2005
Nếu Đấng Ky Tô Có Được Cơ Hội Như Tôi …
Tháng Mười Một năm 2005


“Nếu Đấng Ky Tô Có Được Cơ Hội Như Tôi …”

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc đi tìm người thất lạc.

Cách đây nhiều năm, khi mấy đứa con lớn nhất của chúng tôi được sáu, bốn và hai tuổi, vợ tôi và tôi đã làm chúng ngạc nhiên với một câu đố. Hằng ngày, chúng tôi đã đọc Sách Mặc Môn chung với gia đình.

Vợ tôi hỏi: “Ai là người đi vào rừng để săn bắn nhưng thay vì thế lại cầu nguyện suốt ngày đêm?”

Sau một lúc im lặng, vợ tôi đưa ra lời mách nước: “Tên của người ấy bắt đầu với chữ Ê … ê … ê … ê …”

Từ góc phòng đứa con hai tuổi của chúng tôi la lên: “Nót!”

Đứa con này đang chơi trong góc—đứa con mà chúng tôi nghĩ quá nhỏ để có thể hiểu. Ê Nót! Chính là Ê Nót đã đi vào rừng để săn bắn nhưng đã khát khao về linh hồn của mình. Mặc dù biên sử của ông không nói rằng ông đã đi lạc trong khu rừng đó, nhưng câu chuyện về Ê Nót dạy cho chúng ta biết rằng ông đã ra khỏi khu rừng trở thành một con người mới—và rồi, có một ước muốn cho sự an lạc của các anh em của mình.

Trong Kinh Tân Ước, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc đi tìm người thất lạc:

“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?

“Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai” (Lu Ca 15:4–5).

Kể từ Sự Sa Ngã của A Đam, tất cả loài người đều ở trong trạng thái thất lạc và sa ngã. Giống như đa số các anh chị em, việc tôi “được tìm thấy” đã bắt đầu với hai người truyền giáo trung tín. Vào năm 1913, ở Copenhagen, Đan Mạch, hai Anh Cả C. Earl Anhder và Robert H. Sorenson đã dạy ông bà nội tôi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và làm phép báp têm cho họ. Cha mẹ tôi dạy cho tôi về tầm quan trọng của sự làm việc khó nhọc, sự lương thiện và tính liêm khiết. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi trở nên kém tích cực trong Giáo Hội và không hiểu biết về phúc âm. Khi nhìn lại, tôi nhớ rằng ở vào cái tuổi rất nhỏ, những đứa bạn chơi với tôi đã mời tôi đi Hội Thiếu Nhi. Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với Giáo Hội được xây dựng quanh tình bạn trong Hội Thiếu Nhi.

Là một thiếu niên, vài tháng trước sinh nhật thứ 12 của mình, vào một buổi trưa thứ Bảy, tôi mở cửa khi nghe tiếng gõ cửa trước nhà tôi. Mấy đứa bạn của tôi—các thầy trợ tế, mặc áo trắng và thắt cà vạt—đến kiếm tôi để đi dự buổi họp chức tư tế đầu tiên của tôi. Vị lãnh đạo của chúng tôi đi bên cạnh tôi, khi chúng tôi đi xuống ngọn đồi đến Đại Thính Đường ở Khuôn Viên Đền Thờ. Đó là đại hội trung ương tháng Tư, phiên họp chức tư tế.

Lloyd Bennett là người Trưởng Hướng Đạo của tôi. Thường thường vào trưa thứ Bảy anh ấy đến đón tôi và đưa tôi đến văn phòng Hướng Đạo để mua những tấm thẻ đeo và đồ tiếp liệu. Trên đường đi, chúng tôi đã nói chuyện. Anh trở thành một người bạn thân tín. Lloyd Bennett, giống như rất nhiều người, đã bỏ thời giờ ra để tìm người thất lạc.

Những người bạn và những người lãnh đạo tuyệt vời này đã hiểu lời khuyên dạy mới đây của Anh Cả M. Russell Ballard để “Tìm thêm một người thất lạc nữa” (”Thêm Một Người Nữa,“ Liahona, tháng Năm năm 2005, 71), và họ đã hiểu việc đó đòi hỏi điều gì. Đôi khi, chính người đang trốn trong góc nhà là người mà chúng ta không để ý đến.

Kinh nghiệm của tôi giống như Ê Nót đến vào lúc 18 tuổi, khi tôi quỳ trong trại lính của mình, ở Fort Ord, California. Sau khi đèn tắt và tôi quỳ trên sàn nhà thô cứng, giống như Ê Nót, tôi đã tìm ra con đường của mình. Tôi phải đi phục vụ truyền giáo trọn thời gian. Lòng tôi tràn đầy sự biết ơn đối với nhiều người đã giúp đỡ tôi tiến đến việc biết được tôi là ai và biết về Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài. Tôi tiến đến việc hiểu rằng con đường về nhà của mình là qua Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

“Và Ngài sẽ xuống thế gian để cứu chuộc dân Ngài; và Ngài sẽ tự nhận lấy tất cả những sự phạm giới của những ai tin nơi danh Ngài; và những người đó sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, và sự cứu rỗi sẽ không đến với ai khác” (An Ma 11:40).

