2006
Sự Phòng Vệ và Nơi Dung Thân
Tháng Mười Một năm 2006


Sự Phòng Vệ và Nơi Dung Thân

Chúng ta nói về Giáo Hội là nơi dung thân, sự phòng vệ của chúng ta. Có sự an toàn và sự bảo vệ trong Giáo Hội.

Vào ngày 26 tháng Bảy năm 1847, là ngày thứ ba của họ trong thung lũng (ngày thứ nhì trong thung lũng là ngày Sa Bát), Brigham Young, với các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai và một số người khác, đã trèo lên đỉnh núi cách khoảng hai cây số rưỡi nơi tôi hiện đứng. Họ nghĩ rằng đó là một chỗ tốt để dựng cờ lệnh cho các quốc gia. Heber C. Kimball quàng một cái khăn choàng màu vàng trên cổ. Họ cột nó vào cái gậy chống của Willard Richards và vẫy nó lên cao, một cờ lệnh cho các quốc gia. Brigham Young đặt tên cho nó là Ensign Peak.1

Rồi họ đi xuống núi đến với những chiếc xe kéo tay xập xệ của mình, đến với một vài thứ đồ mà họ đã mang theo suốt 3200 cây số và với những người tín đồ mệt mỏi của mình. Không phải những của cải họ có mà chính là những điều họ biết đã mang đến sức mạnh cho họ.

Họ biết rằng họ là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ biết rằng chức tư tế đã được các thiên sứ giao cho họ. Họ biết rằng họ có các giáo lệnh và các giao ước để mang cơ hội về sự cứu rỗi vĩnh cửu và sự tôn cao cho tất cả nhân loại. Họ biết chắc rằng sự soi dẫn của Đức Thánh Linh ở cùng họ.

Họ bận rộn cày xới những thửa vườn, dựng lên những chỗ ẩn trú mùa đông mà sẽ đến chẳng bao lâu nữa. Họ chuẩn bị cho những người khác hiện ở trên cánh đồng đang đi theo họ đến nơi quy tụ mới này.

Một điều mặc khải, được viết cách đó chín năm, hướng dẫn họ “đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia;

“Và để cho sự quy tụ lại trên đất Si Ôn, và trên các giáo khu của nó có thể để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên lên toàn thể thế gian” (GLGƯ 115:5–6).

Họ phải là “ánh sáng,” là “cờ lệnh.”

Cờ lệnh hoặc tiêu chuẩn, thiết lập bởi sự mặc khải, được chứa đựng trong thánh thư qua các giáo lý phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các nguyên tắc của cuộc sống phúc âm mà chúng ta tuân theo được dựa trên giáo lý và các tiêu chuẩn thì phù hợp với các nguyên tắc đó. Chúng ta bị ràng buộc với các tiêu chuẩn bởi giao ước, như được thực hiện qua các giáo lễ phúc âm bởi những người đã nhận được chức tư tế và các chìa khóa thẩm quyền.

Các Anh Em trung tín đó không được tự do, và chúng ta không được tự do, sửa đổi hoặc bác bỏ các tiêu chuẩn này. Chúng ta phải sống theo các tiêu chuẩn này.

Việc chỉ nói rằng các tiêu chuẩn này không quan trọng thì không phải là một phương thuốc hay một lời an ủi. Chúng ta đều biết các tiêu chuẩn này là rất quan trọng vì tất cả nhân loại “được dạy dỗ đầy đủ để họ biết phân biệt được thiện và ác” (2 Nê Phi 2:5).

Nếu chúng ta làm hết sức mình thì chúng ta sẽ không trở nên chán nản. Khi chúng ta thất bại, là điều mà chúng ta có thể gặp, hoặc vấp ngã, là điều mà chúng ta có thể bị, thì luôn luôn có phương thuốc hối cải và tha thứ.

Chúng ta phải dạy dỗ con cái chúng ta tiêu chuẩn đạo đức để tránh mọi hình thức trái luân lý . Các khả năng quý báu ở bên trong thể xác của chúng “chỉ có thể được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp như chồng và vợ.”2 Chúng ta phải hoàn toàn trung thành trong hôn nhân.

Chúng ta phải tuân giữ luật thập phân. Chúng ta phải thi hành các trách nhiệm của mình trong Giáo Hội. Mỗi tuần, chúng ta phải nhóm họp trong lễ Tiệc Thánh để tái lập các giao ước và nhận được những lời hứa trong các lời cầu nguyện giản dị và thiêng liêng về bánh và nước. Chúng ta phải kính trọng chức tư tế và tuân theo các giao ước và các giáo lễ.

Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương đó trên đỉnh núi Ensign Peak biết rằng họ phải sống một cuộc sống bình thường và giữ hình ảnh của Đấng Ky Tô trong sắc mặt của mình (xin xem An Ma 5:14).

Họ đã hiểu rằng các giáo khu phải là một sự phòng vệ và nơi dung thân, nhưng vào lúc đó không có một giáo khu nào trên thế gian. Họ biết rằng sứ mệnh của họ là thiết lập các giáo khu Si Ôn trong mỗi quốc gia trên thế giới.

Có lẽ họ tự hỏi loại bão tố hay cơn thịnh nộ nào có thể trút xuống mà họ chưa trải qua. Họ đã bị chống đối dữ dội, bị đối xử hung bạo, bị khủng bố. Nhà của họ bị đốt, tài sản của họ bị cướp đoạt. Họ bị đuổi ra khỏi nhà họ nhiều lần. Lúc đó họ biết, cũng như bây giờ chúng ta biết, rằng sự chống đối sẽ không chấm dứt. Tính chất của nó thay đổi nhưng nó không bao giờ chấm dứt. Sẽ không có sự chấm dứt các loại thử thách mà Các Thánh Hữu đầu tiên phải trải qua. Những thử thách mới sẽ khác biệt hơn, nhưng chắc chắn là không kém hơn những thử thách mà họ đã trải qua.

Giờ đây con số các giáo khu Si Ôn lên đến hằng ngàn và hiện diện ở khắp thế giới. Con số các tín hữu lên đến hằng triệu người và đang gia tăng. Không một thử thách nào có thể chặn đứng lại được vì đây là công việc của Chúa. Bây giờ các tín hữu đang sống trong 160 quốc gia và nói hơn 200 thứ tiếng.

Một số tín hữu sống với một nỗi sợ hãi ngầm về những gì đang chờ đợi chúng ta và Giáo Hội trên thế gian. Bóng tối ngày càng đe dọa nhiều hơn nếp sống đạo đức và thuộc linh. Nếu chúng ta chịu nhóm họp nhà thờ, sống theo các nguyên tắc giản dị của phúc âm, có cuộc sống đạo đức, tuân giữ Lời Thông Sáng, làm tròn các bổn phận chức tư tế và các bổn phận khác của mình, thì chúng ta không cần phải sống trong sợ hãi. Lời Thông Sáng là bí quyết để có được sức khỏe thể xác và sự mặc khải. Hãy tránh xa trà, cà phê, rượu, thuốc lá và những chất nghiện.

Chúng ta có thể sống nơi nào mà chúng ta muốn, làm hết khả năng của mình để kiếm sống, cho dù đó là một cuộc sống khiêm tốn hoặc dư dật. Chúng ta tự do để làm điều chúng ta muốn với cuộc sống của mình, với sự an tâm có được sự chấp thuận và ngay cả sự can thiệp của Thượng Đế Toàn Năng, và tin tưởng nơi sự hướng dẫn thuộc linh thường xuyên.

Mỗi giáo khu là một sự phòng vệ và nơi dung thân và một cờ lệnh hoặc tiêu chuẩn. Một giáo khu tự nó chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao của những người chịu đến gần hơn với ảnh hưởng của nó, và đền thờ lại càng gần hơn bao giờ hết.

Đã không có sự chấm dứt chống đối. Có những sự hiểu sai và những sự xuyên tạc về chúng ta và về lịch sử của chúng ta, một số điều đó thì độc ác và chắc chắn là trái với những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Đôi khi các tăng lữ ngay cả các tổ chức giáo sĩ cũng chống đối chúng ta. Họ làm điều mà chúng ta sẽ không bao giờ làm. Chúng ta không công kích, chỉ trích hay chống đối những người khác như họ đã làm với chúng ta.

Ngày cả ngày nay cũng có những câu chuyện phi lý được lưu truyền và lặp lại rất nhiều lần đến nỗi chúng được tin là đúng. Một trong những câu chuyện lố bịch đó là những người Mặc Môn có sừng.

Cách đây nhiều năm, tôi đang ở tại một hội nghị trong một trường đại học ở Oregon. Nơi đó có sự hiện diện của một linh mục Công Giáo, một giáo sĩ Do Thái, một mục sư đạo Episcopal, một mục sư thuộc giáo phái Phúc Âm Evangelical, một tu sĩ thuộc giáo phái Unitarian và tôi.

