2007
Các Bài Học trong Đời mà Tôi Học Được
Tháng Năm năm 2007


Các Bài Học trong Đời mà Tôi Học Được

Tôi khuyến khích các anh em nên xem xét cuộc sống của mình. Xác định xem mình đang ở đâu và cần phải làm gì để trở thành con người mà mình muốn trở thành.

Hình Ảnh

Gần đây tôi đã suy ngẫm về nhiều kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi đã có trong cuộc sống của mình. Khi tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Thiên Thượng về các phước lành và cơ hội tuyệt diệu này, thì tôi đã nhận thấy, có lẽ hơn bao giờ hết, rằng những năm tháng thanh xuân của đời tôi thật quan trọng biết bao.

Nhiều giây phút quan trọng nhất và làm thay đổi cuộc sống của tôi đã xảy ra khi tôi còn là một thiếu niên. Những bài học mà tôi học được lúc ấy đã tạo nên cá tính của tôi và định hướng số phận của tôi. Nếu không có những bài học đó, tôi sẽ là một con người khác hẳn và ở một nơi khác xa với tôi hiện nay. Buổi tối hôm nay, tôi muốn nói trong một vài phút về một số những kinh nghiệm này và những gì tôi học được từ chúng.

Tôi sẽ không bao giờ quên được trận đấu bóng bầu dục ở trường trung học với đối thủ là một trường khác. Tôi chơi ở vị trí hậu vệ và nhiệm vụ của tôi là chặn người cầu thủ ở vị trí tiền đạo tiến công hoặc cố gắng tìm chỗ trống để người tiền vệ có thể ném bóng cho tôi.

Lý do mà tôi nhớ rất rõ trận đấu đặc biệt này là bởi vì cầu thủ đội bên phía kia—người mà tôi cần phải chặn cản—là một người khổng lồ.

Đúng ra tôi không phải là cầu thủ cao nhất trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ chắc người cầu thủ kia có lẽ như thế. Tôi nhớ đã nhìn lên người ấy và nghĩ rằng người ấy có lẽ nặng gấp đôi tôi. Xin nhớ rằng vào lúc tôi chơi bóng thì chúng tôi đã không có dụng cụ bảo vệ như các cầu thủ có ngày nay. Mũ đội của tôi được làm bằng da, và nó không có phần bảo vệ mặt.

Tôi càng nghĩ về điều đó thì tôi càng tiến đến một sự nhận thức nghiêm chỉnh rằng: nếu tôi để cho người ấy bắt được tôi, thì có lẽ tôi đã phải nằm bệnh viện trong suốt cả mùa bóng bầu dục thay vì tham gia cùng với đội bóng của tôi.

May mắn cho tôi, tôi đã rất nhanh chân. Và trong gần nửa phần đầu của trận đấu, tôi đã xoay xở được để tránh người ấy.

Ngoại trừ một lần.

Người tiền vệ của chúng tôi lùi lại để ném bóng. Không có ai canh tôi cả. Người ấy ném quả bóng và nó bay vút về phía tôi.

Vấn đề duy nhất là tôi có thể nghe thấy ai đó ì ạch chạy đằng sau tôi. Bỗng nhiên, tôi nghĩ rằng nếu tôi bắt quả bóng thì chắc chắn tôi có thể bị thương tích đến nỗi phải nằm bệnh viện. Nhưng quả bóng đang bay về phía tôi, và đội của tôi đang trông cậy vào tôi. Vì thế tôi dang tay ra và—trong khoảnh khắc cuối cùng—tôi nhìn lên.

Và người ấy đang ở đó.

Tôi còn nhớ quả bóng đập vào bàn tay tôi. Tôi nhớ phải khó khăn lắm để cố giữ quả bóng. Tôi còn nhớ tiếng của quả bóng khi nó rơi xuống cỏ. Rồi sau đó, tôi không chắc điều gì đã xảy ra bởi vì người ấy đã húc vào người tôi mạnh đến nỗi tôi không biết mình đang ở đâu nữa. Một điều mà tôi còn nhớ được là một giọng nói trầm loáng thoáng từ phía sau: “Thật đáng đời vì bạn đã chơi cho đội bên kia.”

William McKinley Oswald là huấn luyện viên môn bóng bầu dục trường trung học của tôi. Ông là một huấn luyện viên giỏi và có một ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời tôi. Nhưng tôi nghĩ ông có lẽ đã học được phương pháp động viên các cầu thủ từ một hạ sĩ quan huấn luyện trong quân đội.

