2007
Sứ Điệp về Sự Phục Hồi
Tháng Năm năm 2007


Sứ Điệp về Sự Phục Hồi

Chúng ta tuyên bố cùng thế giới rằng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian.

Hình Ảnh

Trong một trong số những công tác chỉ định của tôi trong đại hội giáo khu ở Thung Lũng Salt Lake, tôi đã mời người chủ tịch của nhóm túc số các thầy trợ tế trẻ tuổi cùng tôi nói về các chìa khóa của chức tư tế. Tôi muốn em ấy hiểu rằng em ấy đang nắm giữ một chức phẩm rất đặc biệt mà gồm có các chìa khóa để chủ tọa một nhóm túc số chức tư tế. Chúng tôi đã nói về trách nhiệm lớn lao biết bao để nắm giữ các chìa khóa và là điều đặc biệt biết bao để thuộc vào một nhóm túc số. Vào lúc kết thúc phần trình bày ngắn này, tôi đã hỏi em ấy là có bao nhiêu tín hữu trong nhóm túc số của em. Câu trả lời của em là 14.

Rồi câu hỏi tiếp: “Có bao nhiêu em tích cực?”

Em đáp: “12.”

Rồi tôi hỏi: “Hai em kia thì sao?”

Câu trả lời của em ấy là: “Cháu cần phải làm việc với họ và làm cho họ trở thành một phần tử tích cực trong nhóm túc số của chúng cháu.”

Rồi tôi hỏi em ấy là mất bao lâu để hoàn tất việc ấy. Em ấy nghĩ là có lẽ mất ba tháng. Tôi khuyến khích em ấy trong các nỗ lực của em ấy.

Ba tháng sau, gần như đúng vào ngày đó, tôi nhận được một lá thư từ em ấy báo tin cho tôi biết rằng tất cả các thành viên của nhóm túc số của em giờ đây đều tích cực. Em ấy nói rằng em ấy đã kết bạn với họ, và một trong số hai em ấy hiện giờ tham dự các buổi họp của nhóm túc số các thầy trợ tế, và em kia thì đã được vị giám trợ sắc phong làm thầy giảng. Lòng tôi tràn đầy hân hoan trước lá thư hồi âm của em ấy. Thật đây là một tấm gương của một người đã làm vinh hiển chức tư tế của mình và đã sử dụng các chìa khóa của chức tư tế để thực hiện sự chỉ định mà Chúa đã ban cho em ấy để chu toàn. Tôi rất lấy làm thán phục kế hoạch mà Chúa đã thiết lập cho việc điều hành công việc của Ngài ở nơi thế gian này qua việc sử dụng các quyền năng của chức tư tế.

Em thiếu niên này, chưa đến 14 tuổi, đang tiếp nhận sự huấn luyện quý báu để chuẩn bị cho mình một cuộc đời phục vụ. Các anh chị em có thể hình dung ra em ấy trong năm hoặc sáu năm nữa đang tiếp tục công việc phục vụ này với một cái thẻ tên trên cái áo vét của em cho thấy rằng em đang hy sinh hai năm của đời mình với tư cách là người truyền giáo cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không?

Ngoài kinh nghiệm mà em đang nhận được bằng cách sử dụng chức tư tế của mình để phục vụ những người khác, sự chuẩn bị của em thiếu niên này cũng cần phải gồm có một sự hiểu biết vững vàng về sứ điệp về Sự Phục Hồi—sứ điệp mà hằng ngàn người truyền giáo đang tuyên bố cùng thế giới ngày nay. Đó là sứ điệp trong thời kỳ của chúng ta, trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, phúc âm đã được phục hồi cho phước lành của tất cả những người chịu lắng nghe và tuân theo.

