2007
Chức Tư Tế—Một Ân Tứ Thiêng Liêng
Tháng Năm năm 2007


Chức Tư Tế—Một Ân Tứ Thiêng Liêng

Chúng ta có trách nhiệm để sống sao cho xứng đáng với chức tư tế mà chúng ta mang.

Hình Ảnh

Thưa các anh em, chúng ta tụ họp tối hôm nay với tư cách là một nhóm tư tế hùng mạnh, trong Trung Tâm Đại Hội nơi đây lẫn tại các địa điểm khác trên khắp thế giới. Tôi rất hân hạnh với đặc ân để ngỏ lời cùng các anh em. Tôi cầu nguyện rằng sự soi dẫn của Chúa sẽ hướng dẫn ý nghĩ của tôi và cảm ứng lời của tôi.

Trong vài tuần qua, khi tôi suy ngẫm về điều tôi có thể nói cùng các anh em tối nay, thì tôi đã nghĩ đi nghĩ lại về những phước lành của chúng ta là những người mang chức tư tế thánh của Thượng Đế. Khi chúng ta nhìn vào một thế giới nói chung, với dân số hơn 6 tỉ rưỡi người, thì chúng ta thấy rằng chúng ta là một nhóm chọn lọc rất là nhỏ bé. Chúng ta những người nắm giữ chức tế, theo lời của Sứ Đồ Phi E Rơ, là “một thế hệ chọn lọc, một chức tư tế hoàng gia.”1

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã định nghĩa chức tư tế là “quyền năng của Thượng Đế ủy thác cho con người mà qua đó con người có thể hành động trên thế gian cho sự cứu rỗi của gia đình nhân loại, … qua đó [loài người] có thể nói lên ý muốn của Thượng Đế như thể các thiên sứ đang ở đây nói cùng họ; qua đó loài người được trao quyền để ràng buộc điều nào trên thế gian thì nó sẽ được ràng buộc trên trời, và cởi bỏ điều gì dưới thế gian thì nó sẽ được cởi bỏ trên trời” Chủ Tịch Smith đã nói thêm: “[Chức tư tế] thì thiêng liêng, và nó phải được con người xem là thiêng liêng”2

Thưa các anh em, chức tư tế là một ân tứ mà mang theo nó không những các phước lành đặc biệt mà còn những trách nhiệm trọng đại. Chúng ta có trách nhiệm để sống sao cho xứng đáng với chức tư tế mà chúng ta mang. Chúng ta đang sống trong một thời điểm mà chúng ta bị bao quanh bởi nhiều điều nhằm cám dỗ chúng ta đi vào những con đường dẫn đến sự hủy diệt. Việc tránh những con đường như thế đòi hỏi sự quyết tâm và lòng can đảm.

Sự can đảm thì đáng giá. Lẽ thật này đã đến với tôi một cách sâu sắc và đầy ấn tượng cách đây nhiều năm. Tôi đang phục vụ với tư cách là giám trợ khi ấy. Phiên họp chung của đại hội giáo khu chúng tôi được tổ chức tại Assembly Hall trong Khuôn Viên Đền Thờ ở Thành Phố Salt Lake. Chủ tịch đoàn giáo khu của chúng tôi sẽ được tái tổ chức. Nhóm Chức Tư Tê A Rôn, kể cả các thành viên của giám trợ đoàn, đã cung cấp phần âm nhạc cho đại hội. Khi chúng tôi kết thúc bài hát đầu tiên, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, người đến thăm đại hội của chúng tôi, đã bước lên bục giảng và đọc tên các vị trong chủ tịch đoàn mới của giáo khu để có sự tán trợ chấp thuận. Rồi ông đề cập rằng Percy Fetzer, là người trở thành chủ tịch mới của giáo khu chúng tôi, và John Burth, là người trở thành đệ nhất cố vấn—mỗi vị này đã từng là cố vấn trong chủ tịch đoàn trước đây—đã được cho biết về sự kêu gọi mới của họ trước khi đại hội bắt đầu. Tuy nhiên, ông đã cho biết rằng tôi, là người đã được kêu gọi làm đệ nhị cố vấn trong chủ tịch đoàn mới nhưng đã không biết trước về sự kêu gọi đó và lần đầu tiên tôi đã nghe tên tôi được đọc lên để tán trợ biểu quyết. Rồi ông thông báo: “Nếu Anh Monson chịu chấp nhận sự kêu gọi này thì chúng ta sẽ hân hạnh được nghe anh nói chuyện bây giờ”

