2007
Thánh Linh của Đại Thính Đường
Tháng Năm năm 2007


Thánh Linh của Đại Thính Đường

Ngôi Đại Thính Đường … đứng như là một cờ hiệu của Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh

Cách đây bốn mươi sáu năm tôi đã được kêu gọi với tư cách là Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai và là lần đầu tiên tôi đến bục giảng này. Lúc đó tôi 37 tuổi. Tôi thấy mình đang đứng giữa các vị tiên tri và sứ đồ khả kính và khôn ngoan, mà “tên của họ được chúng ta kính trọng như lời của bài ca tất cả chúng ta đều tôn kính” (“Oh, Holy Words of Truth and Love,” Hymns, số 271). Tôi đã cảm thấy thật không xứng đáng biết bao.

Khoảng thời gian đó trong Đại Thính Đường nơi đây, tôi đã có một kinh nghiệm rất quan trọng. Nó cho tôi sự đảm bảo và lòng can đảm.

Vào thời đó, đại hội Thiếu Nhi được tổ chức ở đây trước đại hội trung ương tháng Tư. Khi tôi đi qua một cửa ở phía nam thì bài ca mở đầu được một ca đoàn lớn gồm các em trong Hội Thiếu Nhi hát. Chị Lue S. Groesbeck, một thành viên trong Ủy Ban Trung Ương của Hội Thiếu Nhi đang điều khiển ca đoàn. Các em ấy hát:

Một cách nghiêm trang, êm dịu, đằm thắm, chúng ta nghĩ về Ngài;.

Một cách nghiêm trang, êm dịu, dịu dàng, chúng ta hát giai điệu của mình.

Một cách nghiêm trang, êm dịu, khiêm nhường, bây giờ chúng ta cầu nguyện.

Cầu xin Đức Thánh Linh của Ngài ngự trong lòng chúng con hôm nay.

(“Reverently, Quietly,” Children’s Songbook, 26)

Trong khi các em hát một cách êm dịu, thì người đánh phong cầm, là người hiểu rằng sự xuất sắc không tự gây chú ý , đã không độc diễn trong khi các em hát. Anh ấy đã khéo léo, hầu như là không nhận thấy được, hòa nhập những giọng ca trẻ thành một giai điệu đầy soi dẫn, mặc khải. Kinh nghiệm đó đã ghi sâu vào lòng tôi một nguyên tắc mà tôi cần phải thấu hiểu để hỗ trợ tôi trong những năm sau này.

Tôi có lẽ cảm nhận được những điều mà tiên tri Ê Li đã cảm nhận. Ông đã đóng các tầng trời lại trước vị vua tà ác A Háp và chạy trốn vào một hang đá để tìm Chúa:

“Một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn xé núi ra và làm tan nát các hòn đá …; nhưng không có Đức Giê Hô Va trong trận gió; và sau trận gió có cơn động đất, nhưng không có Đức Giê Hô Va trong cơn động đất:

“Và sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đức Giê Hô Va trong đám lửa. Sau đám lửa, có tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.

Thánh thư nói: “Và như thế khi Ê Li vừa nghe tiếng đó, thì lấy áo tơi bao phủ mặt mình, đi ra đứng tại miệng hang”—để thưa chuyện với Chúa (1 Các Vua 19:11–13).

Tôi cảm nhận những gì mà dân Nê Phi chắc hẳn đã cảm nhận khi Chúa hiện đến cùng họ: “Họ bỗng nghe một tiếng nói hình như phát ra từ trên trời; và họ ngước mắt nhìn quanh vì họ không hiểu được tiếng nói họ vừa nghe; tiếng nói đó không khàn mà cũng không lớn, và mặc dù đó là một tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng nó lại xuyên thấu tận trái tim những người nghe đến nỗi toàn thân họ phải rung động; phải tiếng nói ấy đã xuyên thấu tâm hồn họ và làm tim họ phải nóng cháy” (3 Nê Phi 11:3).

Chính là tiếng êm dịu nhỏ nhẹ đó mà Ê Li và dân Nê Phi đã nghe và Tiên Tri Joseph Smith đã hiểu khi ông viết: “Tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái thì thầm xuyên thấu vạn vật” (GLGƯ 85:6)

Trong giây phút quan trọng đó, tôi đã hiểu rằng tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái thường được cảm nhận hơn là được nghe. Nếu tôi lắng nghe theo nó thì tôi sẽ được bình an trong giáo vụ của tôi.

