2007
Phúc Âm Là Chân Chính, Phải Không? Vậy Thì Còn Có Điều Gì Khác Quan Trọng Nữa?
Tháng Năm năm 2007


Phúc Âm Là Chân Chính, Phải Không? Vậy Thì Còn Có Điều Gì Khác Quan Trọng Nữa?

Sự tin chắc của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và công việc ngày sau của Ngài trở thành một cái kính hiển vi mà qua đó chúng ta xét đoán được mọi điều khác.

Hình Ảnh

Tôi chọn đề tài của tôi hôm nay về một điều mà Chủ Tịch Hinckley đã nói trong đại hội trung ương vào tháng Tư năm 1973.

Tôi mới vừa trở về từ công việc truyền giáo của mình. Dường như có rất nhiều điều có thể xảy ra cho tương lai của tôi. Tôi có thể luôn luôn chọn lựa đúng trong suốt đời mình chăng?

Khi đó Anh Cả Gordon B. Hinckley đã nói về việc gặp một sĩ quan hải quân từ Á Châu. Vị sĩ quan này không phải là Ky Tô hữu nhưng trong lúc tham gia huấn luyện ở Hoa Kỳ, đã học biết về Giáo Hội và chịu phép báp têm. Bấy giờ vị sĩ quan đó đang chuẩn bị trở về quê hương của mình.

Chủ Tịch Hinckley đã hỏi vị sĩ quan đó: “Dân của anh không phải là Ky Tô hữu. Điều gì sẽ xảy ra khi anh trở về nhà là một Ky Tô hữu, và, đặc biệt hơn nữa là một Ky Tô hữu Mặc Môn?”

Vẻ buồn hiện lên nét mặt của vị sĩ quan và vị ấy đáp: “Gia đình tôi sẽ thất vọng… . Đối với tương lai và sự nghiệp của tôi thì tất cả mọi cơ hội có lẽ tuột khỏi tay tôi.”

Chủ Tịch Hinckley hỏi: “Anh có sẵn lòng trả một giá đắt như vậy cho phúc âm không?”

Với đôi mắt huyền rơm rướm lệ, anh đáp bằng một câu hỏi: “Phúc âm là chân chính, phải không?”

Chủ Tịch Hinckley đáp: “Vâng, đúng thế.”

Vị sĩ quan lại đáp: “Vậy thì còn có điều gì khác quan trọng nữa?”1

Qua nhiều năm tháng, tôi đã suy ngẫm về những lời này: “Phúc âm là chân chính, phải không? Vậy thì còn có điều gì khác quan trọng nữa?” Những câu hỏi này đã giúp tôi đặt những vấn đề khó khăn thành viễn cảnh thích đáng.

Mục đích mà chúng ta đang lao nhọc cho thì chân chính. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng của bạn bè và láng giềng của mình. Chúng ta đều là các con trai và các con gái của Thượng Đế. Chúng ta có thể học hỏi nhiều từ những người nam và những người nữ có đức tin và lòng nhân từ khác, như Chủ Tịch Faust đã giảng dạy cho chúng ta rất rõ ràng.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài đã phục sinh. Trong thời chúng ta, nhờ vào Tiên Tri Joseph Smith, chức tư tế của Thượng Đế đã được phục hồi. Chúng ta có được ân tứ Đức Thánh Linh. Sách Mặc Môn là điều mà chúng ta cho rằng chân chính. Những lời hứa về đền thờ thì chắc chắn. Chính Chúa đã tuyên phán rằng sứ mệnh độc nhất và đặc biệt của Giáo Hội Các Thánh Hữu của Chúa Giê Su Ky Tô phải là “ánh sáng cho thế gian,” [và] “sứ giả trước mặt [Ngài] để dọn đường trước mắt [Ngài]”2 và khi mà “phúc âm sẽ trải ra tới các nơi tận cùng của trái đất.”3

Phúc Âm Là Chân Chính, Phải Không? Vậy Thì Còn Có Điều Gì Khác Quan Trọng Nữa?

Dĩ nhiên, đối với tất cả chúng ta, những điều khác cũng quan trọng. Khi tôi nghe bài nói chuyện của Chủ Tịch Hinckley là lúc tôi 21 tuổi, tôi cần phải nghiêm túc về việc học hành của mình; tôi cần việc làm để giúp tôi đi học; bằng cách nào đó, tôi đã nghĩ ra được cách thức thuyết phục một cô gái trẻ đặc biệt rằng cô ấy nên đánh liều kết hôn với tôi, và tôi đã vui hưởng dồi dào các sinh hoạt lành mạnh khác.

Làm thế nào chúng ta biết tìm ra con đường của mình qua nhiều điều quan trọng? Chúng ta đơn giản hóa và gạn sạch viễn cảnh của mình. Một số điều thì xấu xa và cần phải tránh; một số điều thì tốt đẹp; một số điều thì quan trọng; và một số điều thì tuyệt đối cần thiết. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”4

Đức tin không phải chỉ là một cảm giác mà còn là một quyết định. Với sự cầu nguyện, học hỏi, sự vâng lời, và các giao ước, chúng ta xây đắp và củng cố đức tin của mình. Sự tin chắc của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và công việc ngày sau của Ngài trở thành một cái kính hiển vi mà qua đó chúng ta xét đoán được mọi điều khác. Rồi, khi chúng ta thấy mình đang ở trong cuộc thử thách gắt gao của cuộc đời, như Anh Cả Oaks đã giải thích, thì chúng ta có được sức mạnh để đi đúng hướng.