Khi tôi đứng tại bục giảng và nhìn xuống đám đông giáo đoàn, thì tôi nhớ bài ca chúng tôi vừa hát xong. Nó liên quan đến Lời Thông Sáng và có tựa đề “Con Trai Ta, Hãy Có Can Đảm để Nói Không” Ngày hôm đó tôi đã chọn chủ đề “Con Trai Ta, Có Can Đảm để Nói Vâng” làm bài nói chuyện chấp nhận của tôi, Sự kêu gọi can đảm thường đến với mỗi chúng ta—can đảm để đứng vững trong sự tin chắc của chúng ta, can đảm để làm tròn trách nhiệm của chúng ta, can đảm để làm vinh hiển chức tư tế của chúng ta.

Bất cứ nơi nào chúng ta đi, thì chức tư tế của chúng ta đều đi với chúng ta. Chúng ta có đứng ở những “nơi thánh thiện” không?3 Chủ Tịch J. Reuben Clark, Jr., người đã phục vụ nhiều năm với tư cách là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Chức tư tế không giống như một bộ trang phục mà chúng ta có thể cởi ra và mặc trở lại… . Tùy theo chúng ta, nó có là một thiên ân vĩnh cửu hay không” Ông nói tiếp: “Nếu chúng ta thật sự tin chắc rằng … chúng ta không thể nào bỏ [chức tư tế] qua một bên, và rằng Thượng Đế sẽ quy trách nhiệm của chúng ta nếu chúng ta làm [hạ thấp giá trị] của nó, thì nó sẽ ngăn chúng ta không cho làm nhiều điều tốt đẹp và đi đến nhiều nơi tốt đẹp. Nếu mà mỗi lần chúng ta bắt đầu đi ra khỏi con đường thẳng và hẹp, thì chúng ta nên nhớ: ‘Tôi đang mang chức tư tế đây, Tôi có nên không?’ thì sẽ không bao lâu chúng ta sẽ quay về với con đường thẳng và hẹp”4

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Không có giới hạn cho quyền năng của chức tư tế mà các anh em nắm giữ. Sự giới hạn đến từ các anh em nếu các anh em không sống hòa hợp với Thánh Linh của Chúa và các anh em đã tự giới hạn trong quyền năng mà các anh em sử dụng”5

Thưa các anh em của tôi thuộc chức tư tế—từ những người trẻ tuổi nhất cho đến những người lớn tuổi nhất—các anh em có đang sống đúng theo những điều mà Chúa đòi hỏi không? Các anh em có xứng đáng để mang chức tư tế của Thượng Đế không? Nếu không, thì hãy quyết định ngay từ bây giờ, thu hết can đảm cần thiết, và bắt đầu bất cứ sự thay đổi cần thiết nào để cho cuộc sống của các anh em được đúng như nó phải được sống. Để vượt biển đời an toàn, chúng ta cần sự hướng dẫn của một thủy thủ vĩnh cửu—tức là Đức Giê Hô Va vĩ đại. Nếu chúng ta làm công việc của Chúa thì chúng ta có quyền được Ngài giúp đỡ.

