2012
Các Phước Lành của Lớp Giáo Lý
Tháng Tư năm 2012


Các Phước Lành của Lớp Giáo Lý

Trên khắp thế giới, lớp giáo lý mang giới trẻ như các em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Không phải chỉ một mình các em quyết định tham dự lớp giáo lý. Trên khắp thế giới, hằng trăm ngàn thanh thiếu niên làm cho lớp giáo lý thành một phần trong cuộc sống của họ. Họ đi đến lớp học của họ bằng xe buýt, xuồng, xe đạp hay ngay cả mạng Internet. Một số thanh thiếu niên thức dậy sớm và đi rất xa để đến đúng giờ, những em khác đi vào buổi chiều, và còn những người khác nữa học ở nhà vài ngày trong tuần lễ.

Việc tham dự lớp giáo lý đòi hỏi sự hy sinh, nhưng giới trẻ trên khắp thế giới đang thấy rằng việc tham dự lớp giáo lý rất đáng bõ công cho mọi nỗ lực. Và những người tham dự đều có một điểm chung: kinh nghiệm của họ về lớp giáo lý mang họ đến gần Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng hơn.

Nhận Được Các Phước Lành đã Được Hứa

Tại sao lớp giáo lý lại quan trọng như vậy đối với các em? Một số lý do gồm có những lời hứa này từ các vị tiên tri và sứ đồ ngày sau:

  • Lớp giáo lý “là một phước lành từ Thượng Đế vì sự cứu rỗi của Y Sơ Ra Ên thời nay trong thời điểm khó khăn nhất.”1

  • Lớp giáo lý “sẽ chuẩn bị cho các em để trình bày sứ điệp về phúc âm phục hồi với những người các em có cơ hội gặp gỡ.”2

  • Lớp giáo lý giúp các em “đạt được sự hiểu biết thiết yếu về lẽ thật.”3

  • Lớp giáo lý “cung ứng những cơ hội tuyệt diệu để học hỏi các giáo lý mà sẽ làm cho các em được hạnh phúc. Lớp giáo lý cung ứng những cơ hội tuyệt diệu để giao tiếp với những người cùng có tín ngưỡng như các em.”4

  • “Sự hiểu biết của các em về phúc âm sẽ được gia tăng. Đức tin của các em sẽ được củng cố. Các em sẽ phát triển những mối quan hệ và tình bằng hữu tuyệt diệu.”5

  • “Lớp giáo lý đưa đến … sự phong phú về phần thuộc linh, sức mạnh đạo đức để chống lại điều xấu xa là những điều hoàn toàn nhắm vào chúng ta, cũng như một tinh thần uyên thâm hơn về phúc âm.”6

  • Đó là “một trong những phần chuẩn bị tốt nhất cho công việc truyền giáo.”7

Tìm Cách để Tham Dự

Việc đi học lớp giáo lý thường có nghĩa là các em sẽ phải từ bỏ một điều gì khác mà các em thích làm để tìm ra thời gian để tham dự. Nhưng đó là một sự hy sinh đáng bõ công để làm. Elijah Bugayong ở Philippine chọn quyết định đó trong năm cuối trung học của mình. Trong suốt các năm ở trung học, em ấy luôn luôn đứng thứ nhì trong lớp học. Em ấy quyết tâm sẽ đứng thứ nhất trong năm cuối trung học và thậm chí còn nghĩ đến việc không tham dự lớp giáo lý, mà em đã theo học trong những năm trước đó, để đạt được mục tiêu của mình.

Rồi một ngày nọ, em thay đổi lối suy nghĩ của mình. Em nói: “Tôi [nhìn vào] lịch trình học của mình,” “Tôi nhìn thấy một đống sách gần đó, các quyển thánh thư của tôi cùng với sổ ghi chép và sách học của lớp giáo lý. Tận thâm tâm mình, tôi tự hỏi: ‘Điều gì quan trọng nhất?’”

