2006
Vai Trò Môn Đồ
Tháng Mười Một năm 2006


Vai Trò Môn Đồ

Một trong những phước lành lớn lao nhất của cuộc sống và thời vĩnh cửu là việc chúng ta được tính vào số các môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô.

Một số đông người đã đi theo Đấng Cứu Rỗi khi Ngài thuyết giảng ở bờ Biển Ga Li Lê. Để có nhiều người hơn có thể được nghe Ngài nói, Chúa đã lên thuyền đánh cá của Phi E Rơ và bảo họ chèo thuyền ra xa bờ hơn một chút. Sau khi Ngài đã giảng dạy xong, Ngài bảo Phi E Rơ, là người đã đánh cá suốt đêm mà không thành công, hãy chèo thuyền ra giữa hồ và thả lưới xuống chỗ nước sâu. Phi E Rơ vâng lời và bắt được rất nhiều cá đến nỗi lưới cá bị rách. Phi E Rơ gọi những người bạn chài của mình là Gia Cơ và Giăng đến giúp đỡ. Tất cả mọi người đều kinh ngạc về số lượng cá bắt được. Chúa Giê Su phán cùng Phi E Rơ: “Đừng sợ chi, từ nay trở đi, các ngươi sẽ nên tay đánh lưới người.” Rồi Lu Ca đã kể thêm cho chúng ta biết: “Họ đem thuyền vào bờ bỏ hết thảy mà theo Ngài.”1 Họ trở thành các môn đồ của Chúa.

Từ disciple (môn đồ) lẫn từ discipline (kỷ luật) đều có gốc từ tiếng La Tinh—discipulus, từ này có nghĩa là học trò. Nó nhấn mạnh đến việc luyện tập hoặc thực hành. Sự kỷ luật tự giác và sự tự chủ là những cá tính kiên định và vĩnh viễn của các tín đồ của Chúa Giê Su, như đã được tiêu biểu bởi Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, họ quả thật đã “bỏ hết thảy mà theo Ngài.”

Vai trò môn đồ là gì? Nó chủ yếu là sự vâng theo Đấng Cứu Rỗi. Vai trò môn đồ gồm có nhiều điều. Nó là sự trinh khiết. Nó là việc đóng tiền thập phân. Nó là buổi họp tối gia đình. Nó là việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh. Nó là việc từ bỏ bất cứ điều gì mà không tốt cho chúng ta. Mọi điều trong cuộc sống có cái giá của nó. Khi nghĩ đến lời hứa lớn lao của Đấng Cứu Rỗi về sự bình an trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thì vai trò môn đồ thật đáng giá. Nó là một cái giá mà chúng ta không thể không trả. Nếu so sánh, thì những đòi hỏi của vai trò môn đồ ít hơn rất nhiều so với những phước lành đã được hứa.

Các môn đồ của Đấng Ky Tô được kêu gọi không những phải từ bỏ việc theo đuổi những sự việc của thế gian mà còn phải vác cây thập tự hằng ngày. Vác cây thập tự có nghĩa là tuân theo các lệnh truyền của Ngài và xây đắp giáo hội của Ngài trên thế gian. Nó cũng có nghĩa là sự tự chủ.2 Như Chúa Giê Su ở Na Xa Rét đã dạy chúng ta rằng: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.”3 “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.”4

Những lời của một bài ca ưa thích trong Hội Thiếu Nhi vang vọng cho những người đi theo Đức Thầy:

Em cố gắng trở nên như Chúa Giê Su;

Em đi theo lối của Ngài.

Em cố gắng yêu thương như Ngài đã yêu thương,

Trong mọi lời nói hay việc làm của em.5

Chúng ta hãy suy nghĩ về một số điều mà Chúa Giê Su đã làm để tất cả chúng ta đều có thể làm theo.

  1. Chúa Giê Su “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”6 Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều tốt mỗi ngày —cho một người trong gia đình, một người bạn, hoặc ngay cả một người lạ —nếu chúng ta chịu tìm kiếm các cơ hội ấy.

  2. Chúa Giê Su là một Đấng Chăn Hiền Lành, là Đấng chăm sóc đàn chiên của Ngài và lo lắng cho những con chiên thất lạc.7 Chúng ta có thể đi tìm kiếm những người cô đơn hoặc những người kém tích cực và làm bạn với họ.