Sự giúp đỡ của Ngài đã đến với tôi trong vô số dịp trong suốt đời tôi. Trong những giai đoạn cuối của Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đã được 18 tuổi và được sắc phong là một anh cả—một tuần trước khi tôi gia nhập binh chủng Hải Quân. Một thành viên trong giám trợ đoàn của tôi đã có mặt ở nhà ga xe lửa để tiễn tôi đi. Chỉ trước khi tôi lên xe lửa, ông đã đặt vào tay tôi một quyển sách mà tôi đang giơ lên trước các anh em tối nay. Nó có tựa đề là: Sổ Tay Hướng Dẫn của Người Truyền Giáo. Tôi đã cười và nói: “Tôi sẽ vào Hải Quân—chứ đâu có đi truyền giáo” Ông đáp: “Cứ cầm nó theo. Rồi có lúc nó sẽ có ích đấy”

Và nó có ích thật sự đấy. Trong khi đang huấn luyện căn bản, người chỉ huy của đại đội chúng tôi đã hướng dẫn chúng tôi cách mà chúng tôi có thể bỏ quần áo của mình vào trong cái túi xách lớn của thủy thủ. Rồi ông khuyên: “Nếu các anh em có một vật gì cứng hình chữ nhật mà có thể để dưới đáy túi xách, thì quần áo của các em sẽ được lèn chặt hơn” Tôi nghĩ: “Tôi tìm ra được một vật cứng, hình chữ nhật ở đâu đây?” Tôi liền nhớ đến vật hình chữ nhật y như vậy—Sổ Tay Hướng Dẫn của Người Truyền Giáo. Và như vậy là nó đã được dùng như thế trong 12 tuần ở dưới đáy một túi xách tay của thủy thủ.

Đêm trước khi chúng tôi được về phép Lễ Giáng Sinh, thì ý nghĩ của chúng tôi là luôn luôn hướng về gia đình. Trại lính rất yên tĩnh. Đột nhiên tôi nhận biết là người bạn của tôi ở giường cạnh bên—một tín hữu của Giáo Hội, Leland Merrill—đang rên rỉ đau đớn. Tôi hỏi: “Chuyện gì vậy Merrill?”

Anh ấy đáp “Tôi bệnh. Tôi bệnh nặng lắm”

Tôi khuyên anh ấy nên đi vào phòng khám bệnh của căn cứ, nhưng anh đã nói một cách chắc chắn rằng nếu làm thế thì anh sẽ không được về phép Giáng Sinh.

Nhiều giờ đồng hồ trôi qua; tiếng rên rỉ của anh càng lớn hơn. Rồi, trong sự tuyệt vọng, anh đã thì thầm: “Monson, anh là một anh cả, phải không?” Tôi nhận là phải, và rồi anh ấy nài nỉ: “Xin ban cho tôi một phước lành.”

Tôi ý thức được là tôi đã chưa từng bao giờ ban một phước lành. Tôi cũng chưa từng bao giờ nhận một phước lành như thế; Tôi chưa từng chứng kiến việc ban một phước lành. Lời cầu nguyện của tôi lên Thượng Đế là lời cầu khẩn để xin giúp đỡ. Câu trả lời đến: “Hãy nhìn vào đáy túi xách của thủy thủ.” Vậy nên, lúc 2 giờ sáng, tôi đổ hết đồ trong túi xách xuống sàn tàu. Rồi tôi mang cái vật cứng hình chữ nhật đó ra ánh đèn đêm Sổ Tay Hướng Dẫn của Người Truyền Giáo, và đọc về cách thức một người ban phước cho người bệnh. Với khoảng 120 thủy thủ tò mò theo dõi, tôi đã tiến hành việc ban phước lành. Trước khi tôi cất lại đồ đạc gọn gàng, thì Leland Merrill đã ngủ mê mệt.

