Đại Hội Trung Ương
Luồng Sáng và Tia Sáng
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Luồng Sáng và Tia Sáng

Chúng ta cũng có thể có được luồng ánh sáng của riêng mình—mỗi lần một tia sáng.

Sứ điệp của tôi là dành cho những người đang lo lắng về chứng ngôn của họ bởi vì họ chưa có được những kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể mang lại sự an tâm và đảm bảo.

Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bắt đầu với một sự tuôn tràn của ánh sáng và lẽ thật! Một thiếu niên sống ở ngoại ô New York, với cái tên rất bình thường là Joseph Smith, bước vào một khu rừng để cầu nguyện. Ông lo lắng về tâm hồn và vị thế của mình trước mặt Thượng Đế. Ông tìm kiếm sự tha thứ cho các tội lỗi của mình. Và ông bối rối không biết nên gia nhập giáo hội nào. Ông cần sự rõ ràng và bình an—ông cần sự sáng và sự hiểu biết.1

Khi Joseph quỳ xuống cầu nguyện và “dâng lên Thượng Đế những ước muốn của lòng ông,” thì bóng tối dày đặc bao trùm lấy ông. Một điều xấu xa, ngột ngạt, và rất thật, cố gắng ngăn cản ông—buộc lưỡi ông lại để ông không thể nói được. Các thế lực của bóng tối trở nên mãnh liệt đến mức Joseph nghĩ rằng mình sẽ chết. Nhưng ông “đã vận dụng hết tất cả mọi năng lực [của mình] để kêu cầu Thượng Đế giải thoát cho [ông] khỏi quyền lực của kẻ thù này đang trói chặt lấy [ông].” Và rồi, “ngay lúc [ông] quá tuyệt vọng và sắp sửa buông tay phó mặc cho mình bị hủy diệt,” khi ông không biết liệu mình có thể trụ vững được nữa không, thì một luồng ánh sáng rực rỡ tràn ngập khu rừng, xua tan bóng tối và kẻ thù của linh hồn ông.2

Một “luồng ánh sáng” sáng hơn cả mặt trời từ từ hạ xuống phủ lên ông. Một Nhân Vật hiện ra, và rồi một Nhân Vật khác.3 “Vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết”. Đấng đầu tiên, Cha Thiên Thượng của chúng ta, gọi tên của ông, “trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—[Joseph!] Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!4

Và với sự tràn ngập ánh sáng và lẽ thật đó, Sự Phục Hồi đã bắt đầu. Một loạt sự mặc khải và các phước lành thiêng liêng theo sau: thánh thư mới, phục hồi các chìa khóa của chức tư tế, các sứ đồ và tiên tri, các giáo lễ và giao ước, và sự tái thiết của Giáo Hội chân chính và sinh động của Chúa, mà một ngày nào đó sẽ làm tràn đầy thế gian với ánh sáng và lời chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

Tất cả những điều đó, và còn nhiều điều khác nữa, bắt đầu với lời khẩn cầu của một cậu bé và một luồng ánh sáng.

Chúng ta cũng có những nhu cầu cấp thiết của riêng mình. Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi sự hoang mang thuộc linh và bóng tối của thế gian. Chúng ta cũng cần phải biết cho bản thân mình.5 Đó là lý do tại sao Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời chúng ta hãy “[đắm mình] vào ánh sáng vinh quang của Sự Phục Hồi.”6

Một trong những lẽ thật quan trọng của Sự Phục Hồi là các tầng trời mở ra—rằng chúng ta cũng có thể nhận được ánh sáng và sự hiểu biết từ trên cao. Tôi làm chứng rằng điều đó là thật.

