2005
Trên Đồi Si Ôn
Tháng Mười Một năm 2005


Trên Đồi Si Ôn

Mỗi người mà sẵn lòng gia nhập Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và tìm cách tuân theo các nguyên tắc và các giáo lễ của Giáo Hội thì đều đang đứng “trên đồi Si Ôn.”

Tôi đã sống lâu và đã chứng kiến các tiêu chuẩn cần thiết cho sự tồn tại của một nền văn minh đã bị lần lượt bãi bỏ từng tiêu chuẩn một.

Chúng ta sống trong một thời kỳ mà những tiêu chuẩn lâu đời về đạo đức, hôn nhân, nhà cửa và gia đình tiếp tục bị thất bại trong các tòa án và hội đồng, trong các nghị viện và lớp học. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào việc sống theo chính các tiêu chuẩn đó.

Sứ đồ Phao Lô đã tiên tri rằng trong thời đại của chúng ta, vào những ngày sau cùng này, con người sẽ “nghịch cha mẹ, … vô tình, … thù người lành, … ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” (2 Ti Mô Thê 3:2–4).

Và ông đã cảnh cáo rằng: “Những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, làm lầm lạc” (2 Ti Mô Thê 3:13). Ông đã nói đúng. Tuy vậy, khi tôi nghĩ đến tương lai, lòng tôi tràn ngập một cảm giác hoàn toàn lạc quan.

Phao Lô đã bảo người thanh niên Ti Mô Thê nên tiếp tục những điều ông đã học được từ Các Vị Sứ Đồ và nói rằng người ấy sẽ được an toàn bởi vì, “từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô” (2 Ti Mô Thê 3:15).

Một sự hiểu biết về thánh thư thì thật quan trọng. Qua đó chúng ta học về sự hướng dẫn thuộc linh.

Tôi đã nghe người ta nói rằng: “Tôi sẽ sẵn sàng chịu đựng sự ngược đãi và những thử thách nếu tôi có thể sống trong những năm đầu của Giáo Hội khi mà có một loạt những điều mặc khải đã được xuất bản thành thánh thư. Tại sao điều đó không xảy ra bây giờ?”

Những điều mặc khải mà đã đến qua Tiên Tri Joseph Smith, đã được in thành thánh thư, đặt một nền móng vĩnh viễn cho Giáo Hội mà qua đó phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể được đem đến “mọi quốc gia” (2 Nê Phi 26:13).1

Thánh thư định rõ chức phẩm của Vị Tiên Tri và Chủ Tịch và các Cố Vấn của ông, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, các nhóm túc số Thầy Bảy Mươi, Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, và các giáo khu, tiểu giáo khu và chi nhánh. Thánh thư định rõ các chức phẩm của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và A Rôn. Thánh thư thiết lập các hệ thống mà qua đó sự soi dẫn và mặc khải có thể được ban cho các vị lãnh đạo, giảng viên, các bậc cha mẹ, và các cá nhân.

Vào thời nay, sự chống đối và các thử thách thì khác hơn. Có thể nói rằng chúng dữ dội hơn, nguy hiểm hơn trong những thời kỳ đầu đó, không nhắm nhiều vào Giáo Hội bằng vào cá nhân chúng ta. Những sự mặc khải đầu tiên, đã được xuất bản thành thánh thư cho sự hướng dẫn thường xuyên của Giáo Hội, định rõ các giáo lễ và các giao ước, và vẫn còn hiệu lực.

Một trong những đoạn thánh thư đó hứa rằng: “Nếu các ngươi đã chuẩn bị rồi thì các ngươi sẽ không sợ hãi” (GLGƯ 38:30).

Tôi xin kể cho các anh chị em nghe về những điều đã được thực hiện để chuẩn bị cho chúng ta. Rồi có lẽ các anh chị em sẽ hiểu lý do tại sao tôi không lo sợ về tương lai, tại sao tôi có những cảm giác tự tin lạc quan như thế.

Tôi không thể diễn tả một cách chi tiết hoặc ngay cả liệt kê tất cả những điều mà đã được thực hiện bởi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ trong những năm vừa qua. Các anh chị em sẽ thấy sự mặc khải liên tục trong những điều này, dành cho Giáo Hội và mỗi tín hữu. Tôi sẽ diễn tả một vài điều này.

Cách đây hơn 40 năm, Giáo Hội đã quyết định cung ứng giáo lý cho mỗi tín hữu của Giáo Hội một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng cách chuẩn bị một ấn bản thánh thư Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng tôi bắt đầu bổ sung những chỉ dẫn tham khảo từ quyển Kinh Thánh King James với Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá. Chúng tôi không thay đổi một điều gì trong quyển Kinh Thánh King James.