Chủ tịch của trường, Tiến Sĩ Bennett, tiếp đãi bữa điểm tâm. Một trong những người đó hỏi tôi mang theo người vợ nào. Tôi nói với họ rằng tôi chỉ có một vợ. Trong một giây lát, tôi nghĩ rằng tôi đã bị chọn ra để làm cho ngượng ngịu. Rồi một người nào đó hỏi vị linh mục Công Giáo có mang theo vợ không.

Câu hỏi kế tiếp cho tôi là từ Tiến Sĩ Bennett: “Có thật là những người Mặc Môn có sừng không?”

Tôi mỉm cười nói: “Tôi đã chải tóc của tôi để không thể thấy được sừng.”

Tiến sĩ Bennett, là người hoàn toàn hói đầu, đặt hai tay lên trên đầu mình và nói: “Ôi! Tôi không bao giờ có thể cải đạo theo Mặc Môn được!”

Điều lạ lùng nhất trong tất cả mọi điều là những người thông minh cho rằng chúng ta không phải là Ky Tô hữu. Điều này cho thấy rằng họ biết rất ít hoặc không biết gì hết về chúng ta. Một nguyên tắc ngay chính là ta không thể nâng mình lên bằng cách hạ những người khác xuống.

Một số người cho rằng các tiêu chuẩn đạo đức cao của chúng ta sẽ cản trở sự tăng trưởng. Điều đó hoàn toàn trái ngược. Các tiêu chuẩn đạo đức cao là một sự tăng trưởng mạnh. Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế, được thu hút đến với lẽ thật và điều tốt lành.

Chúng ta trải qua sự thử thách để nuôi dạy gia đình trong một thế giới đầy mây mù tối tăm của sự tà ác. Một số các tín hữu của chúng ta lo ngại và đôi khi họ tự hỏi: Có một chỗ nào mà người ta có thể đi để thoát khỏi sự tà ác không? Có một thị trấn, tiểu bang hoặc quốc gia nào khác mà được an toàn, nơi mà người ta có thể tìm được chỗ dung thân không? Câu trả lời thường là không. Sự phòng vệ và nơi dung thân là nơi mà các tín hữu của chúng ta hiện đang sống.

Sách Mặc Môn tiên tri: “Phải, và lúc đó công việc của Đức Chúa Cha sẽ bắt đầu trên mọi quốc gia, để chuẩn bị một con đường, mà nhờ đó dân Ngài có thể quy tụ tại quê hương, đất thừa hưởng của họ” (3 Nê Phi 21:28).

Những người ra khỏi thế gian để vào Giáo Hội, tuân giữ các giáo lệnh, kính trọng chức tư tế, và có được sự tích cực thì đã tìm ra nơi dung thân.

Cách đây một vài tuần, trong một buổi họp của chúng tôi, Anh Cả Robert C. Oaks, một trong bảy Vị Chủ Tịch thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi (một vị tướng bốn sao và chỉ huy trưởng không lực NATO ở Trung Âu đã về hưu), đã nhắc nhở chúng ta về một hiệp ước được 10 quốc gia ký ở trên chiến hạm Missouri tại Tokyo Bay vào ngày 2 tháng Chín năm 1945 mà kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Một số chúng tôi đang ở Á Châu vào lúc đó. Anh Cả (Tướng) Oaks nói: “Tôi còn không thể tưởng tượng được một tình huống ngày nay mà có một buổi họp như vậy hoặc một hiệp ước như vậy có thể được ký kết để kết thúc chiến tranh chống lại sự khủng bố và sự tà ác mà chúng ta đang tham dự. Đây không phải là loại chiến tranh đó.”

Chúng ta không cần phải sợ hãi, ngay cả trong một thế giới nơi mà thái độ thù địch sẽ không bao giờ chấm dứt. Cuộc chiến chống đối mà đã được tiên tri trong những điều mặc khải tiếp tục ngày nay. Chúng ta phải vui vẻ và lạc quan. Chúng ta không cần phải sợ hãi. Nỗi sợ hãi là đi ngược lại với đức tin.

Chúng ta biết rằng sự sinh hoạt trong Giáo Hội đặt gia đình làm trọng tâm. Các tín hữu sống bất cứ nơi nào trên thế giới thì họ cũng nên thiết lập một gia đình mà con cái được chào đón và được quý trọng như là “cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va” (Thi Thiên 127:3). Một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau xứng đáng là một tiêu chuẩn đạo đức cho thế gian.

