Đại Hội Trung Ương
Đặt Chúa Giê Su Ky Tô Làm Trọng Tâm Cuộc Sống của Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Đặt Chúa Giê Su Ky Tô Làm Trọng Tâm Cuộc Sống của Chúng Ta

Những câu hỏi sâu sắc của tâm hồn mà hiện đến rõ ràng hơn trong những giờ phút đen tối nhất và những thử thách cam go nhất của chúng ta đều được giải đáp bằng tình yêu thương kiên định của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi hành trình trên trần thế, đôi khi chúng ta bị vây quanh bởi những thử thách: nỗi đau đớn khôn cùng vì mất mát người thân, nỗi gian nan khi chống chọi với bệnh tật, nỗi bất công nhức nhối, những kinh nghiệm đau lòng khi bị quấy rối hoặc lạm dụng, nỗi buồn vì thất nghiệp, những khó khăn trong gia đình, tiếng khóc thầm lặng vì cô đơn, hoặc những hậu quả đau lòng của những cuộc chiến tranh.1 Trong những giây phút như vậy, tâm hồn chúng ta khao khát có được nơi trú ẩn.2 Chúng ta tha thiết tìm cách để biết: Chúng ta có thể tìm thấy nhũ hương của sự bình an ở đâu?3 Chúng ta có thể đặt sự tin cậy của mình vào ai để giúp chúng ta có được sự tin tưởng và sức mạnh để vượt qua những thử thách này?4 Ai có được lòng kiên nhẫn, tình yêu thương trọn vẹn, và bàn tay toàn năng để nâng đỡ và hỗ trợ chúng ta?

Những câu hỏi sâu sắc của tâm hồn mà hiện đến rõ ràng hơn trong những giờ phút đen tối nhất và những thử thách cam go nhất của chúng ta đều được giải đáp bằng tình yêu thương kiên định của Chúa Giê Su Ky Tô.5 Trong Ngài, và qua các phước lành đã được hứa của phúc âm phục hồi của Ngài,6 chúng ta tìm thấy những câu trả lời mà chúng ta hằng tìm kiếm. Chính qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài mà chúng ta được ban cho một ân tứ không thể đo lường được—một ân tứ về niềm hy vọng, sự chữa lành, và sự bảo đảm về sự hiện diện liên tục và bền bỉ của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.7 Ân tứ này dành sẵn cho tất cả những ai tìm đến với đức tin, đón nhận sự bình an và sự cứu chuộc mà Ngài đã rộng lượng ban cho.

Chúa dang tay Ngài ra cho mỗi người chúng ta, một cử chỉ mà thực chất cho thấy tình yêu thương và lòng nhân từ thiêng liêng của Ngài. Lời mời gọi của Ngài cho chúng ta không chỉ đơn thuần là một lời kêu gọi giản dị; đó là một lời cam kết thiêng liêng, được củng cố bởi quyền năng vĩnh cửu đến từ ân điển của Ngài. Trong thánh thư, Ngài yêu thương trấn an chúng ta:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”8

Sự rõ ràng trong lời mời gọi của Ngài “hãy đến cùng ta” và “hãy gánh lấy ách của ta” khẳng định tính chất sâu sắc trong lời hứa của Ngài—một lời hứa quá bao quát và trọn vẹn đến nỗi nó thể hiện tình yêu thương của Ngài, mang đến cho chúng ta một sự bảo đảm long trọng: “Các ngươi sẽ được yên nghỉ.”

Khi siêng năng tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh,9 chúng ta bắt đầu một quá trình biến đổi và phát triển cá nhân mà củng cố chứng ngôn của chúng ta. Khi chúng ta thấu hiểu tình yêu thương bao la của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,10 tấm lòng của chúng ta tràn đầy lòng biết ơn, khiêm nhường,11 và một ước muốn được đổi mới để theo đuổi con đường làm môn đồ.12

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng “khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài.”13

Khi nói với con trai của mình là Hê La Man, An Ma đã tuyên bố: “Và giờ đây, hỡi con trai Hê La Man của cha, này, con đang ở trong tuổi thanh xuân, vậy nên cha mong con hãy lắng nghe lời của cha và học hỏi từ cha; vì cha biết rằng, kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng.”14