Chủ Tịch Hinckley đã nói điều đó như vầy: “Khi [một người] được thúc đẩy bởi những sự tin chắc lớn lao và mãnh liệt về lẽ thật thì người ấy kỷ luật tự giác không phải bởi vì những đòi hỏi từ Giáo Hội, mà bởi vì sự hiểu biết trong lòng người ấy.”5

Chúng ta có đủ động cơ thúc đẩy bằng “những sự tin chắc lớn lao và mãnh liệt về lẽ thật không”? Những sự chọn lựa của chúng ta có phản ảnh động cơ thúc đẩy này không? Chúng ta có đang trở thành người mà chúng ta muốn trở thành không? Phúc âm là chân chính, phải không? Vậy thì còn có điều gì khác quan trọng nữa?

Chúng ta biết điều gì là đúng. Cách đây vài năm, vợ tôi, Kathy, đang giữ mấy đứa cháu ngoại trong lúc cha mẹ chúng đi vắng. Đứa cháu ngoại trai bốn tuổi đẩy mạnh đứa em trai nhỏ của nó. Sau khi dỗ dành đứa bé đang khóc, vợ tôi quay lại đứa cháu bốn tuổi và thận trọng hỏi: “Tại sao cháu đẩy em trai của cháu?” Nó nhìn bà ngoại nó và đáp: “Bà ngoại ơi, con xin lỗi, con mất cái nhẫn Chọn Điều Đúng của con rồi, và con không thể chọn điều đúng được nữa.” Chúng ta cần phải cẩn thận vì những lý do bào chữa có thể ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta.

“Những sự tin chắc lớn lao và mãnh liệt về lẽ thật” được tìm thấy trong lòng của Các Thánh Hữu Ngày Sau trong các quốc gia và các văn hóa trên khắp thế giới. Sức mạnh này của đức tin đưa công việc của vương quốc tiến lên.

Cách đây nhiều năm, vợ tôi và tôi đứng cạnh một chị phụ nữ can đảm ở Pháp khi chồng của chị, vẫn còn trong tuổi 30 mấy, qua đời. Trách nhiệm một mình dạy dỗ và hướng dẫn một cách ngay chính bốn đứa con nhỏ của chị dường như quá nặng nề. Tuy nhiên 16 năm sau, ba đứa con trai của chị đã trở về từ công việc truyền giáo và đứa con gái của chị được làm lễ gắn bó trong đền thờ.

Tôi biết một người anh em nọ ở Ba Tây đã gia nhập Giáo Hội lúc 16 tuổi, là người tín hữu độc nhất trong gia đình của mình. Khi đến lúc anh đi truyền giáo, thì cha mẹ của anh phản đối. Anh ấy không nghe tin tức gì của cha mẹ mình trong lúc đi truyền giáo và trở về nhà của vị giám trợ của anh. Tuy nhiên, câu chuyện đã có một kết thúc vui vẻ vì anh ấy giờ đây đã có một gia đình hạnh phúc, làm việc với tư cách là bác sĩ giải phẫu răng, và cha mẹ của anh ước muốn là anh có thể giúp cho các anh em của anh quan tâm đến Giáo Hội.

Tôi biết một người anh em nọ ở một quốc gia ở Châu Mỹ La Tinh là người sau khi chịu phép báp têm đã quyết định rằng mình không những sẽ lương thiện trong tiền thập phân của mình mà sẽ còn đóng trọn tiền thuế của mình, một điều mà những người cạnh tranh buôn bán với anh đã không làm. Chúa đã ban phước cho anh ấy vì sự lương thiện của anh ấy.

Nhiều sự hy sinh đã được thực hiện một cách âm thầm: những người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà không trì hoãn trách nhiệm của việc tìm người bạn đời vĩnh cửu của mình; những người phụ nữ ngay chính mong muốn có con cái và cống hiến cuộc đời của mình vào việc nuôi nấng chúng trong tình yêu thương và lẽ thật; các gia đình hạn chế một cách kỹ lưỡng các ảnh hưởng của phương tiện truyền thông và mạng lưới Internet mà sẽ làm nhơ bẩn tâm hồn của họ; những cặp vợ chồng tìm ra thêm thời giờ để cùng nhau vào đền thờ.

Con cái cũng có thể phát triển đức tin này. Gần đây tôi có gặp gỡ giới trẻ ở Seoul, Đại Hàn, là những người mỗi đêm, vì lịch trình học tập bận bịu đã không về đến nhà cho đến rất khuya, thế mà vẫn tham dự lớp giáo lý sáng sớm vào lúc 6 giờ sáng năm ngày một tuần. Tôi biết một em cầu thủ bóng chày 8 tuổi, một cầu thủ chính của đội, là người tự mình đã giải thích cho người huấn luyện viên rằng em ấy không thể tham gia trận đấu chung kết dành chức vô địch vì trận đấu ấy diễn ra vào ngày Chúa Nhật.

Nhiều hành động âm thầm với đức tin sâu xa mà chỉ có Thượng Đế biết. Nhưng chúng đã được ghi chép trên trời. Phúc âm là chân chính, phải không? Vậy thì còn có điều gì khác quan trọng nữa?”

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”6

Tôi làm chứng rằng phúc âm là chân chính, và quan trọng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “It’s True, Isn’t It?” Tambuli, Tháng Mười năm 1993, 4; xin xem “The True Strength of the Church,” Ensign, tháng Bảy năm 1973, 48.

  2. GLGƯ 45:9.

  3. GLGƯ 65:2.

  4. Giăng 17:3.

  5. Tambuli, tháng Mười năm 1993, 4.

  6. Ma Thi Ơ 6:33.