Khải Tượng Thứ Nhất

Gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn đã được khai mở bởi một khải tượng rất đặc biệt cho một thiếu niên khác chưa đến 15 tuổi, là người đã đi vào rừng cầu nguyện để nhận được những câu trả lời cho các câu hỏi mà người ấy có trong tâm trí mình về tôn giáo. Joseph Smith mô tả khải tượng vinh quang mà đã được mở ra trước mắt ông, trong những lời này:

“Tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi.

“… Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng —Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—History, 1:16–17).

Khải tượng này tiết lộ cho chúng ta biết rằng Thượng Đế, Đức Chúa Cha của chúng ta, và Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Yêu Dấu của Ngài, là hai Đấng riêng biệt. Mỗi Đấng có một thể xác bằng xương bằng thịt mà đã được vinh quang và toàn hảo, như vậy đã xua tan quan niệm sai lầm mà đã kéo dài trong nhiều thế kỷ liên quan đến khái niệm về Thượng Đế. Tất nhiên khi Joseph Smith viết ra Những Tín Điều thì ông đã nói trong tín điều đầu tiên: “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:1).

Sách Mặc Môn

Vì biết rằng nỗi nghi ngờ, sự không tin và thông tin sai lầm sẽ lập tức theo sau Vị Tiên Tri khi ông thuật lại Khải Tượng Thứ Nhất, nên Chúa đã cho ra đời Sách Mặc Môn, một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Quyển thánh thư cổ xưa này là một thánh thư song hành với Kinh Thánh, chứa đựng sự trọn vẹn của phúc âm vĩnh cửu của Chúa Giê Su Ky Tô. Sách cũng cung ứng cho thế gian bằng chứng hiển nhiên rằng Joseph Smith thật sự là vị tiên tri của Thượng Đế. Sách Giáo Lý và Giao Ước chứa đựng lời tuyên bố sau đây về sự ra đời của Sách Mặc Môn:

“[Thượng Đế] ban cho [Joseph Smith] những giáo lệnh mà đã cảm ứng ông;

“Và ban cho ông quyền năng từ trên cao bằng phương tiện đã được chuẩn bị từ trước, để phiên dịch Sách Mặc Môn;

“Sách này chứa đựng một biên sử của một dân tộc sa ngã, cùng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho người Dân Ngoại và người Do Thái;

“Sách này được ban cho bằng sự cảm ứng và được xác nhận cho những người khác bởi sự phù trợ của các thiên sứ, và được họ rao truyền cho thế gian biết—

“Để chứng tỏ cho thế gian biết rằng những thánh thư này là thật, và Thượng Đế quả thật cảm ứng loài người và kêu gọi họ làm công việc thánh thiện trong thời đại và thế hệ này, giống như trong các thế hệ thời xưa” (GLGƯ 20:7–11).

Việc phiên dịch Sách Mặc Môn tự nó là một phép lạ và đưa ra thêm bằng chứng về nguồn gốc thiêng liêng của sách này. Khi Oliver Cowdery đến Harmony, Pennsylvania vào ngày 5 tháng Tư năm 1829, để phục vụ với tư cách là người ghi chép cho Vị Tiên Tri, thì chỉ có một vài trang của bản văn cuối cùng đã được phiên dịch. Vào buổi tối đó Joseph và Oliver đã cùng nhau ngồi thảo luận về những kinh nghiệm của Vị Tiên Tri rất lâu đến khuya. Hai ngày sau, vào ngày 7 tháng Tư, họ bắt đầu công việc phiên dịch. Trong ba tháng kế tiếp, Joseph đã phiên dịch với một tốc độ cực kỳ nhanh—khoảng 500 trang giấy được viết ra trong khoảng 60 ngày làm việc.

Oliver đã viết về kinh nghiệm khác thường này: “Đây là những ngày không thể quên được—ngồi lắng nghe tiếng của Joseph đọc cho viết những lời soi dẫn bởi thiên thượng, đã đánh thức sự biết ơn sâu xa nhất nơi tấm lòng này! Ngày qua ngày, tôi tiếp tục, không bị gián đoạn, viết từ miệng của ông, trong khi ông phiên dịch, với hai viên đá U RimThu Mim … lịch sử, hoặc biên sử, gọi là ‘Sách Mặc Môn’” (Messenger and Advocate, tháng Mười năm 1834, 14; xin xem thêm Joseph Smith—Lịch Sử 1:71, lời ghi chú).