Sau đó tôi đã có được sự trấn an rằng Đấng An Ủi, Đức Thánh Linh luôn sẵn sàng hiện diện cho mọi người chịu đáp ứng lời mời gọi để cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa (xin xem Ma Thi Ơ 7:7–8; Lu Ca 11:9–10; 3 Nê Phi 14:7–8; GLGƯ 88:63). Tôi đã biết rằng tôi sẽ được bình an. Rồi nhiều năm trôi qua và điều đó quả đúng như vậy.

Tôi cũng đã học được quyền năng nào có thể có trong âm nhạc. Khi âm nhạc được nghiêm trang trình bày, thì nó có thể tương tự như sự mặc khải. Đôi khi, tôi nghĩ, tiếng nói nhỏ nhẹ của Thánh Linh không thể nào tách rời khỏi tiếng nói của Chúa.

Âm nhạc đủ loại đáng nghe thì có chỗ đứng riêng của nó. Và có vô số nơi để có thể nghe nó. Nhưng Đại Thính Đường ở Khuôn Viên Đền Thờ thì khác hơn tất cả mọi nơi.

Qua nhiều thế hệ Đại Ca Đoàn Tabernacle đã mở đầu chương trình phát thanh và truyền hình hàng tuần bằng cách hát những lời này do Anh Cả William W. Phelps viết:

Dịu dàng cất tiếng hát bài thánh ca

Vì ngày Sa Bát đã trở lại

Để loài người có thể được nghỉ ngơi, …

Và tạ ơn Thượng Đế

Về những phước lành đến cùng những kẻ được phước.

(“Gently Raise the Sacred Strain,” Hymns, số 146)

Cách đây hơn 100 năm, Chủ Tịch Wilford Woodruff, khi ấy được 91 tuổi, đã đưa ra lời phát biểu mà dường như có lẽ là bài giảng cuối cùng của ông từ bục giảng này. Trong cử tọa có một thiếu niên 12 tuổi tên LeGrand Richards. Cha của ông, George F. Richards (về sau được sắc phong là một Sứ Đồ), đã dẫn các con trai của mình đến Đại Thính Đường để nghe Giới Thẩm Quyền Trung Ương nói chuyện. LeGrand đã không bao giờ quên được kinh nghiệm đó.

Trong hơn 20 năm, tôi đã rất gần gũi với Anh Cả LeGrand Richards. Khi ông được 96 tuổi thì sứ điệp đó vẫn còn tồn tại trong lòng ông. Ông không thể nhớ những lời mà Chủ Tịch Woodruff đã nói, nhưng ông không thể nào quên cảm giác mà ông có khi những lời đó được nói ra.

Thỉnh thoảng, tôi cảm nhận được sự hiện diện của những người đã xây cất và gìn giữ Đại Thính Đường này. Qua âm nhạc và ngôn từ, những người sống trước thời chúng ta đã duy trì sự giản dị của phúc âm và chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Chứng ngôn đó là ánh sáng dẫn dắt họ trong cuộc sống.

Những sự kiện quan trọng mà đã định hướng cho vận mệnh của Giáo Hội đã xảy ra trong Đại Thính Đường này tại Khuôn Viên Đền Thờ.

Mỗi Vị Chủ Tịch của Giáo Hội, ngoại trừ Joseph Smith và Brigham Young, đã được tán trợ trong một buổi họp long trọng trong Đại Thính Đường này. Và trong cách thức tương tự, thủ tục tán trợ được lặp lại hàng năm trong đại hội trung ương và được lặp lại trong mỗi giáo khu, tiểu giáo khu và chi nhánh như đã được sự mặc khải đòi hỏi.

Chúa đã phán: “Không một người nào được ban cho việc đi thuyết giảng phúc âm của ta, hoặc xây dựng giáo hội của ta, trừ phi kẻ đó được sắc phong bởi một người có thẩm quyền, và được giáo hội coi là có thẩm quyền và đã được các vị lãnh đạo của giáo hội sắc phong một cách đúng đắn” (GLGƯ 42:11).

Trong cách thức này, không một kẻ lạ nào có thể đến giữa chúng ta và cho là có thẩm quyền và mưu toan dẫn dắt Giáo Hội đi lạc lối.

Tại đây vào năm 1880 Sách Trân Châu Vô Giá đã được chấp nhận như là một trong các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội.

Tại đây cũng có hai điều mặc khải đã được thêm vào các tác phẩm tiêu chuẩn, mà bây giờ được biết đến là Sách Giáo Lý và Giao Ước, tiết 137 và 138. Tiết 137 ghi lại khải tượng đã được ban cho Tiên Tri Joseph Smith trong Đền Thờ Kirtland, và tiết 138 là khải tượng được ban cho Chủ Tịch Joseph F. Smith về việc Đấng Cứu Rỗi viếng thăm các linh hồn của những người chết.

