Đại Hội Trung Ương
Chứng Ngôn về Chúa Giê Su
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Chứng Ngôn về Chúa Giê Su

Lời mời của tôi là hãy hành động ngay bây giờ để đảm bảo vị thế của anh chị em với tư cách là người quả cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su.

Vào năm 1832, Joseph Smith và Sidney Rigdon nhận được một khải tượng phi thường về số phận vĩnh cửu của con cái Thượng Đế. Sự mặc khải này nói về ba vương quốc ở thiên thượng. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói về “các vương quốc vinh quang” này hồi tháng Mười năm ngoái,1 lưu ý rằng “nhờ sự đắc thắng và vinh quang của Chiên Con,”2 tất cả, ngoại trừ một số tương đối ít cá nhân, cuối cùng đều được cứu chuộc vào một trong những vương quốc này, “theo như ước muốn được thể hiện qua những lựa chọn của họ.”3 Kế hoạch cứu chuộc của Thượng Đế tạo cơ hội cho tất cả con cái của Ngài, bất cứ khi nào, và bất cứ nơi đâu trên thế gian.

Cho dù là vương quốc có vinh quang ít nhất trong cả ba vương quốc, hạ thiên giới, thì cũng “vượt quá mọi sự hiểu biết,”4 hy vọng của Đức Chúa Cha là chúng ta sẽ chọn—và, qua ân điển của Vị Nam Tử của Ngài, sẽ đủ điều kiện cho—vương quốc cao nhất và vinh quang nhất trong số các vương quốc này, thượng thiên giới, nơi chúng ta có thể vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu với tư cách là “những [người] đồng kế tự với Đấng Ky Tô.”5 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyến khích chúng ta hãy “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên,” đặt vương quốc thượng thiên là mục tiêu vĩnh cửu và sau đó “cân nhắc kỹ mỗi quyết định của [chúng ta] trong khi còn ở trên thế gian sẽ đưa [chúng ta] đến đâu trong thế giới mai sau.”6

Những người sống trong thượng thiên giới là “những người nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su, … là những người công minh được vẹn lành nhờ Giê Su là Đấng Trung Gian của giao ước mới.”7 Những cư dân của vương quốc thứ hai, trung thiên giới, được mô tả là những người về cơ bản là tốt lành, bao gồm cả “những người danh giá khi còn tại thế, nhưng bị mù quáng vì sự quỷ quyệt của loài người.” Đặc điểm hạn chế chính của họ, đó là họ “không quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su.”8 Ngược lại, những người ở vương quốc thấp hơn, hạ thiên giới, là những người “không chấp nhận phúc âm, cũng không chấp nhận chứng ngôn về Chúa Giê Su.”9

Hãy lưu ý rằng đặc điểm nổi bật của các cư dân ở mỗi vương quốc chính là cách họ liên quan đến “chứng ngôn về Chúa Giê Su,” từ (1) hết lòng tận tâm, đến (2) không quả cảm, đến (3) thẳng thừng từ chối. Tương lai vĩnh cửu của mỗi người được quyết định bởi phản ứng của người đó.

I.

Chứng ngôn về Chúa Giê Su là gì?

Đó là lời chứng của Đức Thánh Linh rằng Ngài chính là Vị Nam Tử thiêng liêng của Thượng Đế, Đấng Mê Si, và Đấng Cứu Chuộc. Chứng ngôn của Giăng có nói rằng thuở ban đầu Chúa Giê Su đã ở cùng Thượng Đế, rằng Ngài là Đấng Sáng Tạo của thiên thượng và thế gian, và “phúc âm ở trong Ngài, và phúc âm là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người.”10 Đó là “chứng ngôn của các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, … rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, rồi thăng lên trời.”11 Đó là sự hiểu biết rằng “không có danh xưng nào khác được ban ra mà nhờ đó sự cứu rỗi đến được.”12 Đó là “chứng ngôn, gần đây nhất,” được làm chứng bởi Tiên Tri Joseph Smith “rằng Ngài hằng sống! … Rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha—bởi Ngài, qua Ngài và do Ngài mà các thế giới đã và đang được sáng tạo, và dân cư trên ấy là con trai và con gái của Thượng Đế sinh ra.”13

II.

