2005
Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Các Thánh Thư
Tháng Mười Một năm 2005


Tâm Hồn Tôi Rất Vui Thích Các Thánh Thư

Tuyệt nhiên không có điều gì quan trọng mà chúng ta có thể làm cho gia đình mình hơn là củng cố họ bằng thánh thư.

Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta mới vừa yêu cầu chúng ta đọc xong Sách Mặc Môn vào trước cuối năm. Khi chấp nhận lời mời này, tôi đã tự thấy mình khám phá ra những điều mới mẻ và đầy phấn khởi trong quyển sách này mặc dù tôi đã đọc nó nhiều lần trước đó. Ví dụ, tôi đã khám phá lại 2 Nê Phi 4:15 mà nói rằng: “Vì tâm hồn tôi rất vui thích các thánh thư, và lòng tôi suy ngẫm nhiều về thánh thư, và tôi đã ghi chép những điều này vì sự học hỏi và lợi ích của con cháu tôi.”

Câu thánh thư này dạy chúng ta cách thức đọc Sách Mặc Môn. Nó đề cập đến ba ý kiến quan trọng.

Trước hết, “Tâm hồn tôi rất vui thích.” Tôi ưa thích lối nói này! Tôi đã nghĩ về sự khao khát sau khi có được sự hiểu biết khi tôi đọc thánh thư, nhưng vui thích các thánh thư lại là một điều khác. Tôi thấy rằng những gì tôi học được từ thánh thư thì được xác định bởi những gì tôi chuẩn bị. Mỗi lần tôi đọc thánh thư, thì giống như tôi đang mang lại một con người mới mẻ với cái nhìn mới trước kinh nghiệm đó. Giai đoạn sống của tôi hiện nay, những kinh nghiệm tôi đang có, và thái độ của tôi đều ảnh hưởng bao nhiêu những điều tôi sẽ nhận được. Tôi yêu thích thánh thư. Tôi quý trọng các lẽ thật tôi tìm thấy khi tôi đọc các lẽ thật đó. Niềm vui chan hòa lòng tôi khi tôi nhận được sự khuyến khích, hướng dẫn, an ủi, sức mạnh và những đáp ứng cho các nhu cầu của tôi. Cuộc sống trông rạng rỡ hơn, con đường rộng mở trước tôi, và tôi được đảm bảo về tình yêu thương và mối quan tâm của Cha Thiên Thượng đối với tôi mỗi lần tôi đọc. Chắc chắn đây là niềm vui đối với tôi. Giống như một đứa bé trai trong lớp học Hội Thiếu Nhi dành cho các em 4 tuổi đã nói: “Em cảm thấy vui sướng về thánh thư!”

Thứ nhì: “Lòng tôi suy ngẫm nhiều về thánh thư.” Ôi tôi thích mang thánh thư vào lòng tôi biết bao! Tinh thần của điều mà tôi đã đọc ngừng lại nơi đó để mang sự bình an và an ủi cho tôi. Sự hiểu biết mà tôi đã nhận được cho tôi sự hướng dẫn và chỉ dẫn. Tôi có được sự tin tưởng phát sinh từ sự vâng lời.

Đôi khi tôi có hứng thú đắm mình trong thánh thư. Đôi khi tôi đọc thánh thư chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, việc tôi đọc thánh thư ở đâu và khi nào thì dường như không quan trọng, tôi vẫn có thể mang thánh thư vào lòng mình. Tôi đã thấy rằng khi đọc thánh thư vào buổi sáng thì tôi có thể mang theo ảnh hưởng của Thánh Linh với mình suốt ngày. Khi tôi đọc thánh thư ở giữa ngày, thì thường thường bởi vì có sự cần thiết để làm điều đó khi mà tôi có thể tìm ra những câu trả lời và sự hướng dẫn mà ảnh hưởng đến những quyết định và hành động của mình. Khi tôi đọc thánh thư buổi tối, các sứ điệp tuyệt vời, đầy an ủi từ Chúa ở lại trong tiềm thức tôi trong khi tôi ngủ. Nhiều lần, tôi thức giấc ban đêm với những ý nghĩ hoặc ý tưởng bắt nguồn từ những lời tôi đã đọc ngay trước khi đi ngủ. Tâm trí tôi có thể lang thang nhiều nơi trong ngày nhưng lòng tôi chan chứa những lời của Chúa được tìm thấy trong thánh thư và “suy ngẫm nhiều về thánh thư.”

Tôi đã biết được từ điều này rằng “vì [một người] tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy” (Châm Ngôn 23:7). Khi tôi suy ngẫm về thánh thư, thì có một điều gì đó xảy đến cho tôi. Tôi có được một ước muốn mãnh liệt hơn để sống gần gũi với Cha Thiên Thượng. Tôi khao khát được phục vụ Ngài. Tôi muốn sống theo các nguyên tắc mà tôi học được nơi thánh thư, và khi làm như vậy, thì lòng tôi “đã ghi chép những điều này vì sự học hỏi và lợi ích của con cháu tôi.”

Dĩ nhiên, tôi không viết thánh thư như Nê Phi đã viết, nhưng khi tôi đọc thánh thư và sống theo các nguyên tắc học được, các câu thánh thư đó trở thành một phần của cuộc sống tôi. Thánh thư điều khiển các hành động của tôi và được viết ra cho con cái tôi thấy và tuân theo. Tôi có thể xây đắp một di sản, một truyền thống về lối sống ngay chính, dựa trên các nguyên tắc tôi học được nơi thánh thư.

