Đại Hội Trung Ương
Sự Tương Phản trong Mọi Sự Việc
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Sự Tương Phản trong Mọi Sự Việc

Để có thể sử dụng quyền tự quyết, chúng ta cần phải có những lựa chọn tương phản nhau để cân nhắc.

Mới đây, trong khi lái xe trong một thành phố xa lạ, tôi đã tình cờ rẽ sai đường, khiến cho vợ chồng tôi đi vào một con đường cao tốc dài bất tận mà không tài nào quay lại được. Chúng tôi đã nhận được một lời mời tử tế để đến thăm nhà của một người bạn và lo lắng rằng giờ đây, chúng tôi sẽ đến trễ hơn rất nhiều so với dự định.

Khi đang ở trên đường cao tốc và không hy vọng tìm được đường ra, tôi trách bản thân vì đã không chú ý kỹ hơn đến hệ thống định vị. Kinh nghiệm này đã giúp tôi nghĩ về việc đôi khi chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm trong cuộc sống, và phải sống với hậu quả đó một cách khiêm nhường và kiên nhẫn cho đến khi chúng ta có thể thay đổi lộ trình của mình một lần nữa.

Cuộc sống chính là để đưa ra những lựa chọn. Cha Thiên Thượng của chúng ta thật đúng đắn khi ban cho chúng ta ân tứ thiêng liêng về quyền tự quyết, để chúng ta có thể học hỏi từ những lựa chọn của mình—từ những lựa chọn đúng, và từ cả những lựa chọn sai. Chúng ta sửa chữa những lựa chọn sai của mình khi chúng ta hối cải. Đây là lúc sự phát triển diễn ra. Kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả chúng ta chính là để chúng ta học hỏi, phát triển, và tiến đến cuộc sống vĩnh cửu.

Kể từ khi vợ chồng tôi được những người truyền giáo giảng dạy và rồi gia nhập Giáo Hội nhiều năm trước, tôi luôn luôn ấn tượng với những lời sâu sắc mà Lê Hi đã dạy cho con trai Gia Cốp của ông trong Sách Mặc Môn. Ông đã dạy con mình rằng: “Đức Chúa Trời đã cho loài người được hành động lấy một mình”1 và “cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc.”2 Để có thể sử dụng quyền tự quyết, chúng ta cần phải có những lựa chọn tương phản nhau để cân nhắc. Khi làm như vậy, Sách Mặc Môn cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được “dạy dỗ đầy đủ”3 và “Thánh Linh của Đấng Ky Tô”4 đã được ban cho mỗi người chúng ta để “biết phân biệt được thiện và ác.”5

Trong cuộc sống, chúng ta luôn đối mặt với nhiều lựa chọn quan trọng. Ví dụ:

  • Chọn tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế, hay là không.

  • Chọn có đức tin và nhận biết khi phép lạ xảy ra, hay là chờ đợi trong nghi ngờ, mong cho một điều gì đó xảy ra trước rồi khi ấy mới chọn để tin.

  • Chọn phát triển lòng tin cậy Thượng Đế, hay là phập phồng lo sợ một thử thách khác sẽ đến vào ngày hôm sau.

Giống như tôi đã rẽ sai vào con đường cao tốc đó, việc chịu đựng hậu quả đến từ những quyết định yếu kém của chính chúng ta thường có thể đặc biệt đau đớn bởi vì chúng ta chỉ có thể trách cứ bản thân mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể luôn luôn chọn để tiếp nhận sự an ủi qua tiến trình hối cải thiêng liêng, sửa sai thành đúng trở lại, và qua quá trình đó, chúng ta học được một số bài học làm thay đổi cả cuộc đời.

Đôi khi, chúng ta cũng có thể nếm trải sự tương phản và những thử thách đến từ những điều ngoài tầm kiểm soát của mình, chẳng hạn như:

  • Lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau.

  • Khi hòa bình, khi chiến tranh.

  • Ban ngày và ban đêm, mùa hè và mùa đông.

  • Thời kỳ lao nhọc, sau đó là thời kỳ nghỉ ngơi.

