Đại Hội Trung Ương
Tính Liêm Chính: Một Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Tính Liêm Chính: Một Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô

Việc sống liêm chính đòi hỏi chúng ta phải trung thành với Thượng Đế, với nhau, và với nguồn gốc thiêng liêng của mình.

Trong những giờ phút cuối cùng trong giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã đi đến Núi Ô Li Ve, vào một khu vườn gọi là Vườn Ghết Sê Ma Nê và bảo các môn đồ của Ngài đợi.1 Khi chỉ còn một mình, Ngài đã cầu xin Cha Ngài: “Nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi tôi!”2 Trong cơn thống khổ, nỗi đau đớn của Ngài đã khiến cho Ngài, “dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, … và [Ngài] mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm.”3 Tuy nhiên, trong giây phút tuyệt vọng vô cùng, Đấng Cứu Rỗi đã không co rúm “mà đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị [của Ngài] cho con cái loài người.”4

Là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô đã có quyền năng chiến thắng cái chết, niềm đau, và nỗi thống khổ mà không co rúm. Ngài làm tròn giao ước Ngài đã lập với Cha Ngài, và khi làm như vậy, Ngài đã thể hiện một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà ngày càng quan trọng trong thế giới của chúng ta—thuộc tính liêm chính. Ngài vẫn trung thành với Thượng Đế, với mỗi người chúng ta, và với nguồn gốc thiêng liêng của Ngài.

Tính liêm chính

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng gương mẫu của chúng ta. Việc sống liêm chính đòi hỏi chúng ta phải trung thành với Thượng Đế, với nhau, và với nguồn gốc thiêng liêng của mình. Tính liêm chính bắt nguồn từ giáo lệnh lớn đầu tiên là yêu kính Thượng Đế. Vì yêu kính Thượng Đế nên anh chị em luôn trung thành với Ngài. Anh chị em hiểu là có điều đúng và điều sai, và có lẽ thật tuyệt đối, chính là lẽ thật của Thượng Đế. Tính liêm chính có nghĩa là anh chị em không hạ thấp tiêu chuẩn hoặc hành vi của mình để gây ấn tượng hoặc để được người khác chấp nhận.5 Anh chị em “làm điều đúng” và “để cho kết quả theo sau.”6 Đặc biệt, những sửa đổi gần đây trong sách hướng dẫn Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta dành cho người truyền giáo đã thêm tính liêm khiết vào thành một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô.7

Cách đây nhiều năm, Anh Cả Uchtdorf được chỉ định tái tổ chức giáo khu của chúng tôi. Trong cuộc phỏng vấn, ông đã hỏi tôi một câu hỏi mà tôi vẫn chưa quên: “Có bất cứ điều gì trong cuộc sống của anh mà, nếu được công khai cho mọi người biết, thì sẽ là một sự hổ thẹn đối với anh hoặc Giáo Hội không?” Tôi ngạc nhiên và nhanh chóng xem xét cả cuộc đời mình, cố gắng nhớ lại những lúc mà tôi có thể đã thiếu sót và tự hỏi, “Nếu những người khác biết tất cả mọi điều tôi đã làm, thì họ sẽ nghĩ gì về tôi hoặc Giáo Hội?”

Trong lúc đó, tôi nghĩ rằng Anh Cả Uchtdorf chỉ đang hỏi về sự xứng đáng, nhưng tôi đã bắt đầu hiểu rằng đó thực sự là một câu hỏi về tính liêm chính. Tôi có trung thành với điều tôi tuyên bố không? Thế gian có thấy được sự nhất quán giữa lời nói và việc làm của tôi không? Những người khác có nhìn thấy Thượng Đế qua cách cư xử của tôi không?

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Tính liêm chính” là việc chúng ta “sẵn lòng và có thể sống theo niềm tin và cam kết của mình.”8

Trung thành với Thượng Đế

Một cuộc sống liêm chính đòi hỏi chúng ta trước hết phải trung thành với Thượng Đế.