Nhưng chúng ta cần phải đề phòng cái bẫy thuộc linh. Đôi khi các tín hữu trung tín của Giáo Hội trở nên chán nản và thậm chí còn bỏ đạo vì họ chưa có được những kinh nghiệm thuộc linh sâu sắc—vì họ chưa kinh nghiệm được luồng ánh sáng của riêng mình. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã cảnh báo: “Vì luôn kỳ vọng vào điều ngoạn mục, nhiều người sẽ hoàn toàn bỏ lỡ hàng loạt cơ hội truyền đạt được mặc khải liên tục.”7

Chủ Tịch Joseph F. Smith cũng nhắc lại rằng: “Chúa đã giữ lại không cho tôi thấy những điều kỳ diệu [khi tôi còn nhỏ], mà chỉ cho tôi thấy lẽ thật từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít.”8

Thưa các anh chị em, đó là mẫu mực điển hình của Chúa. Thay vì gửi cho chúng ta một luồng ánh sáng, thì Chúa gửi cho chúng ta một tia sáng, rồi một tia sáng khác, và một tia sáng nữa.

Những tia sáng đó không ngừng trút xuống chúng ta. Thánh thư dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô là “sự sáng và sự sống của thế gian” 9 rằng “Thánh Linh ban sự sáng cho mọi người [nam và nữ] bước vào thế gian” 10 và rằng ánh sáng của Ngài “làm tràn ngập khoảng mênh mông của không gian” ban “sự sống cho tất cả mọi vật.”11 Ánh Sáng của Đấng Ky Tô thực sự bao quanh chúng ta.

Nếu chúng ta đã nhận được ân tứ Đức Thánh Linh và đang cố gắng thực hành đức tin, hối cải, và tôn trọng các giao ước của mình, thì chúng ta xứng đáng để liên tục nhận được các tia sáng thiêng liêng này. Trong câu nói đáng nhớ của Anh Cả David A. Bednar, “chúng ta đang ‘sống trong sự mặc khải.’” 12

Tuy nhiên mỗi người trong chúng ta đều khác nhau. Không có người nào cảm nhận được ánh sáng và lẽ thật của Thượng Đế giống với người nào. Hãy dành thời gian để suy nghĩ về cách thức mà anh chị em kinh nghiệm được ánh sáng và Thánh Linh của Chúa.

Anh chị em có thể đã cảm nhận được những luồng ánh sáng và chứng ngôn này khi “[sự] bình an [đã được phán] cho tâm trí [mình] về vấn đề” mà đã làm anh chị em lo lắng.13

Hoặc là một ấn tượng—một tiếng nói nhỏ nhẹ, êm ái—đọng lại “trong trí của [anh chị em] và trong tâm của [mình]”14 và thúc giục anh chị em làm một điều gì đó tốt đẹp, chẳng hạn như giúp đỡ một người nào đó.

Có lẽ anh chị em đã tham gia một lớp học ở nhà thờ—hoặc tại một trại hè dành cho giới trẻ—và cảm thấy có một ước muốn mạnh mẽ để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và luôn trung tín.15 Thậm chí có lẽ anh chị em còn đứng lên và chia sẻ một chứng ngôn mà anh chị em hy vọng là đúng và rồi cảm thấy chứng ngôn đó là đúng.

Hoặc có lẽ anh chị em đã cầu nguyện và cảm thấy một sự bảo đảm vui mừng rằng Thượng Đế yêu thương anh chị em.16

Có thể anh chị em đã nghe một người nào đó làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, và điều đó làm cảm động tấm lòng của anh chị em cũng như khiến anh chị em tràn đầy hy vọng.17

Có lẽ anh chị em đang đọc Sách Mặc Môn và một câu thánh thư đã chạm đến tâm hồn mình, thể như Thượng Đế đã đặt câu đó chỉ dành riêng cho anh chị em vậy—và rồi anh chị em nhận ra rằng Ngài đã làm như vậy.18

Anh chị em có thể đã cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho người khác khi anh chị em phục vụ họ.19

Hoặc có lẽ anh chị em gặp khó khăn để cảm nhận được Thánh Linh vào thời điểm này vì chứng trầm cảm hoặc lo âu nhưng lại có ân tứ quý báu và đức tin để nhìn lại và nhận ra “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa” trong quá khứ.20

Tôi nghĩ có nhiều cách để nhận được các tia sáng của chứng ngôn từ thiên thượng. Tất nhiên, đây chỉ là một vài cách. Chúng có thể không gây ấn tượng mạnh, nhưng tất cả những điều này tạo thành một phần chứng ngôn của chúng ta.

