Đại Hội Trung Ương
Hãy Mặc Lấy Đức Chúa Giê Su Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Hãy Mặc Lấy Đức Chúa Giê Su Ky Tô

Qua việc tôn trọng các giao ước của mình, chúng ta để cho Thượng Đế trút xuống vô số phước lành đã được hứa mà gắn liền với các giao ước đó.

Trong khi nuôi dạy hai đứa con nhỏ nhất, tôi đã khám phá ra những quyển sách không chỉ vừa có tính giải trí vừa có tính tương tác mà còn sử dụng các hình ảnh biểu tượng trong những câu chuyện. Khi chúng tôi cùng nhau đọc sách vào buổi tối, tôi thích giúp các con của mình hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh biểu tượng mà tác giả đang dùng để dạy các nguyên tắc sâu xa hơn, thậm chí là các nguyên tắc phúc âm.

Tôi biết điều này đã thấm nhuần vào các con mình khi mà đứa con trai út của tôi bước vào tuổi dậy thì. Nó bắt đầu đọc một quyển sách mới và chỉ muốn thưởng thức câu chuyện, nhưng tâm trí nó cứ cố gắng tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn trong mọi câu chữ nó đang đọc. Nó thì bực bội, nhưng tôi thì mừng thầm trong lòng.

Chúa Giê Su giảng dạy qua các câu chuyện và biểu tượng11: Ngài dùng một hột cải để dạy về quyền năng của đức tin,2 dùng một con chiên đi lạc để dạy về giá trị của con người,3 hay dùng câu chuyện người con trai hoang phí để dạy về đặc tính của Thượng Đế.4 Các câu chuyện ngụ ngôn của Ngài giàu tính biểu tượng, để qua đó, Ngài có thể dạy những bài học sâu sắc hơn cho những người có “tai để nghe”.5 Nhưng những ai không tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn sẽ không hiểu được,6 cũng giống như nhiều người đã đọc những quyển sách mà tôi đã đọc cho con cái mình lại chẳng bao giờ biết được có những ý nghĩa sâu xa hơn và nhiều bài học hơn từ các câu chuyện đó.

Khi Thượng Đế Đức Chúa Cha mang Con Trai Độc Sinh của Ngài làm của lễ hy sinh cho chúng ta, chính Chúa Giê Su Ky Tô đã trở thành biểu tượng vĩ đại nhất về tình yêu thương bất tận mà Cha Thiên Thượng dành cho mỗi người chúng ta.7 Chúa Giê Su Ky Tô trở thành Chiên Con của Thượng Đế.8

Chúng ta có đặc ân và phước lành khi được mời bước vào một mối quan hệ giao ước với Thượng Đế, mà từ đó cuộc sống của chúng ta có thể trở thành một biểu tượng cho giao ước đó. Các giao ước tạo ra một mối quan hệ cho phép Thượng Đế uốn nắn và thay đổi chúng ta qua thời gian, và nâng chúng ta lên để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, mang chúng ta ngày càng đến gần Ngài và Cha của chúng ta hơn9, rồi cuối cùng chuẩn bị cho chúng ta bước vào chốn hiện diện của hai Ngài.

Mỗi người trên thế gian đều là một người con trai hoặc con gái yêu dấu của Thượng Đế.10 Khi chúng ta chọn trở thành một phần của giao ước, nó củng cố và thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng khi chúng ta chọn để lập các giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài có thể trở nên gần gũi hơn so với trước khi có giao ước, và nó cho phép Ngài ban cho chúng ta thêm nhiều lòng thương xót và tình yêu thương, là tình yêu thương trong giao ước mà được gọi là hesed (he-xẹt) trong tiếng Hê Bơ Rơ.11 Con đường giao ước chính là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế—tức là mối quan hệ yêu thương của chúng ta với Ngài.12

Cha của chúng ta muốn có một mối quan hệ sâu sắc hơn với mọi con trai và con gái của Ngài,13 nhưng điều đó là lựa chọn của chúng ta. Khi chúng ta chọn để đến gần Ngài hơn qua một mối quan hệ giao ước, nó cho phép Ngài đến gần chúng ta hơn14 và ban phước cho chúng ta một cách trọn vẹn hơn.