Ngày hôm đó, vào giờ nghỉ giữa hai trận đấu, khi ngỏ lời cùng đội của mình, Huấn Luyện Viên Oswald đã nhắc nhở cả đội về việc tôi đã làm rơi bóng. Rồi ông chỉ vào mặt tôi và nói: “Làm sao em có thể làm như thế được?”

Ông đã quát lên.

“Tôi muốn biết điều gì đã khiến em làm rơi bóng.”

Tôi lắp bắp trong giây lát rồi cuối cùng quyết định nói ra sự thật. Tôi đáp: “Em đã không để mắt đến quả bóng”

Người huấn luyện viên nhìn tôi và nói: “Đúng đó, em đã không để mắt đến quả bóng.Đừng bao giờ làm như thế nữa. Lỗi lầm như thế làm cho các trận đấu bóng thua đấy.”

Tôi khâm phục Huấn Luyện Viên Oswald và, dù tôi có cảm thấy tồi tệ đến thế nào đi nữa, thì tôi đã quyết định làm theo điều mà Huấn Luyện Viên đã nói. Tôi thề sẽ không bao giờ để cho mắt mình rời khỏi quả bóng nữa, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là bị nện tả tơi bởi người khổng lồ thuộc đội đối thủ.

Chúng tôi quay trở lại sân và bắt đầu trận đấu thứ nhì. Đó là một trận đấu ngang ngửa và mặc dù đội của tôi đã chơi hay nhưng chúng tôi vẫn còn thua bốn điểm trong hiệp thứ tư.

Người tiền vệ ra hiệu rằng tôi cần ra nhận bóng vào lần chơi kế tiếp. Tôi chạy ra chơi một lần nữa và một lần nữa, không có ai canh tôi cả. Quả bóng bay về phía tôi. Nhưng lần này, người khổng lồ đang ở đằng trước tôi và ở vào vị trí lý tưởng để chặn lại cú chuyền bóng.

Người ấy vươn tay lên nhưng quả bóng đã bay lướt qua bàn tay của người ấy. Tôi nhảy thật cao, không hề rời mắt khỏi quả bóng, chộp lấy quả bóng và ôm nó xuống để ghi bàn thắng cho trận đấu.

Tôi không nhớ nhiều về sự ăn mừng sau đó, nhưng tôi còn nhớ cái nhìn trên gương mặt của Huấn Luyện Viên Oswald.

Ông nói: “Em thật giỏi trong việc chú ý đến quả bóng”.

Tôi nghĩ tôi đã vui sướng mỉm cười suốt một tuần.

Tôi đã biết nhiều người nam và nữ rất tài giỏi. Mặc dù họ có lai lịch nguồn gốc, năng khiếu, và cái nhìn khác nhau, nhưng họ đều có chung một điều này: họ làm việc siêng năng và kiên trì tiến đến mục tiêu của mình. Rất dễ để sao lãng và mất tập trung vào những sự việc quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi đã cố gắng ghi nhớ các bài học mà tôi đã học được từ Huấn Luyện Viên Oswald và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các giá trị đạo đức mà quan trọng đối với tôi ngõ hầu tôi có thể tập trung vào những sự việc thật sự có ý nghĩa.

Tôi khuyến khích các anh em nên xem xét cuộc sống của mình. Xác định xem mình đang ở đâu và cần phải làm gì để trở thành con người mà mình muốn trở thành. Hãy đề ra các mục tiêu đầy soi dẫn, cao quý , và ngay chính mà thúc đẩy óc tưởng tượng của các anh em và tạo ra niềm phấn khởi trong lòng các anh em. Rồi sau đó tập trung vào những mục tiêu đó. Cố gắng liên tục hướng đến việc đạt được những mục tiêu đó.

Henry David Thoreau viết rằng: “Nếu một người cố gắng một cách tự tin hướng đến các điều mơ ước của mình, và nỗ lực sống theo cuộc sống mà người ấy đã tưởng tượng, thì người ấy sẽ có được thành công không ngờ”1

Nói một cách khác, đừng bao giờ sao lãng mục tiêu của mình.

Một bài học khác tôi đã học được trên sân bóng là ở bên dưới 10 cầu thủ khác nằm đè lên nhau. Đó là trận đấu tranh chức vô địch của giải Rocky Mountain Conference và nhiệm vụ của tôi là phải ôm bóng chạy xuyên qua hàng hậu vệ để ghi bàn thắng. Tôi nhận bóng từ người tiền vệ và chạy đến các cầu thủ ở hàng hậu vệ. Tôi biết rằng tôi đã đến rất gần đường biên ngang nhưng tôi không biết là gần đến mức nào. Mặc dù tôi bị các cầu thủ khác nằm đè lên, nhưng tôi đã vươn ngón tay mình ra trước khoảng 5 hay 6 phân và tôi có thể sờ được đường biên ngang. Nó nằm cách 5 phân.

