Đại Hội Trung Ương
Niềm Vui Cao Hơn
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Niềm Vui Cao Hơn

Cầu xin cho tất cả chúng ta đều tìm kiếm và tìm thấy niềm vui cao hơn đến từ việc dâng hiến cuộc sống của mình lên Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài.

Tôi đã có được phước lành lớn lao khi được nói chuyện tại đại hội trung ương trong ba thập niên qua. Trong thời gian đó, tôi đã được nhiều người trên khắp thế giới đặt những câu hỏi liên quan đến các sứ điệp này. Gần đây, một câu hỏi đặc biệt liên tục xuất hiện. Câu hỏi thường đến như thế này: “Thưa Anh Cả Uchtdorf, tôi đã lắng nghe rất kỹ bài nói chuyện gần đây nhất của anh, nhưng … tôi không nghe nói gì về hàng không cả.”

Vâng, sau ngày hôm nay, tôi có thể không còn nghe câu hỏi đó trong một thời gian.

Về “Nhào Lộn Nô Đùa Chen Tầng Mây Xuyên Nắng”1

Thật khó để tin rằng chỉ 120 năm trước khi Wilbur và Orville Wright lần đầu tiên cất cánh và bay qua bãi cát ở Kitty Hawk, North Carolina. Bốn chuyến bay ngắn vào cái ngày trong tháng Mười Hai đó đã thay đổi thế giới và mở ra cánh cửa cho một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới.

Trong những ngày đầu đó, việc đi máy bay là rất nguy hiểm. Hai anh em họ đã biết điều này. Và cha của họ, ông Milton cũng vậy. Thật ra, ông rất sợ mất cả hai người con trai của mình trong một tai nạn máy bay đến nỗi họ hứa với ông rằng họ sẽ không bao giờ bay chung với nhau nữa.

Và họ chẳng bao giờ làm thế—ngoại trừ một lần. Bảy năm sau cái ngày lịch sử đó ở Kitty Hawk, cuối cùng Milton Wright đã đồng ý và chứng kiến Wilbur và Orville bay cùng nhau lần đầu tiên. Sau khi hạ cánh, Orville đã thuyết phục cha mình đi chuyến bay đầu tiên và duy nhất của ông để tự mình trải nghiệm đi máy bay là như thế nào.

Khi máy bay cất cánh, ông Milton, 82 tuổi, bị cuốn hút vào niềm vui phấn khích của chuyến bay đến mức mọi nỗi sợ hãi đều tan biến. Orville vui mừng khi cha của ông thích thú hét lên: “Cao hơn nữa, Orville, cao hơn nữa!”2

Đây là người đàn ông đã nói hộ lòng tôi!

Có lẽ lý do thỉnh thoảng tôi nói về ngành hàng không là vì tôi biết đôi điều về cảm nhận của gia đình Wright. Tôi cũng đã “thoát khỏi những ràng buộc chắc chắn của Trái Đất và nhảy múa vui cười với trời xanh bằng đôi cánh bạc long lanh.”3

Chuyến bay đầu tiên của anh em Nhà Wright, xảy ra chỉ 37 năm trước khi tôi sinh ra, đã mở ra những cánh cửa phiêu lưu, kỳ diệu, và niềm vui thanh khiết đến cuộc sống của tôi.

Tuy nhiên, cho dù niềm vui đó tuyệt vời đến mức nào, thì vẫn có một loại niềm vui còn cao hơn nữa. Hôm nay, theo tinh thần hân hoan của Milton Wright: “Cao hơn nữa, Orville, cao hơn nữa,” tôi muốn nói về niềm vui cao hơn này—niềm vui đó đến từ đâu, nó đi vào lòng chúng ta như thế nào, và làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui đó ở mức độ lớn lao hơn.

Mục Đích Tổng Thể của Sự Tồn Tại của Con Người

Có lẽ không cần phải nói rằng mọi người đều muốn được hạnh phúc.4 Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng không phải ai cũng hạnh phúc cả. Đáng buồn thay, dường như, đối với nhiều người, hạnh phúc thật khó tìm.5

Tại sao vậy? Nếu hạnh phúc là điều mà con người mong muốn nhất, thì tại sao chúng ta lại không thành công trong việc tìm kiếm nó? Như lời giải thích của một bản nhạc đồng quê, có lẽ chúng ta đang tìm kiếm niềm vui ở sai chỗ.6

Chúng Ta Có Thể Tìm Thấy Hạnh Phúc Ở Đâu?