Ê Sai, Vị Tiên Tri thời Cựu Ước, khi thấy được thời kỳ của chúng ta khi mà phúc âm sẽ được phục hồi trọn vẹn, đã tuyên bố:

“Chúa Giê Hô Va phán như vầy: Này, ta sẽ giá tay trên các nước, dựng cờ ta trong các dân. Bấy giờ, chúng sẽ bồng các con trai ngươi, vác các con gái ngươi trên vai mà đến” (Ê Sai 49:22).

Thưa các anh chị em, khi chúng ta quan tâm đến một người, thì chúng ta sẽ thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó. Các anh chị em có thể thấy cách thức mà các anh chị em cũng đã được bồng trên tay và vác trên vai—đến nơi an toàn không?

Đấng Cứu Rỗi sẽ làm gì với những cơ hội mà chúng ta có để ảnh hưởng đến một người? Khi chúng ta áp dụng nguyên tắc đó Nếu Đấng Ky Tô có cơ hội như tôi, thì Ngài sẽ làm gì? thì các quyết định của chúng ta trong đời sẽ tập trung vào Đấng Ky Tô.

Cá nhân tôi biết rằng Anh Cả Neal A. Maxwell yêu dấu của chúng ta luôn luôn tìm kiếm người thất lạc. Vì giống như Nê Phi, ông đã “cần mẫn viết ra để thuyết phục [tất cả chúng ta] tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế” (2 Nê Phi 25:23). Tôi biết rằng Anh Cả Maxwell đã hơn một lần đưa ra sự kêu gọi những người thất lạc, ngay cả chỉ một người, mà ông cố gắng mang đến cùng Đấng Ky Tô.

Tôi biết ơn biết bao về quyết định đi phục vụ truyền giáo trọn thời gian mà đã trở thành một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Các em thanh thiếu niên thân mến, các em có đặc ân để phục vụ, ngay cả lao nhọc một cách siêng năng. Hãy luôn xứng đáng, chuẩn bị thuyết giảng phúc âm; đừng trì hoãn—hãy ra đi phục vụ! Các em thiếu nữ thân mến, các em có thể làm rất nhiều điều để xây đắp vương quốc. Các anh chị cao niên, chúng tôi cần các anh chị!

Gia đình chúng tôi có được đặc ân để phục vụ ở Gia Nã Đại với các anh cả, các chị và những người truyền giáo cao niên tuyệt vời, đầy tận tâm. Với sự tiếp xúc bằng tấm lòng, bằng thuộc linh, và trong sức mạnh của Chúa, và với tư cách là những người truyền giáo đầy tận tâm đã thay đổi thế giới, họ đi kiếm những người thất lạc và đã tìm ra những người này.

“Vậy nên, họ đã trở thành những công cụ trong bàn tay của Thượng Đế trong việc mang nhiều người đến sự hiểu biết lẽ thật, phải, sự hiểu biết về Đấng Cứu Chuộc của mình” (Mô Si A 27:36).

Mỗi người chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của một người nào đó, nhưng chúng ta phải hành động; chúng ta phải làm; chúng ta phải lao nhọc một cách siêng năng. Có lẽ các anh chị em đã nhận được một ấn tượng phải mời một người nào đó trở về với Giáo Hội, hoặc lần đầu nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi. Hãy làm đi, hãy tuân theo ấn tượng đó. Tại sao tất cả chúng ta không mời một người nào đó đến lắng nghe tiếng nói của vị tiên tri vào ngày mai? Các anh chị em sẽ làm điều đó chứ? Các anh chị em sẽ đưa ra lời mời đó hôm nay không? Với đức tin và một tấm lòng sẵn sàng (ngay cả ước muốn), chúng ta phải tin tưởng rằng Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta “điều [chúng ta] phải nói … chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó” (GLGƯ 100:6). Tôi biết điều đó là phải như vậy.

Tôi biết ơn biết bao về sự kêu gọi phục vụ này, một lần nữa, vào lúc này ở Úc Đại Lợi. Tôi bày tỏ tình yêu thương vĩnh cửu và lòng biết ơn của mình đối với người vợ của tôi và chín đứa con của chúng tôi mà luôn luôn muốn đi truyền giáo về tình yêu thương và sự hỗ trợ của họ. Tôi long trọng làm chứng rằng phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi trên thế gian, rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế và rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế. Ngày nay chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri tại thế, chính là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Và tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống và tôi biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chính là trong vòng tay yêu thương của Đấng Chăn và trên đôi vai của Ngài mà chúng ta được mang về nhà. Giống như Ê Nót, tôi xin khiêm nhường nói rằng: “Tôi phải thuyết giảng … với dân này và rao truyền lời của Thượng Đế theo lẽ thật hằng có trong Đấng Ky Tô. Và tôi vui thích với công việc này hơn hết mọi điều gì khác trên thế gian này” (Ê Nót 1:26). Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.