Công việc đã được thực hiện cách đây nhiều thế kỷ để chuẩn bị cho thời đại của chúng ta. Chín mươi phần trăm quyển Kinh Thánh King James đã được William Tyndale và John Wycliffe phiên dịch. Chúng ta mang ơn rất nhiều đối với những dịch giả và tuẫn đạo đó của thời kỳ đầu.

William Tyndale đã nói: “Tôi sẽ làm cho một cậu bé nông dân hiểu Thánh Thư nhiều hơn người giáo sĩ.”2

An Ma đã trải qua những thử thách lớn lao và đối phó ngay cả với những thử thách lớn hơn nữa. Và biên sử nói rằng: “Và bấy giờ, vì việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5).

Đó chính là ý định của chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu dự án thánh thư: rằng mỗi tín hữu của Giáo Hội có thể biết thánh thư và hiểu các nguyên tắc và các giáo lý chứa đựng ở trong đó. Chúng tôi bắt tay vào quyết tâm làm trong thời đại của chúng ta điều mà Tyndale và Wycliffe đã làm trong thời đại của họ.

Cả Tyndale lẫn Wycliffe đã bị ngược đãi tàn tệ. Tyndale chịu đau khổ trong một nhà tù giá lạnh ở Brussels. Quần áo của ông rách tả tơi, và ông bị lạnh khủng khiếp. Ông viết thư cho các giám mục yêu cầu họ cho ông xin chiếc áo choàng và cái mũ của ông. Ông xin một cây đèn cầy và nói rằng: “Quả thật là một điều chán ngắt để ngồi một mình trong bóng tối.”3 Các giám mục rất tức giận trước lời yêu cầu này đến nỗi ông đã bị đưa ra khỏi nhà tù và bị thiêu sống ở một cái cộc trước đám đông.

Wycliffe đã không bị thiêu sống, nhưng Hội Đồng Constance đã đào xác của ông lên, đốt ở cái cộc, và rải liệng tro của ông.4

Tiên tri Joseph Smith đã mượn các tập Sách về những Người Tuẫn Đạo của giáo sĩ người Anh tên là John Foxe khoảng thế kỷ mười sáu, từ người mẹ của Edward Stevenson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Sau khi đọc những tập này, ông đã nói: “Nhờ vào hai viên đá U Rim và Thu Mim, tôi đã thấy những người tuẫn đạo đó , và họ là những người lương thiện, môn đồ tận tụy của Đấng Ky Tô, theo sự hiểu biết và lẽ thật mà họ có, và họ sẽ được cứu.”5

Việc bổ sung những chỉ dẫn tham khảo cho hơn 70.000 câu thánh thư và cung ứng những cước chú và những phần giúp đỡ thì được biết là vô cùng khó khăn, có lẽ ngay cả không thể làm được. Nhưng công việc đó đã bắt đầu. Phải mất 12 năm và sự giúp đỡ của hơn 600 người để hoàn tất công việc này. Một số người là những nhà chuyên môn ở Hy Lạp, La Tinh và Hê Bơ Rơ, hoặc có một sự hiểu biết về các thánh thư cổ xưa. Nhưng đa số những người này là những tín hữu bình thường, trung thành của Giáo Hội.

Tinh thần soi dẫn đã tác động công việc này.

Dự án này có lẽ đã không thực hiện được nếu không có máy vi tính.

Một hệ thống đặc biệt đã được thiết kế để sắp sếp hằng ngàn cước chú nhằm giúp những người ít học hiểu về thánh thư.

Với một bản mục lục theo chủ đề, một tín hữu có thể, chỉ trong một vài phút, tra tìm các từ như sự chuộc tội, sự hối cải, Đức Thánh Linh, và tìm ra những đoạn tham khảo rõ ràng từ tất cả bốn quyển thánh thư.

Vài năm trong dự án này, chúng tôi đã hỏi họ tiến hành như thế nào trong công việc buồn tẻ, khó khăn khi liệt kê các đề tài theo thứ tự chữ cái. Họ trả lời rằng: “Chúng tôi đã trải qua Thiên ThượngĐịa Ngục, đi qua Tình ThươngLòng Tham Muốn, và hiện giờ chúng tôi đang tiến tới Sự Hối Cải.”

