2006
Trung Thành với Sự Giao Phó Chức Tư Tế cho Chúng Ta
Tháng Mười Một năm 2006


Trung Thành với Sự Giao Phó Chức Tư Tế cho Chúng Ta

Chính là làm—chứ không chỉ mơ ước—mà các cuộc sống mới được phước, những người khác được hướng dẫn, và những linh hồn được cứu rỗi.

Cách đây một vài tuần trong một buổi họp nhịn ăn và nói chứng ngôn tại tiểu giáo khu của chúng tôi, tôi đã nhìn một đứa bé trai ngồi ở dãy ghế đằng sau đang thu hết can đảm để chia sẻ chứng ngôn của nó. Nó dợm đứng lên ba hoặc bốn lần và rồi lại ngồi xuống. Cuối cùng, đến lượt nó. Nó so đôi vai nhỏ bé của nó cho thẳng, mạnh dạn bước ra lối đi giữa hai dãy ghế đến bục giảng, bước lên hai bước để tới mặt bục giảng, bước lên và đặt đôi tay của nó lên trên bục giảng, nhìn xuống giáo đoàn, mỉm cười—và rồi xoay người lại, đi xuống hai bước và đi xuống cũng lối đi giữa hai dãy ghế mà nó đi lên khi nãy để đến với cha mẹ nó. Tôi cũng nhìn các anh em buổi tối hôm nay trong Trung Tâm Đại Hội mênh mông này và nghĩ về những người đang lắng nghe và có thể biết ơn một cách trọn vẹn hơn về hành động của đứa bé trai đó.

Thưa các anh em, tôi hân hạnh có được đăc ân để ngỏ lời cùng các anh em buổi tối hôm nay. Tôi đã suy ngẫm về điều tôi có thể nói cùng các anh em. Một đoạn thánh thư ưa thích đã đến với tâm trí tôi từ sách Truyền Đạo: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của người” (Truyền Đạo 12:13). Tôi yêu thương và trân quý cái chữ phận sự cao nhã đó.

Vị Tướng nổi tiếng Robert E. Lee của Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Bổn phận là một từ cao thượng nhất trong ngôn ngữ của chúng ta. … Ta không thể làm hơn. Ta không bao giờ muốn làm kém” (trong John Bartlett, Familiar Quotations [1968], 620).

Mỗi người chúng ta có những bổn phận gắn liền với thánh chức tư tế mà chúng ta mang. Dù cho chúng ta mang Chức Tư Tế A Rôn hay Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, thì cũng có nhiều đòi hỏi cho mỗi người chúng ta. Chính Chúa cũng đã tóm lược trách nhiệm của chúng ta khi Ngài, trong điều mặc khải về chức tư tế, đã dạy: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định” (GLGƯ 107:99).

Tôi hết lòng hy vọng rằng mỗi thiếu niên mà nhận chức tư tế thì sẽ tôn trọng chức tư tế ấy và trung thành với sự tin cậy đã được giao phó khi được truyền ban cho chức tư tế.

Cách đây năm mươi mốt năm, tôi có nghe William J. Critchlow Jr., lúc bấy giờ là chủ tịch của Giáo Khu South Ogden, là người về sau trở thành một Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai, nói chuyện cùng các anh em trong phiên họp chức tư tế trung ương của đại hội và kể lại một câu chuyện liên quan đến sự tin cậy, lòng tôn kính và bổn phận. Tôi xin được phép chia sẻ câu chuyện này với các anh em. Bài học giản dị của câu chuyện áp dụng cho chúng ta ngày nay, như nó đã từng được áp dụng ở thời đó.

“[Em] Rupert đứng bên vệ đường nhìn một số đông những người thường vội vã lướt ngang qua. Lát sau, nó nhận ra một người bạn. Nó hỏi: ‘Tất cả các bạn đi đâu mà vội vã vậy?’

“Người bạn dừng lại nói: ‘Bạn không nghe gì hết à?’

“Rupert đáp: ‘Tôi không nghe gì cả.’