Chức Tư Tế

Trong khi họ đang tiến hành, Joseph và Oliver trở nên thích thú với các giáo lễ được chứa đựng trong quyển sách này. Họ đặc biệt cảm kích giáo lý về phép báp têm như đã được Đấng Cứu Rỗi phục sinh dạy trong lúc Ngài đến viếng thăm dân cư ở Tây Bán Cầu. Tầm quan trọng của giáo lý về phép báp têm đã được tiết lộ rõ ràng cho tâm trí họ. Họ quyết tâm phải tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện khẩn thiết để họ có thể biết cách thức có thể nhận được phước lành của phép báp têm cho mình.

Vào ngày 15 tháng Năm năm 1829, họ đi đến khu rừng cạnh bên Sông Susquehanna và quỳ xuống cầu nguyện. Oliver mô tả điều đã xảy ra sau đó: “Đột nhiên, giống như từ giữa cõi vĩnh cửu, tiếng nói của Đấng Cứu Chuộc đã phán sự bình an cho chúng tôi, trong khi bức màn che được vén lên và thiên sứ của Thượng Đế giáng xuống trong y phục đầy vinh quang, và ban cho sứ điệp mà chúng tôi đang nóng lòng chờ đợi và các chìa khóa của phúc âm về sự hối cải!—Ôi thật là niềm vui sướng biết bao! thật là kỳ diệu biết bao! thật là điều kinh ngạc! Trong khi thế gian đang đau khổ và rồ dại—trong khi hằng triệu người đang dò dẫm tìm kiếm lẽ thật mà không thành công giống như người mù sờ soạng tìm bức tường, và trong khi tất cả nhân loại, nói chung, đang dựa vào sự bấp bênh thì mắt của chúng tôi được nhìn thấy—tai của chúng tôi được nghe” (Messenger and Advocate, tháng Mười năm 1834, 15; xin xem thêm Joseph Smith—Lịch Sử 1:71, lời ghi chú).

Vị thiên sứ đã tự giới thiệu là Giăng, cũng là vị đã được gọi là Giăng Báp Tít trong Sách Tân Ước. Ông đặt tay lên trên đầu của Joseph và Oliver và nói:

Hỡi các nguơi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; và chức tư tế này sẽ không bao giờ lại bị cất khỏi thế gian, cho đến ngày các con trai của Lê Vi lại hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính.

“Ông nói rằng Chức Tư Tế A Rôn này không có quyền năng đặt tay lên đầu để ban ân tứ Đức Thánh Linh, nhưng quyền năng này sẽ được truyền giáo cho chúng tôi sau; và ông truyền lệnh cho chúng tôi phải đi chịu phép báp têm, và cho chúng tôi những lời chỉ dẫn rằng tôi phải làm phép báp têm cho Oliver Cowdery, và sau đó anh ấy phải làm phép báp têm cho tôi.

“Chúng tôi tuân lời đi chịu phép báp têm. Tôi làm phép báp têm cho anh ấy trước, và sau đó anh ấy làm phép báp têm cho tôi—sau đó tôi đặt tay lên đầu anh ấy và sắc phong cho anh ấy Chức Tư Tế A Rôn, và sau đó anh ấy đặt tay lên đầu tôi và sắc phong cho tôi cùng Chức Tư Tế đó—vì chúng tôi được truyền lệnh như vậy” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:69–71).