Hê La Man, khi nói với các con trai của mình, đã dạy về nguyên tắc vĩnh cửu này về việc đặt Đấng Cứu Rỗi làm trọng tâm trong cuộc sống chúng ta: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.”15

Trong Ma Thi Ơ 14, chúng ta học được rằng sau khi nghe về cái chết của Giăng Báp Tít, Chúa Giê Su đã tìm những nơi vắng vẻ. Tuy nhiên, một đám đông đã đi theo Ngài. Cảm động bởi lòng trắc ẩn và tình yêu thương, và không để cho nỗi đau buồn của Ngài làm Ngài xao lãng khỏi sứ mệnh của Ngài, Chúa Giê Su đã chào đón họ, chữa lành người bệnh ở giữa họ. Khi buổi tối đến, các môn đồ đối mặt với một thử thách cam go: một đám đông dân chúng trong khi không có đủ thức ăn cho họ. Các môn đồ đề nghị rằng Chúa Giê Su cho đám đông đi kiếm thức ăn, nhưng Chúa Giê Su, với tình yêu thương lớn lao và những kỳ vọng cao, thay vào đó đã yêu cầu các môn đồ cho họ ăn.

Trong khi các môn đồ đang lo lắng trước thử thách cấp bách, Chúa Giê Su đã cho thấy sự tin cậy và tình yêu thương của Ngài dành cho Cha Ngài, kết hợp với một tình yêu thương kiên định dành cho dân chúng. Ngài chỉ thị cho đám đông ngồi trên cỏ, và chỉ lấy năm ổ bánh và hai con cá, Ngài đã chọn dâng lời tạ ơn Cha Ngài, nhìn nhận sự ban cho của Thượng Đế đối với thẩm quyền và quyền năng của Ngài.

Sau khi Ngài tạ ơn, Chúa Giê Su bẻ bánh, và các môn đồ phân phát bánh cho dân chúng. Kỳ diệu thay, thức ăn không những đủ mà còn dư nhiều nữa, với 12 giỏ thức ăn thừa. Nhóm người được cho ăn gồm có năm ngàn người đàn ông, cùng với phụ nữ và trẻ em.16

Phép lạ này dạy một bài học sâu sắc: khi đối phó với thử thách, chúng ta rất dễ dàng trở nên chìm đắm trong những khó khăn của mình. Tuy nhiên, Chúa Giê Su Ky Tô đã nêu gương về quyền năng của việc tập trung vào Cha Ngài, dâng lên lòng biết ơn, và công nhận rằng các giải pháp cho những thử thách của chúng ta không phải luôn luôn nằm ở bên trong bản thân chúng ta, mà là ở nơi Thượng Đế.17

Khi gặp khó khăn, chúng ta thường có khuynh hướng tự nhiên là tập trung vào những trở ngại mình gặp phải. Mặc dù những thử thách của chúng ta là hiển nhiên và đòi hỏi sự chú ý của chúng ta, nhưng nguyên tắc để vượt qua những thử thách này chính là điều mà chúng ta tập trung vào. Bằng cách đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm trong ý nghĩ và hành động của mình, chúng ta làm cho bản thân mình phù hợp với quan điểm và sức mạnh của Ngài.18 Sự điều chỉnh này không làm nhẹ đi nỗi khó khăn của chúng ta; thay vì thế, nó giúp chúng ta đối phó với những thử thách đó dưới sự hướng dẫn thiêng liêng.19 Do đó, chúng ta khám phá ra những giải pháp và sự hỗ trợ đến từ nguồn giúp đỡ thiêng liêng. Việc chấp nhận quan điểm tập trung vào Đấng Ky Tô này cho phép chúng ta có được sức mạnh và sự hiểu biết sâu sắc để biến những thử thách của mình thành chiến thắng,20 nhắc nhở chúng ta rằng với Đấng Cứu Rỗi, những điều tưởng chừng như là một vấn đề to lớn có thể trở thành một con đường dẫn đến sự tiến triển thuộc linh lớn lao hơn.

