2005
Để Tất Cả Chúng Ta Đều Có Thể Ngồi Chung Với Nhau trong Thiên Thượng
Tháng Mười Một năm 2005


Để Tất Cả Chúng Ta Đều Có Thể Ngồi Chung Với Nhau trong Thiên Thượng

Khi trở thành công cụ trong tay Thượng Đế, chúng ta được Ngài sử dụng để làm công việc của Ngài.

Thưa các chị em, buổi tối hôm nay chúng ta tụ họp với tư cách là các chị em trong buổi họp trung ương Hội Phụ Nữ. Các chị em trông rất tuyệt vời. Khi chúng ta tụ họp, tôi không thể không nghĩ đến buổi họp đầu tiên đó của Hội Phụ Nữ. Tôi hình dung ra cảnh tượng Tiên Tri Joseph đang nói chuyện với các chị phụ nữ và chuẩn bị họ cho phần vụ của họ trong việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Tôi nghe thấy những lời cầu nguyện trong lòng của những người phụ nữ này, nói rằng, “Con đã lập các giao ước để làm công việc của Ngài, nhưng, thưa Chúa, xin giúp cho con bây giờ, để trở thành một công cụ trong tay Ngài.” Lời cầu nguyện của họ là lời cầu nguyện của chúng ta

Cuộc sống trần thế là thời gian để cho mỗi người chúng ta trở thành công cụ đó.

Tôi thích sứ điệp của Chị Lucy Mack Smith, mà sức khỏe của bà đang suy yếu vì tuổi già, đã đứng dậy để ngỏ lời cùng các chị em phụ nữ trong một buổi họp Hội Phụ Nữ trong thời kỳ đầu ở Nauvoo. Tôi muốn các chị em nhớ rằng, đây là một người phụ nữ đầy quyền năng—một người lãnh đạo tài giỏi. Bà cũng giống như các phụ nữ tôi thấy trong Hội Phụ Nữ ngày nay. Nhưng vào ngày đó bà đã nói: “Chúng ta cần phải yêu thương lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, an ủi lẫn nhau và nhận được chỉ dẫn để tất cả chúng ta đều có thể ngồi chung với nhau trong thiên thượng.”1

Những lời đó nói về những người phụ nữ đã trở thành “những công cụ trong tay Thượng Đế.”2 Có ai trong chúng ta không mong mỏi để được yêu thương, chăm sóc, an ủi và chỉ dẫn trong những sự việc của Thượng Đế chăng? Điều này xảy ra như thế nào? Lần lượt qua mỗi hành động tử tế, một sự bày tỏ tình yêu thương, một cử chỉ ân cần, một bàn tay sẵn sàng. Nhưng sứ điệp của tôi không phải dành cho những người nhận được những cử chỉ bác ái như thế mà là cho tất cả chúng ta là những người cần phải thực hành sự thánh thiện như thế hằng ngày. Để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô, Tiên Tri Joseph đã dạy: “các [anh] chị em cần phải mở rộng lòng mình hướng về những người khác.”3

Tất cả chúng ta đều mong mỏi có được tình yêu thương thuần khiết của Đấng Ky Tô mà cũng được gọi là lòng bác ái, nhưng bản tính của con người chúng ta—“con người phụ nữ tự nhiên” nơi chúng ta—ngăn cản chúng ta. Chúng ta tức giận, chúng ta trở nên nản chí, chúng ta trách móc mình và những người khác—và khi làm như vậy, chúng ta không thể là nguồn tình thương mà chúng ta cần trở thành nếu chúng ta trở thành một công cụ trong tay Cha Thiên Thượng. Việc sẵn lòng tha thứ bản thân và những người khác trở thành một phần thiết yếu về khả năng của chúng ta để có được tình yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và để thực hiện công việc của Ngài.