“Người bạn nói tiếp: ‘Đây này. Nhà Vua đã đánh mất viên ngọc quý của hoàng gia! Ngày hôm qua, Nhà Vua đi đến dự một buổi tiệc cưới của các nhà quý tộc và đeo viên ngọc quý trên sợi dây chuyền mảnh khảnh bằng vàng trên cổ mình. Viên ngọc quý bị lỏng ra hay sao đó từ sợi dây chuyền. Mọi người đang tìm kiếm, vì Nhà Vua có treo phần thưởng … cho ai kiếm được nó. Hãy đi với tôi, chúng ta phải đi gấp.’

“Rupert ngập ngừng trả lời: ‘Nhưng tôi không thể đi mà không xin phép Bà Nội.’

“Người bạn của nó đáp: ‘Vậy thì tôi không thể chờ. Tôi muốn đi kiếm ra viên ngọc quý .’

“Rupert chạy vội về túp lều nhỏ bằng gỗ bên bìa rừng để xin phép bà nội của nó. Nó năn nỉ Bà Nội: ‘Nếu con tìm ra được viên ngọc quý , chúng ta có thể rời căn chòi ẩm ướt này và mua một miếng đất ở bên sườn đồi.’

“Nhưng bà nội nó lắc đầu. Bà hỏi: ‘Mấy con chiên phải làm sao? Chúng nó đang nóng nẩy trong chuồng kìa, chờ để được dẫn ra đồng, và con đừng quên mang chúng đến dòng nước khi mặt trời lên cao.’

“Buồn bã, Rupert dẫn chiên ra đồng, và vào giờ trưa nó dẫn chúng đến con suối trong rừng. Nó ngồi xuống nơi đó trên một tảng đá lớn gần bên suối. Nó nghĩ: ‘Ước gì tôi có được cơ hội đi tìm viên ngọc quý cho Nhà Vua!’ Quay đầu lại, nó nhìn xuống cuối đáy đầy cát của dòng sông và thình lình nó nhìn chòng chọc vào nước. Cái gì thế? Không thể được! Nó nhảy vọt xuống nước, và các ngón tay của nó chộp một vật gì màu xanh lá cây, với một khúc dây chuyền mảnh khảnh bằng vàng [mà đã bị đứt]. Nó la lên: ‘Viên ngquý của Nhà Vua! Chắc là nó đã văng rớt từ sợi dây chuyền khi Nhà Vua [cưỡi ngựa phi nước kiệu qua cây cầu bắc ngang con suối và dòng nước đã mang] nó đến đây.’

“Với đôi mắt sáng ngời, Rupert chạy về căn chòi của bà nội để kể cho bà nghe về cuộc tìm kiếm thành công của nó. Bà nội nó nói: ‘Thật phước cho con, nhưng có lẽ con đã không tìm ra được nó nếu con không làm bổn phận của con, là chăn đàn chiên.’ Và Rupert biết điều đó là đúng.” (Trong Conference Report, tháng Mười năm 1955, 86; cách chia đoạn, viết hoa và chấm câu được sửa đổi lại.)

Bài học rút ra từ câu chuyện này được tìm thấy trong hai câu thơ quen thuộc: “Hãy làm bổn phận [của mình], đó là điều tốt nhất. Rồi hãy để cho Chúa làm phần còn lại!” (Henry Wadsworth Longfellow, “The Legend Beautiful,” trong The Complete Poetical Works of Longfellow [1893], 258).

Đối với những người đã từng là chủ tịch trong các nhóm túc số của mình, tôi xin gợi ý rằng bổn phận của các anh em không kết thúc sau khi thời gian phục vụ của các anh em kết thúc. Mối quan hệ đó với các tín hữu trong nhóm túc số của các anh em, bổn phận của các anh em đối với họ, tiếp tục trong suốt cuộc đời của các anh em.