Elijah tìm ra câu trả lời của mình trong Ma Thi Ơ 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Em ấy quyết định tham dự lớp giáo lý một cách trung tín và tìm ra những cách khác để cân bằng thời giờ của mình cho việc học. Vào cuối năm, em ấy được chọn làm thủ khoa và còn nhận được một học bổng ở trường đại học.

Spencer Douglas ở Alabama, Hoa Kỳ, quyết định từ bỏ một số buổi tiệc tùng xã giao để em có thể học được từ lớp giáo lý nhiều nhất. Trong hai năm đầu tiên theo học lớp giáo lý, em ấy thức dậy lúc 4 giờ sáng để đi học, và hai năm cuối, em ấy thức dậy lúc 5 giờ sáng. Em ấy nói: “Tôi không thể tham dự nhiều sinh hoạt khuya với bạn bè của mình vì tôi sẽ cần phải đi ngủ sớm. Nếu không, thì tôi sẽ không thể tham dự trọn vẹn và học tập vào buổi sáng hôm sau.” Đối với Spencer, điều đó không phải chỉ là đến lớp học, mà còn phải tỉnh ngủ và sẵn sàng học tập.

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Chỉ vì một điều gì đó tốt thì không phải là lý do đủ để làm điều đó. Một số điều tốt chúng ta có thể làm lại vượt quá thời giờ có sẵn để hoàn thành những điều đó. Có một số điều thì tốt hơn là chỉ tốt không thôi, và đây là những điều đáng được quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta.”8 Đó là lời khuyên dạy quan trọng để ghi nhớ khi các em quyết định cách đặt lớp giáo lý thành ưu tiên trong lịch trình của mình.

Chuẩn Bị cho Công Việc Truyền Giáo

Lớp giáo lý cũng là một sự chuẩn bị hữu hiệu cho công việc truyền giáo mà các em sẽ thực hiện—với tư cách là một tín hữu truyền giáo ngày nay cũng như nếu các em phục vụ với tư cách là một người truyền giáo toàn thời gian trong tương lai. Franco Huamán Curinuqui ở Peru biết rằng việc học thánh thư của mình trong lớp giáo lý đã giúp em chuẩn bị cho công việc truyền giáo.

Em ấy nói rằng sự chuẩn bị này thật đáng bõ công thức dậy để đi đến lớp giáo lý vào lúc 4 giờ sáng, đi xuồng vào những tháng lụt lội ở khu vực, và rồi lội bùn để đi đến lớp. Em ấy nói: “Tôi muốn học xong lớp giáo lý và bắt đầu các lớp học của viện giáo lý để sẵn sàng cho công việc truyền giáo. Em sẽ tiếp tục tăng trưởng trong Giáo Hội.” Lớp giáo lý rất quan trọng đối với em ấy vì em ấy học về thánh thư và thuộc lòng những câu quan trọng mà sẽ giúp em ấy trở thành một người truyền giáo tốt hơn.

Được Ban Phước trong Mọi Khía Cạnh của Cuộc Sống

Khi giới trẻ trên khắp thế giới nỗ lực tham dự lớp giáo lý, thì họ sẽ nhận được nhiều sức mạnh hơn trong việc học thánh thư. Cameron Lisney ở Anh thấy rằng em đã được ban phước trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cameron nói: “Không những lớp giáo lý giúp đỡ về phần thuộc linh, mà còn giúp đỡ về học đường và học vấn nữa.”

Em ấy nói rằng “việc bắt đầu sớm trong ngày làm cho trí óc của mình bắt đầu làm việc sớm. Một số bạn bè của em nói rằng chúng quá bận rộn để tham dự—vâng, không giống như việc ta đang chuẩn bị ôn bài toán vào lúc 6 giờ sáng, phải không?” Trong khi học, Cameron nói: “Chúa sẽ giúp ta trong các kỳ thi, và nếu ta đi đến lớp giáo lý, Ngài sẽ giúp đỡ ta càng nhiều hơn nữa.”

