Đại Hội Trung Ương
Nối Kết Hai Giáo Lệnh Lớn
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Nối Kết Hai Giáo Lệnh Lớn

Khả năng của chúng ta để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô tùy thuộc vào sức mạnh và quyền năng của chúng ta để sống theo các giáo lệnh thứ nhất và thứ hai với sự cân bằng và lòng tận tụy đồng đều.

Lời Giới Thiệu

Khi Lesa vợ tôi và tôi đi khắp nơi trên thế giới thi hành chỉ định của mình, chúng tôi tận hưởng đặc ân được gặp gỡ với các anh chị em trong các giáo đoàn lớn và nhỏ. Lòng tận tụy của các anh chị em đối với công việc của Chúa đã nâng cao tinh thần của chúng tôi và là bằng chứng về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi trở về nhà sau mỗi chuyến đi và tự hỏi liệu mình có thể cho đi nhiều như đã nhận được hay không.

Hình Ảnh
Cầu Cầu Vồng.
Hình Ảnh
Cầu Thanh Mã.
Hình Ảnh
Cầu Tháp.

Trong những chuyến đi, chúng tôi có rất ít thời gian để ngắm cảnh. Tuy nhiên, khi có thể, tôi đều dành ra một chút thời gian cho một niềm đam mê đặc biệt. Tôi quan tâm đến kiến trúc, thiết kế và có một niềm đam mê đặc biệt với các cây cầu. Những cây cầu treo làm tôi kinh ngạc. Cho dù đó là Cầu Cầu Vồng ở Tokyo, Cầu Thanh Mã ở Hồng Kông, Cầu Tháp ở Luân Đôn, hoặc những cây cầu khác mà tôi đã thấy, tôi đều ngạc nhiên trước tài thiết kế và kỹ thuật xây dựng bên trong các công trình kiến trúc phức tạp này. Những cây cầu đưa chúng ta đến những nơi mà chúng ta không thể đến được. (Trước khi tiếp tục, tôi xin lưu ý rằng từ lúc sứ điệp này đã được chuẩn bị, một vụ tai nạn cầu thảm khốc đã xảy ra ở Baltimore. Chúng ta thương tiếc vì sự mất mát của nhiều sinh mạng và xin gửi lời chia buồn đến các gia đình bị ảnh hưởng.)

Một Cây Cầu Treo Tráng Lệ

Mới đây, một sự chỉ định về đại hội đã mang tôi tới California, nơi mà một lần nữa tôi đi ngang qua Cầu Cổng Vàng mang tính biểu tượng, được xem là một kỳ quan thế giới về kỹ thuật xây dựng. Kiến trúc hoành tráng này liên kết cả hình thức thẩm mỹ, lẫn mục đích công năng, cũng như kỹ thuật xây dựng siêu việt. Đó là một cây cầu treo kinh điển với hai cái tháp hình cái chặn sách, được hỗ trợ bởi hai móng cầu đồ sộ. Những cái tháp đôi khổng lồ, hùng vĩ, chịu được sức nặng cao vút trên đại dương là những yếu tố đầu tiên được xây cất. Những cái tháp này cùng chịu tải trọng của dây cáp chính có thể nới rộng được của cầu treo và của dây cáp treo thẳng đứng để đỡ cho lòng cầu bên dưới. Khả năng ổn định phi thường—sức mạnh của tháp cầu—là điều kỳ diệu đằng sau công trình xây dựng cây cầu.

Hình Ảnh
Cầu Cổng Vàng đang trong giai đoạn thi công.

Quận Cầu Cổng Vàng

Những hình ảnh thời kỳ đầu của công trình xây dựng cây cầu là minh chứng cho nguyên lý kỹ thuật này. Mỗi yếu tố của cây cầu được hỗ trợ chịu lực từ các tháp cầu đối xứng, cả hai đều được kết nối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.

Hình Ảnh
Cầu Cổng Vàng đang trong giai đoạn thi công.