Giáo Lý và Giao Ước 93:39–40 dạy rằng: “Và kẻ tà ác đó đến và lấy đi sự sáng cùng lẽ thật khỏi con cái loài người, qua sự bất tuân, và vì truyền thống của tổ phụ họ.

“Nhưng ta đã truyền lệnh cho các ngươi phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật.”

Bằng cách đọc thánh thư, tôi có thể yên trí rằng tôi sẽ biết “sự sáng và lẽ thật” mà sẽ ban phước cho tôi và gia đình tôi. Khi tôi biết điều gì tôi phải làm, thì tôi có thể cố gắng làm cho các hành động—các “truyền thống” của mình—phù hợp với điều tôi biết. Rồi tấm gương của tôi sẽ không dẫn dắt con cái tôi đi sai đường mà đúng hơn sẽ dẫn chúng đến thánh thư và lẽ thật được tìm thấy ở đó.

Tôi ưa thích bài hát của Hội Thiếu Nhi mà dạy rằng:

Tìm tòi, suy ngẫm và cầu nguyện

Là những việc tôi phải làm.

Thánh Linh sẽ hướng dẫn, và tận đáy lòng,

Tôi sẽ biết thánh thư là chân chính.1

Tôi thấy rằng nếu tôi cầu nguyện để không những có được một sự làm chứng về lẽ trung thực của thánh thư mà còn có được Thánh Linh ở với tôi khi tôi đọc, thì sự nhạy cảm của tôi gia tăng, và tôi thấy rõ hơn rất nhiều. Tôi có thể thấy tôi đang sống ở giai đoạn nào trong cuộc sống của mình và nơi nào mà Cha Thiên Thượng muốn tôi ở. Tôi có thể hiểu các nguyên tắc lẽ thật, và tôi có thể thấy cách để thực hiện những thay đổi cần thiết trong cuộc sống của mình. Tôi có thể cảm thấy an tâm rằng Chúa sẽ giúp và củng cố tôi hoàn tất nhiệm vụ. Như thế thánh thư trở nên được ghi chép trong cuộc sống của tôi.

Khi chúng ta đọc thánh thư thì chúng ta đang nghe tiếng của Đấng Cứu Rỗi. Ngài không vắng mặt trong cuộc sống của chúng ta. Ngài luôn hiện diện trong các câu thánh thư này. Vị tiên tri của chúng ta đã yêu cầu chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách đọc Sách Mặc Môn.

Và con cái chúng ta thì sao? Một đứa con có phước biết bao khi có cha mẹ đặt cuộc sống của mình vào những lời giảng dạy trong thánh thư! Tuyệt nhiên không có điều gì quan trọng mà chúng ta có thể làm cho gia đình mình hơn là củng cố họ bằng thánh thư. Thưa các bậc cha mẹ, hãy gọi gia đình mình lại để cùng đọc thánh thư, và làm cho điều đó có thể thực hiện được trong lịch trình bận rộn của gia đình các anh chị em. Các em thiếu nhi, hãy đáp ứng nhanh chóng và vui vẻ khi các em được gọi đến học thánh thư.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đưa ra lời mời nhưng ông cũng cho chúng ta những lời hứa nếu chúng ta chọn chấp nhận lời mời đó. Ông đã hứa “sẽ có thêm Thánh Linh của Chúa, một quyết tâm được củng cố để tuân theo các giáo lệnh của Ngài, và một chứng ngôn vững mạnh hơn về sự trung thực và hằng sống của Vị Nam Tử của Thượng Đế.”2

Một trong những đứa con gái của tôi, đang ở trong một giai đoạn tuyệt vời của cuộc sống của nó nơi mà các phước lành lớn lao nhất của nó là những thử thách gay go nhất (nó có ba đứa con nhỏ), đã nói với tôi: “Mẹ ơi, con đang làm điều đó. Con đang đọc Sách Mặc Môn. Và con đang bám chặt vào những lời hứa tuyệt vời đó. Các lời hứa đó chính là điều mà con cần trong cuộc sống của con ngay bây giờ.”

Có phải những phước lành này là điều mà các anh chị em cần trong cuộc sống của mình không? Các phước lành này thuộc vào chúng ta nếu chúng ta vâng lời. Là các cá nhân, chúng ta hãy cam kết tuân theo vị tiên tri. Là gia đình, chúng ta hãy thỉnh cầu các phước lành của mình. Thưa Chủ Tịch Hinckley, chúng tôi yêu thương chủ tịch, chúng tôi đã nghe tiếng nói của chủ tịch, và chúng tôi sẽ tuân theo.

Tôi xin được chia sẻ chứng ngôn của mình rằng tôi biết Cha Thiên Thượng hằng sống và yêu thương chúng ta. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi biết rằng thánh thư là chân chính. Thánh thư là lời của Thượng Đế. Tôi biết rằng Gordon B. Hinckley là vị tiên tri của chúng ta ngày nay. Tôi biết rằng khi chúng ta tuân theo ông, thì chúng ta nhận được các phước lành lớn lao từ Cha Thiên Thượng. Tôi biết ơn về lời chứng này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Search, Ponder, and Pray,” Children’s Songbook, 109.

  2. “Một Chứng Ngôn Mạnh Mẽ và Chân Thật,” Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Tám năm 2005, 6.