Tại đây vào năm 1979, sau nhiều năm chuẩn bị, bản dịch Kinh Thánh King James của Thánh Hữu Ngày Sau đã được giới thiệu đến Giáo Hội.

Các ấn bản mới của Sách Mặc Môn, Sách Giáo Lý vá Giao Ước và Sách Trân Châu Vô Giá đã được thông báo cùng Giáo Hội tại đây.

Trong một đại hội trung ương năm 1908, Chủ Tịch Joseph F. Smith đã đọc tiết 89 trong sách Giáo Lý và Giao Ước—Lời Thông Sáng. Rồi ông, cùng cả hai vị cố vấn của ông, và Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai đều đã nói chuyện về cùng một chủ đề này, Lời Thông Sáng. Và rồi một sự biểu quyết tán trợ để chấp nhận nó là một quy luật cho mỗi tín hữu của Giáo Hội đã được nhất trí thông qua.

Lời mặc khải đó bắt đầu: “Vì hậu quả của những điều tà ác và những ý định xấu xa hiện đang có và sẽ có trong lòng những kẻ âm mưu trong những ngày sau cùng, nên ta đã cảnh cáo các ngươi trước, bằng cách ban cho các ngươi lời thông sáng này qua sự mặc khải” (GLGƯ 89:4).

Nó là sự che chở và bảo vệ cho các tín hữu của chúng ta, nhất là cho giới trẻ của chúng ta. Nó đã trở thành một phần của “trọn áo giáp” của Thượng Đế đã được hứa trong những lời mặc khải để bảo vệ họ khỏi “các tên lửa của kẻ dữ” (xin xem GLGƯ 27:15–18).

Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội đã, đang và sẽ luôn luôn bị kẻ nghịch thù tấn công. Nó sẽ lấn át, ngay cả xóa đi tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái qua những tiếng nhạc ồn ào và chói tai tràn ngập những lời ca không thể hiểu được—hay tệ hơn nữa, là những lời ca có thể hiểu được nhưng đó là những lời thô tục đồi bại. Nó sẽ cẩn thận dẫn dắt chúng ta đi lạc lối với mọi sự cám dỗ mà nó có thể nghĩ ra.

Ở đây, qua mặc khải, Chúa đã làm sáng tỏ thánh ban của chức tư tế, và điều này mở các cánh cửa để làm trọn giáo lệnh của Đấng Cứu Rỗi để đem phúc âm rao giảng cho “mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc” (GLGƯ 133:37) và khiến cho Giáo Hội được thiết lập ở giữa họ.

Tại đây Sách Mặc Môn đã được cho đề phụ là “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.” Từ đó về sau, những ai mở sách này ra thì sẽ biết chính từ tựa đề này điều được ghi chép trong sách ấy.

Những lời giảng dạy, các bài giảng, âm nhạc và các cảm giác và Thánh Linh trong tòa nhà thiêng liêng này đã được chuyển qua Trung Tâm Đại Hội rộng lớn gần bên mà không giảm đi sự thiêng liêng đó, nơi mà có hằng chục ngàn người lắng nghe, và được phiên dịch sang hàng chục ngôn ngữ, và được gởi đến các giáo đoàn ở khắp thế giới.

Hơn thế nữa, Thánh Linh đó đã vào nhà của hàng triệu triệu Thánh Hữu Ngày Sau. Trong nhà, cha mẹ cầu nguyện cho sự an lành của con cái họ. Những người nam và người nữ và, như Sách Mặc Môn đã hứa, kể cả trẻ con, cũng có thể nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 24:22; An Ma 32:23; 3 Nê Phi 17:25) và về Sự Phục Hồi của phúc âm Ngài.

Đại Thính Đường này trong Khuôn Viên Đền Thờ là một “ngôi nhà của sự cầu nguyện, một ngôi nhà nhịn ăn, một ngôi nhà của đức tin, một ngôi nhà của vinh quang và của Thượng Đế, tức là ngôi nhà của Ngài” (GLGƯ 109:16). Những người được kêu gọi để nói chuyện, trình diễn hay trình bày lời nói hay âm nhạc và văn hóa đều có trách nhiệm phải trình bày những gì được xem là xứng đáng.

