Đại Hội Trung Ương
Được Hiệp Một với Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Được Hiệp Một với Đấng Ky Tô

Chúng ta đoàn kết với nhau bằng tình yêu thương của chúng ta và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Cốt lõi của việc thực sự thuộc về là được hiệp một với Đấng Ky Tô.

Tôi đã cảm nhận sâu sắc về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô từ khi tôi còn khá trẻ, nhưng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã trở thành xác thực đối với tôi khi tôi 25 tuổi. Tôi vừa tốt nghiệp Trường Stanford Law School và đang học thi lấy chứng chỉ hành nghề luật ở California. Mẹ tôi gọi điện thoại và nói rằng ông ngoại tôi, Crozier Kimball đang sống ở Utah, đang hấp hối. Mẹ nói nếu muốn thăm ông ngoại thì tốt nhất tôi nên về nhà. Ông tôi đã 86 tuổi và đang bệnh nặng. Tôi đã có một chuyến đi thăm thật tuyệt vời. Ông tôi rất vui mừng khi thấy tôi và chia sẻ chứng ngôn của ông với tôi.

Khi ông Crozier mới ba tuổi thì cha của ông, David Patten Kimball, qua đời lúc 44 tuổi.1 Ông Crozier đã hy vọng rằng cha và ông nội của ông, Heber C. Kimball, sẽ hài lòng với lối sống của ông và cảm thấy ông đã sống đúng theo di sản của mình.

Lời khuyên chính của ông ngoại dành cho tôi là phải tránh bất cứ cảm nghĩ nào về quyền lợi hoặc đặc quyền nhờ vào các tổ tiên thành tín này. Ông ngoại bảo rằng tôi nên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Ông nói rằng chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Bất kể các tổ tiên trên trần thế của chúng ta là ai đi chăng nữa thì mỗi người chúng ta cũng sẽ trình báo với Đấng Cứu Rỗi về việc chúng ta đã tuân giữ các lệnh truyền của Ngài chính xác như thế nào.

Ông Ngoại gọi Đấng Cứu Rỗi là “Đấng Giữ Cổng,” được nói tới trong 2 Nê Phi 9:41. Ông bảo tôi rằng ông hy vọng là mình đã hối cải đủ để hội đủ điều kiện nhận được lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi.2

Tôi đã vô cùng cảm động. Tôi biết ông là một người ngay chính. Ông là một tộc trưởng và đã vài lần phục vụ truyền giáo. Ông dạy tôi rằng không một ai có thể trở về với Thượng Đế chỉ bằng những việc lành không thôi mà còn cần có Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nữa. Cho đến ngày nay tôi vẫn còn có thể nhớ tình yêu thương bao la và lòng biết ơn mà Ông Ngoại đã dành cho Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Vào năm 2019, trong một sự chỉ định ở Giê Ru Sa Lem,3 tôi đã đến thăm một căn phòng trên lầu có lẽ gần địa điểm nơi Đấng Cứu Rỗi rửa chân cho các Sứ Đồ của Ngài trước khi Ngài bị đóng đinh. Tôi cảm động về mặt thuộc linh và nghĩ đến cách Ngài truyền lệnh cho Các Sứ Đồ của Ngài phải yêu thương lẫn nhau.

Tôi đã nhớ lại lời cầu nguyện khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi thay cho chúng ta. Lời cầu nguyện này dâng lên đúng vào những giờ cuối cùng của Ngài trên trần thế như được ghi lại trong sách Phúc Âm của Giăng.

Lời cầu nguyện này hướng đến các tín đồ của Đấng Ky Tô, bao gồm tất cả chúng ta.4 Trong lời thỉnh cầu của Đấng Cứu Rỗi lên Đức Chúa Cha, Ngài đã khẩn nài “để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta.” Rồi Đấng Cứu Rỗi nói tiếp: “Để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một.”5 Sự hiệp một là điều mà Đấng Ky Tô đã cầu nguyện để có trước khi Ngài bị phản bội và bị đóng đinh. Sự hiệp một với Đấng Ky Tô và Cha Thiên Thượng có thể đạt được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Lòng thương xót để cứu rỗi của Chúa không tùy thuộc vào dòng dõi, học vấn, tình trạng kinh tế hoặc chủng tộc. Mà dựa trên sự hiệp một với Đấng Ky Tô và các lệnh truyền của Ngài.

Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery đã nhận được điều mặc khải về sự tổ chức và điều hành Giáo Hội vào năm 1830, ngay sau khi Giáo Hội được tổ chức. Tiết 20 hiện nay đã được Tiên Tri Joseph đọc tại đại hội đầu tiên của Giáo Hội và là điều mặc khải đầu tiên được tán thành bởi sự ưng thuận chung.6

Nội dung của điều mặc khải này thực sự đáng chú ý. Nó dạy cho chúng ta ý nghĩa và vai trò của Đấng Cứu Rỗi cũng như cách tiếp cận quyền năng và các phước lành của Ngài qua ân điển chuộc tội của Ngài. Tiên Tri Joseph được 24 tuổi và đã nhận được nhiều điều mặc khải cũng như hoàn tất công việc phiên dịch Sách Mặc Môn bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Joseph lẫn Oliver đều được nhận biết là các Sứ Đồ đã được sắc phong, do đó có thẩm quyền để chủ tọa Giáo Hội.

Các câu 17 đến 36 chứa đựng một bản tóm tắt giáo lý thiết yếu của Giáo Hội, kể cả sự xác thực về Thượng Đế, Sự Sáng Tạo loài người, Sự Sa Ngã, và kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Câu 37 chứa đựng những điều kiện thiết yếu để được báp têm vào Giáo Hội của Chúa. Các câu 75 đến 79 mô tả những lời cầu nguyện Tiệc Thánh mà chúng ta sử dụng vào mỗi ngày Sa Bát.

Giáo lý, các nguyên tắc, lễ Tiệc Thánh và những lối thực hành mà Chúa đã thiết lập qua Joseph Smith, Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi, thực sự có ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng.7

Những điều kiện về phép báp têm tuy sâu xa nhưng lại rất đơn giản. Chúng chủ yếu gồm có sự khiêm nhường trước Thượng Đế, một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối,8 hối cải mọi tội lỗi, mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, kiên trì đến cùng, và cho thấy qua việc làm của mình rằng chúng ta đã nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô.9

Điều quan trọng rằng tất cả những điều kiện hội đủ để được báp têm đều là mang tính thuộc linh. Không cần có thành tựu về kinh tế hoặc xã hội. Người nghèo và người giàu đều có những điều kiện thuộc linh như nhau.

Không có những điều kiện về chủng tộc, giới tính hoặc sắc tộc. Sách Mặc Môn nói rõ rằng tất cả mọi người đều được mời dự phần vào lòng nhân từ của Chúa, “da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ; … đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”10 “Mọi người đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị cấm đoán cả.”11

Căn cứ vào sự “giống nhau” của chúng ta trước mặt Thượng Đế, thì việc nhấn mạnh tới sự khác biệt của chúng ta là vô nghĩa. Một số người đã khuyến khích chúng ta một cách sai lầm để “tưởng tượng rằng mọi người khác biệt với chúng ta và với nhau nhiều hơn là thực tế. [Một số người] lấy những khác biệt thực sự nhưng nhỏ bé và phóng đại chúng thành to lớn.”12

Ngoài ra, một số người đã lầm tưởng rằng vì tất cả mọi người đều được mời tiếp nhận lòng nhân từ và cuộc sống vĩnh cửu của Ngài nên không cần có điều kiện về tư cách đạo đức.13

Tuy nhiên, thánh thư chứng thực rằng tất cả những người có trách nhiệm đều cần phải hối cải tội lỗi và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.14 Chúa nói rõ rằng tất cả mọi người đều có quyền tự quyết về mặt đạo đức và “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người, … và nghe theo những lệnh truyền của Ngài; hãy trung thành gìn giữ những lời của Ngài và hãy chọn lựa cuộc sống vĩnh cửu.”15 Để nhận được các phước lành về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta phải quyết tâm sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để chọn Đấng Ky Tô và tuân theo các giáo lệnh của Ngài.