Trước khi chúng ta thảo luận về cách tìm kiếm niềm vui, hãy cho phép tôi thừa nhận rằng bệnh trầm cảm và những thử thách khó khăn khác về tinh thần và cảm xúc là có thật, và câu trả lời không chỉ đơn giản là: “Hãy cố gắng trở nên hạnh phúc hơn.” Mục đích của tôi hôm nay không phải là giảm bớt hoặc bình thường hóa các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nếu anh chị em đối mặt với những thử thách như vậy, thì tôi sẽ đau buồn cùng anh chị em và tôi sẽ sát cánh cùng anh chị em. Đối với một số người, việc tìm kiếm niềm vui có thể bao gồm việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia đã được huấn luyện về sức khỏe tâm thần-những người đã cống hiến cả cuộc đời của họ để thực hành môn nghệ thuật rất quan trọng của mình. Chúng ta nên biết ơn sự giúp đỡ như thế.

Cuộc sống không phải là một chuỗi cảm xúc thăng hoa bất tận. “Vì cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc.”7 Và nếu chính Thượng Đế cũng khóc, như thánh thư khẳng định là Ngài khóc,8 thì dĩ nhiên anh chị em và tôi cũng sẽ khóc. Cảm xúc đau buồn không phải là dấu hiệu của sự thất bại. Trong cuộc sống này, ít nhất, niềm vui và nỗi buồn là những người bạn đồng hành không thể tách rời.9 Giống như tất cả anh chị em, tôi đã cảm nhận được nỗi thất vọng, đau buồn, ưu phiền, và hối hận của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng đã tự mình cảm nhận được bình minh vinh quang khiến tâm hồn tràn ngập niềm vui sâu sắc đến nỗi khó có thể kìm nén. Tôi đã tự mình khám phá ra rằng sự tin tưởng bình an này đến từ việc noi theo Đấng Cứu Rỗi và bước đi theo Đường Lối của Ngài.

Sự bình an Ngài ban cho chúng ta không giống như những gì thế gian ban cho.10 Nó tốt hơn. Nó cao quý hơn và thánh thiện hơn. Chúa Giê Su đã phán: “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật.”11

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là “tin lành của sự vui mừng lớn”!12 là sứ điệp về niềm hy vọng vô song! Một sứ điệp về việc cùng mang ách và làm nhẹ gánh nặng.13 Về việc thu nhận ánh sáng. Về ân huệ của thiên thượng, sự hiểu biết cao hơn, các giao ước thiêng liêng hơn, sự an toàn vĩnh cửu, và vinh quang trường cửu!

Niềm vui chính là mục đích trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Đó là những gì mà anh chị em được sáng tạo ra—“[anh chị em] mới hưởng được niềm vui”!14 Anh chị em đã được sáng tạo ra để có được điều này!

Cha Thiên Thượng không ẩn giấu con đường dẫn đến hạnh phúc. Nó không phải là một bí mật. Nó dành sẵn cho tất cả mọi người!15

Nó được hứa với những người bước đi trên con đường làm môn đồ, tuân theo những lời giảng dạy và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và tôn trọng các giao ước mà họ lập với Thượng Đế. Thật là một lời hứa đặc biệt!

Thượng Đế Có Một Điều Gì Đó Nữa để Ban Cho

Chúng ta đều biết có những người nói rằng họ không cần Thượng Đế để được hạnh phúc, rằng họ đủ hạnh phúc mà không cần tôn giáo.

Tôi thừa nhận và tôn trọng những cảm nghĩ này. Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta muốn tất cả con cái của Ngài được hạnh phúc nhất có thể, vì thế Ngài đã làm cho thế gian này tràn đầy những thứ xinh đẹp và niềm vui tuyệt vời, lành mạnh, “vừa để làm cho vui mắt vừa … cho lòng người hân hoan.”16 Đối với tôi, việc lái máy bay mang lại hạnh phúc tuyệt vời. Những người khác tìm thấy hạnh phúc trong âm nhạc, trong nghệ thuật, trong sở thích, hoặc trong thiên nhiên.

