2007
Tưởng Nhớ, Hối Cải và Sửa Đổi
Tháng Năm năm 2007


Tưởng Nhớ, Hối Cải và Sửa Đổi

Con đường dễ dàng, nhanh chóng nhất dẫn đến hạnh phúc và bình an là hối cải và sửa đổi, càng sớm càng tốt.

Hình Ảnh

Tôi biết ơn Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và lời mời gọi mà chúng ta đều nhận được để “đến cùng Đấng Ky Tô và được toàn thiện trong Ngài.”1 Tôi hy vọng rằng tôi có thể truyền đạt cho các em một số điều mà tôi đang suy nghĩ và cảm nhận về việc tưởng nhớ đến Ngài, hối cải và sửa đổi. Tôi nghĩ rằng tôi có thể bày tỏ rõ ràng nhất điều đang ở trong lòng tôi bằng cách kể cho các em nghe về ba người phụ nữ và rồi thảo luận một số bài học mà tôi đã học được từ câu chuyện về họ.

Tôi sẽ bắt đầu với Ruth May Fox, là chủ tịch trung ương Hội Thiếu Nữ cách đây nhiều năm. Chị đã phục vụ trong sự kêu gọi đó cho đến khi chị được 84 tuổi. Chị Fox ra đời ở nước Anh và khi chị 13 tuổi, chị hầu như đã đi bộ trong suốt cuộc hành trình đến Thung Lũng Salt Lake với một nhóm người tiền phong. Mẹ chị chết khi chị còn là trẻ thơ, nên chị đã trải qua mười hai năm đầu tiên của đời mình để sống với một số gia đình khác nhau. Chị chắc hẳn là một đứa trẻ khó dạy bởi vì bà nội của chị đã gọi chị là “đứa nhỏ ngỗ nghịch” và từ chối không chăm sóc chị.2

Cuối cùng, Ruth kết hôn và có 12 người con. Chị đã chia sẻ chứng ngôn vững mạnh của mình với con cái của chị và đã giảng dạy các bài học phúc âm trong khi chị làm việc bên cạnh họ, nhưng chị thừa nhận rằng những đứa con lớn hơn của chị đôi khi đã bị kỷ luật nghiêm khắc vì chị rất dễ nóng giận và “thiếu kiên nhẫn”3 khi bị khích động. Chị cố gắng rất nhiều để khắc phục khuyết điểm này và tiến đến việc nổi tiếng về tấm lòng nhân hậu và sự phục vụ những người khác.

Chị Fox sống đến 104 tuổi. Trong tuổi thọ của mình, chị đã trải qua những niềm vui lớn lao và những thử thách khó khăn và chị đã dạy rằng “cuộc sống mang đến một số bài học khó khăn. Cây cối mà vững vàng nhất thì không lớn lên trong nhà kiếng, và sức mạnh của cá tính thì không bắt nguồn từ việc trốn tránh các vấn đề.”4

Năm ngoái, tôi trèo lên ngọn núi Independence Rock ở Wyoming để tìm ra nơi mà Chị Fox đã khắc tên của chị lúc 13 tuổi khi chị đang hành trình đến Thung Lũng Salt Lake. Khí hậu, thời tiết từ 140 năm qua hầu như đã xóa nhòa nó, nhưng tôi vẫn có thể đọc được lờ mờ “Ruth May 1867.” Tôi muốn biết thêm về người lãnh đạo tài ba và môn đồ này của Chúa Giê Su Ky Tô là người đã suốt đời cố gắng tự cải tiến và có được phương châm “hoặc Vương Quốc của Thượng Đế hoặc không có gì hết”!5

Kế đến là câu chuyện về một phụ nữ mà tôi sẽ gọi là Mary. Chị là con gái của hai bậc cha mẹ tiền phong trung tín, là những người đã hy sinh rất nhiều cho phúc âm. Chị đã kết hôn trong đền thờ và có 10 người con. Chị là một phụ nữ có tài, đã dạy cho con cái mình cách thức cầu nguyện, làm việc siêng năng và yêu thương nhau. Chị đã đóng tiền thập phân của mình và gia đình của chị cùng đi xe ngựa đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.

Mặc dù chị biết là trái ngược với Lời Thông Sáng, chị có thói quen uống cà phê và giữ một bình cà phê ở đằng sau bếp lò của mình. Chị cho rằng “Chúa sẽ không ngăn giữ tôi không cho đến thiên thượng chỉ vì một tách cà phê nhỏ.” Nhưng, chính vì tách cà phê nhỏ đó mà chị và luôn cả các đứa con của chị mà uống cà phê với chị đã không hội đủ điều kiện để có được giấy giới thiệu đi đền thờ. Mặc dù chị sống rất thọ và cuối cùng đã hội đủ điều kiện để trở lại và phục vụ trong đền thờ, nhưng chỉ có một trong số 10 người con của chị có được lễ hôn phối trong đền thờ và một số lớn con cháu của chị, hiện giờ là thế hệ thứ năm, đang sống mà không có các phước lành của phúc âm phục hồi mà chị đã tin vào và tổ tiên của chị đã hy sinh rất nhiều cho phúc âm đó.