Khi tôi bắt đầu chuẩn bị cho bài nói chuyện này, tôi đã làm tất cả mọi điều mà tôi biết tôi cần phải làm: tôi đã đi đền thờ, nhịn ăn, đọc thánh thư, cầu nguyện. Và rồi tôi viết một bài nói chuyện. Nhưng, thưa các chị em, khi ta chọn viết về lòng bác ái, thì ta cần phải cảm thấy có lòng bác ái. Tôi đã không cảm thấy điều đó. Và vì thế, sau nhiều lời cầu nguyện và nước mắt, tôi đã nhận ra một điều, rằng tôi phải cầu xin sự tha thứ cho những người mà không biết rằng tôi đã có những ý nghĩ khắt khe về họ. Và điều đó thật khó. Nhưng đó là sự chữa lành. Và tôi làm chứng với các chị em rằng Thánh Linh của Chúa đã trở lại.

Để có được lòng bác ái liên tục là một sự tìm kiếm suốt cả cuộc đời, nhưng mỗi hành động yêu thương thay đổi chúng ta và những người cung ứng nó. Tôi xin được kể cho các chị em nghe câu chuyện về một thiếu nữ mà tôi mới gặp. Alicia, khi còn thiếu niên, đã bỏ Giáo Hội, nhưng về sau em đã cảm nhận được sự thúc giục để trở về. Em thường đi thăm ông nội của mình trong một nhà dưỡng lão vào những ngày Chúa Nhật. Vào một ngày nọ, em đã quyết định đi tham dự các buổi nhóm họp Thánh Hữu Ngày Sau nơi đó. Em mở cửa và tìm ra buổi họp Hội Phụ Nữ, nhưng không có ghế trống. Khi em sắp bỏ đi, thì một phụ nữ ra dấu cho em và ngồi xích vào để có chỗ ngồi trên ghế của mình cho em. Alicia nói: “Tôi tự hỏi người phụ nữ ấy nghĩ gì về tôi. Người tôi xỏ lỗ đầy và đầy mùi thuốc lá. Nhưng dường như người ấy chẳng bận tâm; người ấy chỉ muốn dành một chỗ cho tôi ngồi cạnh.”

Alicia, được khích lệ bởi lòng bác ái của người phụ nữ này, đã trở lại sinh hoạt tích cực trong Giáo Hội. Em ấy đã đi phục vụ truyền giáo và giờ đây đang chia sẻ một tình yêu thương giống như vậy với các phụ nữ khác. Chị phụ nữ lớn tuổi mà đã cho Alicia ngồi chung ghế đã hiểu rằng có một chỗ cho mỗi phụ nữ trong Hội Phụ Nữ, chúng ta quy tụ vì sức mạnh, nhưng chúng ta mang theo mình tất cả những yếu kém và những điều không hoàn hảo của mình.

Alicia nói cho tôi biết về một điều mà tôi sẽ không bao giờ quên. Em ấy nói: “Em chỉ làm một việc cho bản thân mình khi em đi nhà thờ: Em dự phần Tiệc Thánh cho em. Thời gian còn lại em chú ý trông chờ những người khác mà cần đến em và em cố gắng giúp đỡ và trông nom họ.”

Khi trở thành công cụ trong tay Thượng Đế, chúng ta được Ngài sử dụng để làm công việc của Ngài. Giống như Alicia, chúng ta cần phải tìm đến những người chung quanh mình và tìm cách để chúng ta có thể chăm sóc và phụ giúp họ. Chúng ta phải nghĩ về những người đứng ở cửa nhìn vào và chúng ta phải kéo họ lại phía mình—để tất cả chúng ta đều có thể ngồi chung với nhau trong thiên thượng. Không phải tất cả mọi chúng ta đều có thể nghĩ rằng có chỗ cho một người khác để ngồi chung ghế với mình, mà phải luôn luôn tìm ra ghế nếu chúng ta còn chỗ trong tim mình.