Trong thời gian tôi là một thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn, tôi đã được kêu gọi làm chủ tịch của nhóm túc số. Với sự thúc giục và giúp đỡ của một người cố vấn nhóm túc số đầy tận tâm và soi dẫn, tôi đã chăm chỉ làm việc để bảo đảm rằng mỗi thiếu niên đến tham dự các buổi họp của chúng tôi thường xuyên. Hai người trong số họ thì hơi khó khăn, nhưng với sự kiên trì và tình thương yêu cùng một chút thuyết phục của chúng tôi, họ bắt đầu tham dự các buổi họp và góp phần vào các sinh hoạt của nhóm túc số. Tuy nhiên, với thời gian, họ rời tiểu giáo khu để theo đuổi việc học hành và việc làm, mỗi người trong hai người đó đã trở nên kém tích cực.

Trong nhiều năm, tôi đã gặp lại mỗi người trong hai người bạn thân mến này tại nhiều sinh hoạt khác nhau. Và mỗi khi gặp họ, tôi đều choàng tay lên vai họ và nhắc nhở họ: “Tôi vẫn là chủ tịch nhóm túc số của anh, và tôi không bỏ cuộc. Anh rất quan trọng đối với tôi, và tôi muốn anh thụ hưởng các phước lành đến từ việc sinh hoạt tích cực trong Giáo Hội.” Họ biết tôi thương yêu họ và rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ quên họ.

Đối với những ai trong chúng ta đang nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, thì luôn luôn có đặc ân để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình. Chúng ta là những người chăn đang chăm sóc cho Y Sơ Ra Ên. Các con chiên đói đang mong đợi, sẵn sàng để được ăn bánh của sự sống.

Cách đây nhiều năm, trong một đêm lễ Halloween, tôi có đặc ân để giúp một người tạm thời bị lạc đường và cần bàn tay giúp đỡ để quay trở về. Tôi đang lái xe trên đường từ văn phòng về nhà khá trễ. Tôi tránh né ngày lễ Halloween và để cho vợ tôi lo tiếp đãi những người khách đi xin kẹo. Khi tôi đi qua Bệnh Viện St. Mark ở Thành Phố Salt Lake, tôi nhớ đến một người bạn thân là Max đang nằm trong chính bệnh viện đó. Khi anh ta và tôi bắt đầu quen biết nhau nhiều năm trước, chúng tôi khám phá ra là chúng tôi đã trưởng thành trong cùng một tiểu giáo khu nhưng vào những thời điểm khác nhau. Khi tôi ra đời thì Max và cha mẹ anh ấy đã dọn ra khỏi tiểu giáo khu.

Đêm Halloween ấy, tôi lái xe vào bãi đậu xe và đi vào bệnh viện. Khi tôi dừng lại bàn tiếp khách để hỏi số phòng của anh ấy, tôi đã được cho biết là khi Max nhập viện, anh đã ghi là tôn giáo của anh là một tôn giáo khác, không phải là Thánh Hữu Ngày Sau.

Tôi bước vào phòng của Max và chào anh ấy. Tôi nói cho anh biết tôi rất hãnh diện để làm bạn với anh và tôi rất quan tâm đến anh. Tôi nói chuyện về nghề nghiệp của anh trong ngành ngân hàng và nghề phụ là một người điều khiển dàn nhạc. Tôi khám phá ra anh đã bị làm phật lòng bởi một hai lời nói của những người khác, nên đã quyết định tham gia một tôn giáo khác. Tôi nói với anh: “Max, anh nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tôi muốn ban cho anh một phước lành buổi tối hôm nay.” Anh đồng ý , và phước lành đã được ban cho. Rồi anh cho tôi biết vợ anh, Bernice, cũng đang bệnh nặng và thực ra đang nằm trong phòng cạnh bên. Với lời mời của tôi, Max đã cùng tôi ban phước lành cho chị ấy. Anh đã yêu cầu tôi giúp anh. Tôi giúp anh ban phước. Anh xức dầu cho vợ mình. Những giọt nước mắt đã rơi xuống và đã có những cái ôm xiết khi tôi ấn chứng lễ xức dầu với Max, đôi tay của anh đặt lên đầu vợ anh cùng với đôi tay của tôi, đã làm cho đêm Halloween đó thành một đêm đáng nhớ.