Trong suốt cuộc đời tôi, ý nghĩa của “quyền tự quyết” và “sự tự ý” đã được mổ xẻ và tranh luận. Đã và đang tiếp tục có nhiều cuộc tranh luận của giới trí thức về những đề tài này.

Mới đây, trên trang bìa của một ấn phẩm quan trọng dành cho cựu sinh viên đại học, một giáo sư sinh vật học nổi tiếng đã khẳng định: “Không hề có sự tự ý.”16 Chẳng ngạc nhiên gì khi vị giáo sư này được trích dẫn trong bài báo đã nói rằng: “Làm gì có Thượng Đế, … và không hề có sự tự ý, và đây là một vũ trụ rộng lớn, thờ ơ và trống rỗng.”17 Tôi hoàn toàn không đồng ý.

Một giáo lý cơ bản về đức tin của chúng ta là chúng ta có quyền tự quyết về mặt đạo đức,18 mà bao gồm sự tự ý.19 Quyền tự quyết là khả năng lựa chọn và hành động. Quyền này rất thiết yếu cho kế hoạch cứu rỗi. Nếu không có quyền tự quyết về mặt đạo đức, thì chúng ta không thể học hỏi, tiến bộ hoặc chọn hiệp một với Đấng Ky Tô. Nhờ vào quyền tự quyết về mặt đạo đức nên chúng ta “được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu.”20 Trong Hội Đồng tiền dương thế trên thiên thượng, kế hoạch của Đức Chúa Cha bao gồm quyền tự quyết là một yếu tố thiết yếu. Lu Xi Phe phản nghịch và “tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người.”21 Vậy nên, đặc ân để có được một thể xác hữu diệt đã bị từ chối đối với Sa Tan và những kẻ đi theo nó.

Các linh hồn khác ở tiền dương thế đã sử dụng quyền tự quyết của họ khi tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Các linh hồn được ban phước khi sinh ra trên trần thế này tiếp tục có được quyền tự quyết. Chúng ta được tự do lựa chọn và hành động nhưng chúng ta không kiểm soát được hậu quả. “Những sự lựa chọn điều tốt và điều ngay chính dẫn đến hạnh phúc, bình an và cuộc sống vĩnh cửu trong khi những lựa chọn tội lỗi và điều tà ác sẽ cuối cùng dẫn đến nỗi đau lòng và khổ sở.”22 Như An Ma đã nói: “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”23

Trong thế giới đầy cạnh tranh này, luôn có nỗ lực không ngừng để trở nên xuất sắc. Sự cố gắng của chúng ta để có thể trở thành người tài giỏi là một nỗ lực ngay chính và đáng bõ công. Điều này phù hợp với giáo lý của Chúa. Những nỗ lực hạ thấp hoặc coi thường người khác hay tạo ra rào cản để gây trở ngại cho sự thành công của họ đều đi ngược lại giáo lý của Chúa. Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác về quyết định đã hành động trái với các giáo lệnh của Thượng Đế.

Trong thế giới ngày nay, thật dễ dàng để tập trung vào sự thành công về vật chất và nghề nghiệp. Một số người đã không nhận thấy các nguyên tắc và sự lựa chọn vĩnh cửu mà có ý nghĩa vĩnh cửu. Chúng ta sẽ khôn ngoan nếu tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Russell M. Nelson để “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên.”24

Hầu hết mọi người đều có thể đưa ra những lựa chọn quan trọng nhất bất kể tài năng, khả năng, cơ hội hay hoàn cảnh kinh tế. Việc chú trọng để chọn đặt gia đình lên hàng đầu là thiết yếu. Điều này được nói rõ khắp trong thánh thư. Hãy nghĩ đến câu chuyện kể trong Nê Phi ở đoạn Lê Hi “ra đi vào vùng hoang dã. Và ông bỏ lại nhà cửa và đất thừa hưởng, cùng vàng bạc và các vật quý báu, và ông chẳng đem theo thứ gì ngoài gia đình mình.”25

