2012
Ân Điển Kỳ Diệu
Tháng Tư năm 2012


Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô

Ân Điển Kỳ Diệu

Tôi trông cậy vào ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày.

Giáo sư dạy tôn giáo của tôi ở trường Brigham Young University nói: “Trong các buổi họp Giáo Hội của mình, chúng ta thường không nói về ân điển, nhưng với tư cách là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta thật sự tin vào ân điển.”

Quả thật, tôi không thể nhớ bất cứ bài học nào về ân điển được dạy trong Hội Thiếu Nữ hay Trường Chủ Nhật, nhưng tôi nhớ lại ca đoàn trong trường trung học đã hát bài “Ân Điển Kỳ Diệu.”

Ân điển kỳ diệu! (âm thanh đó tuyệt vời biết bao!)

Ân điển đó đã cứu vớt một cuộc đời khốn khổ như tôi!

Tôi đã từng lầm lạc, nhưng giờ đây tôi đã tìm ra con đường;

Tôi đã mù, nhưng giờ đây đã thấy được.1

Giảng viên của tôi đã giải thích: “Ân điển là quyền năng của Thượng Đế từ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” “Tôi chia ân điển ra thành bốn quyền năng: sự phục sinh, sự cứu chuộc, sự chữa lành và sự củng cố.” Ông tiếp tục giải thích mỗi quyền năng, nhưng tâm trí của tôi một lần nữa quay trở lại với ký ức của mình.

Ca đoàn của trường trung học đó đã từng đi đến California, Hoa Kỳ, để tranh tài trong một hội diễn âm nhạc. Tôi bị bệnh ngay trước khi ngày lên đường, và cổ họng bị đau có nghĩa là tôi không thể hát với ca đoàn của mình trong hội diễn đó—hoặc nếu tôi có hát đi nữa, thì tôi sẽ hát rất chán, kèm theo cái đau nhức. Tôi xin cha tôi một phước lành của chức tư tế và dành ra ngày hôm sau để cầu nguyện được hết bệnh.

Có lẽ lúc đó tôi đã không hoàn toàn hiểu, khi tôi hát bài “Ân Điển Kỳ Diệu” với một cổ họng đã hoàn toàn được bình phục tại hội diễn đó, rằng tôi đang hát về chính quyền năng đã chữa lành cho tôi chỉ một ngày trước đó. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã ban phước cho tôi trong ngày đó; Ân điển của Ngài là nguồn chữa lành của tôi.

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài” (An Ma 7:11).

Sau khi học xong trung học, giống như nhiều sinh viên năm thứ nhất, tôi bù đầu với những khóa học ở đại học của mình và đồng thời không những với thử thách của việc sống xa nhà mà còn với năm người bạn chung phòng.

Chính là lúc này tôi biết được cách hiểu quyền năng củng cố và phụ giúp của ân điển của Đấng Ky Tô. Tôi dành ra những tháng ngày của mình để làm việc và học hành, nhưng trông cậy vào những lời cầu nguyện hằng ngày mà tôi khẩn cầu Cha Thiên Thượng để có được khả năng hoàn thành những công việc cần thiết. Khi năm học tiếp tục, tôi vui mừng nhận ra rằng với quyền năng củng cố và phụ giúp của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tôi đã có thể làm việc không những xuất sắc mà còn không gặp bất cứ khó khăn gì cả.

“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Ky Tô ban thêm sức cho tôi” (Phi Líp 4:13).

Mặc dù chưa trải qua hai khía cạnh kia của ân điển Ngài—sự phục sinh và sự chuộc tội trọn vẹn—nhưng tôi vẫn trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mỗi ngày. Ân điển, quyền năng của Thượng Đế từ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, đã chữa lành và củng cố tôi. Khi cố gắng tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế và tuân phục ý muốn của Ngài, tôi nhận được sự giúp đỡ thiêng liêng vượt quá khả năng của mình.

“Nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23).

Ghi Chú

  1. John Newton, “Amazing Grace,” Olney Hymns (1779), số 41.

Hình do Ash Ram chụp