Đại Hội Trung Ương
Bị Nuốt Trọn trong Niềm Vui về Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Bị Nuốt Trọn trong Niềm Vui về Đấng Ky Tô

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng lắng nghe những lời khẩn cầu đẫm nước mắt của anh chị em và sẽ luôn đáp lại bằng sự thông sáng toàn hảo.

Anh Cả Kearon này, chúng tôi rất yêu quý anh. Tôi có thể mượn chất giọng đặc biệt của anh trong 10 phút được không?

Các Phép Lạ được Khao Khát

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta biết có một người Ba Ti Mê bị mù đã kêu cầu Chúa Giê Su để xin nhận được một phép lạ. “Đức Chúa [Giê Su] phán: Đi đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi. Tức thì người mù được sáng mắt.”1

Trong một lần khác, một người đàn ông ở Bết Sai Đa đã mong mỏi được chữa lành. Tuy nhiên, phép lạ ấy không đến ngay lập tức. Mà đúng hơn là, Chúa Giê Su ban phước cho ông hai lần trước khi ông “được sáng mắt.”2

Trong ví dụ thứ ba, Sứ Đồ Phao Lô “đã ba lần cầu nguyện Chúa” trong nỗi thống khổ của ông,3 tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng ta, thì lời cầu khẩn tha thiết của ông đã không được ban cho.

Ba người khác nhau. Ba kinh nghiệm riêng biệt.

Vì vậy, có một câu hỏi rằng: Tại sao một số người nhận được phép lạ mà họ khao khát một cách nhanh chóng, trong khi những người khác kiên nhẫn chịu đựng, trông đợi Chúa?4 Chúng ta có thể không biết lý do tại sao, nhưng biết ơn thay, chúng ta biết Ngài, là Đấng “yêu thương [chúng ta]”5 và “đã làm mọi điều vì sự an lạc và hạnh phúc [của chúng ta].”6

Các Mục Đích Thiêng Liêng

Thượng Đế, là Đấng nhìn thấy sự cuối cùng từ lúc ban đầu,7 đã trấn an rằng: “Nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.”8 và chúng sẽ được biệt riêng “thành lợi ích cho [ngươi].”9

Để giúp chúng ta tìm thấy thêm ý nghĩa trong những thử thách của mình, Anh Cả Orson F. Whitney đã dạy: “Không có nỗi đau đớn nào mà chúng ta phải chịu đựng, không có thử thách nào mà chúng ta phải trải qua đều vô ích cả. Điều đó giúp chúng ta học hỏi. … Tất cả … những gì chúng ta [kiên nhẫn] chịu đựng … đều xây dựng tính cách cho chúng ta, thanh tẩy tấm lòng, mở rộng tâm hồn, và làm cho chúng ta dịu dàng và bác ái hơn. … Chính qua những buồn rầu và đau khổ, cực nhọc và khổ sở, mà chúng ta mới học được điều khiến chúng ta đến đây để học và sẽ làm cho chúng ta giống như [cha mẹ thiên thượng] của mình hơn.”10

Khi hiểu rằng “sức mạnh của Đấng Ky Tô [sẽ] đặt trên [ông]” trong những nỗi đau khổ của mình, Sứ Đồ Phao Lô đã khiêm nhường nói: “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.”11

Những khó khăn của cuộc sống thử thách chúng ta.12 Chính Chúa Giê Su Ky Tô cũng “đã học … vâng lời” và được làm cho “trọn lành … nhờ sự [thử thách].”13

Và một ngày nào đó, Ngài sẽ phán truyền với lòng trắc ẩn rằng: “Ta đã luyện ngươi, ta đã chọn ngươi từ trong lò gian khổ.”14

Việc tin cậy vào các mục đích thiêng liêng của Thượng Đế mang đến hy vọng cho những tâm hồn rệu rã và khơi dậy quyết tâm trong những giai đoạn thống khổ và đau lòng.15

Các Quan Điểm Thiêng Liêng

Cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc quý báu này: “Khi chúng ta nhìn mọi việc với quan điểm vĩnh cửu, thì điều đó sẽ làm nhẹ gánh nặng của chúng ta một cách đáng kể.”16

Hình Ảnh
Holly và Trey Porter.

Vợ tôi, Jill, và tôi mới vừa chứng kiến lẽ thật này trong cuộc sống trung tín của chị Holly và anh Rick Porter; đứa con trai 12 tuổi của họ, Trey, đã qua đời trong một trận hỏa hoạn bi thương. Với đôi tay và bàn chân bị bỏng nặng trong nỗ lực để cứu đứa con trai yêu quý của mình, về sau, Holly đã làm chứng trong buổi lễ Tiệc Thánh của tiểu giáo khu về sự bình an và niềm vui lớn lao mà Chúa đã trút xuống cho gia đình chị trong nỗi thống khổ của họ, bằng cách sử dụng những từ như kỳ diệu, phi thường, và đáng kinh ngạc.