Từ thời thơ ấu, chúng ta đã được học câu chuyện về Đa Ni Ên trong hang sư tử. Đa Ni Ên luôn luôn trung thành với Thượng Đế. Những người ghen tị với ông thường “tìm cớ kiện [ông]”9 và lập ra một sắc lệnh bắt buộc mọi người chỉ được cầu nguyện lên các thần của họ. Đa Ni Ên biết về sắc lệnh này nhưng đi về nhà và—với “các cửa sổ của phòng [ông] đang mở ra”10—quỳ xuống và cầu nguyện ba lần một ngày lên Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên. Kết quả là, Đa Ni Ên bị ném vào hang sư tử. Sáng hôm sau, nhà vua thấy Thượng Đế của Đa Ni Ên đã giải thoát ông và ban một sắc lệnh mới rằng tất cả mọi người phải “run rẩy kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Đa Ni Ên; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời.”11

Nhà vua đã biết đến Thượng Đế qua sự liêm chính của Đa Ni Ên. Những người khác nhìn thấy Thượng Đế qua những lời nói và hành động liêm chính của chúng ta. Cũng giống như Đa Ni Ên, việc trung thành với Thượng Đế sẽ càng ngày càng làm cho chúng ta khác biệt với thế gian.

Đấng Cứu Rỗi nhắc nhở chúng ta rằng: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”12 Chủ Tịch Russell M. Nelson khuyên dạy rằng: “[Việc chiến thắng thế gian] có nghĩa là vượt qua sự cám dỗ để quan tâm đến những sự việc của thế gian này hơn là những sự việc của Thượng Đế. Nó có nghĩa là tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô hơn những triết lý của loài người.”13 Tương tự như vậy, chúng ta phải chống lại cám dỗ để đi “theo con đường riêng của mình, và theo hình ảnh một [thượng đế] riêng của mình, một hình ảnh theo kiểu thế gian.”14

Sự lôi kéo đối nghịch của thế gian này là một phần thiết yếu trong kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế. Cách chúng ta đáp lại sự lôi kéo đó cho thấy cốt lõi của con người chúng ta; đó là một thước đo tính liêm chính của chúng ta. Ảnh hưởng của thế gian có thể trực tiếp, như là phá hủy lòng chung thủy trong hôn nhân, hoặc khó nhận thấy, như việc đăng những bình luận ẩn danh chỉ trích giáo lý hoặc văn hóa của Giáo Hội. Sự liêm chính trong những lựa chọn của chúng ta là một biểu lộ bên ngoài về lòng cam kết bên trong để noi theo Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Trung Thành với Người Khác

Cũng giống như sự liêm chính bắt nguồn từ lệnh truyền lớn thứ nhất là yêu mến Thượng Đế, việc trung thành với nhau bắt nguồn từ lệnh truyền thứ hai, là yêu thương người lân cận như chính bản thân mình. Cuộc sống liêm chính không phải là một cuộc sống hoàn hảo; đó là một cuộc sống mà trong đó chúng ta cố gắng mỗi ngày để trước hết trung thành với Thượng Đế và đồng thời, trung thành với những người khác. Chủ Tịch Oaks nhắc nhở chúng ta: “Nhiệt tâm của chúng ta để tuân giữ giáo lệnh thứ hai [này] không được làm cho chúng ta quên đi giáo lệnh thứ nhất.”15

Thế gian càng ngày càng níu giữ sự liêm chính bằng cách áp đặt các quy tắc ứng xử hoặc các quy tắc đạo đức mà chi phối các mối quan hệ giữa con người và các thể chế. Mặc dù tốt, nhưng các quy tắc này thường không dựa vào lẽ thật tuyệt đối và có khuynh hướng tiến triển dựa trên sự chấp nhận về văn hóa. Tương tự như câu hỏi do Anh Cả Uchtdorf đặt ra, một số tổ chức huấn luyện nhân viên để suy ngẫm xem liệu các quyết định hoặc tiến trình đưa ra quyết định của họ có thay đổi không nếu được công bố trên mạng hoặc trên trang đầu của một tờ báo lớn. Khi Giáo Hội ra khỏi nơi mù mịt và tối tăm,16 chúng ta, giống như Đa Ni Ên, phải vượt lên trên những kỳ vọng của thế gian và trở thành đại diện cho Thượng Đế chân chính và hằng sống bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.17