Tuy chúng ta thường không thể lựa chọn giữa các loại hoàn cảnh này, bởi vì chúng tất yếu phải xảy ra, nhưng chúng ta vẫn được tự do lựa chọn cách phản ứng với chúng. Chúng ta có thể phản ứng với một thái độ tích cực hoặc tiêu cực. Chúng ta có thể tìm cách học hỏi từ kinh nghiệm đó và cầu xin sự giúp đỡ và ủng hộ từ Chúa của chúng ta, hoặc là chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang đơn độc trong thử thách này, và phải một mình chịu đau đớn. Chúng ta có thể “điều chỉnh các cánh buồm” của mình để hướng đến thực tại mới, hoặc là quyết định không thay đổi bất kỳ điều gì. Trong bóng tối của màn đêm, chúng ta có thể mở đèn. Trong cái giá rét của mùa đông, chúng ta chọn để mặc quần áo ấm. Lúc ốm đau, chúng ta có thể tìm đến sự giúp đỡ về mặt y tế và tinh thần. Chúng ta chọn để đối phó với những hoàn cảnh đó.

Điều chỉnh, học hỏi, tìm tòi, lựa chọn đều là các động từ chỉ hành động. Hãy nhớ rằng chúng ta là những người hành động và không bị tác động. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa Giê Su đã hứa “mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài … để Ngài có thể … giúp đỡ” chúng ta khi chúng ta hướng về Ngài.6 Chúng ta có thể chọn để xây dựng nền móng của mình trên đá là Chúa Giê Su Ky Tô, để khi gió lốc ùa đến, “nó sẽ không có quyền năng nào [đối với chúng ta].”7 Ngài đã hứa rằng “bất cứ kẻ nào đến, [Ngài] đều đón nhận; và phước thay cho những ai đến cùng [Ngài].”8

Giờ thì vẫn còn một nguyên tắc đặc biệt quan trọng. Lê Hi đã nói rằng “cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc.”9 Câu này có nghĩa là những sự tương phản không tồn tại tách biệt với nhau. Chúng thậm chí có thể bổ sung cho nhau. Đôi khi chúng ta sẽ không thể biết được niềm vui trừ phi đã trải qua nỗi buồn. Cảm giác đói đôi lúc giúp chúng ta đặc biệt biết ơn khi lại có đủ thức ăn. Chúng ta sẽ không tài nào nhận ra được lẽ thật, trừ phi đã thấy sự dối trá đó đây.

Những sự tương phản này giống như hai mặt của một đồng xu. Cả hai mặt đều luôn tồn tại đồng thời. Charles Dickens từng đưa ra một ví dụ minh họa quan điểm này khi ông viết rằng “đó là thời kỳ tuyệt vời nhất, và nó cũng là thời kỳ tồi tệ nhất.”10

Tôi xin đưa ra một ví dụ từ cuộc sống của chính vợ chồng tôi. Kết hôn, lập gia đình, có con cái đều là những điều mang lại cho chúng tôi những giây phút vui sướng bậc nhất mà chúng tôi từng nếm trải trong cuộc đời, nhưng chúng cũng có những thời khắc tận cùng của đau đớn, thống khổ, và thương tiếc khi một điều gì đó xảy ra cho bất cứ thành viên nào trong gia đình. Hạnh phúc cùng niềm vui bất tận với con cái của chúng tôi, đôi khi đi cùng với những vòng lặp của bệnh tật, nằm viện, và những đêm thức trắng đầy lo lắng, lẫn sự nhẹ nhõm qua những lời cầu nguyện và các phước lành chức tư tế. Những kinh nghiệm tương phản này dạy cho chúng tôi rằng chúng tôi không bao giờ đơn độc trong những giây phút đau khổ, và chúng cũng cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể gánh vác được bao nhiêu, với sự giúp đỡ của Chúa. Những kinh nghiệm này đã giúp gọt giũa chúng tôi theo những cách thức tuyệt vời, và chúng hoàn toàn đáng có. Chẳng phải chúng ta đến thế gian này vì lý do đó hay sao?