Khi tôi rời bệnh viện đêm đó, tôi đã dừng lại bàn tiếp khách và nói với người thư ký tiếp khách rằng với sự cho phép của Max và vợ anh ấy, hồ sơ nên được sửa lại để phản ảnh tư cách tín hữu của họ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã chờ và theo dõi cho đến khi chi tiết đó được thay đổi.

Các bạn của tôi, Max và Bernice hiện đã ở bên kia bức màn, nhưng họ đã sống những năm cuối đời họ hoạt động tích cực và hạnh phúc cùng nhận lãnh các phước lành đến từ chứng ngôn về Phúc Âm và sự tham gia trong giáo hội.

Thưa các anh em, nhiệm vụ của chúng ta là tìm đến cùng những người, vì bất cứ lý do nào, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Sự khó khăn của chúng ta thì không quá sức khắc phục. Chúng ta đang làm công việc của Chúa, và do đó chúng ta được quyền nhận sự giúp đỡ của Chúa. Nhưng chúng ta phải cố gắng. Từ vở kịch Shenandoah là câu nói đầy soi dẫn: “Nếu không thử, thì chúng ta không làm; và nếu không làm thì tại sao chúng ta ở đây?”

Trách nhiệm của chúng ta là sống sao cho khi chúng ta được kêu gọi ban phước lành chức tư tế hay phụ giúp trong bất cứ cách nào thì chúng ta xứng đáng để làm điều đó. Chúng ta đã được bảo là chúng ta thật không thể nào tránh khỏi các tác động của ảnh hưởng cá nhân. Chúng ta phải chắc chắn rằng ảnh hưởng của mình là tốt lành và nâng cao tinh thần.

Đôi tay của chúng ta có được thanh sạch không? Lòng của chúng ta có được thanh khiết không? Khi nhìn lại quá khứ qua những trang lịch sử, chúng ta thấy một bài học về sự xứng đáng được trích ra từ lời hấp hối của Vua Đa Ri Út. Qua các nghi thức hợp lệ, Đa Ri Út đã được nhìn nhận là nhà vua chính thống của Ai Cập. Đối thủ của ông, Alexander the Great, đã được công bố là con trai hợp pháp của Amon. Ông cũng là một Pha Ra Ôn (Vua Ai Cập). Alexander khi thấy kẻ bại trận Đa Ri Út đang hấp hối, thì đặt tay mình lên đầu ông để chữa lành cho ông, truyền lệnh cho ông ngồi dậy và tiếp tục vương quyền của ông, kết luận rằng: “Ta thề với ngươi, Đa Ri Út, bởi tất cả các thần rằng ta làm tất cả điều này chân thành và không giã nghĩa.”

Đa Ri Út đã đáp lại với lời khiển trách dịu dàng: “Alexander, cháu của ta … ngươi nghĩ rằng ngươi có thể với tới thiên đàng với đôi tay dơ bẩn của ngươi sao?” (Adapted from Hugh Nibley, Abraham in Egypt [1981], 192.)

Tiếng gọi của bổn phận thường đến một cách lặng lẽ khi chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế đáp ứng những sự chỉ định mà mình nhận được. Chủ Tịch George Albert Smith, một người lãnh đạo khiêm nhường nhưng hữu hiệu và là vị Chủ Tịch thứ tám của Giáo Hội, đã tuyên bố: “Trước hết bổn phận của các anh em là học biết việc Chúa muốn gì và rồi sau đó qua quyền năng và sức mạnh của Chức Tư Tế Thánh của Ngài để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình trước sự hiện diện của bạn bè trong một cách thức để mọi người sẽ vui sướng mà đi theo các anh em” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1942, 14).

Và một người làm vinh hiển sự kêu gọi của mình như thế nào? Chỉ bằng cách thực hiện sự phục vụ liên quan đến sự kêu gọi đó.

Thưa các anh em, chính là làm—chứ không chỉ mơ ước—mà các cuộc sống mới được phước, những người khác được hướng dẫn, và những linh hồn được cứu rỗi. Gia Cơ nói: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình”(Gia Cơ 1:22).