Vào lúc đó, tôi rất muốn liều đẩy quả bóng lên phía trước. Tôi đã có thể làm điều đó. Rồi khi các trọng tài kéo các cầu thủ ra, thì tôi có thể đã là một người hùng. Nếu tôi ăn gian thì sẽ không ai có thể biết được.

Tôi đã mơ ước về giây phút này từ khi tôi còn tấm bé. Và nó ở ngay trong tầm tay với của tôi. Nhưng rồi tôi nhớ đến lời nói của mẹ tôi. Bà thường nói với tôi: “Joseph à, hãy làm điều đúng, bất chấp hậu quả ra sao. Hãy làm điều đúng và mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.”

Tôi đã rất khao khát được ghi bàn thắng đó. Nhưng quan trọng hơn việc làm một người hùng trong mắt bạn bè của mình, tôi đã muốn làm một người hùng trong mắt của mẹ tôi. Và vì thế tôi đã để quả bóng nằm yên một chỗ—Cách năm phân từ đường biên ngang.

Tôi đã không biết điều đó vào lúc ấy, nhưng đây là một kinh nghiệm đầy tính quyết định cho cá tính của tôi. Nếu tôi di chuyển quả bóng, thì tôi có thể đã là một người vô địch trong chốc lát, nhưng phần thưởng của vinh quang nhất thời sẽ mang theo một cái giá quá cao và quá lâu dài. Nó sẽ để lại một dấu ấn trong lương tâm tôi mà sẽ ở cùng tôi trong suốt quãng đời còn lại của mình. Tôi biết rằng tôi cần phải làm điều đúng.

Ánh Sáng của Đấng Ky Tô giúp chúng ta phân biệt điều phải với điều trái. Khi chúng ta để cho sự cám dỗ làm át đi tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của lương tâm mình—thì đó là lúc mà những quyết định trở nên khó khăn.

Cha mẹ tôi đã dạy tôi phải phản ứng nhanh khi cám dỗ xảy đến và nói “Không!” ngay tức khắc và dứt khoát. Tôi xin đề nghị cũng lời khuyên đó cho các anh em. Hãy tránh xa sự cám dỗ.

Một bài học khác tôi học được là niềm vui của sự phục vụ người khác. Trước đây tôi đã nói về việc cha tôi, là giám trợ của tiểu giáo khu chúng tôi, đã bảo tôi chất đầy chiếc xe kéo của tôi và mang giao thức ăn và đồ dùng cần thiết đến nhà của những gia đình gặp khó khăn. Ông đã không đơn độc trong việc mong muốn giúp đỡ những người túng thiếu.

Cách đây bảy mươi lăm năm, Giám Trợ William F. Perschon đã chủ tọa Tiểu Giáo Khu Fourth của Giáo Khu Pioneer ở Thành Phố Salt Lake. Ông là một người Đức nhập cư, một người cải đạo vào Giáo Hội, và ông nói tiếng Anh với giọng còn rất nặng. Ông là một thương gia tài giỏi, nhưng điều nổi bật nhất nơi ông là lòng trắc ẩn lớn lao của ông đối với những người khác.

Mỗi tuần trong buổi họp chức tư tế, Giám Trợ Perschon bảo những người mang chức tư tế A Rôn đọc thuộc lòng câu nói sau đây: “Chức tư tế có nghĩa là sự phục vụ; vì tôi mang chức tư tế, nên tôi sẽ phục vụ.”

Nó không chỉ là một khẩu hiệu. Khi các góa phụ cần giúp đỡ, Giám Trợ Perschon và các em trong Chức Tư Tế A Rôn có mặt để giúp đỡ. Khi ngôi giáo đường sắp được xây cất, Giám Trợ Perschon và các em trong Chức Tư Tế A Rôn có mặt để giúp đỡ. Khi những cây củ cải đường và khoai tây ở nông trại an sinh cần nhổ cỏ dại hay thu hoạch, thì Giám Trợ Perschon và các em trong Chức Tư Tế A Rôn có mặt để giúp đỡ.