Chúng tôi đã có trong tay các bản thảo chính của Sách Mặc Môn. Các bản này đã cho phép chúng tôi có thể sửa chỉnh những sai sót của nhà in mà đã tình cờ ập vào bản dịch thánh thư.

Phần đáng kể nhất trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư là nơi có 18 trang, cách nhau hàng một, có chữ in nhỏ dưới tiêu đề “Chúa Giê Su Ky Tô,” phần biên soạn bao hàm toàn diện chi tiết trong thánh thư về danh của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã từng được thu thập trong lịch sử của thế gian. Nếu dò theo những phần tham khảo này, thì các anh chị em sẽ biết Giáo Hội này là của ai, những điều Giáo Hội giảng dạy và bởi quyền năng nào, tất cả đều dựa vào thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Mê Si, Đấng Cứu Chuộc, và Chúa của chúng ta.

Hai điều mặc khải mới đã được thêm vào Giáo Lý và Giao Ước—tiết 137, một khải tượng đã được ban cho Tiên Tri Joseph Smith vào lúc thực hiện lễ thiên ân, và tiết 138, là khải tượng của Chủ Tịch Joseph F. Smith về sự cứu chuộc những người chết. Kế đó khi tác phẩm này sắp sửa được in, thì lời mặc khải kỳ diệu về chức tư tế đã được nhận và loan báo trong một bản tuyên ngôn chính thức (xin xem Bản Tuyên Ngôn Chính Thức 2 trong GLGƯ), cho thấy rằng các thánh thư không chấm dứt.

Kế đó là thử thách to lớn của Giáo Hội để phiên dịch ra các thứ tiếng. Hiện giờ, bộ ba quyển thánh thư tổng hợp, với Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, đã được xuất bản bằng 24 ngôn ngữ, với những ngôn ngữ khác sẽ được xuất bản sau này. Sách Mặc Môn hiện nay được xuất bản bằng 106 ngôn ngữ. Bốn mươi chín bản dịch đang được tiến hành.

Những điều khác cũng đã được thực hiện. Sách Mặc Môn để cộng thêm một đề phụ—Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Với các giáo lý cơ bản đã được vững vàng như các viên đá granit trong Đền Thờ Salt Lake và đã được công khai trước mọi người, nhiều người đã có thể làm chứng sự liên tục mặc khải cho Giáo Hội. “Chúng tôi tin tưởng tất cả những điều Thượng Đế đã mặc khải, những điều Ngài đang mặc khải, và Ngài sẽ mặc khải nhiều điều vĩ đại và quan trọng có liên quan tới Vương Quốc của Ngài” (Những Tín Điều 1:9).

Trong khi công việc xuất bản thánh thư vẫn tiếp tục, một công việc lớn lao khác đã bắt đầu. Công việc này cũng sẽ mất nhiều năm để hoàn tất. Toàn thể chương trình giảng dạy của Giáo Hội đã được sắp xếp lại. Tất cả các khóa học trong chức tư tế và các tổ chức bổ trợ—cho các thiếu nhi, giới trẻ, và người lớn—đã được sửa lại để tập trung vào thánh thư, Chúa Giê Su Ky Tô, chức tư tế, và gia đình.

Hàng trăm người tình nguyện đã làm việc nhiều năm. Một số họ là những nhà chuyên môn viết văn, chương trình giảng dạy, hướng dẫn, và những ngành liên quan khác, nhưng đa số họ là các tín hữu bình thường của Giáo Hội. Tất cả đều dựa vào thánh thư, với sự nhấn mạnh về thẩm quyền của chức tư tế và với sự tập trung vào tính chất thiêng liêng của gia đình.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”6 Kế đó họ đã công bố “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của các Vị Sứ Đồ.”7

Các lớp và các viện giáo lý đang lan rộng khắp nơi trên thế giới. Các giảng viên và học sinh, sinh viên học hỏi và giảng dạy bởi quyền năng của Thánh Linh (xin xem GLGƯ 50:17–22), và họ đều được dạy để hiểu thánh thư, những lời của các vị tiên tri, kế hoạch cứu rỗi, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi, vị thế độc nhất của Giáo Hội phục hồi, và để nhận ra các nguyên tắc và các giáo lý được tìm thấy trong những điều này. Các học sinh, sinh viên được khuyến khích phát triển một thói quen học thánh thư hằng ngày.

Buổi Tối thứ Hai đã được dành riêng cho buổi họp tối gia đình. Tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội phải được hoạch định vào thời gian khác ngõ hầu gia đình có thể sinh hoạt chung với nhau.