Dĩ nhiên, lớp giáo lý cũng giúp Cameron củng cố chứng ngôn của em. Em ấy nói: “Sự khởi đầu của chứng ngôn của tôi đến từ chương trình lớp giáo lý. Vào lúc còn rất nhỏ ở tuổi 14, tôi đã thật sự gặp khó khăn trong phúc âm. Tôi không thích nhà thờ, và tôi làm những điều mà đáng lẽ tôi không nên làm. Đó chỉ là vấn đề một vài tháng thôi trước khi tôi hoàn toàn bỏ cuộc.” Nhưng khi một người bạn mời Cameron đi tham dự lớp giáo lý, em ấy quyết định đi với bạn mình. Rồi các phước lành thật sự bắt đầu đến.

Cameron nói: “Tôi bắt đầu cảm thấy Thánh Linh một lần nữa.” “Tôi bắt đầu lưu ý nhiều hơn đến nhà thờ và tham dự Trường Chủ Nhật và các bài học của chức tư tế. Mọi việc trở nên dễ dàng hơn, và tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc hơn. Cuối cùng tôi nhận được một chứng ngôn về phúc âm cho bản thân mình.” Sau hai tháng theo học lớp giáo lý, Cameron họp với giám trợ của em và được sắc phong làm thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn.

Cameron biết rằng lớp giáo lý giúp em chống lại những cám dỗ của thế gian. Em ấy nói: “Khi lớp giáo lý tiếp tục, tôi thấy dễ dàng hơn để đối phó với những thử thách thế gian mang đến. Thật là khó để làm một thanh thiếu niên trong một thế giới chúng ta đang sống—tội lỗi đang vây quanh chúng ta từ mọi phía. Tôi làm chứng với các anh chị em rằng nếu các anh chị em tham dự lớp giáo lý, thì các anh chị em sẽ tìm thấy sức mạnh để tự bảo vệ chống lại tội lỗi. Lớp giáo lý tạo ra một cái khiên che thuộc linh để bảo vệ các anh chị em. Nhiều thử thách và cám dỗ khác nhau dồn dập xảy đến cho tôi, và lớp giáo lý đã là một sự giúp đỡ hữu hiệu trong việc giữ tôi ở trên con đường chật và hẹp.”

Củng Cố Lẫn Nhau

Lớp giáo lý cũng để cho các em quy tụ với các em thanh thiếu niên khác có cùng tín ngưỡng với các em. Vika Chelyshkova ở Nga nói: “Tôi được cảm ứng bởi những người cùng chí hướng, nắm giữ những tiêu chuẩn đạo đức tương tự và tin nơi Thượng Đế như tôi.” Em ấy nói thêm: “Nếu có bất cứ câu hỏi nào, tôi có thể thảo luận với giảng viên và các học sinh khác trong lớp giáo lý của tôi. Tôi có thể chia sẻ những ý nghĩ và chứng ngôn của tôi với những người khác để củng cố đức tin của tôi và những người khác. Bằng cách cùng đọc thánh thư chung với nhau và suy ngẫm về nội dung thuộc linh của các câu thánh thư, chúng tôi đến gần Thượng Đế và gần nhau hơn.”

Ksenia Goncharova ở Ukraine đã thấy những kết quả tương tự. Em ấy nói: “Khi chia sẻ những kinh nghiệm của mình với nhau, chúng tôi trở nên vững mạnh hơn và hiểu thánh thư rõ hơn. Khi chúng tôi nói về những ví dụ từ cuộc sống của mình trong khi các bài học được giảng dạy, tôi thấy phúc âm đã tác động trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của những người khác như thế nào.”

Nhận Biết Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Một nhóm thanh thiếu niên mới vừa được hỏi là lớp giáo lý đã ban phước cho họ như thế nào. Câu trả lời của họ biểu lộ một đề tài quan trọng—rằng lớp giáo lý giúp họ đến gần Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Tất cả các đề tài các em học trong lớp giáo lý đều quan trọng. Mỗi năm, khi các em chú trọng vào một trong số các quyển thánh thư, thì điểm tập trung chính là Chúa Giê Su Ky Tô.”9

Đây là điều một số em thanh thiếu niên nói về lớp giáo lý đã mang các em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn như thế nào.

