2006
Ngày Chúa Nhật Sẽ Đến
Tháng Mười Một năm 2006


Ngày Chúa Nhật Sẽ Đến

Nhờ vào cuộc sống và sự hy sinh vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi của thế gian, nên chúng ta sẽ đoàn tụ với những người chúng ta yêu quý .

Tôi rất biết ơn được có mặt cùng các anh chị em hôm nay và nhận được thêm sức mạnh từ chứng ngôn của các anh chị em. Tôi không có đủ lời để bày tỏ lòng biết ơn của tôi về những lời tử tế và sự ủng hộ, những sự biểu lộ yêu thương và về những lời cầu nguyện của các anh chị em.

Ngày hôm nay, tôi muốn tự cho phép được kể về một vài ký ức cá nhân.

Tôi được sinh trưởng trong một gia đình nề nếp. Tôi đã học được từ cha tôi, Joseph L. Wirthlin, giá trị của sự làm việc siêng năng và lòng trắc ẩn. Ông là giám trợ trong tiểu giáo khu của chúng tôi trong Thời Kỳ Khủng Hoảng Kinh Tế. Ông thật sự lo lắng cho những người túng quẫn. Ông tìm đến giúp đỡ những người gặp hoạn nạn không phải vì đó là bổn phận của ông mà bởi vì đó là ước muốn chân thành của ông.

Ông hết lòng chăm sóc và ban phước cho cuộc sống của nhiều người bị đau khổ. Trong tâm trí của tôi, ông là một vị giám trợ lý tưởng.

Bất cứ ai biết cha tôi đều biết ông tích cực đến mức nào. Có lần một người nào đó đã nói với tôi rằng ông có thể làm việc tương đương với công việc của ba người làm. Ông ít khi làm việc chậm lại. Vào năm 1938, ông đang điều khiển một cơ sở thương mại thành công thì ông nhận được một cú điện thoại từ Chủ Tịch của Giáo Hội, Heber J. Grant.

Chủ tịch Grant nói với ông rằng họ đang tái tổ chức Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa ngày hôm đó và muốn cha tôi phục vụ với tư cách là cố vấn cho LeGrand Richards. Điều này làm cha tôi ngạc nhiên và ông hỏi là ông có thể cầu nguyện về điều này trước được không.

Chủ tịch Grant nói: “Anh Wirthlin, chỉ còn có ba mươi phút nữa là đến phiên họp kế tiếp của đại hội và tôi muốn được nghỉ ngơi một chút. Anh nghĩ sao?”

Dĩ nhiên, cha tôi đồng ý . Ông đã phục vụ 23 năm, 9 năm trong số đó với tư cách là Giám Trợ Chủ Tọa của Giáo Hội.

Cha tôi qua đời khi ông được 69 tuổi. Tôi tình cờ được ở bên ông khi ông đột nhiên ngã quỵ. Chẳng bao lâu sau đó, ông qua đời.

Tôi thường nghĩ về cha tôi. Tôi nhớ ông.

Mẹ của tôi, Madeline Bitner, là một ảnh hưởng lớn lao khác trong cuộc đời tôi. Trong tuổi niên thiếu của bà, bà là một vận động viên giỏi và một nhà vô địch môn chạy nước rút. Bà luôn luôn tử tế và nhân từ, nhưng tốc độ làm việc của bà thì cực kỳ nhanh nhẹn. Bà thường nói: “Nhanh lên.” Và khi bà nói như vậy, thì chúng tôi làm nhanh hơn. Có lẽ đó là một trong những lý do mà tôi chạy nhanh khi tôi chơi môn bóng bầu dục.

Mẹ của tôi có kỳ vọng rất cao nơi con cái của bà và trông mong những điều tốt nhất nơi họ. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của bà: “Đừng làm một con người vô giá trị. Các con cần phải làm khá hơn.” Người vô giá trị là những từ của bà dành cho những người lười biếng và không sống với hết tiềm năng.

Mẹ của tôi qua đời khi bà được 87 tuổi và tôi thường nghĩ về mẹ tôi và nhớ bà nhiều hơn tôi có thể nói ra.

Em gái của tôi, Judith là một tác giả, nhà soạn nhạc, và nhà sư phạm. Em yêu mến nhiều điều kể cả phúc âm, âm nhạc và khảo cổ học. Sinh nhật của Judith là vài ngày trước sinh nhật tôi. Mỗi năm, tôi đều cho em một tờ Mỹ kim mới toanh làm quà tặng sinh nhật của tôi cho em. Ba ngày sau, em cho tôi 50 xu làm quà tặng sinh nhật của em cho tôi.

Judith qua đời cách đây một vài năm. Tôi nhớ em và thường nghĩ về em.