Khi chúng ta đối mặt với những thăng trầm của đời sống, nhiều sự kiện xảy ra mà chúng ta khó hoặc không thể kiểm soát được. Hiển nhiên, những thử thách về sức khỏe và tai nạn là những điều mà chúng ta không thể kiểm soát được. Đại dịch COVID-19 mới gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người đã làm đúng mọi việc. Đối với những lựa chọn quan trọng nhất, chúng ta thật sự có quyền kiểm soát. Quay trở lại với những ngày đi truyền giáo của tôi, Anh Cả Marion D. Hanks, chủ tịch phái bộ truyền giáo của chúng tôi, đã bảo tất cả chúng tôi phải thuộc lòng một phần bài thơ của Ella Wheeler Wilcox:

Chẳng có cơ hội, định mệnh, số phận nào,

Mà có thể phá vỡ, cản trở hay kiểm soát

Sự quyết tâm vững chắc của một tâm hồn cương quyết.26

Chúng ta nắm quyền kiểm soát các vấn đề về nguyên tắc, tư cách đạo đức, tuân thủ đạo và lối sống ngay chính. Đức tin của chúng ta và sự thờ phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là một sự lựa chọn của chúng ta.27

Xin hãy hiểu rằng tôi không ủng hộ việc xem nhẹ học vấn hoặc nghề nghiệp. Tôi muốn nói là khi những nỗ lực liên quan đến học vấn và nghề nghiệp được đặt cao hơn gia đình hoặc việc hiệp một với Đấng Ky Tô, thì những hậu quả không lường trước được có thể rất tệ hại.

Giáo lý rõ ràng và đơn giản được trình bày trong Giáo Lý và Giao Ước 20 có ảnh hưởng mạnh mẽ và đầy thuyết phục vì nó khai triển và làm sáng tỏ các khái niệm thuộc linh thiêng liêng. Nó dạy rằng sự cứu rỗi đến khi Chúa Giê Su Ky Tô biện minh và thánh hóa những tâm hồn hối cải nhờ vào ân điển của Đấng Cứu Rỗi.28 Giáo lý này chuẩn bị cho vai trò ưu việt của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Chúng ta nên cố gắng mời những người khác cùng với chúng ta hiệp một với Đấng Ky Tô. Nếu muốn tuân theo lời khuyên nhủ của Chủ Tịch Russell M. Nelson để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán ở cả hai bên bức màn che, thì chúng ta cần phải mời những người khác cùng với chúng ta hiệp một với Đấng Ky Tô. Như Chủ Tịch Nelson đã dạy một cách tuyệt vời: “Trên mọi châu lục và khắp các biển đảo, những người trung tín đang được quy tụ vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, giới tính, chủng tộc, và quốc tịch dần trở nên vô nghĩa khi những người trung tín bước vào con đường giao ước và đến cùng Đấng Cứu Chuộc yêu quý của chúng ta.”29

Chúng ta đoàn kết với nhau bằng tình yêu thương của chúng ta và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Cốt lõi của việc thực sự thuộc về là được hiệp một với Đấng Ky Tô. Các giáo lễ báp têm và Tiệc Thánh được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 20, cùng với các giao ước đền thờ của chúng ta đã gắn kết chúng ta theo những cách đặc biệt và cho phép chúng ta được hiệp một trong mọi cách thức có ý nghĩa vĩnh cửu và sống trong hòa bình và hòa hợp.

Tôi đưa ra lời chứng quả quyết và chắc chắn rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, và nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài nên chúng ta có thể được hiệp một với Đấng Ky Tô. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lúc 17 tuổi, David đã giúp đưa một số Thánh Hữu vượt qua Sông Sweetwater đóng băng khi họ bị mắc kẹt trên vùng cao nguyên Wyoming (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 2, No Unhallowed Hand, 1846–1893 [năm 2020], trang 237).