Bằng cách mời gọi tất cả mọi người và chia sẻ tin lành của Đấng Cứu Rỗi về niềm vui lớn lao, chúng ta không xem nhẹ bất cứ nguồn vui nào trong số những nguồn vui này. Chúng ta chỉ đơn giản nói rằng Thượng Đế còn có một điều gì đó nữa để ban cho. Một niềm vui mang nhiều ý nghĩa hơn và sâu sắc hơn—một niềm vui vượt xa bất cứ điều gì thế gian này mang lại. Đó là niềm vui để chịu đựng nỗi đau khổ, xoa dịu nỗi buồn, và làm vơi đi nỗi cô đơn.

Ngược lại, hạnh phúc của thế gian không lâu dài. Nó không thể. Bản chất của tất cả mọi vật trên trần thế đều trở nên già đi, suy tàn, hao mòn, hoặc trở nên cũ kỹ. Nhưng niềm vui theo ý Chúa là vĩnh cửu, vì Thượng Đế là vĩnh cửu. Chúa Giê Su Ky Tô đến để nâng đỡ chúng ta thoát khỏi những ảnh hưởng của thế tục và thay thế sự hư nát bằng sự không hư nát. Chỉ có Ngài mới có quyền năng đó, và chỉ có niềm vui của Ngài mới là mãi mãi.

Nếu anh chị em cảm thấy có thể có nhiều niềm vui như vậy trong cuộc sống của mình, thì tôi mời anh chị em hãy bắt đầu cuộc hành trình của việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và Đường Lối của Ngài. Đó là một cuộc hành trình của cuộc đời—và hơn thế nữa. Xin cho phép tôi đề nghị một vài bước khởi đầu trên hành trình xứng đáng này để khám phá niềm vui thuần khiết.

Hãy đến Gần Thượng Đế17

Các anh chị em có còn nhớ người đàn bà trong Kinh Tân Ước đã chịu đựng căn bệnh mất huyết trong 12 năm không?18 Bà ấy hao tốn hết số tiền mà bà có cho các thầy thuốc, nhưng mọi thứ chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bà đã nghe nói về Chúa Giê Su; quyền năng chữa lành của Ngài được nhiều người biết đến. Nhưng Ngài có thể chữa lành cho bà ấy không? Và làm sao bà có thể đến gần Ngài được? Căn bệnh của bà khiến cho bà “ô uế” thể theo luật Môi Se, và do đó bà buộc phải tránh xa những người khác.19

Việc tiếp cận Ngài một cách công khai và cầu xin được chữa lành dường như là điều không thể.

Tuy nhiên, bà đã nghĩ: “Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành.”20

Cuối cùng, đức tin của bà đã vượt qua nỗi sợ hãi của bà. Bà đã can đảm chống lại những lời chỉ trích của người khác và cố gắng tiến về phía Đấng Cứu Rỗi.

Cuối cùng, bà đến gần trong tầm với của mình. Bà đã giơ tay ra.

Và bà đã được chữa lành.

Chẳng phải tất cả chúng ta đều giống người đàn bà này sao?

Có thể có nhiều lý do tại sao khiến chúng ta ngần ngại đến gần Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta có thể đối mặt với sự nhạo báng hoặc lên án bởi người khác. Theo bản tính kiêu ngạo của mình, chúng ta có thể bỏ qua một điều đơn giản nhưng mang lại nhiều giá trị. Chúng ta có thể nghĩ rằng không hiểu sao tình trạng của chúng ta lại khiến cho chúng ta không đủ điều kiện để nhận được sự chữa lành của Ngài—rằng khoảng cách quá lớn hoặc tội lỗi của chúng ta quá nhiều.

Giống như người đàn bà này, tôi đã học được rằng nếu chúng ta đến gần Thượng Đế và tìm đến để chạm vào Ngài, thì quả thật chúng ta có thể tìm thấy sự chữa lành, bình an, và niềm vui.