Thượng Đế đặt ra những điều kiện và bổn phận của giao ước mà chúng ta lập.15 Khi chúng ta chọn bước vào mối quan hệ đó, chúng ta làm chứng với Ngài qua các hành động mang tính biểu tượng trong từng giao ước rằng chúng ta sẵn lòng tuân theo các điều kiện mà Ngài đặt ra.16 Qua việc tôn trọng các giao ước của mình, chúng ta để cho Thượng Đế trút xuống vô số phước lành đã được hứa mà gắn liền với những giao ước đó17 kể cả thêm quyền năng để thay đổi và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hơn. Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm trong mọi giao ước mà chúng ta lập, và các phước lành giao ước có được là nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài.18

Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước là biểu tượng cho cánh cổng mà chúng ta cần bước qua để tiến vào một mối quan hệ giao ước với Thượng Đế. Việc dìm mình xuống nước và trỗi dậy lần nữa tượng trưng cho cái chết của Đấng Cứu Rỗi và Sự Phục Sinh vào đời sống mới.19 Khi chúng ta chịu phép báp têm, nó biểu tượng cho việc chúng ta chết và được sinh lại vào gia đình của Đấng Ky Tô, và cho thấy chúng ta sẵn lòng mang lấy danh Ngài.20 Chính chúng ta là hiện thân cho tính biểu tượng trong giao ước đó. Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc rằng: “Anh em thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng [Ky Tô], đều mặc lấy Đấng [Ky Tô] vậy.”21 Với phép báp têm của mình, chúng ta đã mặc lấy Đấng Ky Tô một cách tượng trưng.

Giáo lễ Tiệc Thánh cũng hướng về Đấng Cứu Rỗi. Bánh và nước là biểu tượng cho thân thể và máu của Đấng Ky Tô đã đổ ra vì chúng ta.22 Ân tứ Sự Chuộc Tội của Ngài được ban cho chúng ta một cách tượng trưng khi một người nắm giữ chức tư tế, đại diện cho chính Đấng Cứu Rỗi, mời chúng ta dùng bánh và nước. Khi chúng ta thực hiện hành động ăn và uống các biểu tượng cho thể xác và máu của Ngài, Đấng Ky Tô đã trở thành một phần trong chúng ta, một cách tượng trưng.23 Một lần nữa, chúng ta mặc lấy Đấng Ky Tô khi lập một giao ước mới mỗi tuần.24

Khi lập các giao ước với Thượng Đế trong nhà của Chúa, chúng ta càng thắt chặt mối quan hệ của mình với Ngài hơn.25 Mọi việc chúng ta làm trong đền thờ đều hướng đến kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta, mà tâm điểm của kế hoạch đó là Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài.26 Chúa sẽ chỉ dạy cho chúng ta từng chút một27 qua tính biểu tượng của các giáo lễ và giao ước khi chúng ta mở lòng và thành tâm tìm cách để hiểu các ý nghĩa sâu xa hơn.

Là một phần trong lễ thiên ân đền thờ, chúng ta được phép mặc bộ trang phục của thánh chức tư tế. Việc đó vừa là một bổn phận thiêng liêng, vừa là một đặc ân thiêng liêng.

Trong nhiều truyền thống tôn giáo, các bộ trang phục đặc biệt được mặc ra bên ngoài để làm biểu tượng cho niềm tin của một người và sự cam kết với Thượng Đế,28 và lễ phục thường được mặc bởi những người hướng dẫn các nghi lễ thờ phượng. Những bộ lễ phục thiêng liêng đó mang ý nghĩa sâu sắc đối với những người mặc chúng. Chúng ta đọc trong thánh thư rằng vào thời xưa, y phục thiêng liêng cũng được mặc trong các nghi lễ đền thờ.29

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, những ai trong chúng ta đã chọn để lập giao ước với Thượng Đế trong nhà của Chúa đều khoác lên mình các bộ lễ phục thiêng liêng khi thờ phượng trong đền thờ, tượng trưng cho y phục được mặc trong các nghi lễ đền thờ thời xưa. Chúng ta cũng mặc trang phục của thánh chức tư tế, cả khi thờ phượng trong đền thờ lẫn trong cuộc sống hằng ngày.30

Bộ trang phục của thánh chức tư tế cũng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc và hướng về Đấng Cứu Rỗi. Khi A Đam và Ê Va ăn trái của cây hiểu biết điều thiện và điều ác và phải rời khỏi Vườn Ê Đen, họ được ban cho áo bằng da thú để che thân.31 Có vẻ như việc một con vật phải bị hy sinh để làm ra những bộ quần áo bằng da thú đó đã tượng trưng cho sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta. Kaphar (ka-fa) là một từ gốc Hê Bơ Rơ nói về sự chuộc tội, và một trong những ý nghĩa của nó là “để che chắn.”32 Trang phục đền thờ nhắc nhở chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi và những phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ che chắn cho chúng ta trong suốt cuộc sống của mình. Khi chúng ta mặc lấy bộ trang phục của thánh chức tư tế mỗi ngày, biểu tượng tuyệt đẹp ấy trở thành một phần của chúng ta.