  3. Chúa Giê Su có lòng thương xót đối với nhiều người, kể cả những người bị bệnh phong nghèo khó.8 Chúng ta cũng có thể có lòng thương xót. Chúng ta được nhắc nhở trong Sách Mặc Môn rằng chúng ta phải “sẵn sàng than khóc với những ai than khóc.”9

  4. Chúa Giê Su đã làm chứng về giáo vụ thiêng liêng của Ngài và công việc vĩ đại của Cha Ngài. Về phần của chúng ta, tất cả chúng ta đều có thể “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào.”10

  5. Chúa Giê Su đã mời gọi “ con trẻ đến cùng Ngài.”11 Con cái chúng ta cần sự chú ý và tình thương yêu cùng sự chăm sóc của chúng ta.

Các tín đồ đích thực của Đấng Cứu Rỗi cần phải chuẩn bị để hy sinh mạng sống của mình, và một số người đã có đặc ân để làm như vậy. Sách Giáo Lý và Giao Ước khuyên chúng ta:

“Không một người nào phải sợ bỏ mạng sống của mình vì ta; vì kẻ nào bỏ mạng sống của mình vì ta sẽ tìm lại được nó,

“Và kẻ nào không sẵn lòng bỏ mạng sống của mình vì ta thì không phải là môn đồ của ta.”12

Chúng ta đọc trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ câu chuyện về môn đồ Ê Tiên là người “đầy ơn và quyền làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân.”13 Ê Tiên đối đầu với một nhóm người nghe đầy thù nghịch ở Giê Ru Sa Lem mà đã tố gian rằng ông đã lộng ngôn mặc dù ông đã hóa hình trước mắt họ. Ê Tiên đã làm chứng về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi và khi ông kêu gọi họ phải hối cải thì một số người trong đám đông đã tức giận ông. “Nhưng người được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê Su đứng bên hữu Đức Chúa Trời.”14 Ngay cả khi ông bị ném đá chết, lời nói cuối cùng từ miệng của Ê Tiên là: “Lạy Chúa xin đừng đổ tội nầy cho họ.”15

Trong những ngày đầu của Giáo Hội ở Mễ Tây Cơ, có hai vị lãnh đạo trung tín là môn đổ của Đấng Ky Tô đã bị tuẫn đạo vì tín ngưỡng của họ. Hai người bị mất mạng sống là Rafael Monroy và Vincente Morales.

Trong thời kỳ Cách Mạng Mễ Tây Cơ, Rafael Monroy là chủ tịch của một chi nhánh nhỏ San Marcos Mexico và Vincente Morales là đệ nhất cố vấn của ông. Vào ngày 17 tháng Bảy năm 1915, họ bị nhóm Zapatistas bắt giam. Họ được cho biết rằng họ sẽ được tha mạng nếu họ từ bỏ vũ khí của họ và chối bỏ tôn giáo xa lạ của họ. Anh Monroy nói với những người bắt anh rằng anh không có vũ khí nào cả rồi anh rút ra từ túi áo mình chỉ một quyển Kinh Thánh và Sách Mặc Môn. Anh nói: “Thưa quí ông, đây là những vũ khí duy nhất mà tôi hằng mang theo; chúng là cánh tay của lẽ thật để chống lại đều sai lạc.”

Khi không tìm thấy được vũ khí, những người anh em này bị tra tấn dã man để bắt họ khai ra nơi chôn dấu vũ khí. Nhưng họ không có vũ khí. Rồi họ bị giải đi ra vùng ngoại ô của một thị trấn nhỏ, nơi mà những người bắt họ cho họ đứng trước một cây trần bì cổ thụ đối diện một đội hành quyết. Vị sĩ quan chỉ huy hứa thả tự do cho họ nếu họ chịu chối bỏ tôn giáo của mình và gia nhập nhóm Zapatistas, nhưng Anh Monroy trả lời rằng: “Tôn giáo của tôi còn quí hơn mạng sống của tôi và tôi không thể chối bỏ nó được.”