Hãy tìm kiếm niềm vui

Chúa Giê Su đã dạy: “Hãy tìm, sẽ gặp.”21

Tôi tin rằng cụm từ đơn giản này không chỉ là một lời hứa thuộc linh; đó còn là một lời tuyên bố thực tế.

Nếu tìm kiếm những lý do để tức giận, nghi ngờ, cay đắng hay cô đơn, thì chúng ta cũng sẽ tìm thấy chúng.

Tuy nhiên, nếu tìm kiếm niềm vui—nếu tìm kiếm những lý do để hân hoan và vui vẻ noi theo Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đó.

Chúng ta hiếm khi tìm thấy một điều gì đó mà chúng ta không tìm kiếm.

Anh chị em có đang tìm kiếm niềm vui không?

Hãy tìm, sẽ gặp.

Mang Gánh Nặng Lẫn Cho Nhau22

Chúa Giê Su đã dạy: “Cho đi thì được ban phước hơn là đón nhận.”23

Phải chăng trong khi tìm kiếm niềm vui, cách tốt nhất để tìm thấy niềm vui đó là mang lại niềm vui cho người khác?

Thưa các anh chị em, các anh chị em biết và tôi biết điều này là thật! Niềm vui giống như một thùng bột mì hoặc một bình dầu mà sẽ không bao giờ hết.24 Niềm vui chân chính gia tăng khi nó được chia sẻ.

Nó không đòi hỏi một điều gì đó to lớn hay phức tạp.

Chúng ta có thể làm những điều đơn giản.

Như việc hết lòng cầu nguyện cho ai đó.

Dành một lời khen chân thành.

Giúp một người nào đó cảm thấy được chào đón, tôn trọng, trân quý, và được yêu thương.

Chia sẻ một câu thánh thư ưa thích và ý nghĩa của câu thánh thư đó đối với chúng ta.

Hoặc thậm chí chỉ bằng cách lắng nghe.

“Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy,”25 và Thượng Đế sẽ đền đáp lòng tốt của anh chị em một cách rộng rãi.26 Niềm vui mà anh chị em mang đến cho người khác sẽ quay trở lại cùng anh chị em theo cách “lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn.”27

“Sau Đó Chúng Ta Sẽ Phải Làm Gì?”28

Trong những ngày, tuần và tháng sắp tới, tôi xin mời anh chị em:

  • Hãy dành thời gian với nỗ lực chân thành, hết lòng để đến gần Thượng Đế.

  • Hãy siêng năng tìm kiếm những khoảnh khắc hy vọng, bình an, và niềm vui mỗi ngày.

  • Mang lại niềm vui cho những người xung quanh mình.

Thưa anh chị em, các bạn bè thân mến của tôi, khi anh chị em tra cứu lời của Thượng Đế để hiểu sâu hơn về kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, hãy chấp nhận những lời mời này và cố gắng bước đi theo Đường Lối của Ngài, thì anh chị em sẽ kinh nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết,” ngay cả giữa những nỗi đau buồn. Anh chị em sẽ cảm nhận được một tình yêu vô song của Thượng Đế tràn ngập trong tấm lòng mình. Bình minh của thượng thiên giới sẽ xuyên qua bóng tối của thử thách, và anh chị em sẽ bắt đầu hưởng các vinh quang và những điều kỳ diệu không tả xiết của vương quốc thiên thượng hoàn hảo, vô hình. Anh chị em sẽ cảm thấy thuộc linh của mình được nâng lên khỏi lực hấp dẫn của thế gian này.

Và giống như Milton Wright tử tế, có lẽ anh chị em sẽ cất cao giọng vui mừng và reo lên: “Cao hơn nữa, Thưa Cha, cao hơn nữa!”

Cầu xin cho tất cả chúng ta đều tìm kiếm và tìm thấy niềm vui cao hơn đến từ việc dâng hiến cuộc sống của mình lên Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài. Đây là lời cầu nguyện và cầu xin phước lành tha thiết nhất của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. John Gillespie Magee Jr., “High Flight,” poetryfoundation.org.

  2. Xin xem Christopher Klein, “10 Things You May Not Know about the Wright Brothers,” History, ngày 28 tháng Ba năm 2023, history.com.