Câu chuyện cuối cùng là về Christina (không phải là tên thật của em) là người đã chịu phép báp têm và làm lễ gắn bó cùng với gia đình mình khi em là một thiếu nữ, nhưng một thời gian sau đó, gia đình của em đã ngừng sống theo phúc âm. Giờ đây em đang sắp đến tuổi hai mươi và em đã có một số chọn lựa sai và rất là khổ sở.

Một ngày nọ, tôi tặng em một quyển sách Sự Tiến Triển Cá Nhân và nói: “Quyển sách này sẽ giúp em kết nạp những đức tính của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của em để em có thể có những thay đổi mà em mong muốn. Hôm nay, tôi mời em bắt đầu làm việc theo quyển sách này và rồi mang nó đến buổi họp đặc biệt fireside dành cho giới trẻ tối nay và chia sẻ với tôi điều mà em đã học được.” Đêm đó, em đã khóc khi nói rằng: “Hôm nay, em đã bắt đầu sự tiến triển cá nhân của em.” Em có viết thư cho tôi một vài lần kể từ ngày đó. Em đã bắt đầu trở lại các buổi họp vào ngày Chúa Nhật, Hội Hỗ Tương và lớp giáo lý . Trong hai tuần, chị và mẹ của em đã đi nhà thờ với em. Về sau cha của em cùng đi nhà thờ với họ và giờ đây thì cả gia đình đã cùng nhau trở lại đền thờ.

Vậy thì, một số bài học nào mà tôi đã học được từ những câu chuyện này về việc tưởng nhớ, hối cải và sửa đổi?

Bài học thứ nhất là mọi người đều lầm lỗi.6 Cách đây không bao lâu, tôi hiện diện với một em gái tám tuổi vào ngày báp têm của em ấy. Vào cuối ngày đó, em nói một cách đầy tin tưởng: “Em đã được làm phép báp têm trọn một ngày và em đã không hề phạm tội một lần!” Nhưng ngày toàn hảo của em đã không kéo dài mãi mãi, và tôi chắc chắn rằng đến bây giờ thì em đang học hỏi, giống như chúng ta đều học biết rằng dù chúng ta có cố gắng cách mấy thì chúng ta cũng không luôn luôn tránh được mọi hoàn cảnh xấu, mọi sự lựa chọn sai hoặc tự kiềm chế theo như chúng ta phải tự kiềm chế. Tôi thường nghe nói về thế hệ được lựa chọn, thế hệ hoàng gia của gian kỳ này, nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói rằng thế hệ đó được gọi là thế hệ toàn hảo. Các thanh thiếu niên thường dễ lầm lỗi vì quyền lực của Sa Tan là có thật và họ đang tự mình có những sự chọn lựa quan trọng đầu tiên. Do đó, họ cũng làm cho những lầm lỗi đầu tiên nghiêm trọng.

Điều này đã xảy ra cho Cô Ri An Tôn trong Sách Mặc Môn. Đáng lẽ Cô Ri An Tôn phải phục vụ trung tín công việc truyền giáo nhưng ông đã nghĩ rằng ông đủ mạnh và khôn ngoan để đối phó với những tình huống nguy hiểm và bạn bè xấu, và ông đã tự để cho mình gặp rắc rối và phạm tội nặng khi ông bắt đầu đi đến những chỗ xấu, với những người xấu và làm những điều sai.7

Bài học thứ nhì của tôi là sự hối cải là điều bắt buộc. Chúng ta được truyền lệnh phải hối cải.8 Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng trừ phi chúng ta hối cải và “trở nên như trẻ nhỏ nếu không thì tuyệt nhiên [chúng ta] không thể nào thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.”9 Chúng ta không được để cho một tách cà phê nhỏ, một thói quen xấu, một sự lựa chọn xấu, một quyết định sai làm cho chúng ta đi lạc đường suốt đời.

Đôi khi người ta không quan tâm đến việc hối cải. Tôi đã nghe một số người nói rằng rất khó để hối cải. Những người khác nói rằng họ quá mệt mỏi với mặc cảm tội lỗi hoặc bị xúc phạm bởi một người lãnh đạo mà đang giúp họ hối cải. Đôi khi người ta bỏ cuộc khi họ làm điều lầm lỗi và tiến đến việc tin rằng không còn hy vọng gì cho họ nữa. Một số người tưởng tượng rằng họ sẽ cảm thấy an tâm hơn nếu họ rời bỏ phúc âm phục hồi để ra đi.

Chính Sa Tan đã đặt những ý nghĩ tuyệt vọng vào tấm lòng của những người làm điều lầm lỗi. Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn ban hy vọng cho chúng ta. Ngài phán:

“Ngươi được chọn làm công việc của Chúa, nhưng vì sự phạm giới mà nếu ngươi không lưu ý thì ngươi sẽ sa ngã.