Kho Lưu Trữ của Getty Images/Underwood

Khi cây cầu được hoàn thành, với hai tháp cầu được đóng trụ vững chắc vào đúng vị trí và hai móng cầu được neo chặt vào nền đá gốc, nó thật là hình ảnh của sức mạnh và vẻ đẹp.

Hình Ảnh
Cầu Cổng Vàng.

Hôm nay, tôi mời anh chị em hãy nhìn xem cây cầu uy nghi này—với hai tháp cầu cao vút được xây trên một nền móng vững chắc—qua lăng kính phúc âm.

Gần cuối giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, trong thời gian mà ngày nay chúng ta gọi là Tuần Thánh, một người Pha Ri Si là một thầy dạy luật1 đã hỏi Đấng Cứu Rỗi một câu hỏi mà ông biết là hầu như không thể trả lời được:2 “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Người thầy dạy luật, đang “thử Ngài” và tìm kiếm một câu trả lời về luật pháp, với ý định tưởng chừng như lừa dối, đã nhận được một câu trả lời chân thành, thánh thiện, thiêng liêng.

“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.” Hãy lắng nghe cách so sánh về cây cầu của chúng ta, cái tháp đầu tiên!

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” Đây là cái tháp thứ hai!

“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”3 Các yếu tố còn lại của cây cầu!

Hãy xem xét từng giáo lệnh trong hai giáo lệnh lớn, được mặc khải và đọc lại trong câu trả lời của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta làm như vậy, hãy để cho hình ảnh của cây cầu treo tráng lệ phản chiếu trong tâm trí của anh chị em.

Yêu Thương Chúa

Thứ nhất, phải yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, tâm hồn, và tâm trí của mình.

Trong câu trả lời này, Chúa Giê Su Ky Tô tóm tắt trọng tâm của luật pháp được thể hiện trong những lời giảng dạy thiêng liêng của Kinh Cựu Ước. Việc yêu mến Chúa đặt trọng tâm trước hết vào tấm lòng của anh chị em—bản chất của anh chị em. Chúa đòi hỏi anh chị em yêu thương với tất cả tâm hồn của mình4—toàn bộ con người của anh chị em mà đã được biệt riêng—và cuối cùng, phải yêu thương với tất cả tâm trí của mình—trí thông minh và trí tuệ của anh chị em. Tình yêu thương dành cho Thượng Đế không bị giới hạn hoặc hạn chế. Tình yêu thương này là vô hạn và vĩnh cửu.

Đối với tôi, việc áp dụng giáo lệnh lớn thứ nhất đôi khi có thể cảm thấy như là trừu tượng, thậm chí còn dễ nản lòng. Với lòng biết ơn, khi tôi xem xét kỹ hơn những lời của Chúa Giê Su, thì giáo lệnh này trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”5 Tôi có thể làm điều này. Tôi có thể yêu mến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, điều này sẽ dẫn đến việc cầu nguyện, học thánh thư, và thờ phượng trong đền thờ. Chúng ta yêu mến Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử qua việc đóng tiền thập phân, giữ ngày Sa Bát được thánh, sống một cuộc sống đức hạnh và trinh khiết, và vâng lời.

Tình yêu mến Chúa thường được đo lường bằng những hành động nhỏ nhặt hằng ngày, với nỗ lực để tiếp tục bước đi trên con đường giao ước: đối với những người trẻ tuổi, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để khen ngợi thay vì chê bai; rời khỏi buổi tiệc, buổi xem phim, hoặc sinh hoạt nơi có nhưng điều trái ngược với các tiêu chuẩn của mình; cho thấy sự tôn kính đối với những điều thiêng liêng.