Thưa các anh chị em, tôi chưa từng thấy một luồng ánh sáng nào, nhưng, giống như anh chị em, tôi đã kinh nghiệm được nhiều tia sáng thiêng liêng. Qua nhiều năm, tôi đã cố gắng trân trọng những kinh nghiệm như thế. Tôi thấy rằng khi làm như vậy, tôi nhận ra và ghi nhớ những kinh nghiệm đó nhiều hơn. Sau đây là một số ví dụ từ cuộc sống riêng của tôi. Những điều này có thể không ấn tượng lắm đối với một số người, nhưng chúng rất quý báu đối với tôi.

Tôi nhớ khi mình là một cậu thiếu niên khá ồn ào trong buổi lễ báp têm. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, tôi cảm thấy Thánh Linh thúc giục tôi ngồi xuống và nghiêm trang. Tôi ngồi xuống và im lặng trong suốt thời gian còn lại của buổi lễ.

Trước khi đi truyền giáo, tôi đã sợ rằng chứng ngôn của mình không đủ mạnh mẽ. Không một ai trong gia đình tôi từng đi phục vụ truyền giáo, và tôi cũng không biết liệu mình có thể làm được điều đó không. Tôi nhớ mình đã học và cầu nguyện khẩn thiết để nhận được một lời chứng chắc chắn hơn về Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi một ngày nọ, khi tôi khẩn cầu với Cha Thiên Thượng, tôi cảm thấy một cảm giác mạnh mẽ về ánh sáng và sự ấm áp. Và tôi đã biết. Tôi thật sự biết được.

Tôi nhớ sau nhiều năm, vào một đêm nọ, tôi bị đánh thức bởi một cảm nghĩ về “tri thức thuần khiết” nói với tôi rằng tôi sẽ được kêu gọi để phục vụ trong nhóm túc số các anh cả.21 Hai tuần sau, tôi được kêu gọi.

Tôi còn nhớ trong một đại hội trung ương khi mà một thành viên yêu quý của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói chính xác lời chứng ngôn mà tôi đã từng nói với một người bạn là tôi hy vọng để được nghe.

Tôi nhớ mình đã quỳ xuống với hàng trăm anh em để cầu nguyện cho một người bạn thân yêu đang nằm bất tỉnh trên máy thở trong một bệnh viện nhỏ, xa xôi sau khi tim của anh ấy ngừng đập. Khi chúng tôi cùng đồng lòng để cầu xin sự sống cho anh ấy, anh ấy đã tỉnh dậy và rút máy trợ thở ra khỏi cổ họng của mình. Giờ đây, anh ấy đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu.

Và tôi nhớ mình đã thức dậy với những cảm nghĩ thuộc linh mạnh mẽ sau một giấc mơ sống động về một người bạn và là người cố vấn thân yêu đã mất sớm, để lại một khoảng trống lớn trong cuộc đời tôi. Anh ấy đang mỉm cười vui vẻ. Tôi biết là anh ấy vẫn ổn.