Về sau, William Perschon phục vụ trong chủ tịch đoàn giáo khu nơi mà ông đã có ảnh hưởng đến một giám trợ trẻ tên là Thomas S. Monson. Vào thập niên 50, Giám Trợ Perschon được kêu gọi chủ tọa phái bộ truyền giáo Thụy Sĩ-Áo và đóng một vai trò quan trọng trong việc xây cất ngôi đền thờ ở hải ngoại đầu tiên tọa lạc ở Bern, Thụy Sĩ.

Không thể nào nghĩ đến Giám Trợ Perschon mà không nghĩ đến mối quan tâm và lòng trắc ẩn của ông đối với những người khác và sự cam kết không biết mệt của ông để giảng dạy đức tính tương tự cho những người khác. Trong số các thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn mà ông đã chủ tọa với tư cách là giám trợ, thì 29 người sau này trở thành giám trợ. Mười người phục vụ trong các chủ tịch đoàn giáo khu. Năm người trở thành chủ tịch phái bộ truyền giáo, ba người chấp nhận sự kêu gọi làm chủ tịch đền thờ, và hai người phục vụ với tư cách là Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương.2

Đó là quyền năng của một vị lãnh đạo tài giỏi. Đó là quyền năng của sự phục vụ.

Mặc dù tôi đã không hiểu hết được điều này vào lúc đó, nhưng giờ đây thì điều đó thật rõ ràng đối với tôi rằng các bài học này—và nhiều bài học khác mà tôi đã học được khi còn niên thiếu—đã làm nền tảng mà quãng đời còn lại của tôi được dựa trên đó.

Chúng ta đều có các ân tứ thuộc linh. Một số người được ban phước với ân tứ về đức tin, những người khác thì ân tứ về sự chữa lành. Tất cả các ân tứ thuộc linh đều có trong tổ chức của Giáo Hội.

Trong trường hợp của tôi, có lẽ một trong các ân tứ thuộc linh mà tôi biết ơn nhiều nhất là tôi được ban phước với một tinh thần biết vâng lời. Khi tôi nghe được lời khuyên bảo khôn ngoan của cha mẹ tôi hay các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, thì tôi nghe theo và cố gắng làm cho lời khuyên đó trở thành một phần của ý nghĩ và hành động của tôi.

Thưa các anh em chức tư tế, tôi khuyến khích các anh em hãy trau dồi ân tứ về một tinh thần biết vâng lời. Đấng Cứu Rỗi dạy rằng “kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan … và kẻ nào nghe lời ta phán đây mà không làm theo, khác nào như người dại.”3

Làm thế nào chúng ta biết được mình là người khôn ngoan hay người dại? Khi chúng ta nghe được lời khuyên đầy soi dẫn, thì chúng ta vâng theo. Đó là trắc nghiệm về sự khôn ngoan hay sự rồ dại.

Chúng ta sẽ được lợi ích gì nếu chúng ta nghe được lời khuyên bảo khôn ngoan mà không lưu ý đến những lời đó? Kinh nghiệm có hữu dụng gì nếu chúng ta không học hỏi từ kinh nghiệm đó? Thánh thư có tốt lành như thế nào nếu chúng ta không trân quý những lời trong thánh thư và áp dụng chúng vào cuộc sống của mình?

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã hứa rằng: “[Cha Thiên Thượng] sẽ trút các phước lành xuống cho những người biết tuân theo các giáo lệnh của Ngài”4

Tôi cũng ủng hộ lời hứa đó.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô hằng sống, Đấng Cứu Rỗi của tất cả nhân loại. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế ở gần chúng ta. Ngài lo lắng và yêu thương chúng ta. Các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải hướng dẫn sự tiến triển của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri ngày sau đối với Giáo Hội và đối với thế gian.

Tôi cảm tạ Đấng Sáng Tạo của tôi về cuộc sống tuyệt diệu này mà mỗi chúng ta đều có cơ hội để học những bài học mà chúng ta không thể hoàn toàn hiểu thấu được bằng những cách thức khác.

Thưa các anh em của tôi, cầu xin cho chúng ta đặt ra những mục tiêu ngay chính và cố gắng đạt được chúng, hãy làm điều đúng và tìm đến giúp đỡ những người xung quanh trong tình yêu thương.

Tôi làm chứng như thế trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Walden, do J. Lyndon Shanley xuất bản (1971), 323.

  2. Thư của Anh Cả Glen L. Rudd gửi cho Chủ Tịch Thomas S. Monson, ngày 5 tháng Hai năm 1987.

  3. Ma Thi Ơ 7:24, 26.

  4. “This Is the Work of the Master,” Ensign, tháng Năm năm 1995, 71.