Ngoài chứng ngôn này là câu hỏi: Chúng ta sẽ làm gì với chứng ngôn đó?

Những người thừa kế thượng thiên giới “tiếp nhận” chứng ngôn về Chúa Giê Su theo ý nghĩa trọn vẹn nhất qua việc chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh và khắc phục mọi trở ngại nhờ đức tin.14 Các nguyên tắc và lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô chi phối những ưu tiên và sự lựa chọn của họ. Chứng ngôn về Chúa Giê Su được biểu hiện qua việc họ là ai và họ sẽ trở nên như thế nào. Động lực của họ là lòng bác ái, “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.”15 Trọng tâm của họ là theo đuổi “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”16

Ít nhất một vài người ở trung thiên giới được thấy là cũng chấp nhận chứng ngôn về Chúa Giê Su, nhưng điều khác biệt chính là họ chẳng làm gì với chứng ngôn đó cả. Việc không quả cảm làm chứng về Đấng Cứu Rỗi cho thấy mức độ thờ ơ hay lãnh cảm—được hiểu là “[âm ấm]”17— như trái ngược với dân Am Môn trong Sách Mặc Môn, chẳng hạn, là những người “nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế.”18

Những cư dân của hạ thiên giới là những người chối bỏ chứng ngôn về Chúa Giê Su cùng với phúc âm của Ngài, các giao ước của Ngài, và các vị tiên tri của Ngài. Họ đã được A Bi Na Đi mô tả là “đã buông mình những sở thích và những ham muốn xác thịt của họ; và vì họ chẳng bao giờ biết khẩn cầu đến Chúa trong lúc cánh tay thương xót của Ngài vẫn còn dang ra cho họ; vì cánh tay xót thương của Ngài đã dang ra cho họ, nhưng họ không nắm lấy.”19

III.

Quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su có nghĩa là gì?

Có một số khả năng có thể được xem xét khi trả lời cho câu hỏi này. Tôi sẽ đề cập đến một vài khả năng thôi. Quả cảm trong việc làm chứng về Chúa Giê Su chắc chắn bao gồm việc nuôi dưỡng và củng cố chứng ngôn đó. Các môn đồ chân chính không bỏ qua những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt mà hỗ trợ và củng cố chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su, chẳng hạn như cầu nguyện, học thánh thư, tuân giữ ngày Sa Bát, dự phần Tiệc Thánh, hối cải, phụng sự, và thờ phượng trong nhà của Chúa. Chủ Tịch Nelson đã nhắc nhở chúng ta rằng “với tốc độ đáng sợ, một chứng ngôn không được nuôi dưỡng hằng ngày bằng ‘lời nói tốt lành của Thượng Đế’ [Mô Rô Ni 6:4] thì có thể bị vỡ vụn. Vậy nên, … chúng ta cần có kinh nghiệm thờ phượng Chúa và nghiên cứu phúc âm của Ngài hằng ngày.” Rồi ông nói thêm: “Tôi khẩn nài với anh chị em hãy để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chia sẻ với Chúa một phần thời gian của anh chị em. Khi anh chị em làm vậy, hãy để ý xem điều gì sẽ xảy ra cho cái đà thúc đẩy thuộc linh tích cực của anh chị em.”20

Trở nên quả cảm cũng có nghĩa là phải cởi mở và công khai về lời chứng của mình. Khi chịu phép báp têm, chúng ta xác nhận sự sẵn lòng của mình để “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện, cho đến khi chết.”21 Đặc biệt trong mùa lễ Phục Sinh này, chúng ta vui mừng, công khai và thẳng thắn tuyên bố lời chứng của mình về Đấng Ky Tô đã được phục sinh và hằng sống.