Một thời gian ngắn sau, Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng hiện đến, đặt tay lên đầu của hai người cũng là tôi tớ này và truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

Giờ đây thì đã có lại quyền năng để hành động trong danh của Chúa trên thế gian, Joseph được truyền lệnh phải chính thức tổ chức Giáo Hội. Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, tại nhà của Peter Whitmer Sr. ở Fayette, New York, sáu người đàn ông mà đã chịu phép báp têm trước đó đã nhất trí biểu quyết tổ chức, theo như các lệnh truyền của Thượng Đế, Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong buổi họp này, một điều mặc khải đã nhận được:

“Này, một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi; và trong biên sử đó ngươi [Joseph Smith] sẽ được gọi là người tiên kiến, người phiên dịch, tiên tri, sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là anh cả của giáo hội qua thánh ý của Thượng Đế Đức Chúa Cha, và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô của các ngươi,

“Là người được Đức Thánh Linh cảm ứng để đặt nền tảng của giáo hội và xây dựng giáo hội cho sự lợi ích của đức tin thiêng liêng nhất.

“Giáo hội đã được tổ chức và thành lập vào tháng thứ tư, ngày sáu của tháng được gọi là tháng Tư, năm một ngàn tám trăm ba mươi kể từ khi Chúa Giáng Sinh.

“Vậy nên, các ngươi, nghĩa là giáo hội, phải chú tâm vào tất cả những lời nói của hắn cùng những giáo lệnh mà hắn sẽ ban ra cho các ngươi khi hắn tiếp nhận được, khi hắn bước đi trong sự thánh thiện trước mặt ta;

“Vì vậy các ngươi phải tiếp nhận lời nói của hắn với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin, chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng ta” (GLGƯ 21:1–5).

Như vậy Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa đã có mặt trên thế gian để ban phước cho loài người với các giáo lý và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Giáo Hội này được tổ chức đúng theo kế hoạch mà Chúa đã thiết lập thời xưa.

Trong Kinh Thánh, trong sách Ê Phê Sô, Phao Lô đã nói:

“Ấy chính Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư;

“Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô:

“Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô:

“Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.

“Nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:11–15).

Chủ Tịch Hinckley đã nói về Sự Phục Hồi như sau: “Sau nhiều thế hệ đã sống trên thế gian—có rất nhiều người trong số họ sống trong xung đột, căm thù, tối tăm và xấu xa—thì ngày Phục Hồi mới, vĩ đại đã đến. Phúc âm vinh quang này đã được khai mở với sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng thiếu niên Joseph. Buổi bình minh của gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn đã hừng lên trên thế gian. Tất cả những điều tốt lành, xinh đẹp, thiêng liêng của tất cả các gian kỳ trước đã được phục hồi trong thời gian đặc biệt nhất này.” (“Bình Minh của một Ngày Rực Rỡ Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 83).

Sứ điệp của chúng ta thật độc đáo. Chúng ta tuyên bố cùng thế giới rằng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian. Chúng ta mạnh dạn tuyên bố rằng các chìa khóa của chức tư tế đã được phục hồi cho con người, với quyền năng gắn bó dưới đất lẫn trên trời. Các giáo lễ cứu rỗi mà đã được Chúa tuyên phán là những điều kiện để bước vào cuộc sống vĩnh cửu với Ngài thì giờ đây đã được thực hiện với thẩm quyền gắn bó bởi những người sử dụng một cách xứng đáng quyền năng của chức tư tế thánh của Ngài. Chúng ta tuyên bố cùng thế giới rằng đây là thời kỳ mà đã được các vị tiên tri trong Kinh Thánh nói đến là những ngày sau cùng. Đây là thời gian cuối cùng, chỉ trước ngày tái lâm của Chúa Giê Su Ky Tô để trị vì và ngự trị trên thế gian.

Chúng tôi mời gọi mọi người lắng nghe sứ điệp của chúng tôi về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi các anh chị em có thể so sánh sứ điệp vinh quang này với điều mà các anh chị em có thể nghe từ những người khác, và các anh chị em có thể xác định điều gì đến từ Thượng Đế với điều gì đến từ con người.

Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được thiết lập trong những ngày sau cùng. trong tôn danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.