Và tiếp đến tôi muốn nói về vợ của tôi, Elisa. Tôi nhớ lại lần đầu tiên khi tôi gặp bà. Để giúp một người bạn, tôi đã đến nhà của bà để đón người chị của bà, Frances. Elisa mở cửa ra, và đối với riêng tôi, đó là tiếng sét ái tình.

Tôi nghĩ chắc bà cũng cảm thấy một điều gì đó vì những lời đầu tiên mà tôi luôn luôn nhớ bà đã nói là: “Em biết anh là ai.”

Elisa học chuyên ngành Anh Văn, nhưng đã nói câu đó không đúng ngữ pháp.

Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn trân quý năm từ đó như là một số những từ ngữ tuyệt vời nhất trong ngôn ngữ của nhân loại.

Bà thích chơi quần vợt và có tài giao bóng nhanh như chớp. Tôi cố gắng chơi quần vợt với bà nhưng cuối cùng tôi cũng phải bỏ cuộc sau khi nhận thấy rằng tôi không thể đánh trúng trái banh mà tôi không thể thấy kịp.

Bà là sức mạnh và niềm vui của tôi. Nhờ vào bà mà tôi là một người tốt hơn, người chồng và người cha tốt hơn. Chúng tôi kết hôn với nhau và có tám đứa con, và cùng nhau bước đi trong suốt 65 năm của cuộc đời.

Tôi chịu ơn vợ tôi nhiều hơn tôi có thể bày tỏ được. Tôi không biết có bao giờ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay không, nhưng theo quan điểm của tôi, thì tôi nghĩ cuộc hôn nhân của chúng tôi thì hoàn hảo.

Khi Chủ Tịch Hinckley nói chuyện tại tang lễ của Elisa, ông đã nói rằng thật là một điều đau lòng, không thể chịu đựng nổi khi mất đi người mình yêu. Nó làm day dứt lòng ta.

Ông nói đúng. Như Elisa là niềm vui lớn nhất của tôi thì giờ đây sự qua đời của bà là nỗi buồn đau đớn nhất của tôi.

Trong những giây phút cô đơn tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về những sự việc vĩnh cửu. Tôi đã suy ngẫm về các giáo lý đầy an ủi của cuộc sống vĩnh cửu.

Trong cuộc đời mình, tôi đã nghe nhiều bài thuyết giảng về Sự Phục Sinh. Giống như các anh chị em, tôi có thể thuật lại các sự kiện của ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh đầu tiên đó. Tôi đã đánh dấu vào thánh thư của tôi những đoạn nói về Sự Phục Sinh và có sẵn nhiều lời phát biểu then chốt được các vị tiên tri ngày sau đưa ra về chủ đề này.

Chúng ta biết Sự Phục Sinh là gì—sự tái hợp giữa linh hồn với thể xác trong hình thể toàn hảo của nó.1

Chủ tịch Joseph F. Smith đã nói “rằng những người mà chúng ta phải xa lìa khỏi nơi này, thì chúng ta sẽ gặp lại và trông thấy họ giống như vậy. Chúng ta sẽ gặp giống y hệt người mà chúng ta đã biết trong thể xác ở nơi đây.”2

Chủ tịch Spencer W. Kimball đào sâu thêm về điều này khi ông nói: “Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta có thể tự tưởng tượng trong tình trạng tốt nhất, về mặt thể xác, tinh thần, thuộc linh, thì chúng ta sẽ trở lại trong tình trạng đó.”3

Khi chúng ta được phục sinh, “thể xác hữu diệt này sẽ được sống lại thành một thể xác bất diệt … [chúng ta] không thể chết được nữa.”4

Các anh chị em có thể tưởng tượng được điều đó không? Cuộc đời vào lúc khỏe mạnh nhất của chúng ta không? Không hề bị bệnh, không hề đau đớn, không hề bị đè nặng bởi bệnh tật mà thường quấy rầy chúng ta trong cuộc sống hữu diệt không?

Sự Phục Sinh là trọng tâm của tín ngưỡng của chúng ta với tư cách là các Ky Tô hữu. Không có Sự Phục Sinh, thì đức tin của chúng ta vô nghĩa. Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Nếu Đấng Ky Tô đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin [chúng ta] cũng vô ích.”5

Trong suốt lịch sử của thế gian đã từng có rất nhiều vĩ nhân và người khôn ngoan, nhiều người trong số họ khẳng định là họ có kiến thức đặc biệt về Thượng Đế. Nhưng khi Đấng Cứu Rỗi sống dậy từ mộ phần, thì Ngài đã làm điều mà chưa một ai đã từng làm trước đó. Ngài đã làm điều mà không một ai khác có thể làm được. Ngài bẻ gãy những xiềng xích của cái chết, không những cho chính Ngài, mà còn cho tất cả những người sống trên thế gian—cả người công bình và không công bình.6

Khi Đấng Ky Tô sống dậy từ mộ phần, trở thành trái đầu mùa của Sự Phục Sinh, thì Ngài làm cho ân tứ đó có sẵn cho tất cả mọi người. Và với hành động cao cả đó, Ngài đã làm dịu đi nỗi buồn phiền đau đớn cùng cực mà làm day dứt lòng những người đã bị mất người thân.

