2007
Một Bài Học từ Sách Mặc Môn
Tháng Năm năm 2007


Một Bài Học từ Sách Mặc Môn

Là những người tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất, các anh chị em bắt đầu chu kỳ giảng dạy và củng cố thế hệ kế tiếp.

Hình Ảnh

Tôi yêu thích Sách Mặc Môn. Sách này có những câu chuyện tuyệt diệu cho các trẻ em thuộc mọi lứa tuổi, nhưng quan trọng hơn hết, sách dạy các bài học phổ thông mà thường được kể lại trong các bài ca của Hội Thiếu Nhi.

Chẳng hạn, một bài học quý giá có thể tìm thấy trong bài ca về đạo quân của Hê La Man. Chúng ta hát: “Chúng tôi giống như là đạo quân của Hê La Man. Chúng tôi được dạy dỗ từ thuở còn thơ.”1 Có rất nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy giống như “Nê Phi thời xưa được sinh ra trong một gia đình nề nếp.”2

Sứ điệp của tôi hôm nay dành cho các anh chị em là những người tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất mà có thể đã sinh ra trong một gia đình nề nếp, nhưng chưa được giảng dạy phúc âm trong nhà mình. Thay vì giống như đạo quân của Hê La Man là những người “đã được mẹ của họ dạy rằng… . Thượng Đế sẽ giải thoát họ” (An Ma 56:47), các anh chị em có thể giống như cha mẹ họ, những người dân Am Môn, là những người đã lớn lên là những kẻ không tin.

Có lẽ là điều hữu ích để xem lại câu chuyện về những người dân Am Môn. Họ là dân La Man mà đã được Am Môn, A Rôn và những người khác giảng dạy cho phúc âm (xin xem An Ma 23:1–4). Khi chấp nhận phúc âm, những người dân La Man này được gọi là dân An Ti Nê Phi Lê Hi và về sau được gọi là dân Am Môn (xin xem An Ma 23:16–17; 27:23–26). Các con trai của những người dân Am Môn này đều thuộc vào đạo quân của Hê La Man mà đã giúp đánh dân La Man là dân không chịu cải sửa (xin xem An Ma 56:3–6).

Do đó sức mạnh của đạo quân của Hê La Man thật sự bắt đầu với cha mẹ của họ là những người dân Am Môn. Các bậc cha mẹ này là những người đã học phúc âm đầu tiên từ thánh thư. Họ là những người học về quyền năng của sự cầu nguyện. Và họ là những người đã lập và tuân giữ các giao ước với Chúa. Và cũng giống như nó đã bắt đầu với họ thì nó cũng bắt đầu với các anh chị em. Là những người tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất, các anh chị em bắt đầu chu kỳ giảng dạy và củng cố thế hệ kế tiếp.

Thánh thư

A Rôn, một người truyền giáo lỗi lạc, đã dùng thánh thư để giảng dạy cho vua La Man và những người dân Am Môn về đức tin và sự hối cải và về Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch hạnh phúc (xin xem An Ma 22:12–14; 23:4–5). Ngày nay việc đọc và học thánh thư tiếp tục xây đắp đức tin của chúng ta, giúp chúng ta chống lại cám dỗ và cho phép chúng ta đến gần hơn với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tuy nhiên, việc đọc thánh thư có thể đưa ra một thử thách cho mọi nguời. Chủ Tịch Boyd K. Packer chia sẻ về những nỗ lực đầu tiên của ông khi còn niên thiếu trong việc đọc Sách Mặc Môn. Ông nói: “Tôi mở sách ra và đọc ‘Tôi, Nê Phi, nhờ sinh trưởng trong một gia đình nề nếp.’ (1 Nê Phi 1:1)… . Thật là thú vị và tôi đã tiếp tục đọc cho đến khi tôi đọc đến các chương Ê Sai và rồi tôi không đọc nữa. Vậy nên một vài tháng sau, tôi quyết định thử đọc lại Sách Mặc Môn. Tôi đọc: ‘Tôi, Nê Phi, nhờ sinh trưởng trong một gia đình nề nếp,’ nhưng mỗi lần làm thế thì tôi lại gặp trở ngại khi đọc đến các chương Ê Sai đó… . Cuối cùng, tôi đã quyết định rằng tôi phải đọc các chương Ê Sai đó.”3

Và dĩ nhiên, Chủ Tịch Packer đã đọc những chương đó. Sự kiên trì là chính yếu. Với mỗi lần đọc thánh thư, những chữ xa lạ sẽ có ý nghĩa. Các anh chị em có thể đọc về những người hùng và những hành động can đảm cao quý . Các anh chị em có thể học về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Và hơn hết, các anh chị em có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế và biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Sự Cầu Nguyện

Sự cầu nguyện là một phương thức khác để xây đắp đức tin. Khi vua La man muốn biết điều nhà vua phải làm để nhận được niềm vui của phúc âm, nhà vua đã cầu nguyện lên Chúa (xin xem An Ma 22:16–17). Chúng ta cũng được hứa rằng nếu chúng ta cầu xin thì sẽ được ban cho.