Hãy xem xét ví dụ đầy xúc động này. Đó là ngày Chủ Nhật nhịn ăn khi Vance6 và tôi gõ cửa một căn nhà nhỏ, đơn sơ. Chúng tôi cùng với các thầy trợ tế khác trong nhóm túc số đã mong đợi nghe những lời như: “Mời vào,” thân thiện vang lên bằng giọng Đức nặng đủ lớn để nghe thấy qua cánh cửa. Chị Muellar là một trong vài góa phụ nhập cư trong tiểu giáo khu. Cô ấy không thể mở cửa một cách dễ dàng, vì cô ấy bị mù. Khi chúng tôi bước vào căn nhà tối lờ mờ, cô ấy chào hỏi chúng tôi bằng những câu hỏi ân cần: Các em tên gì? Các em khỏe không? Các em có yêu mến Chúa không? Chúng tôi trả lời và chia sẻ rằng chúng tôi đến để nhận của lễ nhịn ăn của cô ấy. Dù trẻ tuổi, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy rõ hoàn cảnh nghèo khó cùng câu trả lời đầy đức tin thật cảm động của cô ấy: “Tôi đã đặt một đồng xu lên bàn sáng nay. Tôi rất biết ơn được dâng của lễ nhịn ăn của mình. Các em có thể vui lòng bỏ nó vào phong bì và điền vào giấy biên nhận của lễ nhịn ăn được không?” Lòng yêu mến Chúa của cô ấy đã nâng cao đức tin của chúng tôi mỗi lần chúng tôi ra khỏi nhà cô ấy.

Vua Bên Gia Min đã hứa quyền năng phi thường sẽ được ban cho những người tuân theo giáo lệnh lớn thứ nhất. “Tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền. … Họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng … ở trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”7

Yêu mến Chúa sẽ dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu!

Hãy Yêu Mến Người Lân Cận Mình

Chúa Giê Su bèn phán: “Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”8 Đây là ngọn tháp thứ hai của cây cầu.

Ở đây, Chúa Giê Su nối kết cái nhìn của chúng ta hướng lên trên thiên thượng, để yêu mến Chúa, với cái nhìn hướng ra bên ngoài thế giới, để yêu thương đồng bào của mình. Cái này phụ thuộc vào cái kia. Tình yêu mến Chúa không trọn vẹn nếu chúng ta thờ ơ với người lân cận của mình. Tình yêu thương này dành cho người khác gồm có tất cả con cái của Thượng Đế mà không phân biệt giới tính, tầng lớp xã hội, chủng tộc, bản năng giới tính, thu nhập, tuổi tác, hoặc sắc tộc. Chúng ta tìm kiếm những người bị tổn thương và đau khổ, bị xem thường, vì “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”9 Chúng ta “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”10

Hãy xem xét ví dụ này: Anh Evans11 rất ngạc nhiên khi được thúc giục phải dừng xe lại và gõ cửa nhà của một gia đình xa lạ. Khi một người mẹ góa của hơn 10 đứa con ra mở cửa, anh dễ dàng nhận thấy hoàn cảnh khó khăn và vô cùng thiếu thốn của gia đình. Nhu cầu trước tiên thì khá đơn giản, sơn lại căn nhà mà tiếp theo đó là những năm tháng phục sự về mặt vật chất lẫn thuộc linh cho gia đình này.

Về sau, người mẹ đầy biết ơn này đã viết về người bạn mà thiên thượng đã gửi đến cho mình: “Bạn đã dành cả cuộc đời mình để tìm đến những người thấp kém nhất trong chúng ta. Tôi rất thích nghe những điều Chúa nói với bạn khi Ngài bày tỏ lòng biết ơn của Ngài về điều tốt lành mà bạn đã làm về mặt tài chính và thuộc linh cho những người mà chỉ có bạn và Ngài mới biết được. Cảm ơn bạn đã ban phước cho chúng tôi trong rất nhiều cách, … cho những người truyền giáo mà bạn đã gửi đến. … Tôi thường tự hỏi liệu Chúa đã chọn riêng bạn hay bạn chỉ là người chịu lắng nghe.”