  3. Magee, “High Flight.”

  4. Cách đây hai ngàn bốn trăm năm, Aristotle nhận xét rằng hạnh phúc là một điều mà tất cả nhân loại đều mong muốn nhất. Trong bài luận của mình Nicomachean Ethics, ông đã dạy rằng điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống là điều mà chúng ta theo đuổi như một mục đích cuối cùng (trái ngược với những điều chúng ta theo đuổi vốn là phương tiện để đạt được một số mục đích khác). Trên hết, hạnh phúc là một điều như vậy. Ông nói: “Chúng tôi luôn mong muốn được hạnh phúc vì chính nó chứ không bao giờ vì là một phương tiện để đạt được một điều gì khác” (Nicomachean Ethics of Aristotle, được dịch bởi. J. E. C. Weldon [1902], 13–14).

  5. Xin xem Harry Enten, “American Happiness Hits Record Lows,” CNN, ngày 2 tháng Hai năm 2022, cnn.com; Tamara Lush, “Poll: Americans Are the Unhappiest They’ve Been in 50 Years,” Associated Press, ngày 16 tháng Sáu năm 2020, apnews.com; “The Great Gloom: In 2023, Employees Are Unhappier Than Ever. Tại sao?” BambooHR, bamboohr.com.

  6. Xin xem Wanda Mallette, Patti Ryan, và Bob Morrison “Lookin’ for Love (in All the Wrong Places)” (năm 1980).

  7. 2 Nê Phi 2:11.

  8. Xin xem Giăng 11:35; Môi Se 7:28–37.

  9. Xin xem 2 Nê Phi 2:11.

  10. Xin xem Giăng 14:27.

  11. Giăng 10:10.

  12. Lu Ca 2:10, New Revised Standard Version.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30.

  14. 2 Nê Phi 2:25.

  15. Nếu anh chị em có bất cứ mối bận tâm nào về việc liệu Cha Thiên Thượng có chấp nhận anh chị em và cho phép anh chị em nhận được niềm vui của Ngài hay không, thì tôi mời anh chị em hãy thành tâm đọc câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Ky Tô về người con trai hoang phí (xin xem Lu Ca 15:11–32). Trong câu chuyện ngụ ngôn đó, chúng ta học được cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng về con cái của Ngài và cách Ngài đang chờ đợi và mừng sự trở lại của chúng ta sau khi chúng ta rời xa Ngài! Từ giây phút chúng ta “tỉnh ngộ” (xin xem câu 17) và bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà, Ngài sẽ thấy chúng ta, vì Ngài đang đứng quan sát và chờ đợi. Ngài đang chờ đợi điều gì? Cho chúng ta! Khi chúng ta đến gần Ngài, thì Ngài sẽ mừng sự trở lại của chúng ta và gọi chúng ta là con cái của Ngài.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 59:18. Điều mặc khải này cũng giải thích: “Và điều đó làm Thượng Đế hài lòng, vì Ngài đã ban cho tất cả những vật này cho loài người; vì chúng đã được làm ra cho mục đích này” (câu 20).

  17. Đối với những người đến gần Thượng Đế, Ngài ban lời hứa lớn lao này: “Ta sẽ đến gần các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 88:63, xin xem thêm Gia Cơ 4:8).

  18. Xin xem Mác 5:24–34.

  19. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Thanh sạch và không thanh sạch.”

  20. Mác 5:28.

  21. Ma Thi Ơ 7:7.

  22. Bằng cách mang gánh nặng cho nhau, chúng ta sẽ “làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga La Ti 6:2; xin xem thêm Mô Si A 18:8).

  23. Công Vụ Các Sứ Đồ 8:35.

  24. Xin xem 1 Các Vua 17:8–16.

  25. Mô Si A 2:17.

  26. Trong Bức Thư của ông gửi cho người Rô Ma, Phao Lô nói rằng Thượng Đế “sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời: … vinh hiển, tôn trọng, cùng sự bình an cho mọi người làm lành” (Rô Ma 2:6–7, 10).

  27. Lu Ca 6:38. Chính sự cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta có thể tùy thuộc vào lòng trắc ẩn và sự tử tế của chúng ta đối với người khác (xin xem Ma Thi Ơ 25:31–46).

  28. Lu Ca 3:10.

  29. Phi Líp 4:7.