Việc tìm kiếm lời tán dương của loài người, như thánh thư đã cảnh cáo chúng ta, là bị dẫn dắt hoàn toàn ra khỏi con đường an toàn duy nhất để đi theo trong cuộc đời (xin xem Giăng 12:43; 1 Nê Phi 13:9; 2 Nê Phi 26:29; Hê La Man 7:21; Mặc Môn 8:38; GLGƯ 58:39). Và thánh thư đã thẳng thắn cảnh cáo chúng ta về điều gì sẽ đi theo sau khi chúng ta “thiết tha sự tôn vinh của loài người” (GLGƯ 121:35).

Những điều mà chúng ta cảm nhận từ những bài giảng thì quan trọng hơn là những điều mà chúng ta nghe. Đức Thánh Linh có thể xác nhận cho tất cả những ai ở trong tầm ảnh hưởng đó rằng các sứ điệp là chân chính, rằng đây là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đại Thính Đường đứng nơi đây bên cạnh đền thờ là một nét đặc thù của Khuôn Viên Đền Thờ và đã trở thành một biểu tượng của Sự Phục Hồi. Nó đã được xây cất bởi những người rất nghèo khó, và rất tầm thường. Giờ đây, nó được biết đến trên khắp thế giới.

Đại Ca Đoàn Tabernacle, được nhận biết bởi tên của tòa nhà này, đã là tiếng nói của Giáo Hội trong nhiều năm. Cầu xin rằng họ sẽ không bao giờ xao lãng hoặc tự để cho bị lôi kéo ra khỏi sứ mệnh chính yếu tức là vai trò của họ trong nhiều thế hệ.

Qua nhiều thế hệ, Đại Ca Đoàn đã mở đầu và kết thúc mỗi buổi phát thanh và truyền hình với một thông điệp đầy soi dẫn, dồi dào về nguyên tắc và bám chặt vào các giáo lý của Sự Phục Hồi, bắt đầu với bài “Dịu Dàng Cất Tiếng Hát Bài Thánh Ca” (Hymns, số 146) và kết thúc với bài “Như Sương từ Thiên Thượng Nhỏ Xuống” (Hymns, số 149).

Đại Thính Đường đứng trên thế gian như là một trong số các đại trung tâm về âm nhạc và văn hóa xứng đáng để nghe. Nhưng quan trọng hơn hết, nó đứng như là một cờ hiệu của Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chứng ngôn giản dị đó đã vĩnh viễn ghi sâu trong tôi tại đây trong tòa nhà này bởi các em trong Hội Thiếu Nhi mà đã hát bằng giọng đầy nghiêm trang, mặc khải.

Xin Thượng Đế ban phước cho tòa nhà thiêng liêng này và tất cả những gì xảy ra bên trong các bức tường của nó. Chúng ta cảm tạ biết bao rằng nó đã được trùng tu và tân trang mà không mất đi tính chất thiêng liêng của nó.

Anh Cả Parley P. Pratt của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đọc những lời này từ Tiết 121 của Sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.”

“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi, và vương trượng của ngươi là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật; và quyền thống trị của ngươi sẽ là quyền thống trị vĩnh viễn và không có cách gì cưỡng chế được, nó sẽ chan hòa trong ngươi mãi mãi đời đời” (GLGƯ 121:45–46).

Với nỗi xúc động sâu xa, Parley P. Pratt đã biến những ý nghĩ của mình thành một bài thánh ca mà thật ra là một lời cầu nguyện. Trong nhiều năm nó đã được Đại Ca Đoàn chọn để kết thúc chương trình phát thanh và truyền hình hàng tuần của mình.

Như là hạt sương từ thiên thượng nhỏ giọt

Rơi xuống nhẹ nhàng trên cỏ

Và làm cho cỏ hồi sinh, như vậy đã làm trọn

Ý định của Ngài.

Xin để giáo lý đầy ân điển của Ngài, hỡi Chúa,

Ban xuống từ trên cao như vậy,

Được ban phước bởi Ngài, để được hữu hiệu

Làm tròn công việc đầy tình thương của Ngài.

Chúa hỡi, xin nhìn giáo đoàn này;

Xin làm tròn những lời hứa quý báu.

Từ nơi ngự trị thánh của Ngài

Xin để cho những hạt sương của sự sống nhỏ xuống.

Xin để lời cầu xin của chúng con dâng lên trước Ngài.

Thánh Linh tuyệt vời của Ngài gieo rắc khắp nơi,

Để loài người sẽ thờ phượng Ngài

Và thú nhận với tiếng reo mừng.

(“Như Sương từ Thiên Thượng Nhỏ Xuống” Hymns, số 149)

Tôi thêm vào chứng ngôn của mình rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, đây là Ngôi Nhà của Ngài, trong ngày làm lễ cung hiến thiêng liêng này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.