  2. Xin xem Mô Rô Ni 7:27–28.

  3. Giáo Sĩ Trưởng của Na Uy, Giáo Sĩ Michael Melchior, và tôi là diễn giả chính tại cuộc đối thoại giữa các học giả Do Thái–Thánh Hữu Ngày Sau được tổ chức vào ngày 5 tháng Sáu năm 2019, tại Trung Tâm BYU Jerusalem ở Do Thái.

  4. Xin xem Giăng 17:20.

  5. Giăng 17:21–22.

  6. Xin xem “The Conference Minutes and Record Book of Christ’s Church of Latter Day Saints, 1838–1839, 1844” (thường được biết đến là Far West Record), ngày 9 tháng Sáu năm 1830, Church History Library, Salt Lake City; Steven C. Harper, Making Sense of the Doctrine and Covenants (năm 2008), trang 75.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 20 là điều mặc khải đầu tiên được đăng trên báo của Giáo Hội và được những người truyền giáo sử dụng về giáo lý lẫn việc thực hiện các giáo lễ báp têm và Tiệc Thánh (xin xem Harper, Making Sense of the Doctrine and Covenants, trang 75).

  8. Xin xem 2 Nê Phi 2:7.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37.

  10. 2 Nê Phi 26:33.

  11. 2 Nê Phi 26:28.

  12. Peter Wood, Diversity: The Invention of a Concept (năm 2003), trang 20.

  13. Nê Hô có quan điểm này (xin xem An Ma 1:4).

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:49–50.

  15. 2 Nê Phi 2:27–28.

  16. Stanford (ấn phẩm của Stanford Alumni Association), tháng Mười Hai năm 2023, trang bìa.

  17. Trong Sam Scott, “As If You Had a Choice,” Stanford, tháng Mười Hai năm 2023, trang 44. Bài viết xác định vị giáo sư là Robert Sapolsky, giáo sư sinh học, thần kinh học và khoa giải phẫu thần kinh ở Stanford, đồng thời là tác giả các sách khoa học bán chạy nhất. Bài viết chứa đựng những quan điểm đối lập trong đó có Alfred Mele, một giáo sư triết học tại trường Florida State University là người đứng đầu John Templeton Foundation Project (Dự Án Quỹ John Templeton) lớn về sự tự ý. Ông nói: “Các nhà khoa học hầu như chắc chắn chưa chứng minh được rằng sự tự ý—ngay cả sự tự ý đầy tham vọng—chỉ là ảo tưởng” (trong Scott, “As If You Had a Choice,” trang 46).

  18. Xin xem D. Todd Christofferson, “Moral Agency” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 31 tháng Một năm 2006), speeches.byu.edu.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:27.

  20. 2 Nê Phi 2:27.

  21. Môi Se 4:3.

  22. Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm (năm 2004), trang 12.

  23. An Ma 41:10.

  24. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 117–120.

  25. 1 Nê Phi 2:4.

  26. Tác Phẩm Thi Ca của Ella Wheeler Wilcox (năm 1917), trang 129.

  27. Tôi luôn yêu thích câu trích dẫn được chia sẻ bởi Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói điều này một cách ngắn gọn nhất: “Nếu bạn đã không chọn trước tiên vương quốc của Thượng Đế thì cuối cùng điều bạn đã chọn cũng chẳng có gì khác biệt” (được cho là của William Law, một giáo sĩ người Anh thế kỷ 18, được trích dẫn trong “Response to a Call,” của Neal A. Maxwell, Ensign, tháng Năm năm 1974, trang 112).

  28. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:29–31. Thần học của Thuyết Calvin nhấn mạnh đến sự biện minh và thánh hóa những linh hồn sa ngã nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Nó dạy rằng một khi Thượng Đế đã định trước cho một linh hồn được cứu rỗi thì không gì có thể thay đổi được kết quả. Giáo Lý và Giao Ước 20 trái ngược hoàn toàn với Thuyết Calvin. Tiết này viết: “Điều có thể xảy ra là loài người có thể mất ân điển và xa rời Thượng Đế hằng sống” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:32–34; Harper, Making Sense of the Doctrine and Covenants, trang 74).

  29. Russell M. Nelson, “Building Bridges,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2018, trang 51.