Một khía cạnh của việc quả cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su là để chú ý đến các sứ giả của Ngài. Thượng Đế không ép buộc chúng ta đi vào con đường tốt hơn, con đường giao ước, mà Ngài chỉ dẫn các vị tiên tri của Ngài để khiến cho chúng ta nhận thức đầy đủ về những hệ quả từ những sự lựa chọn của chúng ta. Và không chỉ có các tín hữu trong Giáo Hội của Ngài. Qua các vị tiên tri và sứ đồ của mình, Ngài yêu thương khẩn nài tất cả thế giới hãy chú ý đến lẽ thật mà sẽ giải thoát họ,22 tránh cho họ khỏi những đau khổ không cần thiết, và mang lại cho họ niềm vui lâu dài.

Quả cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su có nghĩa là khuyến khích những người khác, bằng lời nói và tấm gương, cũng trở nên quả cảm như vậy, đặc biệt là những người trong gia đình của chúng ta. Anh Cả Neal A. Maxwell đã từng đề cập đến “các tín hữu về cơ bản là ‘danh giá’ [của Giáo Hội] là những người đang lướt qua bề ngoài thay vì đào sâu vai trò môn đồ của mình, và là những người tham gia một cách tùy tiện thay vì ‘tham gia một cách thiết tha nhiệt thành’ [Giáo Lý và Giao Ước 76:75; 58:27].”23 Xin lưu ý rằng tất cả mọi người đều được tự do lựa chọn, Anh Cả Maxwell đã than thở: “Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi một số người chọn sự lười biếng, thì họ đang lựa chọn không những cho bản thân họ mà còn cho thế hệ tiếp theo và cả thế hệ sau đó nữa. Những sự mập mờ nhỏ của cha mẹ có thể tạo ra những sai lệch lớn ở con cái họ! Các thế hệ trước trong một gia đình có thể đã phản ánh sự cống hiến, trong khi một số thế hệ hiện tại lại có cho thấy sự mập mờ không rõ ràng. Buồn thay, ở thế hệ tiếp theo, một số người có thể sẽ chọn việc bất đồng quan điểm, vì sự xói mòn đức tin sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.”24

Cách đây nhiều năm, Anh Cả John H. Groberg kể lại câu chuyện về một gia đình trẻ sống trong một chi nhánh nhỏ ở Hawaii vào đầu những năm 1900. Khi họ đã là tín hữu của Giáo Hội được khoảng hai năm, thì một trong các con gái của họ mắc phải một căn bệnh chưa được chẩn đoán và phải nhập viện. Tại nhà thờ vào Chủ Nhật tuần tiếp theo, người cha và con trai của mình chuẩn bị Tiệc Thánh như hầu hết các tuần khác, nhưng khi người cha trẻ tuổi này quỳ xuống để ban phước lành bánh, thì vị chủ tịch chi nhánh bất ngờ nhận ra người đang ở cạnh bàn Tiệc Thánh là ai, liền đứng dậy và kêu lên: “Dừng lại. Anh không được chạm vào bánh và nước. Con gái anh đang mắc phải một căn bệnh lạ. Anh rời khỏi đây ngay để người khác lên chuẩn bị phần bánh Tiệc Thánh khác. Chúng tôi không thể để anh ở đây được. Đi đi!” Người cha sửng sốt nhìn chủ tịch chi nhánh rồi sau đó là giáo đoàn, và cảm nhận được mức độ lo lắng cũng như vô cùng bối rối của tất cả mọi người, ông ra hiệu cho gia đình mình và họ lặng lẽ rời khỏi giáo đường.

Cả gia đình chẳng nói một lời nào, họ buồn bã bước đi dọc theo con đường mòn dẫn về ngôi nhà nhỏ của họ. Họ ngồi thành vòng tròn và người cha nói: “Xin hãy yên lặng cho đến khi cha sẵn sàng nói.” Cậu con trai nhỏ tự hỏi họ sẽ làm gì để rửa hận cho sự hổ thẹn mà cả nhà đã phải chịu đựng: liệu họ sẽ giết đàn lợn của vị chủ tịch chi nhánh, đốt nhà của ông ấy hay gia nhập một giáo hội khác? Năm, mười, mười lăm, hai mươi lăm phút trôi qua trong im lặng.