Cầu xin cho tất cả chúng ta tụ họp tối nay trong buổi họp chức tư tế này sẽ tái nỗ lực để hội đủ điều kiện cho sự hướng dẫn của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Có rất nhiều người đang khẩn nài và cầu nguyện để được giúp đỡ. Có những người bị nản lòng, có người mong muốn quay về nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Tôi luôn luôn tin tưởng nơi lẽ thật của lời nói rằng “các phước lành tuyệt vời nhất của Thượng Đế luôn luôn đến từ những bàn tay phục vụ Ngài nơi cuộc sống này” (Whitney Montgomery, “Revelation,” trong Best-Loved Poems of the LDS People, do Jack M. Lyon và những người khác xuất bản [1996], 283). Xin chúng ta có được đôi tay sẵn sàng, trong sạch, và sẵn lòng để chúng ta có thể tham gia trong việc cung ứng những gì mà Cha Thiên Thượng muốn những người khác nhận được từ Ngài.

Tôi xin kết thúc với một ví dụ từ chính cuộc sống của tôi. Có lần tôi đã có một người bạn thân quý mà hình như đã trải qua nhiều khó khăn và rắc rối với cuộc sống hơn sức anh có thể chịu được. Cuối cùng anh nằm trong bệnh viện với căn bệnh vô phương cứu chữa. Tôi không biết là anh đang nằm đó.

Chị Monson và tôi đã đi đến cùng bệnh viện đó để thăm một người khác đang bệnh nặng. Trong khi chúng tôi bước ra khỏi bệnh viện và tiến về nơi chúng tôi đậu xe, thì tôi có được một ấn tượng rõ rệt là phải trở lại tìm hỏi xem người bạn của tôi Hyrum có thể vẫn là bệnh nhân ở đó không. Sự kiểm chứng với người thư ký ngồi tại bàn tiếp khách đã xác nhận rằng quả thật Hyrum đang là bệnh nhân ở đó từ nhiều tuần nay.

Chúng tôi đi đến phòng anh, gõ và mở cửa. Chúng tôi không sẵn sàng cho điều đang chờ đợi chúng tôi. Những chùm bong bóng ở khắp nơi. Một tấm biển treo trên tường cho thấy rõ ràng hằng chữ viết “Chúc Mừng Sinh Nhật của Cha”. Hyrum đang ngồi trên giường, những người trong gia đình của anh ở bên cạnh anh. Khi thấy chúng tôi, anh nói: “Anh Monson này, làm thế nào anh biết hôm nay là sinh nhật của tôi vậy?” Tôi mỉm cười nhưng không trả lời câu hỏi đó.

Những người trong phòng mà nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc vây quanh người cha và người ông và người bạn của họ, và một phước lành chức tư tế đã được ban cho.

Sau khi những giọt lệ rơi xuống, những nụ cười biết ơn được trao đổi, và những cái ôm dịu dàng được ban phát và tiếp nhận, tôi ghé tai Anh Hyrum và nhỏ nhẹ nói: “Hãy nhớ lời của Chúa, bởi vì nó sẽ nâng đỡ anh. Ngài đã hứa với anh: ‘Ta không để cho ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi’ (Giăng 14:18).”

Thời gian tiếp tục trôi qua. Bổn phận thì cũng nhịp nhàng đi kèm theo với thời gian. Bổn phận không mờ đi hay giảm bớt. Những cuộc xung đột thảm khốc đến rồi đi nhưng cuộc chiến để tranh đấu cho linh hồn con người thì vẫn tiếp tục gay go. Như là một lời kêu gọi rõ ràng của Chúa cho các anh em, cho tôi, và những người nắm giữ chức tư tế khắp nơi. Tôi xin lặp lại lời đó: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định” (GLGƯ 107:99).

Thưa các anh em, chúng ta hãy học hỏi bổn phận của mình. Chúng ta hãy luôn xứng đáng để thi hành các bổn phận ấy và, khi làm như vậy, chúng ta đi theo các bước chân của Đức Thầy. Khi được kêu gọi, Ngài đã thưa: “Thưa Cha, xin ý Cha được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi” (Môi Se 4:2). Cầu xin cho chúng ta cũng sẽ làm như vậy, tôi khiêm nhường cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.