2006
Kế hoạch Cứu Rỗi
Tháng Mười Một năm 2006


Kế hoạch Cứu Rỗi

Chúng ta không bị bỏ mặc một mình để đi chệch đường suốt cuộc sống hữu diệt mà không biết đến kế hoạch chính yếu mà Chúa đã lập ra cho các con cái của Ngài.

Trong khi đang tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh trong những tháng hè, tôi đã may mắn được nghe những sứ điệp từ ba sinh viên đang nghỉ hè ở nhà. Một trong các bài nói chuyện này làm cho tôi thích thú một cách đặc biệt.

Cô gái đó đã làm việc trong thời gian nghỉ hè tại một nhà hàng nơi mà những người lái xe tải thường lui tới. Một người lái xe có một lộ trình đều đặn dừng lại tại nhà hàng vào cùng một ngày mỗi tuần để ăn. Việc dừng lại thường xuyên đã tạo một cơ hội cho những cuộc chuyện trò ngắn. Người lái xe tải đã hỏi cô thiếu nữ sống ở đâu. Cô đã kể rằng cô đang sống ở nhà trong thời gian nghỉ hè để kiếm tiền và quay trở lại trường học vào mùa thu. Câu hỏi tiếp theo của người ấy là: “Cô đang học ở trường nào?” Cô hãnh diện trả lời: “BYU– Idaho.” Người ấy đã muốn biết nhiều hơn về trường học đó, và điều đó đã dẫn tới một cuộc thảo luận về phúc âm. Lần tiếp xúc đầu tiên của cô là dạy cho người ấy về Lời Thông Sáng. Cô đã thành công. Cô đã thuyết phục được người ấy bỏ hút thuốc.

Sau đó ca làm việc của cô thay đổi, và cô không còn có cơ hội để phục vụ người đó nữa, nên cô đã viết cho người ấy một lá thư ngắn và gửi kèm theo một quyển sách nhỏ truyền giáo của Giáo Hội về kế hoạch cứu rỗi. Sau vài ngày, cô nhận được một lá thư ngắn của người lái xe tải. Bức thư chỉ nói: “Cô đã thay đổi cuộc sống của tôi.” Nhờ vào cô thiếu nữ này, người ấy đã tìm ra được những thông tin mà đã khiến anh suy nghĩ về những thay đổi mà anh cần phải có trong cuộc sống của mình. Tôi không biết hết kết cục của câu chuyện ngắn ngủi này giữa một cô hầu bàn với một người lái xe tải, nhưng rõ ràng là nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của người ấy.

Sau đó cô gái tiếp tục giải thích về việc cho những người khác biết về những điều tuyệt đẹp của phúc âm thì dễ dàng biết bao. Luôn luôn có những cơ hội hàng ngày trong những sinh hoạt thường ngày của cuộc sống chúng ta để nói cho người khác biết về các lẽ thật phúc âm mà sẽ ban phước cho họ bây giờ và trong thời vĩnh cửu mai sau.

Nhiều người tự hỏi: “Chúng ta từ đâu đến? Tại sao chúng ta có mặt ở đây? Chúng ta sẽ đi đâu?” Cha Thiên Thượng Vĩnh Cửu không gửi chúng ta đến thế gian trong cuộc hành trình không mục đích, vô nghĩa. Ngài đã cung ứng cho chúng ta một kế hoạch để chúng ta tuân theo. Ngài là tác giả của kế hoạch đó. Kế hoạch này được thiết kế cho sự tiến triển, sự cứu rỗi cuối cùng và sự tôn cao của loài người. Trích từ sách hướng dẫn công việc truyền giáo Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta:

“Thượng Đế là Đức Chúa Cha của linh hồn chúng ta. Chúng ta thật sự là con cái của Ngài, và Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng trước khi chúng ta sinh ra trên thế gian này. Tuy nhiên, chúng ta không giống như Cha Thiên Thượng của mình, cũng như không thể trở thành giống như Ngài và vui hưởng tất cả các phước lành mà Ngài vui hưởng nếu không có kinh nghiệm sống trên trần thế với một thể xác.

“Toàn bộ mục đích của Thượng Đế—công việc và vinh quang của Ngài—là làm cho mỗi người chúng ta có thể vui hưởng tất cả các phước lành của Ngài. Ngài đã cung ứng một kế hoạch toàn hảo để hoàn thành mục đích của Ngài. Chúng ta hiểu và chấp nhận kế hoạch này trước khi chúng ta đến thế gian” ([2004], 48).

Vậy mà nhiều người trên thế giới ngày nay tiếp tục vất vả tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản nhất của cuộc sống. Những tiếng la hét “Ở đây” và “Ở đó” chỉ càng ồn ào hơn và càng gây hoang mang nhiều hơn nữa. Kỹ thuật đã làm tăng lên gấp bội sự hoang mang bởi sự truyền bá những thông điệp này qua làn sóng radio và qua số lượng lớn những đường dây cáp mà hiện đang ngập tràn trái đất. Có quá nhiều cách để phổ biến càng ngày càng nhiều hơn những thông điệp khác nhau, tôi nghĩ rằng sẽ không phải là điều ngạc nhiên để thấy rằng người ta bị hoang mang. Cách đây nhiều thế kỷ Phao Lô đã tiên đoán:

“Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình,

“Bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (2 Ti Mô Thê 4:3–4).

Chúng ta không cần phải hoang mang. Câu trả lời cho những câu hỏi gây hoang mang về mục đích của cuộc sống một lần nữa đã được đưa ra cho nhân loại làm sự hướng dẫn của chúng ta.

Lần đầu tiên chúng ta nghe về kế hoạch cứu rỗi trước khi chúng ta sinh ra, mà thánh thư gọi là trạng thái thứ nhất của chúng ta (xin xem Áp Ra Ham 3:26). Điều đã xảy ra trong trạng thái thứ nhất này không được hiểu một cách rõ ràng, nhưng chúng ta có biết rằng chúng ta đã sống ở đó với tư cách là các linh hồn, các con cái của Cha Thiên Thượng của chúng ta, và chúng ta đã thực hiện những bước đầy tiến bộ để chuẩn bị cho cơ hội mà linh hồn vĩnh cửu trú ngụ trong một thể xác trần tục. Chúng ta cũng biết rằng Đức Chúa Cha của chúng ta tổ chức một đại hội đồng để giải thích mục đích của cuộc sống trần thế. Chúng ta đã có cơ hội để chấp nhận hoặc từ chối kế hoạch cứu rỗi. Kế hoạch đó không áp đặt lên chúng ta. Tính chất của kế hoạch là con người sẽ có cơ hội để thực hiện sự cứu rỗi của chính mình trên thế gian, với sự giúp đỡ của Thượng Đế. Một vị lãnh đạo đã được chọn ra để dạy chúng ta cách thức tuân theo kế hoạch và để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Như Chúa đã giải thích cho Môi Se: “Nhưng, này, Con Trai Yêu Dấu của ta, tức là Kẻ Được Yêu Dấu và Được Chọn Lựa từ lúc khởi thủy, nói với ta rằng—Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2).

Chúa Giê Su Ky Tô, Người Anh Cả của chúng ta, đã trở thành vị lãnh đạo trong việc ủng hộ kế hoạch do Đức Chúa Cha vạch ra, và chúng ta đã chấp nhận kế hoạch và những điều kiện của nó. Với sự lựa chọn đó, chúng ta đã nhận được quyền để đến thế gian và bước vào trạng thái thứ nhì của mình.

Thượng Đế đã sáng tạo ra A Đam và Ê Va theo hình ảnh của Ngài, với thể xác bằng xương và bằng thịt, và đặt họ trong Vườn Ê Đen. Họ được ban cho sự lựa chọn hoặc ở lại trong khu vườn hoặc để ăn trái của cây hiểu biết điều thiện với điều ác và có cơ hội để trải qua sự hữu diệt. Họ đã chấp nhận thử thách, ăn trái cây, và vì vậy trở thành hữu diệt và phải chịu trải qua cái chết thể xác. Bởi vì sự lựa chọn của họ, họ sẽ trải qua tất cả những thử thách và khó khăn của trần thế.

Có hai mục đích của cuộc sống nơi trần thế. Mục đích thứ nhất là chúng ta có thể đạt được những kinh nghiệm mà chúng ta không thể có được trong bất cứ cách nào khác. Mục đích thứ hai là để có được thể xác bằng xương bằng thịt. Cả hai mục đích này đều thiết yếu đối với sự tồn tại của loài người. Giờ đây chúng ta được thử thách và xét nghiệm để xem chúng ta có làm tất cả những gì mà Chúa yêu cầu chúng ta làm không. Những lệnh truyền này là các nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm, và chúng tạo thành phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi nguyên tắc và giáo lễ có liên quan đến toàn bộ mục đích của sự thử thách của chúng ta, tức là để chuẩn bị cho chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng và trở nên giống như Ngài hơn. Anh Cả Bruce R. McConkie đã nói như sau về việc đi theo con đường thẳng và hẹp:

“Điều tôi nghĩ mà tất cả chúng ta cần phải làm là quyết định điều gì chúng ta tin tưởng trong bất cứ vấn đề nào của kinh nghiệm trần thế. Sau đó, dựa trên những khái niệm chung tổng quát mà rất rõ ràng và dễ hiểu, chúng ta đưa ra một quyết định về cách thức chúng ta sẽ sống theo vấn đề này hoặc theo vấn đề kia để vượt qua tình trạng thử thách ngõ hầu được thành công trong thử thách của cuộc sống trần thế. Nếu lựa chọn đúng, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới phần thưởng vĩnh cửu, và nếu chúng ta không lựa chọn đúng, thì sau đó chúng ta sẽ đến một nơi thấp kém hơn trong những vương quốc đã được chuẩn bị sẵn.

“… Mọi người trong Giáo Hội mà đang ở trên con đường thẳng và hẹp, là người đang cố gắng và phấn đấu và mong muốn làm điều đúng, mặc dù [họ] không hề toàn hảo trong cuộc sống này; nếu họ qua đời trong khi họ đang ở trên con đường thẳng và hẹp, thì họvẫn tiếp tục tiến tới phần thưởng vĩnh cửu trong vương quốc của Đức Chúa Cha” (The Probationary Test of Mortality, bài giảng tại buổi họp đặc biệt, Salt Lake Institute of Religion, ngày 10 Tháng Một năm 1982, 8–9).

Tất cả những điều này đều có thể thực hiện được qua Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là trọng tâm của kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Cha, Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã được ban cho làm một giá cứu chuộc cho nhân loại. Thượng Đế đã gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài đến để khắc phục Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Ngài đã đến thế gian với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài đã khắc phục chướng ngại của cái chết thể xác cho chúng ta bằng cách hy sinh mạng sống của Ngài. Khi Ngài chết trên thập tự giá, linh hồn của Ngài lìa khỏi thể xác của Ngài. Vào ngày thứ ba linh hồn và thể xác của Ngài đã được tái hợp vĩnh viễn, không bao giờ bị tách rời nữa.

Cuộc sống trên thế gian chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Sẽ đến lúc cho tất cả chúng ta khi linh hồn và thể xác bị tách rời bởi cái chết. Nhưng nhờ có Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đều sẽ được phục sinh, bất luận chúng ta đã làm điều tốt hay xấu trong cuộc sống này. Cuộc sống bất diệt là ân tứ cho mỗi người con trên trần thế của Cha Thiên Thượng. Cái chết phải được coi như là cánh cửa mở ra một cuộc sống mới và tốt đẹp hơn. Nhờ vào sự phục sinh vinh quang, thể xác và linh hồn sẽ được tái hợp. Chúng ta sẽ có một thể xác bằng xương bằng thịt toàn hảo và bất diệt mà sẽ không bao giờ phải chịu đau đớn hay cái chết. Nhưng vinh quang mà chúng ta đạt được trong cuộc sống mai sau sẽ tùy thuộc vào những hành động của chúng ta trong cuộc sống này. Chỉ qua ân tứ của Sự Chuộc Tội và sự vâng lời của chúng ta đối với phúc âm, mà chúng ta mới có thể trở về sống cùng Thượng Đế một lần nữa.

Sau Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, Các Sứ Đồ của Ngài đã đi rao giảng sứ điệp vinh quang này cho các quốc gia trên thế gian. Họ đi khắp nơi khi họ giảng dạy về sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi. Một phong trào to lớn của Ky Tô Giáo bắt đầu lan tràn khắp nhiều vùng đất. Nhưng Giáo Hội dần dần đi vào sự bội giáo chung mà trong đó sự tiếp nối của chức tư tế đã bị cắt đứt. Thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ thuộc linh không còn hiện diện trên thế gian.

Dần dần, những người được soi dẫn bắt đầu đem tới một sự cải cách. Chủ Tịch Hinckley đã mô tả điều này như bình minh của một ngày rực rỡ hơn. Ông nói:

“Bằng cách này hay bằng cách khác, trong quãng thời gian dài đầy tối tăm đó, một cây nến đã được thắp sáng. Thời kỳ Phục Hưng đã mang đến với nó sự nở rộ về sự học hỏi, nghệ thuật, và khoa học. Có một phong trào của những người đàn ông dũng cảm và người phụ nữ can đảm là những người đã hướng lên thiên thượng trong sự thừa nhận Thượng Đế và Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài. Chúng ta nói về điều này là Phong Trào Cải Cách.

“Và sau đó, sau nhiều thế hệ đã đi qua trên thế gian—có rất nhiều thế hệ trong số đó trải qua sự xung đột, thù hận, tối tăm, và tà ác—rồi đến một ngày mới, trọng đại của Sự Phục Hồi. Phúc âm vinh quang này được khai mở với sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng thiếu niên Joseph. Buổi đầu gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn đã đến trên thế gian. Tất cả những điều tốt lành, tuyệt vời, thiêng liêng của tất cả các gian kỳ trước đây đã được phục hồi vào thời điểm phi thường nhất” (“Bình Minh của Một Ngày Rực Rỡ Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2004, 82–83).

Tiếp theo sự kiện vinh quang của Khải Tượng Thứ Nhất, biên sử thiêng liêng của Sách Mặc Môn đã được trao cho Tiên Tri Joseph Smith. Điều này đã đưa đến một nhân chứng mới của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và sứ mệnh của Ngài đối với dân cư trên thế gian.

Vậy nên chúng ta nhìn thấy trong kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Cha rằng tình yêu thương của Ngài là vô tận. Mỗi người con của Ngài đều được bao gồm vào. Tất cả loài người đều có cùng một nguồn gốc và khả năng đồng đều để làm tròn số mệnh vĩnh cửu của họ.

Tiên tri A Mu Léc của Sách Mặc Môn, khi làm chứng rằng những lời của Đấng Ky Tô sẽ mang đến cho chúng ta sự cứu rỗi của chúng ta, đã nói rằng:

“Và bây giờ, hỡi đồng bào, tôi mong rằng, sau khi các người đã nhận được biết bao điều minh chứng, và đã thấy được rằng thánh thư cũng làm chứng cho những điều này, thì các người hãy tiến đến và đem lại thành quả đưa tới sự hối cải.

“Phải, tôi mong rằng các người hãy tiến đến và đừng chai đá trong lòng nữa; vì này, giờ đây là lúc và là ngày cứu rỗi của các người; vậy nên, nếu các người hối cải và không chai đá trong lòng, thì tức thời kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ được mang lại cho các người.

“Vì này, cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình” (An Ma 34:30–32).

Chúng ta chớ để bị lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành bởi mọi gió thế gian và giáo lý của loài người (xin xem Ê Phê Sô 4:14). Chúng ta tuyên bố với thế gian rằng các tầng trời đang rộng mở và lẽ thật của kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế một lần nữa đã được loài người biết đến. Chúng ta sống trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Chúng ta sống trong thời kỳ mà chúng ta có những sự làm chứng qua các thánh thư về kế hoạch vĩ đại mà Chúa đã ban cho con cái của Ngài từ lúc ban đầu cho đến gian kỳ hiện tại và cuối cùng này. Bằng chứng đã được trưng dẫn đầy đủ bằng tài liệu; chúng ta không bị bỏ mặc một mình để đi chệch đường suốt cuộc sống hữu diệt mà không biết đến kế hoạch chính yếu mà Chúa đã lập ra cho các con cái của Ngài. Ngài đã tự ràng buộc bằng giao ước long trọng là ban cho chúng ta những phước lành của thiên thượng dựa theo sự vâng lời của chúng ta đối với luật pháp của Ngài. Ôi, hãy nhớ, hãy nhớ rằng những điều này là chân chính, vì Chúa Thượng Đế đã mặc khải những lẽ thật vĩnh cửu này cho chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.