2006
Sự Chuộc Tội Có Thể Tẩy Sạch, Cải Đổi và Thánh Hóa Cuộc Sống của Chúng Ta
Tháng Mười Một năm 2006


Sự Chuộc Tội Có Thể Tẩy Sạch, Cải Đổi và Thánh Hóa Cuộc Sống của Chúng Ta

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô dành sẵn cho mỗi người chúng ta. Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn.

Ở Idaho Falls, Idaho có một phi trường rất xinh đẹp. Là một trong số các phi trường lớn nhất, phi trường này cho phép đi đến trung tâm khu vực Snake River Valley. Tôi nhớ khi còn là một thanh niên đã từ Chí Lợi trở về đến chính phi trường này và đón mừng gia đình tôi sau hai năm phục vụ truyền giáo. Những cảnh tượng tương tự đã xảy ra hằng ngàn lần tại phi trường này khi Các Thánh Hữu trung tín đáp lời kêu gọi đi phục vụ. Đó là một phần rất hữu ích, không thể thiếu của thành phố và trong vùng.

Gần phi trường là một phần khác rất hữu dụng và xinh đẹp của thành phố—Công Viên Freeman. Con sông Snake River chạy dọc theo công viên này khoảng hai dặm. Có một con đường đi ngang qua công viên và dọc theo con sông dài nhiều dặm.

Công Viên Freeman rộng nhiều mẫu cỏ xanh với các sân chơi bóng chày, xích đu cho trẻ em, các nơi ăn ngoài trời cho những buổi họp mặt gia đình, các lối đi xinh đẹp với cây cối và bụi cây cho những cặp tình nhân đi tản bộ. Từ công viên nhìn xuống dòng sông, người ta có thể thấy đền thờ Idaho Falls đầy uy nghiêm, trắng ngần và thanh khiết, đang đứng trên vùng đất cao. Tiếng nước chảy của sông Snake River khi nó uốn lượn ngang qua vùng đất dung nham trồi lên một cách tự nhiên khiến cho công viên này trở nên rất hấp dẫn. Đó là một trong những chỗ ưa thích của tôi để đi bộ với người yêu của tôi, Lynette; thư giãn, trầm ngâm và suy ngẫm. Đó là một chỗ rất yên tịnh và đầy soi dẫn.

Tại sao tôi lại nói về phi trường địa phương và công viên Freeman này ở Idaho Falls? Vì chúng được xây cất trên cùng một vùng đất; cả hai chỗ xinh đẹp này đã từng là các khu phế thải.

Một khu phế thải rác là nơi mà rác được chôn ở giữa những lớp đất. Tự điển Webster định nghĩa bãi rác là “một hệ thống phế thải rác rưởi mà trong đó đồ phế thải được chôn ở giữa các lớp đất để đắp thành nền đất” (Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, 11th xuất bản [2003], 699).

Một định nghĩa khác của khu phế thải rác là “một chỗ mà rác được chôn và đất được biến đổi.” Định nghĩa của từ biến đổi là “từ bỏ hành vi sai trái hoặc không thích đáng … để cứu thoát khỏi một tình trạng đáng chê trách” (1039).

Tôi đã sống ở Idaho Falls gần hết đời mình. Tôi đã đóng góp rất nhiều rác rưởi cho những khu phế thải rác đó trong hơn 50 năm.

Nhà cầm quyền thành phố sẽ nghĩ gì nếu vào một ngày nào đó tôi xuất hiện trên một trong số các phi đạo của phi trường Idaho Falls hoặc ở giữa những cánh đồng cỏ ở Công Viên với một cái máy cào và bắt đầu đào những lỗ lớn? Khi họ hỏi tôi đang làm gì thì tôi sẽ đáp rằng tôi muốn bới lên rác cũ mà tôi đã bỏ trong nhiều năm.