Trong thánh thư, chúng ta cũng tìm được một số ví dụ thú vị:

  • Lê Hi đã dạy con trai Gia Cốp của ông rằng những nỗi thống khổ mà Gia Cốp phải chịu trong vùng hoang dã đã giúp ông biết được sự vĩ đại của Thượng Đế, và “[Thượng Đế] sẽ biệt riêng sự đau khổ của [ông] thành lợi ích cho [ông].”11

  • Trong khi Joseph Smith bị giam cầm một cách tàn nhẫn trong Ngục Thất Liberty, Chúa đã phán với ông rằng “Tất cả những điều này sẽ đem lại cho [ông] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [ông].”12

  • Cuối cùng, sự hy sinh vô hạn của Chúa Giê Su Ky Tô chắc chắn là ví dụ lớn nhất về nỗi đau chưa từng thấy, nhưng sự hy sinh đó cũng mang lại các phước lành tuyệt vời của Sự Chuộc Tội cho tất cả các con cái của Thượng Đế.

Ở đâu có ánh mặt trời, thì ở đó cũng phải có bóng râm. Lũ lụt có thể mang lại sự hủy diệt, nhưng chúng cũng thường mang lại sự sống. Những giọt nước mắt đau buồn thường biến thành những giọt nước mắt nhẹ nhõm và hạnh phúc. Những cảm giác phiền muộn khi những người thân yêu qua đời, sau này sẽ được bù bắp bằng niềm vui tái ngộ. Khi chiến tranh và sự tàn phá xảy ra, nhiều hành động nhỏ bé đầy nhân từ và yêu thương cũng đến với những ai có “mắt để thấy, [và] tai để nghe.”13

Ngày nay, thế giới của chúng ta thường được mô tả là đáng sợ và đầy lo lắng về điều mà tương lai có thể mang lại cho chúng ta. Nhưng Chúa Giê Su đã dạy chúng ta hãy tin tưởng, và “hướng về [Ngài] trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”14

Chúng ta hãy không ngừng nỗ lực một cách có ý thức để thấy được cả hai mặt của mỗi đồng xu mà chúng ta nhận được trong cuộc sống này. Ngay cả khi cả hai mặt của nó đôi khi dường như không rõ ràng ngay với chúng ta, thì chúng ta có thể biết và tin rằng chúng luôn tồn tại.

Chúng ta có thể yên tâm rằng những khó khăn, buồn phiền, và đau đớn không xác định con người chúng ta; mà chính cách chúng ta mang lấy chúng mới giúp chúng ta phát triển và đến gần Thượng Đế hơn. Chính thái độ và những lựa chọn mới xác định chúng ta tốt hơn bất kỳ thử thách nào.

Khi khỏe mạnh, hãy hân hoan và biết ơn trong mọi phút giây. Khi bệnh tật, hãy kiên nhẫn tìm cách học hỏi từ hoàn cảnh của mình và biết rằng nó có thể thay đổi lần nữa, tùy thuộc vào ý muốn của Thượng Đế. Khi đau buồn, hãy tin cậy rằng hạnh phúc đang ở gần; chỉ là chúng ta chưa thể thấy mà thôi. Hãy có ý thức để thay đổi sự tập trung của anh chị em và nhìn nhận từ góc độ thuộc linh để thấy được những khía cạnh tích cực của các thử thách, bởi vì chắc chắn chúng cũng luôn ở đó! Đừng bao giờ quên tỏ lòng biết ơn. Hãy chọn để tin. Hãy chọn để có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy chọn để luôn luôn tin cậy Thượng Đế. Hãy chọn để “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của Thượng Thiên,” như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy cho chúng ta gần đây!15

Chúng ta hãy luôn luôn nhớ đến kế hoạch tuyệt vời mà Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta và đã gửi Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài để giúp chúng ta trong những thử thách và để mở cánh cửa cho chúng ta quay trở về bên Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và luôn sẵn sàng; Ngài chờ đợi chúng ta chọn để kêu cầu Ngài ban cho sự giúp đỡ, sức mạnh, và sự cứu rỗi. Tôi làm chứng về những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.