Sáng hôm sau, Merrill tươi cười quay qua tôi và nói: “Monson, tôi rất mừng anh đã nắm giữ chức tư tế!” Sự vui mừng của anh chỉ trội hơn lòng biết ơn của tôi—lòng biết ơn không những về chức tư tế mà còn về việc được xứng đáng để nhận sự giúp đỡ mà tôi đã xin trong lúc tôi cần và sử dụng quyền năng của chức tư tế.

Thưa các anh em, Chúa Cứu Rỗi của chúng ta đã phán: “Hãy đến cùng ta”6 Khi chúng ta chấp nhận lời mời của Ngài và đi theo Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn lối đi của chúng ta.

Và tháng Tư năm 2000, tôi đã cảm nhận được sự chỉ dẫn như thế. Tôi đã nhận được một cú điện thoại từ Rosa Salas Gifford, là người mà tôi đã không quen biết. Chị giải thích là cha me chị đến thăm từ Costa Rica trong vài tháng và chỉ một tuần trước khi chị gọi điện thoại, thì cha chị, Bernardo Agusto Salas, đã được chẩn đoán bị bệnh ung thư gan. Chị nói rằng các bác sĩ đã cho gia đình biết là cha chị sẽ chỉ sống được vài ngày nữa thôi. Chị giải thích là uớc muốn to lớn của cha chị là được gặp tôi trước khi ông qua đời. Chị cho tôi địa chỉ và hỏi tôi có thể đến nhà của chị ở Thành Phố Salt Lake để thăm cha chị không.

Vì có các buổi họp và những bổn phận nên tôi đã rời văn phòng trễ. Tuy nhiên, thay vì đi thẳng về nhà, tôi đã có ấn tượng là nên lái xe xa hơn về hướng nam và đi thăm anh Salas ngay buổi tối hôm đó. Với địa chỉ trong tay, tôi cố tìm nhà. Trong dòng xe cộ đông đúc, và trời chạng vạng tối, tôi đã lái qua khỏi chỗ rẽ vào con đường dẫn đến nhà. Tôi không thể tìm ra nhà. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc dễ dàng. Tôi lái vòng khu phố rồi quay trở lại. Nhưng vẫn không tìm ra. Tôi thử một lần nữa nhưng vẫn không có dấu vết của con đường. Tôi bắt đầu cảm thấy là có thể có lý do chính đáng để quay về nhà. Tôi đã làm một nỗ lực đầy hào hiệp nhưng thất bại không tìm ra địa chỉ. Thay vì thế, tôi đã dâng lên một lời cầu nguyện thầm để xin giúp đỡ. Sự soi dẫn đến rằng tôi nên đi về khu vực ở hướng bên kia. Tôi lái xe được một đoạn đường rồi quay đầu xe lại để qua bên kia đường. Khi đi theo hướng này thì ít xe hơn. Khi gần đến địa điểm một lần nữa, thì tôi có thể thấy qua ánh đèn yếu ớt, bảng chỉ đường bị rớt nằm dưới đất—nó nằm trên lề đường—và có một con đường hầu như không thể thấy được, với cỏ dại phủ đầy, dẫn đến một tòa nhà chung cư nhỏ và một căn nhà nhỏ nằm riêng rẽ cách con đường chính một khoảng đường. Khi tôi lái xe về hướng các tòa nhà, thì một đứa bé gái mặc một áo đầm trắng vẫy tay chào tôi, và tôi biết tôi đã tìm được gia đình đó.

Tôi được đưa vào nhà và rồi đến căn phòng nơi Anh Salas nằm. Chung quanh giường là ba người con gái, và một người con rể cũng như Chị Salas. Tất cả ngoại trừ người con rể đều đến từ Costa Rica. Diện mạo của anh Salas tương phản với tình trạng nguy ngập của anh. Một miếng giẻ ướt rách rìa—không phải là một cái khăn tắm hoặc một cái khăn lau mà là một cái giẻ ướt rách rìa—được đặt trên trán anh, cho thấy hoàn cảnh kinh tế khiêm tốn của gia đình.

