2006
Nhận Được qua Thánh Linh
Tháng Mười Một năm 2006


Nhận Được qua Thánh Linh

Khi chú trọng đến việc tìm kiếm và tiếp nhận Thánh Linh, chúng ta trở nên kém quan tâm hơn đến một giảng viên hoặc người nói chuyện đang làm cho chúng ta chú ý đến họ mà quan tâm hơn đến việc chúng ta chú ý đến Thánh Linh.

Một buổi sáng nọ khi tôi đang phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi ở Beaumont, Texas, thì người bạn đồng hành của tôi bị bệnh và cần phải nghỉ ngơi. Vâng theo lời khuyên dạy của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của chúng tôi trong những tình huống như vậy, tôi đã kéo một cái ghế ra cạnh bên cánh cửa sổ đang mở trong căn hộ của chúng tôi nằm trên tầng thứ tư và bắt đầu đọc Sách Mặc Môn.

Chẳng mấy chốc tôi đã đắm mình trong thánh thư, và sau một lúc, tôi đọc đến An Ma chương 29, câu 1 và 2:

“Ôi, ước gì tôi là một thiên sứ và có được sự ước muốn của lòng tôi, để tôi có thể đi khắp nơi và nói lên bằng tiếng kèn của Thượng Đế, bằng một giọng nói làm rung chuyển địa cầu, và rao truyền sự hối cải cho mọi người!

“Phải, tôi sẽ rao truyền cho từng người, bằng tiếng sấm sét, về sự hối cải và kế hoạch cứu chuộc, để họ hối cải mà đến với Thượng Đế của chúng ta, hầu không còn thêm một sự sầu khổ nào nữa trên khắp mặt đất này.”

Trong khi tôi suy ngẫm về những lời này của An Ma, thì chúng trở nên rất quen thuộc với tôi. Người bạn đồng hành của tôi và tôi đã gõ hằng trăm cánh cửa ở Beaumont, đề nghị chia sẻ sứ điệp của chúng tôi nhưng ít được thành công. Trong tâm trí mình, tôi bắt đầu tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào nếu tôi là một thiên sứ và có thể kêu gọi sự hối cải với một giọng nói làm rung chuyển địa cầu. Tôi nhìn ra cửa sổ nơi có những người qua lại dưới đường. Tôi tưởng tượng nó sẽ như thế nào nếu tôi đứng nơi đó sáng ngời giống như một thiên sứ, với đôi tay giơ cao, cất tiếng nói sấm sét. Tôi hình dung các tòa nhà sẽ rung động và người ta ngã xuống đất. Trong những tình huống mà tôi tưởng tượng ra thì họ có thể có một ước muốn bất ngờ để nghe điều tôi phải nói!

Nhưng rồi tôi đọc câu kế tiếp: “Nhưng này, tôi chỉ là một người, và tôi cũng phạm tội ngay cả trong điều ước muốn của tôi nữa; vì lẽ ra tôi phải hài lòng về những điều mà Chúa đã ban phát cho tôi” (câu 3).

Tôi khiêm nhường để nhận biết rằng Chúa yêu thương tất cả con cái của Ngài và có một kế hoạch cho công việc của Ngài. Công việc của tôi là thi hành phần vụ của mình.

Tôi cũng khiêm nhường để nhận biết một điều khác nữa. Trong giây phút đó, tôi biết rằng điều tôi đang đọc không phải là điều tưởng tượng mà là có thật—đó là sự thật. Trong khi tôi đọc một cách yên lặng và thanh thản, tôi đã thật sự được dẫy đầy sự sáng và với sự nhận biết rằng An Ma này là một người thật sự, rằng ông đã từng sống trên thế gian và ông đã có ước muốn sâu xa để chia sẻ sứ điệp phúc âm với những người khác.

Nếu các anh chị em hỏi tôi trong giây phút đó: “Anh có biết đây là điều có thật không?” thì tôi sẽ đáp rằng: “Chắc hẳn rồi!” Vào thời điểm đó, tôi thấy rõ rằng tôi đã nhận được một lời chứng thuộc linh về lẽ thật của Sách Mặc Môn.

Trong khi tôi suy ngẫm về kinh nghiệm đó—và nhiều bằng chứng như thế kể từ lúc ấy—thì tôi đã tiến đến sự hiểu biết rõ ràng hơn việc nhận được qua Thánh Linh thì thiết yếu và quan trọng biết bao. Chúng ta thường chú trọng một cách thích đáng vào tầm quan trọng của việc giảng dạy qua Thánh Linh. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng Chúa đã đặt tầm quan trọng ngang bằng, nếu không muốn nói là lớn hơn, trong việc nhận được qua Thánh Linh. (Xin xem GLGƯ 50:17–22.)

Việc nhận được như vậy là một mẫu mực cơ bản của phúc âm. Nó được đề ra trong chính giáo lễ mà qua đó chúng ta được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Trong giáo lễ này, chúng ta được chỉ thị phải “tiếp nhận Đức Thánh Linh.” Đây là một lời mời trang trọng để hành động, tiếp nhận ân tứ lớn lao này.