Rồi họ được cho biết rằng họ sẽ bị bắn chết, và được hỏi là họ có yêu cầu điều gì không. Anh Rafael xin được cầu nguyện trước khi bị tử hình. Nơi đó, trước sự hiện diện của đội hành quyết, anh đã quỳ xuống và với tiếng nói để tất cả mọi người đều nghe được, anh đã cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ ban phước và bảo vệ những người thân của anh và chăm sóc chi nhánh nhỏ bé đang gặp khó khăn mà sẽ thiếu người lãnh đạo. Khi anh kết thúc cầu nguyện, anh đã dùng lời nói của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài bị treo trên cây thập tự và cầu nguyện cho người hành hình mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.”16 Sau đó đội hành quyết bắn chết Anh Monroy lẫn Anh Morales.17

Cách đây vài năm, tôi có đến Mễ Tây Cơ để tái tổ chức một chủ tịch đoàn giáo khu. Khi tôi điều khiển những cuộc phỏng vấn, tôi có được đặc ân để làm quen với một trong những con cháu của Rafael Monroy. Tôi rất cảm phục chứng ngôn sâu xa và sự cam kết với phúc âm của người này. Khi tôi hỏi người này điều gì đã xảy ra cho những con cháu khác của Anh Monroy, thì người này nói rằng nhiều người trong số họ đã đi truyền giáo và tiếp tục trung tín trong Giáo Hội.

Trong những ngày đầu của Giáo Hội, các môn đồ khác ngoài Joseph Smith và Hyrum Smith ra cũng đã hy sinh mạng sống của mình cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Lòng trung tín của Edward Partridge, vị giám trợ đầu tiên của Giáo Hội đã được ghi chép lại trong sách Giáo Lý Và Giao Ước.18 Vào ngày 20 tháng Bảy năm 1833, Edward đang ngồi ở nhà vói người vợ ốm yếu vì mới sinh con. Ba tên khủng bố đã xông vào nhà và lôi ông ra ngoài đường đầy hỗn loạn rồi áp giải ông đến một khuôn viên nơi mà họ cũng vừa mới bắt Charles Allen. Một đám khủng bố khoảng 300 người đòi hỏi qua người phát ngôn của họ rằng Edward và Charles hoặc là chối bỏ đức tin của họ nơi Sách Mặc Môn hoặc là rời khỏi quận hạt này. Edward Partridge trả lời: “Nếu tôi phải chịu đau khổ cho tôn giáo của tôi, thì điều đó cũng không hơn những gì mà những người khác đã chịu trước tôi. Tôi không cố ý làm tổn thương bất cứ ai trong quận hạt này vậy nên tôi sẽ không chịu bỏ đi. Tôi đã không làm điều gì để làm phật lòng ai cả. Nếu các người hành hạ tôi, thì các người đang làm thương tổn một người vô tội.” Rồi đám đông khủng bố bôi hắc ín nóng có chứa bồ tạt, một chất axít làm cháy da, lên khắp mình mẩy của Edward và Charles, và sau đó chúng rắc lông gà vào người họ để nó dính vào dầu hắc nóng.19

Vài năm sau đó, Tiên Tri Joseph Smith đã mô tả cái chết của Edward vào lúc 46 tuổi bằng những lời này: “Anh đã hy sinh mạng sống của mình vì hậu quả của sự ngược đãi ở Missouri, và anh là một trong số những người mà máu của họ sẽ được đòi hỏi từ tay của những kẻ ấy.”20 Edward Partridge đã để lại một di sản mà còn tồn tại nơi con cháu đông đảo và ngay chính.

Tuy nhiên, đối với đa số chúng ta, điều đòi hỏi không phải là để chết cho Giáo Hội, mà là để sống cho Giáo Hội. Đối với nhiều người, việc sống một cuộc sống như Đấng Ky Tô hằng ngày có thể còn khó khăn hơn là việc hy sinh mạng sống của mình. Tôi biết được trong thời chiến có rất nhiều người đã có khả năng làm những hành động vô vị kỷ , anh hùng, và cao thượng, bất kể mạng sống của mình. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt và họ trở về nhà, thì họ lại không vác nổi gánh nặng của cuộc sống bình thường và trở thành nô lệ cho thuốc lá, rượu chè, ma túy, và những điều trụy lạc khác, mà cuối cùng đã khiến họ phải mất mạng sống của mình.