Tiếp theo đó, công việc truyền giáo đã được dựa vào những điều mặc khải dưới tiêu đề “Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.” Mỗi năm hơn 25.000 người truyền giáo được giải nhiệm để trở về với gia đình của họ ở 148 quốc gia, sau khi đã bỏ ra hai năm học hỏi giáo lý và cách thức để giảng dạy bằng Thánh Linh và chia sẻ chứng ngôn của họ.

Các nguyên tắc chi phối của chức tư tế đã được làm sáng tỏ. Vị thế của các nhóm túc số chức tư tế—A Rôn và Mên Chi Xê Đéc—đã được làm vinh hiển. Ở khắp mọi nơi, lúc nào cũng có các vị lãnh đạo nắm giữ các chìa khóa—các vị giám trợ và chủ tịch—để hướng dẫn, giải thích những điểm hiểu lầm, nhận ra và sửa chữa những giáo lý sai lầm.

Khóa học dành cho những người lớn trong Chức Tư Tế và Hội Phụ Nữ được căn cứ vào những lời giảng dạy của các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội.

Các tạp chí của Giáo Hội đã được thiết kế lại và hiện đang được xuất bản bằng 50 ngôn ngữ.

Một kỷ nguyên phi thường trong việc xây cất đền thờ vẫn tiếp tục, với 122 đền thờ đang mở cửa cho công việc giáo lễ và hai đền thờ nữa được loan báo hôm qua.

Công việc gia phả đã được đổi tên thành “Lịch Sử Gia Đình.” Các tín hữu trung thành được giúp đỡ với kỹ thuật tối tân nhất để chuẩn bị và đem các tên tới đền thờ.

Tất cả những điều này đều làm chứng cho sự mặc khải liên tục. Còn có rất nhiều điều khác nữa, quá nhiều không thể kể ra chi tiết.

Trong Giáo Hội có một quyền năng chính mà quan trọng hơn các chương trình, hay các buổi họp, hay các sự giao dịch. Quyền năng này không thay đổi, không thể bị suy yếu, luôn luôn vững bền và chắc chắn, không bao giờ giảm bớt hoặc biến dần.

Mặc dù Giáo Hội có những ngôi giáo đường để hội họp, nhưng Giáo Hội thật sự sống trong lòng và tâm hồn của mỗi Thánh Hữu Ngày Sau.

Ở mọi nơi trên thế giới, các tín hữu khiêm nhường nhận được sự soi dẫn từ thánh thư để dẫn dắt họ suốt đời, họ không hoàn toàn hiểu rằng họ đã tìm được “hột châu quý giá” (Ma Thi Ơ 13:46) mà Chúa đã phán cùng các môn đồ của Ngài.

Khi Emma Smith, vợ của Tiên Tri Joseph, sưu tầm các bài thánh ca cho quyển thánh ca đầu tiên, bà đã gồm vào bài “Guide Us, O Thou Great Jehovah“ (Ôi Đức Giê Hô Va Tối Cao, Xin Ngài Hướng Dẫn Chúng Con), mà thật ra là một lời cầu nguyện:

Khi trái đất bắt đầu rung chuyển,

Xin Ngài cất đi những ý nghĩ lo sợ của chúng con;

Khi sự phán xét của Ngài đem đến sự hủy diệt ở mọi nơi,

Xin Ngài gìn giữ chúng con được an toàn trên đồi Si Ôn.8

Mỗi người mà sẵn lòng gia nhập Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và tìm cách tuân theo các nguyên tắc và các giáo lễ của Giáo Hội thì đều đang đứng “trên đồi Si Ôn.”

Mỗi người có thể nhận được sự đảm bảo mà có được qua sự soi dẫn và làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thì đúng y như Ngài đã tuyên phán là “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này” (GLGƯ 1:30). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem thêm Khải Huyền 5:9; 14:6; 1 Nê Phi 19:17; Mô Si A 3:13, 20; 15:28; 16:1; An Ma 9:20; 37:4; GLGƯ 10:51; 77:8, 11; 133:37.

  2. Trong David Daniell, lời giới thiệu về Tyndale’s New Testament, dịch giả William Tyndale (1989), viii.

  3. Trong Daniell, lời giới thiệu về Tyndale’s New Testament, ix.

  4. Xin xem John Foxe, Foxe’s Book of Martyrs, do G. A. Williamson (1965) xuất bản, 18–20.

  5. Trong Edward Stevenson, Reminiscences of Joseph, the Prophet, and the Coming Forth of the Book of Mormon (1893), 6.

  6. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  7. “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Vị Sứ Đồ,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 2.

  8. Hymns, số 83.