Bàn tay siết chặt của người cha bắt đầu thả lỏng và nước mắt ông tuôn rơi. Người mẹ bắt đầu khóc, và chẳng bao lâu sau, từng đứa con đều lặng lẽ khóc. Người cha quay sang vợ và nói: “Anh yêu em,” rồi lặp lại những lời đó với từng đứa con của mình. “Cha yêu thương tất cả các con, và cha muốn chúng ta mãi mãi ở bên nhau như một gia đình. Và cách duy nhất có thể làm được là tất cả chúng ta đều phải trở thành các tín hữu tốt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và được làm lễ gắn bó bởi thánh chức tư tế trong đền thờ. Đây không phải là giáo hội của chủ tịch chi nhánh. Đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ người nào, hay bất kỳ tổn thương, hay tủi nhục hay sự kiêu hãnh nào ngăn cản chúng ta ở bên nhau mãi mãi. Chủ Nhật tuần tới chúng ta sẽ trở lại nhà thờ. Chúng ta sẽ ở cùng với nhau cho đến khi biết được bệnh tình của con gái thế nào, nhưng chúng ta sẽ quay trở lại.”

Họ đã quay trở lại, con gái của họ đã bình phục và gia đình của họ đã được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Laie Hawaii khi đền thờ được hoàn thành. Ngày nay, hơn 100 người đã nói rằng cha, ông, và cụ cố của họ đã được phước, vì ông đã tập trung vào sự vĩnh cửu.25

Một khía cạnh cuối cùng của việc quả cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su mà tôi sẽ đề cập đến là việc từng người chúng ta theo đuổi sự thánh thiện cá nhân. Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc thiết yếu của chúng ta,26 và Ngài đã khẩn nài: “Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng.”27

Tiên tri Mặc Môn mô tả một nhóm Thánh Hữu đã kiên trì theo cách này mặc dù phải “vất vả trải qua nhiều nỗi đau buồn”:28

“Tuy nhiên, họ vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, đến nỗi tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan và an ủi, phải, trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa, mà sự thánh hóa này có được là nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.”29 Đó là một sự thay đổi lớn lao trong lòng—sự hiến dâng tấm lòng chúng ta lên Thượng Đế và được tái sinh về phần thuộc linh nhờ ân điển của Đấng Cứu Rỗi—mà chúng ta tìm kiếm.30

Lời mời của tôi là hãy hành động ngay bây giờ để đảm bảo vị thế của anh chị em với tư cách là người quả cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su. Khi mà sự hối cải có thể là điều cần thiết, “chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình,”31 kẻo “vào giờ phút khi các ngươi không nghĩ là mùa hè sẽ qua đi, và mùa gặt đã hết, và linh hồn các ngươi không được cứu rỗi.”32 Hãy sốt sắng trong việc tuân giữ các giao ước của mình với Thượng Đế. Đừng cảm thấy bị “xúc phạm [bởi] vì sự nghiêm khắc của lời của Thượng Đế.”33 “Hãy ghi khắc tên [của Đấng Ky Tô] vào tim mình luôn luôn, … để các người [có thể] nghe và nhận biết tiếng gọi tên mình, và cũng để nhận biết tên mà Ngài sẽ dùng để gọi các người.”34 Và cuối cùng “hãy ghi khắc điều này trong lòng các ngươi để các ngươi sẽ làm những điều mà [Chúa Giê Su] sẽ giảng dạy và truyền lệnh cho các ngươi làm.”35

Đức Chúa Cha của chúng ta muốn tất cả con cái của Ngài sẽ vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu với Ngài trong thượng thiên giới của Ngài. Chúa Giê Su đã chịu đau khổ, đã chết, và đã được phục sinh để khiến điều đó thành hiện thực. Ngài “đã thăng lên trời, và đã ngồi bên tay phải của Thượng Đế, để đòi Đức Chúa Cha quyền thương xót mà Ngài có trên con cái loài người.”36 Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta đều có thể được ban phước với một chứng ngôn mãnh liệt về Chúa Giê Su Ky Tô, vui mừng và quả cảm trong chứng ngôn đó, đồng thời cùng vui hưởng những thành quả của ân điển của Ngài liên tục trong cuộc sống của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.