“Hãy ghi nhớ rằng Thượng Đế đầy lòng thương xót; vậy hãy hối cải điều ngươi đã làm trái với giáo lệnh ta đã ban cho ngươi, thì ngươi vẫn được chọn và được kêu gọi lần nữa để làm công việc này.”10

Con đường dễ dàng, nhanh chóng nhất dẫn đến hạnh phúc và bình an là hối cải và sửa đổi, càng sớm càng tốt.

Bài học thứ ba là chúng ta không làm điều đó một mình. Chúng ta không thể nào tự mình sửa đổi thật sự. Sức mạnh ý chí và thiện ý của chúng ta không đủ. Khi làm điều lầm lỗi hoặc chọn lựa sai, thì chúng ta cần phải có sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để trở lại con đường tốt. Chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần để cho thấy đức tin của mình nơi quyền năng của Ngài để thay đổi chúng ta. Chúng ta thú nhận tội lỗi của mình và hứa là sẽ từ bỏ tội lỗi.11

Khi các nỗ lực tốt nhất của chúng ta chưa đủ, thì chính là nhờ vào ân điển của Ngài mà chúng ta nhận được sức mạnh để tiếp tục cố gắng.12 Chúa phán: “Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”13

Khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để thay đổi mình thì chúng ta có được lời hứa này: “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”14 Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”15 Niềm vui và sự bình an mà chúng ta nhận được khi chúng ta biết rằng chúng ta đã được tha thứ là một phước lành thiêng liêng. Sự bình an đó đến trong kỳ định của Chúa và trong đường lối của Ngài, nhưng nó thật sự sẽ đến.

Bài học cuối cùng của tôi là chúng ta có thể sửa đổi. Mỗi ngày là một cơ hội mới để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi và noi theo gương Ngài. Nếu không hối cải, chúng ta không thể tiến triển.16 Đó là lý do tại sao sự hối cải là nguyên tắc thứ nhì trong phúc âm.17

Thay vì đưa ra những lời bào chữa cho một sự yếu kém, thì chúng ta cố gắng mỗi ngày để phát triển những thói quen tốt và những đức tính giống như Đấng Ky Tô. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Sự phát triển những đức tính giống như Đấng Ky Tô là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều và liên tục—đó không phải là một nhiệm vụ cho những người chỉ để thỉnh thoảng thực hiện hoặc cho những người sẽ không tiếp tục tìm cách tăng trưởng.”18 Tôi học được từ Christina rằng việc phát triển các đức tính giống như Đấng Ky Tô trong cuộc sống của chúng ta là một dấu hiệu rằng chúng ta đang sửa đổi.

Vì chúng ta là con người, nên chúng ta đều làm điều lầm lỗi. Sự hối cải là bắt buộc nhưng chúng ta không làm điều đó một mình. Chúng ta có được một Đấng Cứu Rỗi để giúp chúng ta hối cải. Bằng cách phát triển các đức tính của Ngài trong cuộc sống của mình, chúng ta biết được rằng chúng ta đang có những sửa đổi mà giúp chúng ta tiến đến gần Ngài hơn.

Chị Fox nói rằng phúc âm là “sự che chở [cho chị] chống lại cám dỗ, sự an ủi [cho chị] trong lúc buồn phiền, niềm vui và sự vinh quang [của chị] trong suốt cuộc đời [chị], và hy vọng [của chị] về cuộc sống vĩnh cửu.”19 Chị đã lấy câu phương châm: “hoặc Vương Quốc của Thượng Đế hoặc không có gì hết” làm đầu vì chị biết rằng bằng cách hết lòng tiếp nhận phúc âm, thì chị có thể nhận được lời hứa mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tất cả chúng ta: “Những ai hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta thì sẽ được tràn đầy; và nếu kẻ đó kiên trì đến cùng, này, kẻ đó sẽ được xem như vô tội trước mặt Cha ta vào ngày ta đứng phán xét thế gian.”20

Chính là qua sự hối cải mà tôi đã tiến đến việc biết được Đấng Cứu Rỗi, và khi tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài để thay đổi mình thì đức tin và sự phụ thuộc của tôi nơi Ngài gia tăng. Tôi làm chứng về sự xác thực và quyền năng của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mô Rô Ni 10:32.

  2. Xin xem Janet Peterson và LaRene Gaunt, Keepers of the Flame: Presidents of the Young Women (1993), 33–34.

  3. Xin xem Keepers of the Flame, 38.

  4. Trong Keepers of the Flame, 41.

  5. Trong Keepers of the Flame, 49.

  6. Xin xem Bible Dictionary, “Repentance,” 761.

  7. Xin xem An Ma 39:1–9.

  8. Xin xem GLGƯ 19:15.

  9. 3 Nê Phi 11:38.

  10. GLGƯ 3:9–10.

  11. Xin xem GLGƯ 58:43.

  12. Xin xem Bible Dictionary, “Grace,” 697.

  13. Ê The 12:27.

  14. GLGƯ 58:42.

  15. Ma Thi Ơ 11:28.

  16. Xin xem Bible Dictionary, “Repentance,” 760–61.

  17. Xin xem Những Tín Điều 1:4.

  18. “Privileges and Responsibilities of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 105.

  19. Trong Keepers of the Flame, 49.

  20. 3 Nê Phi 27:16.