Với một sự thúc giục nào đó, anh Salas đã mở mắt ra và anh nở một nụ cười mệt mỏi khi tôi nắm tay anh. Tôi đã nói những lời này: “Tôi đã đến để gặp anh” Những giọt lệ đọng trong mắt anh và trong mắt tôi.

Tôi hỏi họ có muốn tôi ban cho anh một phước lành không và những người trong gia đình đều nhất trí đồng ý . Vì người con rể không nắm giữ chức tư tế, nên tôi tiến hành một mình để ban phước lành chức tư tế. Các phước lành dường như tràn tuôn duới sự hướng dẫn của Thánh Linh của Chúa. Tôi đã gồm luôn lời của Đấng Cứu Rỗi được tìm thấy trong Sách Giáo Lý và Giao Ước, tiết 84, câu 88: “Ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên tay trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi” Sau khi ban phước lành, tôi đưa ra vài lời an ủi cho những người trong gia đình đang đau buồn. Tôi nói một cách từ tốn để họ có thể hiểu tiếng Anh của tôi. Và rồi, với khả năng nói tiếng Tây Ban Nha rất hạn chế của mình, tôi cho họ biết là tôi thương yêu họ và rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ ban phước cho họ.

Tôi hỏi mượn quyển Kinh Thánh của gia đình và hướng sự chú ý của họ đến 3 Giăng, câu 4: “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa” Tôi nói với họ: “Đây là điều mà chồng và cha các anh chị em muốn các anh chị em nhớ khi ông chuẩn bị lìa khỏi cuộc sống trần thế này”

Rồi, với nước mắt chảy dài trên mặt, người vợ dễ mến của Anh Salas đã nhờ tôi viết xuống hai câu thánh thư mà tôi đã chia sẻ cùng họ để gia đình họ có thể đọc lại hai câu đó. Vì tôi đã không có gì sẵn để viết xuống, nên Chị Salas đã thò tay vào ví và lấy ra một miếng giấy. Khi tôi lấy miếng giấy đó từ tay chị, tôi thấy rằng đó là tờ biên nhận đóng tiền thập phân. Tôi cảm động khi tôi thấy rằng, dù trong hoàn cảnh rất khiêm tốn mà gia đình này đang sống, nhưng họ đã trung tín đóng tiền thập phân của họ.

Sau khi nói lời dịu dàng từ giã, tôi được tiễn ra xe. Khi lái xe về nhà, tôi đã suy nghĩ về tinh thần đặc biệt mà chúng tôi đã cảm nhận. Tôi cũng đã kinh nghiệm như đã từng kinh nghiệm nhiều lần trước, một cảm giác biết ơn rằng Cha Thiên Thượng đã đáp ứng lời cầu nguyện của một người khác qua tôi.

Thưa các anh em, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng chức tư tế của Thượng Đế mà chúng ta mang là một ân tứ thiêng liêng và đem đến cho chúng ta và những người mà chúng ta phục vụ các phước lành của thiên thượng. Cầu xin cho chúng ta, dù là ở bất cứ nơi đâu, sẽ làm vinh hiển và bảo vệ chức tư tế đó. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn làm công việc của Chúa, để chúng ta luôn luôn được xứng đáng có được sự giúp đỡ của Chúa.

Có một trận chiến đang diễn ra để tranh giành linh hồn con người—linh hồn của anh em và của tôi. Nó tiếp tục không ngừng. Giống như tiếng kèn đồng thúc giục, lời của Chúa đến với các anh em và với tôi và với những người nắm giữ chức tư tế khắp nơi: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định”7

Cầu xin cho mỗi người chúng ta có được can đảm để làm như vậy, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 1 Phi E Rơ 2:9.

  2. Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 139–40.

  3. GLGƯ 45:32; 87:8; 101:22.

  4. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1951, 169.

  5. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 498.

  6. Lu Ca 18:22.

  7. GLGƯ 107:99.