Tôi nghĩ về ngày Thứ Sáu đó tối tăm biết bao khi Đấng Ky Tô bị treo trên thập tự giá.

Vào ngày thứ Sáu khủng khiếp đó mặt đất rung chuyển và trở nên tối tăm. Những trận bão kinh hoàng giáng xuống mặt đất.

Những kẻ xấu xa đó đã lấy đi mạng sống của Ngài thì vui mừng. Giờ đây Chúa Giê Su không còn nữa, chắc chắn những người đi theo Ngài sẽ tản mác. Vào ngày hôm đó, lòng họ đầy đắc thắng.

Vào ngày đó, bức màn che trong đền thờ bị xé làm hai.

Ma Ri Ma Đơ Len và Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su, lòng đều tràn ngập đau khổ và tuyệt vọng. Con người cao cả mà họ yêu thương và kính trọng bị chết treo trên thập tự giá.

Vào ngày Thứ Sáu đó, Các Vị Sứ Đồ đều ngẩn ngơ đau đớn. Chúa Giê Su, Đấng Cứu Rỗi của họ—người bước đi trên mặt nước và làm cho người chết sống lại—chính Ngài lại phó mặc mạng Ngài cho những kẻ độc ác. Họ nhìn theo mà không giúp gì được khi Ngài bị những kẻ thù của Ngài hành hạ.

Vào ngày Thứ Sáu đó, Đấng Cứu Rỗi của nhân loại bị sỉ nhục và bầm dập, bị hành hạ và chửi rủa.

Đó là ngày Thứ Sáu ngập tràn nỗi buồn đầy ngẩn ngơ đau đớn cùng cực mà làm day dứt lòng của những người yêu thương và kính trọng Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Tôi cho rằng trong số tất cả những ngày kể từ lúc khởi đầu của lịch sử thế gian này, thì ngày Thứ Sáu đó là ngày đen tối nhất.

Nhưng sự khủng khiếp của ngày đó không tồn tại.

Nỗi tuyệt vọng đã không kéo dài vì vào ngày Chúa Nhật, Chúa phục sinh đã bứt tung những xiềng xích của cái chết. Ngài bước ra khỏi mộ phần và xuất hiện trong chiến thắng vẻ vang với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của tất cả nhân loại.

Và trong chốc lát, những đôi mắt với lệ tuôn trào không ngớt đã khô ráo. Những đôi môi mà đã thì thầm những lời cầu nguyện đầy đau khổ và thương tiếc nay vang lên lời ngợi ca kỳ diệu, vì Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, đứng trước họnhư là những trái đầu mùa của Sự Phục Sinh, chứng minh rằng cái chết đơn thuần chỉ là sự khởi đầu của một cuộc sống mới và kỳ diệu.

Mỗi chúng ta sẽ có những ngày Thứ Sáu của riêng mình—những ngày mà vũ trụ tự nó dường như bị vỡ vụn và các mảnh vỡ của thế gian nằm rải rác chung quanh chúng ta. Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua những lúc tuyệt vọng khi mà dường như chúng ta không bao giờ có thể được hàn gắn lại được nữa. Tất cả chúng ta đều sẽ có những ngày Thứ Sáu của riêng mình.

Nhưng tôi làm chứng với các anh chị em trong tôn danh của Đấng đã chinh phục cái chết—rằng ngày Chúa Nhật sẽ đến. Trong bóng tối của nỗi đau buồn của chúng ta, ngày Chúa Nhật sẽ đến.

Bất luận sự tuyệt vọng của chúng ta ra sao, bất luận nỗi tiếc thương của chúng ta như thế nào, rồi ngày Chúa Nhật cũng sẽ đến. Trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau, ngày Chúa Nhật sẽ đến.

Tôi làm chứng với các anh chị em rằng Sự Phục Sinh không phải là một truyện hoang đường. Chúng ta có những chứng ngôn cá nhân của những người đã trông thấy Ngài. Hằng ngàn người trong Tân Thế Giới và Cựu Thế Giới đã chứng kiến Đấng Cứu Rỗi phục sinh. Họ đã sờ vào các vết thương nơi bàn tay, bàn chân, và bên hông Ngài. Họ đã khóc vì niềm vui vô tận khi họ ôm lấy Ngài.

Sau Sự Phục Sinh, các môn đồ đã được hồi phục lại. Họ đi khắp thế gian rao giảng tin mừng vinh quang của Phúc Âm.