Hình Ảnh
Cái nắm tay chữa lành.

Nỗi đau đớn không thể chịu đựng nổi của người mẹ yêu quý ấy đã được thay thế bằng sự bình an tột bậc với ý nghĩ này: “Đôi tay của tôi không phải là đôi tay có thể cứu lấy con mình. Đôi bàn tay ấy thuộc về Đấng Cứu Rỗi! Thay vì nhìn vào những vết sẹo của mình như là một lời nhắc nhở về điều mà tôi đã không thể làm được, thì tôi nhớ đến những vết sẹo mà Đấng Cứu Rỗi đã mang.”

Lời chứng của chị Holly đã ứng nghiệm với lời hứa từ vị tiên tri của chúng ta: “Khi nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên, anh chị em sẽ nhìn những thử thách và sự tương phản dưới một khía cạnh mới.”17

Anh Cả D. Todd Christofferson đã tuyên bố rằng: “Tôi tin rằng thử thách của việc vượt qua và phát triển từ nghịch cảnh đã thu hút chúng ta khi Thượng Đế trình bày kế hoạch cứu chuộc của Ngài trong tiền dương thế. Giờ đây, chúng ta nên tiếp cận thử thách đó khi biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ nâng đỡ chúng ta. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hướng về Ngài. Nếu không có Thượng Đế, thì những kinh nghiệm đen tối của sự gian khổ và nghịch cảnh thường dẫn đến sự nản lòng, tuyệt vọng, và thậm chí cay đắng.”18

Các Nguyên Tắc Thiêng Liêng

Để tránh bóng tối của sự bất mãn và thay vào đó là tìm thấy sự bình an, hy vọng, và thậm chí là niềm vui lớn lao trong những thử thách khó khăn trong cuộc sống, tôi xin chia sẻ ba nguyên tắc thiêng liêng như lời mời gọi.

Một—đức tin vững mạnh hơn đến từ việc đặt Chúa Giê Su Ky Tô lên trên hết.19 Ngài phán: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”20 Chủ Tịch Nelson đã dạy:

“Cuộc sống vĩnh cửu [của chúng ta] tùy thuộc vào đức tin [của chúng ta] nơi Ngài và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài.”21

“Trong khi vật lộn với cơn đau dữ dội do thương tích gần đây của mình gây ra, tôi càng cảm thấy biết ơn sâu đậm hơn đối với Chúa Giê Su Ky Tô và ân tứ không thể hiểu nổi về Sự Chuộc Tội của Ngài. Hãy suy nghĩ về điều đó! Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng ‘mọi sự đau đớn, thống khổ cùng mọi cám dỗ’ để Ngài có thể an ủi, chữa lành, [và] giải cứu chúng ta trong những lúc hoạn nạn.”22

Ông nói tiếp: “Thương tích của tôi đã khiến tôi nhiều lần suy ngẫm về ‘sự vĩ đại của Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên.’ Trong tiến trình chữa lành cho tôi, Chúa đã biểu hiện quyền năng thiêng liêng của Ngài một cách yên lặng và rõ ràng.”23

Đấng Cứu Rỗi khuyến khích: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”24

Hai—hy vọng tươi sáng hơn đến từ việc hình dung về số mệnh vĩnh cửu của chúng ta.25 Khi nói về quyền năng vốn có trong việc tuân giữ “một mục tiêu về các phước lành lạ thường đã được hứa của Đức Chúa Cha … cho mỗi người chúng ta mỗi ngày,” Chị Linda S. Reeves đã làm chứng rằng: “Tôi không biết lý do tại sao chúng ta có rất nhiều thử thách như vậy, nhưng thưa các [anh chị em], cá nhân tôi nghĩ rằng phần thưởng là rất lớn, … đầy niềm vui và vượt quá sự hiểu biết của chúng ta đến nỗi trong ngày nhận phần thưởng đó, chúng ta có thể cảm thấy phải thưa với Đức Chúa Cha đầy lòng thương xót và nhân từ: ‘Chỉ đòi hỏi bao nhiêu thôi sao!’ … Nhưng điều đó sẽ quan trọng gì … những gì chúng ta chịu đựng ở đây, nếu cuối cùng, những thử thách đó … làm cho chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được cuộc sống vĩnh cửu … trong vương quốc của Thượng Đế?26

Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc này: “Hãy suy nghĩ về câu trả lời của Chúa dành cho Joseph Smith khi ông cầu khẩn được giúp đỡ trong Ngục Thất Liberty. Chúa đã dạy cho Vị Tiên Tri rằng việc ông bị đối xử tàn bạo sẽ đem lại kinh nghiệm và lợi ích cho ông. Chúa đã hứa: ‘Nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.’ Chúa đang dạy Joseph phải nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên và phần thưởng vĩnh cửu thay vì tập trung vào những khó khăn tột cùng trong ngày.”27

Sự thay đổi trong quan điểm của Joseph đã mang lại sự thánh hóa sâu sắc hơn, như được thể hiện trong bức thư này gửi đến một người bạn: “Sau khi bị giam trong những bức tường của nhà tù suốt năm tháng, dường như lòng tôi sẽ luôn dịu dàng hơn bao giờ hết. … Tôi nghĩ tôi không bao giờ có được cảm giác như bây giờ, nếu như tôi không hứng chịu những điều sai trái mà tôi đã hứng chịu.”28

Ba—quyền năng lớn lao hơn đến bằng cách tập trung vào niềm vui.29 Trong những giờ phút quan trọng và đau đớn nhất của thời vĩnh cửu, Đấng Cứu Rỗi đã không chùn bước mà nhận lấy chén đắng.30 Ngài đã làm điều đó bằng cách nào? Chúng ta biết được “Vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, [Đấng Ky Tô] chịu lấy thập tự giá,”31 ý muốn của Ngài “lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha.”32

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.

Cụm từ “lọt vào” làm tôi vô cùng xúc động. Sự chú ý của tôi càng tăng cao khi biết rằng trong tiếng Tây Ban Nha chữ “lọt vào” được dịch là “tiêu tan”; trong tiếng Đức là “nuốt chửng”, và trong tiếng Trung Quốc là “nhấn chìm.” Vì thế, khi những thử thách của cuộc sống trở nên đau đớn cùng cực và quá sức chịu đựng, thì tôi nhớ đến lời hứa của Chúa—rằng chúng ta “khỏi phải chịu một nỗi đau khổ nào, vì sự đau khổ đã bị nuốt trọn [tiêu tan, nuốt chửng, và nhấn chìm] trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”33

Tôi thấy niềm vui này ở rất nhiều người trong số anh chị em, là niềm vui mà “[bất chấp] … nhận thức của người trần thế,”34 thậm chí khi chén đắng của anh chị em vẫn chưa được cất bỏ. Xin cảm ơn anh chị em đã tuân giữ các giao ước của mình và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế.35 Cảm ơn anh chị em đã tìm đến để mang phước lành đến cho tất cả chúng ta, trong khi “tấm lòng đau đớn vì mang lầm lỗi mãi của riêng [anh chị em] mà không ai biết được.”36 Chủ Tịch Camille N. Johnson dạy rằng khi anh chị em mang sự cứu giúp của Đấng Cứu Rỗi đến cho người khác, thì anh chị em tìm được điều đó cho chính mình.37

Những Lời Hứa Thiêng Liêng

Bây giờ, hãy cùng tôi quay lại buổi lễ Tiệc Thánh nơi chúng ta đã chứng kiến phép lạ về việc gia đình Holly Porter được Chúa giúp đỡ.38 Khi đang suy ngẫm về điều tôi có thể nói để mang đến sự an ủi cho gia đình phi thường này và những người bạn của họ, thì ý nghĩ này đã đến: “Hãy dùng lời của Đấng Cứu Rỗi.”39 Vậy nên tôi xin kết thúc trong ngày hôm nay như tôi đã làm vào ngày Sa Bát đó, bằng lời của Ngài, “những lời làm hàn gắn một tâm hồn bị tổn thương.”40

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”41

“Ta cũng sẽ làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình, mặc dù trong lúc các ngươi vẫn còn ở trong vòng nô lệ; … để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ.”42

“Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.”43

Lời Chứng của Tôi

Với lòng tôn kính đầy hân hoan, tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống và “những lời hứa của Ngài là chắc chắn.”44 Đặc biệt đối với anh chị em mà đang gặp khó khăn hoặc “bị đau đớn vì nguyên do nào khác,”45 tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng nghe lời khẩn cầu đẫm nước mắt của anh chị em46 và sẽ luôn đáp lại bằng sự thông sáng toàn hảo.47 “Cầu xin Thượng Đế khiến cho gánh nặng của [anh chị em] sẽ được nhẹ đi,”48 thậm chí “bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô” như Ngài đã làm cho gia đình chúng tôi trong những lúc khó khăn tột cùng.49 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.