Trong Kinh Tân Ước, sách Rô Ma, chúng ta đọc rằng: “Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. … Hãy mặc lấy Đức Chúa Giê Su Ky Tô.”33

Tôi vô cùng biết ơn khi có đặc ân để mặc trang phục của thánh chức tư tế, nó nhắc nhở tôi rằng Đấng Cứu Rỗi và các phước lành của Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài sẽ luôn luôn che chắn cho tôi trên suốt cuộc hành trình trần thế này. Nó cũng nhắc tôi nhớ rằng khi tôi tuân giữ các giao ước mà tôi đã lập với Thượng Đế trong nhà của Chúa, thì tôi đã mặc lấy Đấng Ky Tô, một cách tượng trưng, bởi Ngài là áo giáp sáng láng. Ngài sẽ bảo vệ tôi khỏi sự tà ác,34 ban quyền năng và gia tăng khả năng cho tôi,35 và là ánh sáng dẫn dắt tôi36 qua bóng tối và những khó khăn của thế gian này.

Có một ý nghĩa sâu sắc và đẹp đẽ trong bộ trang phục của thánh chức tư tế và mối quan hệ của nó với Đấng Ky Tô. Tôi tin rằng sự sẵn lòng của tôi 37 để mặc bộ trang phục thánh trở thành biểu tượng của tôi đối với Ngài.38 Đây là dấu hiệu cá nhân của tôi cho Thượng Đế thấy và không phải là một dấu hiệu cho những người khác thấy.39

Tôi vô cùng biết ơn Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.40 Sự hy sinh chuộc tội của Ngài cho chúng ta đã trở thành biểu tượng vĩ đại nhất về tình yêu thương vô hạn mà Ngài và Cha trên Trời dành cho mỗi người chúng ta,41 với các biểu tượng hữu hình của tình yêu thương và sự hy sinh đó, chính là các dấu đinh trên tay, chân, và hông của Đấng Cứu Rỗi, mà vẫn còn lưu lại sau Sự Phục Sinh của Ngài.42

Khi tuân giữ các giao ước và bổn phận của tôi với Thượng Đế, kể cả việc mặc trang phục thánh chức tư tế, chính cuộc sống của tôi có thể trở thành một biểu tượng cá nhân về tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc dành cho Đấng Cứu Rỗi của tôi, Chúa Giê Su Ky Tô, và tượng trưng cho ước ao của tôi để luôn luôn có Ngài bên cạnh.

Nếu anh chị em chưa làm như vậy, thì tôi mời anh chị em hãy chọn để có một mối quan hệ sâu sắc hơn với Thượng Đế bằng cách lập các giao ước với Ngài trong nhà của Chúa. Hãy nghiên cứu các bài nói chuyện của vị tiên tri của chúng ta (kể cả những lời giảng dạy tuyệt vời trong các cước chú, mà hầu hết các bài nói chuyện đại hội nào cũng có). Ông đã nhiều lần nói về các giao ước trong nhiều năm và nhất là từ khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội. Hãy học hỏi những lời giảng dạy của ông về các phước lành tuyệt vời cùng quyền năng và khả năng sẽ được gia tăng cho anh chị em qua việc lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế.43

Sách Hướng Dẫn Tổng Quát nói rằng không bắt buộc phải có một sự kêu gọi phục vụ truyền giáo hoặc phải đính hôn để lập các giao ước đền thờ.44 Một người phải từ 18 tuổi trở lên, không còn theo học trung học hoặc chương trình tương đương, là tín hữu của Giáo Hội được ít nhất một năm. Người đó cũng cần giữ các tiêu chuẩn về sự thánh thiện cá nhân.45 Nếu anh chị em có mong muốn thắt chặt mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách lập các giao ước thiêng liêng trong nhà của Chúa, thì tôi mời anh chị em gặp với vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình và nói cho ông ấy biết về các mong muốn của anh chị em. Ông ấy sẽ giúp anh chị em biết cách chuẩn bị để tiếp nhận và tôn trọng các giao ước đó.

Qua một mối quan hệ giao ước với Thượng Đế, cuộc sống của chính chúng ta có thể trở thành một biểu tượng sống động về sự cam kết và tình yêu sâu sắc dành cho Cha trên Trời, là hesed của chúng ta dành cho Ngài,46 và ước muốn của chúng ta để tiến triển và cuối cùng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi của mình, được sẵn sàng cho ngày bước vào chốn hiện diện của hai Ngài. Tôi làm chứng rằng các phước lành lớn lao của mối quan hệ giao ước đó rất đáng để có được. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.