Khi tôi trở nên ý thức hơn về nguyên tắc này, tôi thấy rằng thánh thư đầy dẫy giáo lý của việc tiếp nhận. Như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Không một sứ điệp nào được lặp đi lặp lại trong thánh thư nhiều lần, trong nhiều cách thức bằng ‘Hãy cầu xin rồi các ngươi sẽ nhận được’” (“Reverence Invites Revelation,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 21).

Trọng tâm chính của cuộc sống hữu diệt của chúng ta là sự chọn lựa để nhận Chúa Giê Su làm Đấng Ky Tô. Sứ đồ Giăng đã dạy:

“Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:11–12).

Một người không thể không tự hỏi có bao nhiêu ân tứ và phước lành chung quanh mình mà chúng ta không nhận được. Chúa đã phán: “Vì nó có lợi ích gì cho một người nếu một ân tứ được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận ân tứ ấy? Này, kẻ đó không vui sướng với điều được ban cho và cũng chẳng vui với Đấng ban ân tứ cho mình” (GLGƯ 88:33).

Trong các buổi họp Giáo Hội của chúng ta, trong việc học hỏi thánh thư riêng cá nhân và chung gia đình của chúng ta, và ngay cả ngày hôm nay khi chúng ta lắng nghe lời của các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa thì một số người trong chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn những người khác. Tại sao? Tôi biết được rằng những người thật sự nhận được thì đã làm ít nhất ba điều mà những người khác có thể đã không làm.

Trước hết, họ tìm kiếm. Chúng ta sống trong một thế giới thích vui chơi, một thế giới bàng quang. Nếu không biết điều đó, thì chúng ta có thể tự thấy mình đến đại hội hoặc đi nhà thờ với thái độ: “Tôi đây này; bây giờ hãy soi dẫn cho tôi đi.” Chúng ta trở nên thụ động phần thuộc linh.

Thay vì thế, khi chú trọng đến việc tìm kiếm và tiếp nhận Thánh Linh, chúng ta trở nên kém quan tâm hơn đến một giảng viên hoặc người nói chuyện đang làm cho chúng ta chú ý đến họ mà quan tâm hơn đến việc chúng ta chú ý đến Thánh Linh. Hãy nhớ rằng tiếp nhận là một động từ. Đó là một nguyên tắc hành động. Đó là một sự biểu lộ cơ bản về đức tin.

Thứ nhì, những người nhận được thì cảm thấy được. Mặc dù sự mặc khải đến với tâm trí nhưng hầu như nó thường được cảm nhận. Trừ phi chúng ta học cách chú ý đến những cảm nghĩ thuộc linh này thì chúng ta thường không nhận ra Thánh Linh.

Trong một cuộc nói chuyện mới đây của tôi với một trong số các con dâu của tôi, cô ta gợi ý rằng chúng ta còn có thể giúp các trẻ nhỏ trở nên ý thức về những cảm nghĩ này về Thánh Linh. Chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi chẳng hạn như: “Em cảm thấy như thế nào khi chúng ta cùng đọc câu thánh thư này? Em cảm thấy Thánh Linh thúc giục em làm điều gì?” Đây là những câu hỏi rất hay cho tất cả mọi chúng ta. Chúng cho thấy ước muốn để tiếp nhận.

Thứ ba, những người nhận được qua Thánh Linh có ý định hành động. Như tiên tri Mô Rô Ni đã dạy, để nhận được sự làm chứng về Sách Mặc Môn, chúng ta phải cầu vấn “với chủ ý thật sự” (Mô Rô Ni 10:4). Thánh Linh giảng dạy khi chúng ta có ý định chân thành để làm một điều gì đó về những gì mà chúng ta học được.

Khi đọc lại những điều ghi trong nhật ký của mình để hiểu và học thêm từ kinh nghiệm của mình khi là người truyền giáo, tôi đã nhận thấy rằng mặc dù tôi đã đọc Sách Mặc Môn trước đó nhưng điều đã xảy ra ở Beaumont vào buổi sáng ấy thì khác biệt vì tôi khác biệt. Tôi thiếu kinh nghiệm, ít nhất là vào dịp đó tôi đã chân thành cố gắng tìm kiếm và cảm nhận, và ý định của tôi là hành động trong đức tin về điều mà tôi đã học được. Giờ đây tôi biết rằng những sự làm chứng như thế thì thường có sẵn cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta chịu tiếp nhận những sự làm chứng đó.

Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Phúc âm đã được phục hồi và chúng ta thật sự đang ở nơi hiện diện của các sứ đồ và các vị tiên tri hiện đại.

Tôi cầu nguyện rằng ngày hôm nay và mãi mãi, chúng ta sẽ học hỏi để nhận được nhiều hơn, rằng chúng ta thật sự hân hoan về ân tứ này lẫn về “Đấng ban ân tứ này cho mình.”

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.