Việc yêu thương người lân cận của anh chị em gồm có những hành động nhân từ và phục vụ giống như Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể buông bỏ hận thù, tha thứ cho kẻ thù, chào đón và phục sự những người lân cận của mình, và giúp đỡ người cao niên không? Mỗi anh chị em sẽ được soi dẫn khi xây dựng ngọn tháp yêu thương của mình dành cho người lân cận.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Việc giúp đỡ người khác—tận tâm lo lắng cho người khác cũng [nhiều bằng] hoặc nhiều hơn là chúng ta lo lắng cho bản thân mình—là niềm vui của chúng ta. Đặc biệt … là khi điều đó không thuận tiện và đòi hỏi chúng ta phải làm một điều gì đó mà chúng ta thường không thoải mái để làm. Việc sống theo giáo lệnh lớn thứ hai đó là chìa khóa để trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.”12

Một Sự Phụ Thuộc Lẫn Nhau

Chúa Giê Su đã dạy thêm: “Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”13 Lời giảng dạy này rất bổ ích. Có một sự phụ thuộc lẫn nhau quan trọng giữa việc yêu mến Chúa và yêu mến lẫn nhau. Để cho Cầu Cổng Vàng thực hiện được chức năng đã được thiết kế của nó, cả hai tháp cầu đều phải kiên cố và có lực vững chắc như nhau để chịu được sức nặng của các dây cáp treo, lòng cầu, và xe cộ giao thông ngang qua cầu. Nếu không có sự đối xứng về kỹ thuật này, cây cầu có thể bị thiệt hại, thậm chí còn có nguy cơ bị sụp đổ. Để cho bất cứ cây cầu treo nào thực hiện được đúng mục đích của nó, các tháp cầu phải có công năng hoàn toàn hài hòa với nhau. Tương tự như vậy, khả năng của chúng ta để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô tùy thuộc vào sức mạnh và sự mạnh mẽ của chúng ta để sống theo các giáo lệnh thứ nhất và thứ hai với sự cân bằng và lòng tận tụy đồng đều đối với cả hai.

Hình Ảnh
Cầu Cổng Vàng

Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp càng ngày càng gia tăng trên thế giới cho thấy rằng đôi khi chúng ta không nhận thấy hoặc ghi nhớ điều này. Một số người tập trung quá nhiều vào việc tuân giữ các lệnh truyền đến nỗi họ tỏ ra ít bao dung đối với những người họ thấy là kém ngay chính. Một số người thấy khó để yêu thương những người mà đang chọn sống cuộc sống ngoài giao ước hoặc thậm chí tránh xa khỏi bất cứ hoạt động tôn giáo nào.

Ngoài ra, có những người nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc yêu thương người khác mà không thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trước Thượng Đế. Một số người hoàn toàn phủ nhận quan điểm cho rằng có một điều như là lẽ thật tuyệt đối, hoặc điều đúng và điều sai và tin tưởng rằng điều duy nhất được đòi hỏi ở chúng ta là hoàn toàn bao dung và chấp nhận những lựa chọn của người khác. Việc mất cân bằng trong hai điều này có thể làm cho cây cầu thuộc linh của anh chị em bị nghiêng ngả hoặc thậm chí sụp đổ.

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã mô tả điều này khi ông nói: “Chúng ta được truyền lệnh phải yêu thương tất cả mọi người, vì truyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su về người Sa Ma Ri nhân lành dạy rằng mọi người đều là người lân cận của chúng ta. Nhưng nhiệt tâm của chúng ta để tuân giữ giáo lệnh thứ hai này không được làm cho chúng ta quên đi giáo lệnh thứ nhất là hết lòng, hết linh hồn và hết ý yêu mến Thượng Đế.”14