Stanley là một người tầm đạo 19 tuổi ở Hồng Kông. Em ấy rất phấn khởi về phúc âm và muốn được báp têm cho đến khi bạn bè của em chỉ trích Giáo Hội. Em họp với những người truyền giáo. Họ làm chứng rằng Thượng Đế lo lắng cho em đủ để đáp ứng lời cầu nguyện của em. Họ đã mời em quỳ xuống và cầu vấn Cha Thiên Thượng xem những lời giảng dạy đó có chân chính không. Trước hết một người bạn đồng hành truyền giáo và rồi người kia dâng lên một lời cầu nguyện ngắn. Rồi Stanley cầu nguyện. Khi em cầu nguyện xong, họ hỏi em: “Stanley, anh cảm thấy như thế nào?” Em từ từ ngẩng đầu lên và bằng một lời gần như thì thầm đã đáp: “Phép báp têm, phép báp têm.”4

Các Giao Ước

Cuối cùng, việc lập và tuân giữ các giao ước cũng gia tăng đức tin. Những người dân Am Môn đã giao ước rằng “thà họ chịu hy sinh tính mạng mình còn hơn là làm đổ máu đồng bào của mình” (An Ma 24:18).

Chúng ta giao ước khi chúng ta chịu phép báp têm và mang danh của Đấng Ky Tô. Chúng ta được nhắc nhở về các giao ước đó khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Và khi chúng ta tuân giữ các giao ước đó thì chúng ta có thể có được sự đồng hành thường xuyên của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh, tức là Đấng An Ủi, là Đấng đã giảng dạy cho chúng ta “mọi điều” (Giăng 14:26).

Một chị nọ ở Mexico City khi được 16 tuổi thì có những người truyền giáo đến cửa nhà chị. Chị nói rằng khi họ giảng dạy bằng Thánh Linh, thì “dường như họ đã lấy đi băng dán trên mắt tôi và Chúa đã soi sáng sự hiểu biết của tôi… . Lời của Thượng Đế và những lời cầu nguyện của tôi đã củng cố [tôi] để khắc phục thử thách kế tiếp của tôi, để kể cho cha tôi nghe. Khi tôi bị gia đình từ bỏ vì lễ báp têm của tôi, Thánh Linh của Chúa đã củng cố tôi bằng cách mách bảo: ‘Hãy tiếp tục. Hãy đi tới. Một số người thân thuộc của ngươi sẽ trở thành tín hữu của Giáo Hội.”5

Thánh thư, sự cầu nguyện và việc lập và tuân giữ các giao ước đã giúp đỡ không chỉ những người dân Am Môn mà còn cả những người tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất ở khắp nơi—kể cả tôi. Các anh chị em thấy đó, dù tôi được sinh ra trong một gia đình nề nếp nhưng tôi đã không được giảng dạy phúc âm trong nhà. Tuy nhiên, cha mẹ của tôi có dạy tôi về những tiêu chuẩn đạo đức và nguyên tắc xử thế. Tôi còn nhớ người cha ngoại đạo của tôi đã giúp tôi viết bài nói chuyện đầu tiên mà tôi đưa ra tại nhà thờ. Đề tài được chỉ định là sự lương thiện và thay vì trích dẫn tín điều thứ 13, thì chúng tôi đã dùng tấm gương của một người có danh hiệu là Honest Abe.

Các giảng viên Hội Thiếu Nhi, các vị lãnh đạo Hội Thiếu Nữ và các vị lãnh đạo chức tư tế có trách nhiệm còn lại để cung ứng cho tôi sự giảng dạy phúc âm. Khi tôi bảy tuổi, người giảng viên của lớp Trường Chúa Nhật dành cho các em nhỏ đã dạy chúng tôi về sự cầu nguyện và tôi đã muốn cầu nguyện. Chị ấy đã dạy chúng tôi về tiền thập phân, và tôi đã muốn đóng tiền thập phân. Chị ấy dạy chúng tôi nhịn ăn, và nhưng vì tôi chỉ mới có bảy tuổi nên tôi đã không muốn nhịn ăn. Nhưng khi chị ấy dạy chúng tôi về phép báp têm, tôi đã muốn chịu phép báp têm. Tôi biết ơn cha mẹ tốt lành của mình đã hỗ trợ tôi trong quyết định của tôi và cả hai về sau cũng đã trở thành tín hữu của Giáo Hội.

Sự Trung Tín trong Phúc Âm Bắt Đầu Với Chúng Ta

Những người dân Am Môn đã sống theo phúc âm và “họ vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27). Sự trung tín trong phúc âm bắt đầu với những người dân Am Môn, và bắt đầu với chúng ta. Là những người tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất đã đạt được chứng ngôn, giờ đây chúng ta có trách nhiệm để dạy dỗ con cái của mình ngày nay. Chúng ta phải dạy dỗ chúng trong nhà và trong lớp học của chúng ta. Chúng ta phải dạy dỗ chúng về lời của Thượng Đế từ thánh thư. Chúng ta phải dạy dỗ chúng về quyền năng của sự cầu nguyện và chúng ta phải dạy dỗ chúng về các phước lành mà đến từ việc lập và tuân giữ các giao ước. Và nếu chúng ta dạy dỗ cho chúng thì chúng sẽ có thể nói rằng:

“Chúng tôi giống như đạo quân của Hê La Man.

Chúng tôi được dạy dỗ trong thời thơ ấu của mình.

Và chúng tôi sẽ là những người truyền giáo của Chúa

Để mang lại cho thế gian lẽ thật của Ngài.”6

Trong tôn danh của Chúa Giê su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “We’ll Bring the World His Truth,” Children’s Songbook, 172–73.

  2. Children’s Songbook, 172–73.

  3. “Các Nguyên Tắc Giảng Dạy và Học Tập,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, tháng Hai năm 2007; trong Liahona, tháng Sáu năm 2007, 53.

  4. Thư riêng.

  5. Thư riêng.

  6. Children’s Songbook, 172–73.