Vào năm 1856, Julia và Emily Hill, là hai chị em đã gia nhập Giáo Hội khi còn niên thiếu ở nước Anh và đã bị gia đình từ bỏ, cuối cùng đã kiếm đủ tiền cho cuộc hành trình đến Hoa Kỳ và đã đi gần tới Si Ôn mà họ đã ao ước từ lâu. Họ băng ngang qua các cánh đồng ở Hoa Kỳ với Đoàn Xe Kéo Willey Handcart khi họ và nhiều người khác, trên đường đi, đã gặp một cơn bão sớm vào tháng Mười. Chị Deborah Christensen, một người cháu kêu Julia Hill bằng bà cố, đã trải qua giấc mơ đầy cảm động này về họ. Chị nói:

“Tôi có thể thấy Julia và Emily bị kẹt trong tuyết trên đỉnh gió hú bão bùng Rocky Ridge cùng với những người khác trong đoàn xe kéo tay Willey. Họ không có quần áo dày để giữ họ được ấm. Julia đang ngồi trên tuyết, run rẩy. Bà không thể tiếp tục đi được nữa. Emily, cũng bị lạnh cóng nhưng biết rằng nếu bà không giúp Julia đứng dậy, thì Julia sẽ chết. Khi Emily choàng tay ôm người chị của mình để giúp người chị của mình đứng dậy, thì Julia bắt đầu khóc—nhưng không có một giọt lệ nào tuôn trào mà chỉ là tiếng thút thít nhỏ. Họ đã cùng nhau bước chầm chậm đến chiếc xe kéo tay của mình. Mười ba người đã chết trong cái đêm khủng khiếp đó. Julia và Emily đã sống sót.”4

Thưa các chị em, nếu không có nhau, các phụ nữ này có lẽ đã không còn sống. Ngoài ra, họ còn giúp đỡ những người khác vượt qua giai đoạn khó khăn này của cuộc hành trình, trong đó có một người mẹ trẻ với con cái của người ấy. Chính Emily Hill Woodmansee về sau đã viết những lời tuyệt vời cho bài ca “As Sisters in Zion” (Là Chị Em trong Si Ôn). Lời ca “Chúng ta sẽ an ủi người mệt mỏi và tiếp sức cho người yếu đuối”5 mang lại một ý nghĩa mới khi ta hình dung ra kinh nghiệm của chị trên những cánh đồng đầy tuyết phủ.

Cũng giống như hai chị em họ Hill, nhiều người chúng ta sẽ không sống sót trước những cuộc thử thách của mình trong cuộc sống hữu diệt nếu không có sự giúp đỡ của những người khác.

Lucy Mack Smith và các chị em phụ nữ trong những ngày đầu của Hội Phụ Nữ đã kinh nghiệm được tình yêu thương thuần khiết của Đấng Ky Tô, lòng bác ái vô hạn. Họ có các lẽ thật của phúc âm để chỉ dẫn cuộc sống của họ; họ có một vị tiên tri tại thế; họ có một Cha Thiên Thượng là Đấng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của họ. Thưa các chị em, chúng ta cũng vậy. Tại lễ báp têm chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta mang danh đó theo mình mỗi ngày và Thánh Linh thúc giục chúng ta sống theo những điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Khi làm như vậy, chúng ta trở thành các công cụ trong tay Thượng Đế. Và Thánh Linh nâng chúng ta lên mức độ tốt lành cao hơn.

Sự biểu lộ tuyệt vời nhất về lòng bác ái là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được ban cho chúng ta như một ân tứ. Sự siêng năng của chúng ta để tìm kiếm ân tứ này đòi hỏi rằng chúng ta không những tiếp nhận nó mà còn chia sẻ nó nữa. Khi chúng ta chia sẻ tình yêu thương này với những người khác, chúng ta nổi bật như là một “công cụ trong tay Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này”6. Chúng ta sẽ được chuẩn bị để ngồi chung với các chị em của chúng ta trong thiên thượng—cùng với nhau.

Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, rằng Ngài hằng sống và yêu thương chúng ta. Ngài biết con người mà chúng ta có thể trở thành—mặc dù chúng ta hiện có những điều không hoàn hảo. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi chú

  1. Relief Society Minutes, ngày 24 tháng Ba năm 1842, Văn Khố của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 18–19.

  2. An Ma 26:3.

  3. Relief Society Minutes, ngày 28 tháng Tư năm 1842, 39.

  4. Debbie J. Christensen, “Julia and Emily: Sisters in Zion,” Ensign, tháng Sáu năm 2004, 34.

  5. Hymns, số 309.

  6. An Ma 26:3.