  • “Tôi đã học biết được điều Đấng Cứu Rỗi làm cho tôi, khi đọc tất cả những câu chuyện này từ vô số các vị tiên tri và nhận biết rằng tôi thật quan trọng biết bao đối với Ngài. Tôi nhận biết rằng Ngài yêu thương tôi đủ để chết và chịu đau đớn thay cho tôi.”

  • “Lớp giáo lý là một cách tốt để bắt đầu một ngày của tôi. Cho dù tôi có mệt mỏi bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn cảm thấy Thánh Linh và cảm thấy được củng cố nên khi những khó khăn xảy đến trong ngày của mình, tôi biết chắc rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thương tôi, và tôi tin tưởng hơn để bênh vực cho điều đúng.”

  • “Tôi là một người cải đạo vào Giáo Hội. Tôi bắt đầu lấy lớp giáo lý ngay cả trước khi tôi chịu phép báp têm. Nếu không có lớp giáo lý, thì tôi không biết tôi có chịu phép báp têm hay không nữa. Nếu không có lớp giáo lý, thì tôi sẽ không có Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình ngay bây giờ hoặc biết rằng tôi có thể được tha thứ các tội lỗi của mình. Tôi thật sự chưa bao giờ có Cha Thiên Thượng hay Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình. Lớp giáo lý giúp tôi tìm ra hai Ngài và để hai Ngài vĩnh viễn trở thành một phần trong cuộc sống của tôi và cuộc sống của con cái mai sau của tôi.”

  • “Việc đi học lớp giáo lý mỗi ngày giúp tôi đến gần Chúa và Đấng Cứu Rỗi của tôi, Chúa Giê Su Ky Tô, hơn qua việc học hỏi về những điều giảng dạy của Ngài, tình yêu thương bao la của Ngài dành cho tôi, và cách tôi có thể trở lại sống với Ngài.”

  • “Khi theo học lớp giáo lý, tôi tìm thấy một ý nghĩ sâu sắc hơn ở thánh thư. Việc này giúp tôi mỗi buổi sáng nhớ đến việc phải giống như Đấng Ky Tô trong các sinh hoạt hằng ngày của mình.”

  • “Lớp giáo lý dạy tôi cách đọc thánh thư và không những vui thích thánh thư mà còn tìm cách áp dụng vào cuộc sống của mình những điều tôi đã đọc. Tôi học các giáo lý và các nguyên tắc mà đã giúp củng cố chứng ngôn của mình về một Cha Thiên Thượng nhân từ và Chúa Giê Su Ky Tô, là điều tôi sẽ mang theo với mình trong suốt cuộc sống còn lại.”

Với rất nhiều phước lành đến từ việc tham dự lớp giáo lý, thật là dễ dàng để thấy tại sao giới trẻ trên khắp thế giới đang đặt lớp giáo lý làm ưu tiên trong lịch trình học của họ.

Ghi Chú

  1. Boyd K. Packer, Teach the Scriptures (bài ngỏ cùng các nhà sư phạm của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 14 tháng Mười năm 1977), 3.

  2. L. Tom Perry, “Nâng Cao Tiêu Chuẩn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 48.

  3. Richard G. Scott, “Hãy Nhận Thức Rõ Tiềm Năng Trọn Vẹn của Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 42.

  4. Gordon B. Hinckley, “Stand True and Faithful,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 93.

  5. Gordon B. Hinckley, “The Miracle Made Possible by Faith,” Ensign, tháng Năm năm 1984, 47.

  6. Gordon B. Hinckley, “The State of the Church,” Ensign, tháng Năm năm 1991, 52.

  7. Ezra Taft Benson, “Our Responsibility to Share the Gospel,” Ensign, tháng Năm năm 1985, 7.

  8. Dallin H. Oaks, “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 104.

  9. David A. Bednar, “Conclusion and Testimony,” Welcome to Seminary 2010–2011, seminary.lds.org/welcome.

Tranh do Scott Greer minh họa

Hình ảnh do Christina Smith đảm trách

Phải: hình những học sinh tốt nghiệp lớp giáo lý Provo, Utah, với nhã ý của Văn Khố của Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau