2006
Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại
Tháng Mười Một năm 2006


Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại

Cũng giống như cá thì cần nước, các em cần phúc âm và sự đồng hành của Đức Thánh Linh để thật sự được vô cùng hạnh phúc.

Khi tôi còn là thầy trợ tế giống như nhiều em là các em thiếu niên, cha tôi và tôi đi đến một dòng suối ở trong núi để câu cá hồi. Khi cha tôi móc mồi vào cái lưỡi câu ở cuối cần câu của tôi, ông nói cho tôi biết rằng tôi cần phải móc cái lưỡi câu vào miệng cá khi nó cố gắng đớp miếng mồi nếu không nó sẽ đi mất. Tôi không hiểu ý nghĩa của việc móc cái lưỡi câu nên ông giải thích cho tôi biết rằng cái lưỡi câu cần phải dính chặt vào miệng cá khi nó đớp mồi thì nó không thể dãy dụa để cái lưỡi câu rớt ra, và rằng cái lưỡi câu sẽ móc vào nếu tôi giật nhanh cái cần câu khi con cá cố gắng đớp mồi. Bấy giờ, tôi thật sự muốn bắt một con cá nên tôi đứng bên bờ suối giống như một cái lò xo cuộn lại, mỗi bắp thịt căng ra, chờ đợi sự chuyển động thật sự ở cuối cần câu của tôi mà báo hiệu rằng con cá đang cố gắng đớp lấy mồi. Sau một vài phút, tôi thấy sự chuyển động ở cuối cần câu của tôi, và trong lúc đó, tôi giật mạnh cái cần câu, chắc rằng sẽ có sự giành giật nhiều với con cá. Trước sự ngạc nhiên của tôi, tôi nhìn thấy con cá hồi tội nghiệp đó—với cái lưỡi câu giờ đây móc thật chặt trong miệng nó—lao ra khỏi nước bay lên không trung qua khỏi đầu tôi, và rớt xuống đất dãy đành đạch đằng sau lưng tôi.

Tôi có hai nhận xét từ kinh nghiệm đó: Thứ nhất, một con cá ra khỏi nước thì thật đáng thương. Mặc dù cái mang, cái vây và cái đuôi của nó hoạt động rất hữu hiệu trong nước nhưng chúng đều vô ích trên đất. Thứ hai: con cá kém may mắn mà tôi bắt vào ngày đó chết vì nó bị đánh lừa để thấy một thứ gì đó rất nguy hiểm—ngay cả chết người—là đáng giá, hoặc ít nhất đủ kích thích sự tò mò để có lý do xác đáng mà đến gần để xem và có lẽ để rỉa mồi.

Các em Chức Tư Tế A Rôn thân mến, có một vài bài học để học từ điều này: Thứ nhất, một mục đích cơ bản của cuộc sống của các em, như Lê Hi đã dạy, là “[phải] hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Để hưởng được niềm vui, các em cần phải hiểu rằng, là con cái của Cha Thiên Thượng, các em thừa hưởng những đặc điểm thiêng liêng và những nhu cầu thuộc linh—và cũng giống như cá thì cần nước, các em cần phúc âm và sự đồng hành của Đức Thánh Linh để thật sự được vô cùng hạnh phúc. Vì các em là con cái của Thượng Đế (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28), nên khi làm sai mà lại cảm thấy đúng thì nghịch với bản chất vĩnh cửu của các em. Các em không thể nào làm sai mà cảm thấy đúng được hết. Có thể nói đó là phần bản chất linh hồn của các em để sự bình an, niềm vui và hạnh phúc sẽ chỉ thuộc về các em khi nào các em hoàn toàn sống theo phúc âm.

Ngược lại, theo mức độ mà các em chọn không sống theo phúc âm thì các em sẽ khốn khổ như cá ra khỏi nước (xin xem Mô Si A 4:30). Như An Ma đã nói với con trai Cô Ri An Tôn của mình:

“Này, cha nói cho con hay, sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.

“Và này, hỡi con trai của cha, tất cả những người nào còn ở … trong trạng thái trần tục, … không có được Thượng Đế trên thế gian này, và họ đã đi ngược lại với bản chất của Thượng Đế; vậy nên họ ở trong một trạng thái ngược lại với bản chất hạnh phúc” (An Ma 41:10–11).

Hãy lưu ý rằng việc không có được Thượng Đế trên thế gian này—nói cách khác, từ chối sống theo phúc âm của Ngài và do đó không có sự đồng hành của Thánh Linh—là ở trong tình trạng đi ngược lại bản chất hạnh phúc. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là một—xin lưu ý đây là số ít, có nghĩa là duy nhất—“kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8). Nếu các em chọn lối sống nào khác hoặc cố gắng chỉ sống theo những phần phúc âm mà dường như thích hợp với mình, một sự chọn lựa như vậy sẽ làm cho các em mất đi niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn, rực rỡ mà được Cha Thiên Thượng nhân từ và Vị Nam Tử của Ngài dành cho các em.

Giờ đây là bài học thứ nhì từ kinh nghiệm câu cá của tôi: cũng giống như con cá trong dòng suối ở trong núi phải rất cẩn thận với những cám dỗ đặt lên trên lối đi của nó để tránh bị lôi ra khỏi nước, vậy nên các em và tôi phải khôn ngoan ngõ hầu tránh khỏi bị kéo ra khỏi cuộc sống hạnh phúc, tập trung vào phúc âm. Như Lê Hi đã nhận xét, hãy nhớ rằng quỷ dữ “tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy“ và nhận được “quyền năng bắt giữ” (2 Nê Phi 2:27, 29) chúng ta khi chúng ta dính líu với những điều không trong sạch và xấu xa. Do đó, đừng để bị lừa gạt ngay cả vào việc thử những điều không xứng đáng vì Sa Tan đang sẵn sàng bố trí cái lưỡi câu. Việc cái lưỡi câu được bố trí một cách tinh vi hoặc bất ngờ thì vô cùng nguy hiểm đến nỗi đã khiến cho vị tiên tri thời xưa Mô Rô Ni—là người thật sự thấy được thời kỳ của chúng ta (xin xem Mặc Môn 8:35)—phải nhấn mạnh lời cảnh cáo các em và tôi: “chớ động tới ân tứ xấu xa cùng vật dơ bẩn” (Mô Rô Ni 10:30; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Có nhiều điều xấu xa và nhơ bẩn trong âm nhạc, mạng lưới Internet, phim ảnh, tạp chí và trong rượu, ma túy và thuốc lá. Những người bạn trẻ tuổi của tôi ơi, xin chớ có tiếp cận với bất cứ điều gì xấu xa và nhơ bẩn! Những thứ như thế được ngụy trang dưới một cái lưỡi câu mà được bố trí một cách tinh vi và bất ngờ hơn là các em dám nghĩ tới—và nó có thể là một tiến trình cực kỳ đau đớn để nhổ cái lưỡi câu ra. An Ma đã mô tả rằng đối với ông tiến trình hối cải là “gần kề sự chết,” (Mô Si A 27:28); thật vậy, ông đã nói rằng chẳng có sự gì có thể “đắng cay thấm thía như những sự đau đớn của cha” (An Ma 36:21).

Có thể có một số các em đang dính líu với điều xấu xa và nhơ bẩn. Hãy đặt hy vọng nơi sự thật về giáo lý và lịch sử rằng đức tin của An Ma nơi Chúa đã đưa ông đến việc hối cải và do kết quả trực tiếp của sự hối cải của ông, ông đã có được hạnh phúc như vậy qua quyền năng Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, theo như lời của ông: “chẳng có sự vui mừng nào ngọt ngào êm dịu cho bằng niềm vui của cha” (An Ma 36:21). Đó cũng sẽ là kinh nghiệm của các em khi các em tìm kiếm Chúa qua sự hối cải.

Mỗi chúng ta cần phải hối cải đến một mức độ nào đó. Hối cải có nghĩa là có những thay đổi thật sự trong cuộc sống của các em mà Đấng Cứu Rỗi muốn cho các em có vì hạnh phúc của các em. Sự hối cải là nguyên tắc phúc âm đầy quyền năng lớn lao: khi đức tin của các em nơi Chúa khiến cho có sự thay đổi cá nhân, thì sự hối cải như vậy về phần các em, như Hê La Man nói: “dẫn [các em] đến quyền năng của Đấng Cứu Chuộc, và dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn [các em]” (Hê La Man 5:11). Khi các em tìm cách thay đổi, thì hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta, như An Ma nói, có “đủ quyền năng để cứu vớt những ai tin nơi danh Ngài và đem lại thành quả xứng đáng đối với sự hối cải” (An Ma 12:15). Đây là giáo lý vững mạnh, phóng khoáng, đầy hy vọng!

Tiên Tri Joseph Smith đã học được kinh nghiệm trực tiếp rằng Chúa kỳ vọng chúng ta phải tránh sự đau khổ bằng cách sống theo phúc âm của Ngài và muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể hối cải. Khi ông làm mất 116 trang bản phiên dịch Sách Mặc Môn qua việc nhượng bộ những lời thuyết phục của loài người, Joseph rất khổ sở. Chúa đã phán bảo cùng ông: “Ngươi đã trung thành thì hẳn [Thượng Đế] đã dang tay ra chống đỡ tất cả những tên lửa của kẻ thù nghịch; và hẳn Ngài đã ở với ngươi trong mọi cơn hoạn nạn” (GLGƯ 3:8). Đây cũng là trường hợp đối với mỗi em là các thiếu niên: hãy trung tín và các em sẽ được bàn tay của Thượng Đế hỗ trợ. Lúc ấy Vị Tiên Tri đã được nhắc nhở rằng—cũng như đối với mỗi người chúng ta—ông sẽ được tha thứ nếu ông hối cải. Hãy tưởng tượng niềm vui mà ông cảm nhận được khi ông nghe Chúa phán: “Nhưng hãy ghi nhớ rằng, Thượng Đế đầy lòng thương xót; vậy hãy hối cải điều ngươi đã làm trái với giáo lệnh ta đã ban cho ngươi, thì ngươi vẫn được chọn” (GLGƯ 3:10).

Lời mời gọi của tôi với mỗi em đêm nay là hãy sống theo phúc âm để được thật sự hạnh phúc, hãy tránh điều xấu xa và sự khổ sở mà nó sẽ mang đến, và nếu các em trở nên dính líu với điều xấu xa hoặc nhơ bẩn thì hãy có những thay đổi mà Chúa mong muốn nơi các em vì hạnh phúc của các em—và tôi làm chứng rằng Ngài sẽ làm cho các em có thể thành công qua quyền năng vô song của Ngài.

Khi chấp nhận lời mời gọi này, các em sẽ gặt hái được hạnh phúc lâu dài và xây đắp nền tảng cuộc sống của mình trên “đá của Đấng Cứu Chuộc” như Hê La Man đã giảng dạy, khi giáo mác của quỷ dữ và bão tố của thế gian tấn công các em thì chúng cũng sẽ không “có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được” (Hê La Man 5:12; sự nhấn mạnh được thêm vào). Tôi xin chia sẻ chứng ngôn thành khẩn của mình: Ngài là Đá, nền tảng vững chắc cho hạnh phúc và sự chữa lành. Ngài hằng sống, có tất cả quyền năng trên trời và dưới đất, Ngài biết tên của các em, và Ngài yêu thương các em. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.