Có người có thể nói rằng: “Tôi chỉ là một con người giản dị. Tôi không có tiếng tăm hay địa vị gì cả. Tôi còn mới trong Giáo Hội. Tài năng và khả năng của tôi rất giới hạn. Sự đóng góp của tôi rất nhỏ.” Hoặc họ có thể nói: “Tôi quá già để thay đổi. Tôi đã sống đời mình rồi. Tại sao tôi phải cố gắng chứ?” Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Vai trò Môn Đồ không phát sinh từ địa vị quan trọng, sự giàu sang, hay học thức sâu rộng. Các môn đồ của Chúa Giê Su đến từ mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, vai trò môn đồ đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ sự phạm giới xấu xa và vui hưởng những điều mà Chủ Tịch Kimball gọi là “phép lạ của sự tha thứ.”21 Điều này chỉ có thể đến nhờ vào sự hối cải, có nghĩa là chúng ta từ bỏ tội lỗi và quyết tâm mỗi ngày để trở thành người đi theo lẽ thật và sự ngay chính. Như Chúa Giê Su đã dạy: “Các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải giống như ta vậy.”22

Nhiều người nghĩ rằng cái giá của vai trò môn đồ quá đắt và quá nặng nề. Đối với một số người thì điều đó gồm có việc hy sinh quá nhiều. Nhưng cây thập tự không nặng nề như ta thấy. Qua sự vâng lời chúng ta sẽ đạt được nhiều sức mạnh hơn để gánh nó.

“Hỡi kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách của ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”23

Việc chúng ta tự cho là môn đồ sẽ đến khi chúng ta nói một cách chắc chắn rằng lối đi của Ngài đã trở thành lối đi của chúng ta.

Các phước lành của vài trò môn đồ dành sẵn cho tất cả những người sẵn lòng chịu trả cái giá của nó. Vai trò môn đồ đem lại mục đích cho cuộc sống của chúng ta để thay vì đi lang thang không mục đích thì chúng ta bước đi vững vàng trên con đường thẳng và hẹp mà dẫn chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Vai trò môn đồ đem lại cho chúng ta niềm an ủi trong những lúc đau khổ, sự yên ổn trong lương tâm, và niềm vui trong sự phục vụ—tất cả những điều này đều giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su hơn.

Qua vai trò môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ tiến đến việc biết và tin tưởng trong tâm trí mình các nguyên tắc và giáo lễ cứu rỗi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Qua vai trò môn đồ của mình chúng ta tiến đến việc biết ơn về sứ mệnh cao cả của Tiên Tri Joseph Smith trong việc phục hồi các nguyên tắc cứu rỗi đó trong thời kỳ của chúng ta. Chúng ta hân hoan vì các chìa khóa và thẩm quyền của của chức tư tế đã được truyền xuống qua các vị chủ tịch của Giáo Hội từ Tiên Tri Joseph Smith cho đến vị tiên tri hiện nay của chúng ta là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Chúng ta biết ơn rằng trong vai trò của chúng ta làm môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta tiến đến việc vui hưởng lời hứa của Ngài về “sự bình an trên thế gian này,”24 với sự mãn nguyện, hạnh phúc, và sự hoàn tất. Qua vai trò môn đồ của mình, chúng ta có thể nhận được sức mạnh thuộc linh mà chúng ta cần để đối phó với những thử thách của cuộc đời.

Một trong những phước lành lớn lao của cuộc sống và thời vĩnh cửu là việc chúng ta được tính vào số các môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi có một chứng ngôn sâu đậm về lẽ thật này, đó là điều mà tôi làm chứng, trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Lu Ca 5:1–11.

  2. Xin xem An Ma 39:9, cước chú b.

  3. Lu Ca 9:23.

  4. Lu Ca 14:27.

  5. “I’m Trying to Be like Jesus,” Children’s Songbook, 78–79.

  6. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  7. Xin xem Ma Thi Ơ 15:24; Giăng 10:1–12.

  8. Xin xem Mác 1:40–42.

  9. Mô Si A 18:9.

  10. Mô Si A 18:9.

  11. Mác 10:14.

  12. GLGƯ 103:27–28.

  13. Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8.

  14. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55.

  15. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:60.

  16. Lu Ca 23:34.

  17. Xin xem Rey L. Pratt, “A Latter-day Martyr,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1918, 720–26.

  18. Xin xem GLGƯ 124:19.

  19. Xin xem B. H. Roberts, A Comprehensive History of the Church, 1:333; Andrew Jenson, Latter-day Saint Biographical Encyclopedia, 4 tập (1901–36), 1:220.

  20. History of the Church, 4:132.

  21. Xin xem The Miracle of Forgiveness (1969), 362.

  22. 3 Nê Phi 27:27.

  23. Ma Thi Ơ 11:28–30.

  24. GLGƯ 59:23.