Câu chuyện về An Ma Con trong Sách Mặc Môn tường thuật một câu chuyện đầy thuyết phục về sự cứu chuộc và ảnh hưởng sâu sắc của việc tập trung cuộc sống của một người xung quanh Đấng Ky Tô. Thoạt đầu, An Ma đứng lên chống đối Giáo Hội của Chúa, dẫn dắt nhiều người đi lạc lối khỏi con đường ngay chính. Tuy nhiên, một sự can thiệp thiêng liêng, được đánh dấu bởi sự hiện đến của một thiên sứ, đã khiến ông thức tỉnh khỏi những hành vi sai trái của mình.

Trong giờ phút đen tối nhất của ông, bị giày vò bởi nỗi đau khổ vì cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng để tìm cách thoát khỏi nỗi đau khổ tinh thần của mình, An Ma đã nhớ đến những lời giảng dạy của cha ông về Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài. Với một tấm lòng khao khát được cứu chuộc, ông thành khẩn hối cải và tha thiết khẩn nài để có được lòng thương xót của Chúa. Giây phút quan trọng này khi thành thật nhìn nhận đã mang Đấng Ky Tô lên hàng đầu trong ý nghĩ của ông khi An Ma tha thiết tìm kiếm lòng thương xót của Ngài đã tạo ra một sự biến đổi phi thường. Những xiềng xích nặng nề của tội lỗi và nỗi tuyệt vọng đã biến mất và được thay thế bởi một cảm giác tràn ngập niềm vui và sự bình an.21

Chúa Giê Su Ky Tô là niềm hy vọng của chúng ta và là giải đáp cho những nỗi đau đớn lớn nhất của cuộc đời. Qua sự hy sinh của Ngài, Ngài đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta và tự mang lấy tất cả nỗi đau khổ của chúng ta—nỗi đau đớn, bất công, buồn phiền, và sợ hãi—và Ngài tha thứ và chữa lành chúng ta khi chúng ta tin cậy nơi Ngài và tìm cách thay đổi cuộc sống của chúng ta để được tốt hơn. Ngài là Đấng chữa lành của chúng ta,22 an ủi và sửa chữa tấm lòng của chúng ta qua tình yêu thương và quyền năng của Ngài, cũng giống như Ngài đã chữa lành nhiều người trong thời gian Ngài ở trên trần thế.23 Ngài là nước sự sống, làm tròn những nhu cầu sâu thẳm nhất của tâm hồn chúng ta với tình yêu thương và lòng nhân từ kiên định của Ngài. Đây chính là lời hứa mà Ngài đã hứa với người đàn bà Sa Ma Ri bên giếng nước, ban cho một giếng nước văng ra cho đến sự sống đời đời.24

Tôi long trọng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, rằng Ngài chủ tọa Giáo Hội thiêng liêng của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.25 Tôi làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Hoàng Tử Bình An,26 Vua của các vua, Chúa của các chúa,27 Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Tôi khẳng định chắc chắn rằng chúng ta luôn hiện diện trong tâm trí và tấm lòng của Ngài. Là một minh chứng cho điều này, Ngài đã phục hồi Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau này và đã kêu gọi Chủ Tịch Russell M. Nelson làm vị tiên tri của Ngài và Chủ Tịch của Giáo Hội vào thời điểm này.28 Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã phó mạng sống của Ngài để chúng ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.

Khi chúng ta cố gắng đặt Ngài làm trọng tâm của cuộc sống mình, thì những điều mặc khải được tiết lộ cho chúng ta, sự bình an sâu sắc của Ngài bao bọc chúng ta, và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài mang đến sự tha thứ và chữa lành cho chúng ta.29 Chính là nơi Ngài mà chúng ta khám phá ra sức mạnh để khắc phục, lòng can đảm để kiên trì, và sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết. Cầu xin cho chúng ta cố gắng mỗi ngày để đến gần Ngài hơn, Ngài là nguồn gốc của tất cả những điều tốt đẹp,30 là ngọn hải đăng của niềm hy vọng trong cuộc hành trình của chúng ta trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.