sau đó.21 Tất cả những điều này xảy ra vì bà đã thấy ánh sáng trên vẻ mặt của người sinh viên y tá trẻ tuổi.

Có lần khi Chủ Tịch Brigham Young được hỏi tại sao đôi khi chúng ta bị bỏ mặc một mình và thường buồn bã, ông đáp rằng con người cần phải học để “hành động như là một người tự lập … để thấy được điều gì người ấy sẽ làm … và thử sự tự lập của mình—để được ngay chính trong bóng tối.”22 Điều đó trở nên dễ dàng hơn để thực hiện khi chúng ta nhìn thấy “ánh sáng phúc âm … tỏa chiếu từ … các cá nhân được soi sáng.”23

Sự phục vụ trong Giáo Hội là một phước lành và đặc ân kỳ diệu mà mang ánh sáng vào đôi mắt và sắc mặt của chúng ta. Như Đấng Cứu Rỗi đã khuyên bảo: “Hãy để ánh sáng của các ngươi chiếu trước mặt dân này, để họ thấy được những việc làm tốt đẹp của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi trên trời.”24 Không thể diễn tả bằng lời những phước lành mà đến với chúng ta qua sự phục vụ trong Giáo Hội này. Chúa hứa rằng nếu chúng ta làm vinh hiển sự kêu gọi của mình thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và niềm vui.

An Ma hỏi nếu chúng ta đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt của mình chưa.25 Một ánh sáng thiêng liêng đến với đôi mắt và sắc mặt của chúng ta khi chúng ta có một mối ràng buộc cá nhân với Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Với mối ràng buộc này khuôn mặt của chúng ta sẽ phản chiếu sự “tin chắc”26 rằng Ngài hằng sống.

Tôi xin chia sẻ chứng ngôn cá nhân của tôi về sự thiêng liêng của công việc thánh thiện này mà chúng ta đang tham gia vào. Các chứng ngôn đến qua sự mặc khải.27 Sự mặc khải mang lại lời chứng này đến với tâm hồn tôi khi tôi còn bé. Tôi không nhớ rõ dịp cụ thể nào mà đã thúc giục sự mặc khải xác nhận lẽ thật này. Dường như nó luôn luôn là một phần ý thức của tôi. Tôi biết ơn kiến thức xác nhận này mà đã giúp tôi có thể vượt qua được những thăng trầm của cuộc đời mà xảy đến cho tất cả chúng ta.

Chúng ta đã đang và sẽ được khơi động bởi các sứ điệp làm chứng của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và các chị em phụ nữ trong đại hội này. Tôi tin rằng kinh nghiệm xác nhận này sẽ xảy đến với các anh chị em. Các anh chị em cũng có thể nhận được một sự xác nhận rằng những điều được nói đến là chân chính. Brigham Young đã dạy: “Không những Các Thánh Hữu hiện đang có mặt … mà cả những người ở mỗi quốc gia, lục địa, hay hòn đảo là những người sống theo tôn giáo được giảng dạy bởi Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và Các Vị Sứ Đồ của Ngài, và cả bởi Joseph Smith; … cũng đều chia sẻ cùng một chứng ngôn, đôi mắt của họ được làm cho sinh động bởi Thánh Linh của Thượng Đế, và họ nhìn thấy như nhau, những tấm lòng của họ đều được khuấy động, và họ cảm thấy và thấu hiểu như nhau.”28

Tôi biết với tất cả tấm lòng và tâm hồn mình rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi tin rằng Ngài sẽ soi sáng cuộc sống của chúng ta với tình yêu thương của Ngài cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta cố gắng để được xứng đáng với tình yêu thương đó, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. GLGƯ 88:11; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. GLGƯ 93:2.

  3. GLGƯ 84:46.

  4. Phần phát thanh truyền hình tin tức, ngày 8 tháng Mười Hai năm 1967, bản đánh máy, 1.

  5. Xin xem GLGƯ 20:37.

  6. 1 Nê Phi 10:17.

  7. Key to the Science of Theology: A Voice of Warning (1978), 61.

  8. Xin xem Giăng 14:26.

  9. Giăng 14:26.

  10. Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 (2003), “secularism,” 1123.

  11. 2 Nê Phi 13:9.

  12. A Mốt 8:11–12.

  13. 1 Phi E Rơ 2:9.

  14. Xin xem Paul Harvey, Phần Phát Thanh Truyền Hình Tin Tức, ngày 8 tháng Mười Hai năm 1967.

  15. Xin xem GLGƯ 14:7.

  16. GLGƯ 46:11.

  17. Xin xem Sáng Thế Ký 1:26-27.

  18. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17–18.

  19. History of the Church 4:42.

  20. Xin xem George Albert Smith, “Address to Members of the Relief Society,” Relief Society Magazine, tháng Mười Hai năm 1945, 717; xin xem thêm Relief Society Minutes, ngày 28 tháng Tư năm 1842, Văn Khố của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 40.

  21. Xin xem Constance Polve, “A Battle Won,” Tambuli, tháng Ba năm 1981, 29–32; New Era, tháng Tư năm 1980, 44–45.

  22. Brigham Young’s Office Journal, ngày 28 tháng Giêng năm 1857, Văn Khố của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

  23. Neal A. Maxwell, “Be of Good Cheer,” trong Conference Report, tháng Mười năm 1982, 97; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1982, 67.

  24. 3 Nê Phi 12:16.

  25. Xin xem An Ma 5:14.

  26. Paul Harvey, phần phát thanh truyền hình tin tức, ngày 8 tháng Mười Hai năm 1967.

  27. Xin xem Brigham Young, Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe (1998) xuất bản, 35.

  28. Discourses of Brigham Young, 31.