Tôi nghĩ là họ sẽ bảo tôi rằng không có cách gì để nhận ra rác của riêng tôi, bởi vì nó đã bị biến đổi và chôn cách đây rất lâu. Tôi chắc là họ sẽ bảo tôi rằng tôi không có quyền bới rác lên và rằng tôi đang hủy hoại một điều gì rất xinh đẹp và hữu dụng mà họ đã làm từ rác của tôi. Tóm lại, tôi không nghĩ rằng họ sẽ hài lòng với tôi lắm. Tôi thiết tưởng họ sẽ tự hỏi tại sao một người nào đó lại muốn hủy hoại một điều gì xinh đẹp và hữu dụng như vậy bằng cách cố gắng bới rác cũ lên.

Có thể nào biến đổi được một cuộc sống mà qua sự thiếu kiềm chế đã trở nên vỡ vụn với rác rưởi đến nỗi người ấy dường như không thể nào nhận được sự tha thứ không? Hoặc việc một người đang chân thành cố gắng nhưng lại tái phạm tội lỗi rất nhiều lần đến nỗi người ấy cảm thấy rằng không còn có cách nào để có thể thoát ra mô thức dường như vô tận đó thì sao? Hoặc việc một người đã thay đổi cuộc sống của mình nhưng không thể nào tha thứ cho mình được thì sao?

Khi nói đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tiên tri An Ma đã dạy những người dân ở Ghi Đê Ôn rằng:

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.

“Giờ đây, Thánh Linh biết hết mọi điều; tuy vậy, Vị Nam Tử của Thượng Đế vẫn phải chịu thống khổ theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài; và giờ đây này, đây là chứng ngôn hằng có trong tôi” (An Ma 7:11–13).

Cũng như khi nói đến Sự Chuộc Tội, Gia Cốp em trai của Nê Phi đã dạy rằng: “Vậy nên cần phải có một sự chuộc tội vô hạn—nếu không có sự chuộc tội vô hạn thì sự hư nát này sẽ không thể trở thành sự không hư nát được. Vậy nên, sự đoán phạt đầu tiên đến với loài người cần phải được tồn tại bất tận. Và nếu điều đó xảy ra, thì xác thịt này chắc đã phải nằm xuống, bị rữa nát và tan rã trong lòng đất mẹ, mà không bao giờ chỗi dậy được nữa” (2 Nê Phi 9:7).

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô dành sẵn cho mỗi người chúng ta. Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn, áp dụng cho mọi người, ngay cả cho các anh chị em. Sự Chuộc Tội có thể tẩy sạch, cải đổi và thánh hóa; ngay cả các anh chị em. Đó là định nghĩa của từ vô hạn—hoàn toàn, trọn vẹn, tất cả, mãi mãi. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy: “Không có thói quen, sự say mê, sự chống đối, sự phạm giới, sự bội giáo, tội lỗi nào được xá miễn khỏi lời hứa về sự tha thứ trọn vẹn. Đó là lời hứa về sự chuộc tội của Đấng Ky Tô” (“The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 20).

Cũng giống như khu phế thải rác đòi hỏi công việc tận tụy và sự chăm sóc chu đáo, siêng năng lắp đầy rác từng lớp một để biến đổi đất dưới sâu, thì cuộc sống của chúng ta cũng cần có sự thận trọng như vậy, tiếp tục lắp đầy từng lớp một ân tứ của sự hối cải có khả năng chữa lành.

Cũng giống như nhà cầm quyền thành phố ở Idaho Falls sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng về một người cố gắng bới rác cũ của họ lên, thì Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, cũng cảm thấy buồn phiền khi chúng ta chọn ở trong tội lỗi khi mà ân tứ của sự hối cải có thể thực hiện được qua Sự Chuộc Tội mà có thể tẩy sạch, biến đổi và thánh hóa cuộc sống của chúng ta.

Khi chấp nhận và sử dụng ân tứ quý báu này bằng sự biết ơn thì chúng ta có thể vui hưởng vẻ xinh đẹp và sự hữu dụng của cuộc sống của mình mà Thượng Đế đã biến đổi qua tình yêu thương vô hạn của Ngài và Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài và người anh Giê Su Ky Tô của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, rằng Sự Chuộc Tội của Ngài là có thật và rằng qua phép lạ của sự tha thứ, Ngài có thể làm cho mỗi người chúng ta được trong sạch lại, ngay cả các anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.