Việc nói rằng chúng ta có tính liêm chính là không đủ nếu hành động của chúng ta không nhất quán với lời nói của chúng ta. Tương tự như vậy, việc yêu mến mọi người như Đấng Ky Tô đã dạy không phải là một sự thay thế cho tính liêm chính. Là một dân giao ước, và với tư cách là những người lãnh đạo trong Giáo Hội của Ngài, chúng ta phải sống sao cho không bị khiển trách và đúng với các tiêu chuẩn mà Chúa đã đặt ra.

Việc hành động với tính liêm chính giúp xây đắp đức tin, sự tin cậy và trấn an những người khác rằng chúng ta đang tìm cách để chỉ làm theo ý muốn của Chúa. Trong các hội đồng của mình, chúng ta chống lại những ảnh hưởng bên ngoài và tuân theo tiến trình đã được Chúa mặc khải, để tìm kiếm những sự hiểu biết sâu sắc từ mỗi người nam và người nữ và rồi hành động theo lời khuyên dạy đầy soi dẫn đã nhận được.18

Chúng ta tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, và chúng ta hãy cẩn thận để tránh những hành động mà có thể được xem là phục vụ lợi ích riêng của mình, có lợi cho gia đình mình, hoặc ưu đãi một người nào đó mà gây bất lợi cho người khác. Chúng ta đặc biệt nỗ lực để tránh bất cứ nhận thức nào rằng hành động của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi danh lợi của loài người19, để nhận được sự công nhận cá nhân, có được nhiều lượt thích hơn, được trích dẫn hoặc được nhiều người biết.

Trung Thành với Nguồn Gốc Thiêng Liêng của Chúng Ta

Cuối cùng, một cuộc sống liêm chính đòi hỏi chúng ta phải trung thành với nguồn gốc thiêng liêng của mình.

Chúng ta biết một số người không làm như vậy. Một trong số đó là Cô Ri Ho, kẻ chống lại Đấng Ky Tô, khi hắn đã dẫn dắt trái tim của nhiều người đi lạc hướng bằng cách lôi cuốn “đầu óc trần tục” của họ.20 Tuy nhiên, trong những giây phút cuối đời, hắn đã thú nhận rằng: “Tôi cũng đã luôn luôn biết rằng có một Đấng Thượng Đế.”21 Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy rằng việc nói dối là “trái với bản chất của linh hồn chúng ta,”22 tức là nguồn gốc thiêng liêng của chúng ta. Cô Ri Ho đã tự lừa dối mình, và trong hắn không có lẽ thật.23

Ngược lại, Tiên Tri Joseph Smith tự tin tuyên bố: “Tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”24

Anh trai Hyrum của Joseph được Chúa yêu thương “vì sự thanh liêm của lòng [ông].”25 Ông và Joseph vẫn trung thành cho đến cùng—trung thành với nguồn gốc thiêng liêng của họ, với ánh sáng và sự hiểu biết mà họ nhận được, và trung thành với con người mà họ biết là họ có thể trở thành.

Kết Luận

Cầu xin cho chúng ta hòa hợp “theo ý muốn của Thượng Đế”26 và phát triển thuộc tính liêm chính giống như Đấng Ky Tô. Cầu xin cho chúng ta noi theo Đấng Gương Mẫu của mình-Đấng Cứu Rỗi của thế gian, và không co rúm, và sống một cuộc đời trung thành với Thượng Đế, trung thành với nhau, và với nguồn gốc thiêng liêng của chúng ta.

Như Gióp từng nói: “Nguyện Đức Chúa Trời cân tôi trên cân thăng bằng, thì Ngài sẽ nhìn biết sự thanh liêm của tôi.”27 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.