Họ đã có thể chọn lẩn trốn và trở lại với cuộc sống và nghề nghiệp trước kia của mình. Cuối cùng, mối giao tình của họ với Ngài sẽ bị quên lãng.

Họ có thể chối bỏ thiên tính của Đấng Ky Tô. Tuy nhiên, họ đã không làm như vậy. Trong khi đương đầu với những hiểm nguy, sự nhạo báng, và mối đe dọa của cái chết, họ đã vào các cung điện, các đền thờ và các giáo đường, mạnh dạn rao truyền về Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử được phục sinh của Thượng Đế hằng sống.

Nhiều người trong số họ dâng hiến mạng sống quý báu của mình làm một chứng ngôn cuối cùng. Họ đã chết với tư cách là những người tuẫn đạo, chứng ngôn về Đấng Ky Tô phục sinh vẫn còn đọng trên môi họ khi họ chết.

Sự Phục Sinh đã thay đổi cuộc sống của những người chứng kiến. Vậy chẳng lẽ Sự Phục Sinh lại không thay đổi cuộc sống của chúng ta sao?

Tất cả chúng ta đều sẽ sống lại khỏi mộ phần. Và vào ngày đó, cha tôi sẽ ôm chặt lấy mẹ tôi. Vào ngày đó, một lần nữa, tôi sẽ ôm chặt Elisa yêu quý của tôi vào lòng.

Nhờ vào cuộc sống và sự hy sinh vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi của thế gian, nên chúng ta sẽ đoàn tụ với những người chúng ta yêu quý .

Vào ngày đó, chúng ta sẽ biết được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Vào ngày đó, chúng ta sẽ hân hoan rằng Đấng Mê Si đã khắc phục tất cả để chúng ta có thể sống mãi mãi.

Nhờ vào các giáo lễ thiêng liêng mà chúng ta nhận được trong các đền thờ thánh, nên sự giã từ cuộc sống trần thế ngắn ngủi này không thể tách lìa lâu dài những mối quan hệ mà đã được ràng buộc với những sợi dây tạo ra bởi những mối liên hệ vĩnh cửu.

Chứng ngôn long trọng của tôi là cái chết không phải là sự kết thúc của cuộc sống. “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Ky Tô về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết,”7 Chính vì sự sống lại của Đấng Ky Tô, “sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng.”8

Nhờ vào Đấng Cứu Chuộc yêu dấu của chúng ta nên chúng ta mới có thể cất cao tiếng nói của mình, ngay cả trong những ngày Thứ Sáu đen tối nhất của mình, và nói: “Hỡi sự chết, sự thắng của mày ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mày ở đâu?”9

Khi Chủ Tịch Hinckley nói về sự cô đơn khủng khiếp đã đến với những người bị mất đi những người thân của họ thì ông cũng hứa rằng trong màn đêm tĩnh lặng một giọng nói êm dịu nhỏ nhẹ không ai nghe thấy được sẽ mách bảo sự bình an với tâm hồn của chúng ta: “Tất cả tốt, mọi điều đẹp.”

Tôi vô cùng biết ơn về các giáo lý chân chính tuyệt vời của phúc âm và về ân tứ Đức Thánh Linh mà đã mách bảo với tâm hồn tôi những lời nói đầy an ủi và bình an mà đã được vị tiên tri yêu quý của chúng ta hứa.

Từ tận đáy sâu của nỗi buồn của tôi, tôi đã hân hoan trong vinh quang của phúc âm. Tôi hân hoan rằng Tiên Tri Joseph Smith đã được chọn để phục hồi phúc âm trên thế gian trong gian kỳ sau cùng này. Tôi hân hoan rằng chúng ta có một vị tiên tri, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, là người điều khiển Giáo Hội của Chúa trong thời của chúng ta.

Cầu xin cho chúng ta hiểu và sống trong sự biết ơn về các ân tứ vô giá mà đến với chúng ta với tư cách là các con trai và các con gái của một Cha Thiên Thượng nhân từ và về lời hứa của cái ngày tươi sáng đó khi tất cả chúng ta đều sẽ sống lại một cách vẻ vang khỏi mộ phần.

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn biết rằng bất luận ngày Thứ Sáu có đen tối như thế nào đi nữa, thì ngày Chúa Nhật cũng sẽ đến, là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem An Ma 11:43.

  2. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (1998), 91.

  3. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 45.

  4. An Ma 11:45.

  5. 1 Cô Rinh Tô 15:14.

  6. Xin xem Giăng 5:28–29.

  7. 1 Cô Rinh Tô 15:19.

  8. 1 Cô Rinh Tô 15:54.

  9. 1 Cô Rinh Tô 15:55.