Kết Luận

Vậy câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta là, làm thế nào để chúng ta xây được cây cầu đức tin và lòng tận tụy của riêng mình—dựng lên những ngọn tháp cao của tình yêu thương Thượng Đế lẫn yêu mến người lân cận của mình? Vâng, chúng ta chỉ mới bắt đầu thôi. Những nỗ lực ban đầu của chúng ta có thể trông giống như một bản vẽ thô sơ ở mặt sau của một miếng giấy ăn hoặc một bản thiết kế sơ bộ của cây cầu mà chúng ta hy vọng sẽ xây cất. Nó có thể gồm có một vài mục tiêu thực tế để hiểu phúc âm của Chúa rõ hơn hoặc để hứa sẽ ít xét đoán người khác hơn. Không một ai quá trẻ hoặc quá già để bắt đầu.

Hình Ảnh
Bản phác họa thiết kế của cây cầu.

Theo thời gian, với sự hoạch định thành tâm và chu đáo, những ý tưởng thô sơ sẽ được cải thiện. Những hành động mới trở thành thói quen. Bản thảo ban đầu trở thành các bản thiết kế hoàn chỉnh. Chúng ta xây cất cây cầu thuộc linh cá nhân của mình với tấm lòng và tâm trí tận tụy đối với Cha Thiên Thượng và Con Trai Độc Sinh của Ngài cũng như với những người anh chị em của chúng ta là những người chúng ta cùng sống chung, làm việc, và chơi đùa.

Trong những ngày sắp tới, khi anh chị em đi qua một cây cầu treo hùng vĩ hoặc thậm chí khi nhìn thấy hình ảnh một cây cầu như thế, với những cái tháp cao hùng vĩ cao vút, tôi mời anh chị em hãy nhớ đến hai giáo lệnh lớn, đã được Chúa Giê Su Ky Tô mô tả trong Kinh Tân Ước. Cầu xin cho những chỉ dẫn của Chúa soi dẫn chúng ta. Cầu xin cho tấm lòng và tâm trí của chúng ta được hướng lên trên cao để yêu mến Chúa và, hướng ra bên ngoài, để yêu mến người lân cận của mình.

Cầu xin cho điều này củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, là điều tôi làm chứng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Trong Kinh Tân Ước, [thuật ngữ luật gia] tương tự như người biên chép, một người có nghề nghiệp là học sinh và thầy giảng luật pháp, kể cả luật pháp được viết ra của Ngũ Thư, và cũng là ‘những truyền thống của các trưởng lão’ (Ma Thi Ơ 22:35; Mác 12:28; Lu Ca 10:25)” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Luật Sư”).

  2. Thời xưa, các học giả Do Thái đã liệt kê 613 lệnh truyền trong kinh Torah và tranh luận tích cực về tầm quan trọng tương đối của lệnh truyền này so với lệnh truyền kia. Có lẽ thầy dạy luật có ý định sử dụng câu trả lời của Chúa Giê Su chống lại Ngài. Nếu Ngài nói một lệnh truyền là quan trọng nhất, thì điều đó có thể cho phép một sự mở đầu để buộc tội Chúa Giê Su vì đã bỏ qua một khía cạnh khác của luật pháp. Nhưng câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi đã khiến cho những người đã đến để bẫy Ngài phải im lặng bằng một lời tuyên bố cơ bản mà ngày nay, đó là nền tảng cho tất cả những gì chúng ta làm trong Giáo Hội.

  3. Ma Thi Ơ 22:36–40.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:15.

  5. Giăng 14:15.

  6. Tên của cả hai người đã được thay đổi trong câu chuyện này để bảo vệ quyền riêng tư.

  7. Mô Si A 2:41.

  8. Ma Thi Ơ 22:39.

  9. 2 Nê Phi 26:33.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 81:5.

  11. Tên đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư.

  12. Russell M. Nelson, “Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 100.

  13. Ma Thi Ơ 22:40.

  14. Dallin H. Oaks, “Hai Giáo Lệnh Lớn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 73–74.