Không những chúng ta phải duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất mà mỗi người chúng ta còn một tiêu chuẩn đạo đức, một sự phòng vệ, nơi dung thân. Chúng ta phải là “sự sáng … soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của [chúng ta], và ngợi khen Cha [chúng ta] ở trên trời” (Ma Thi Ơ 5:16; xin xem thêm 3 Nê Phi 12:16).

Tất cả những nỗi vất vả và nỗ lực của thế hệ trước đã mang đến cho chúng ta trong thời kỳ của mình phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, thẩm quyền để thực hiện và phương tiện cần thiết để hoàn thành giáo vụ. Tất cả những điều này đều cùng đến trong gian kỳ này của thời kỳ trọn vẹn mà trong đó sự hoàn tất mọi điều sẽ được thực hiện và thế gian được chuẩn bị cho ngày Chúa đến.

Chúng ta là phần tử quan trọng của công việc này cũng như những người đã tháo cái khăn quàng cổ màu vàng đó từ cây gậy của Willard Richards và đi xuống từ đỉnh núi Ensign Peak. Cái khăn quàng đó, vẫy từ trên cao, đã báo hiệu sự quy tụ trọng đại mà đã được tiên tri trong thánh thư thời xưa và hiện đại.

Chúng ta nói về Giáo Hội là nơi dung thân, sự phòng vệ của chúng ta. Có sự an toàn và sự bảo vệ trong Giáo Hội. Giáo Hội đặt trọng tâm vào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các Thánh Hữu Ngày Sau học cách tự nhìn vào bên trong tâm hồn mình để thấy được quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi cho tất cả nhân loại. Các nguyên tắc phúc âm được giảng dạy trong Giáo Hội và học được từ thánh thư đã trở thành một sự hướng dẫn cho riêng mỗi người chúng ta và cho gia đình của chúng ta.

Chúng ta biết rằng nhà cửa mà chúng ta thiết lập và nhà cửa của con cháu chúng ta sẽ là nơi dung thân được nói đến trong những điều mặc khải—“ánh sáng,” “tiêu chuẩn đạo đức,” “cờ lệnh” cho tất cả các quốc gia, và “nơi dung thân” chống lại những cơn bão đang tụ lại (xin xem GLGƯ 115:5–6; Ê Sai 11:12; 2 Nê Phi 21:12).

Cờ lệnh mà tất cả chúng ta phải có được là Chúa Giê Su Ky Tô Vị Nam Tử của Thượng Đế, Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha. Đây là Giáo Hội của Ngài và danh của Ngài cùng thẩm quyền của Ngài mà chúng ta mang.

Chúng ta trông chờ với đức tin. Chúng ta đã thấy nhiều sự kiện trong suốt cuộc sống của mình và còn nhiều sự kiện nữa sẽ xảy ra và sẽ thách thức lòng can đảm và gia tăng đức tin của chúng ta. Chúng ta phải “vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng [của chúng ta] ở trên trời sẽ lớn lắm” (Ma Thi Ơ 5:12).

Chúng ta phải sẵn sàng bênh vực cho lịch sử của Giáo Hội, và đừng “hổ thẹn về tin lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô Ma 1:16).

Chúng ta sẽ trải qua những thử thách vì chúng ta không thể tránh khỏi chúng, và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy về Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Nơi Dung Thân, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Nếu một cái khăn quàng cổ màu vàng sờn cũ là đủ để làm một cờ lệnh cho thế gian, thì những người bình thường đang nắm giữ chức tư tế và những người nữ và các trẻ em bình thường trong những gia đình bình thường, đang sống theo phúc âm với hết khả năng của họ trên khắp thế gian, thì có thể chiếu sáng làm một cờ lệnh, một sự phòng vệ và nơi dung thân khỏi bất cứ thứ gì sẽ trút xuống thế gian.

“Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỉ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Giáo Hội này sẽ thành công. Giáo Hội này sẽ được thịnh vượng. Tôi hoàn toàn biết chắc điều này. Tôi chia sẻ chứng ngôn này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Journal of Wilford Woodruff, ngày 26 tháng Bảy năm 1847, Văn Khố của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô; xin xem thêm B. H. Roberts, A Comprehensive History of the Church, 3:270–71.

  2. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.