Đây là một số tia sáng của tôi. Các anh chị em đã có những kinh nghiệm riêng của mình—chứng ngôn tràn đầy ánh sáng của riêng anh chị em. Khi chúng ta nhận ra, ghi nhớ, và gom những tia sáng này “hội hiệp lại,”22 thì một điều gì đó tuyệt vời và mạnh mẽ bắt đầu xảy ra. “Ánh sáng gắn bó với ánh sáng”—“lẽ thật quấn quít với lẽ thật.” 23 Sự xác thực và quyền năng của một tia chứng ngôn củng cố và kết hợp với một tia chứng ngôn khác, và rồi một tia khác, và một tia khác nữa. Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi đây một tia và nơi kia một tia—mỗi lúc một khoảnh khắc thuộc linh nhỏ nhặt, quý báu—phát triển bên trong chúng ta một cốt lõi của những kinh nghiệm thuộc linh tràn đầy sự sáng. Có lẽ không một tia sáng nào đủ mạnh hoặc đủ sáng để tạo nên một chứng ngôn trọn vẹn, nhưng cùng nhau chúng có thể trở thành ánh sáng mà bóng tối của nỗi nghi ngờ không thể che phủ được.

“Ôi vậy thì sự đó không phải là có thật hay sao?” An Ma hỏi. “Tôi nói cho các người hay, có, vì đó là ánh sáng.”24

“Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng,” Chúa đã dạy chúng ta rằng: “và kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.”25

Thưa các anh chị em, điều đó có nghĩa là theo thời gian và qua “sự chuyên tâm lớn lao,”26 chúng ta cũng có thể có được luồng ánh sáng của riêng mình—mỗi lần một tia sáng. Và ở giữa luồng sáng đó, chúng ta cũng sẽ tìm thấy Cha Thiên Thượng nhân từ gọi tên chúng ta, trỏ tay vào Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, và mời gọi chúng ta “Hãy Nghe Lời Người!”

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài là sự sáng và sự sống của toàn thể thế gian—và của thế giới riêng của tôi và của riêng anh chị em.

Tôi làm chứng rằng Ngài là Vị Nam Tử chân chính và hằng sống của Thượng Đế chân chính và hằng sống, và Ngài đứng đầu Giáo Hội sinh động và chân chính này, được hướng dẫn và chỉ dẫn bởi các vị tiên tri và sứ đồ chân chính và tại thế của Ngài.

Cầu xin cho chúng ta nhận ra và tiếp nhận ánh sáng vinh quang của Ngài và rồi chọn Ngài thay vì bóng tối của thế gian—luôn luôn và mãi mãi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:10–13.

  2. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–16.

  3. Xin xem Joseph Smith, Journal, Nov. 9–11, 1835, 24, josephsmithpapers.org.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  5. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:20. Khi Joseph Smith trở về nhà sau Khải Tượng Thứ Nhất, mẹ ông hỏi xem ông có ổn không. Ông đáp: “Con vẫn như thường. … Con vừa khám phá ra rằng giáo phái Presbyterian không đúng” (sự nhấn mạnh được thêm vào).

  6. Russell M. Nelson, “Lời Bế Mạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 122.

  7. Spencer W. Kimball, trong Conference Report, Munich Germany Area Conference, 1973, trang 77; được trích dẫn trong Graham W. Doxey, “The Voice Is Still Small,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 25.

  8. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (năm 1998), trang 201: Khi còn niên thiếu, lúc mới bắt đầu trong giáo vụ, tôi thường ra ngoài cầu xin Chúa cho tôi thấy một điều kỳ diệu nào đó, để tôi có thể nhận được một chứng ngôn. Nhưng Chúa không ban cho tôi những điều kỳ diệu mà cho tôi thấy lẽ thật, từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít, cho đến khi Ngài làm cho tôi biết được lẽ thật từ đầu đến chân tôi, và cho đến khi nỗi nghi ngờ và sợ hãi đã hoàn toàn cất khỏi tôi. Ngài đã không gửi đến một thiên sứ từ trời để làm việc này, cũng như Ngài đã không phải phán với tiếng kèn đồng của một thiên sứ thượng đẳng. Bằng những lời mách bảo của tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Thánh Linh của Thượng Đế hằng sống, Ngài đã ban cho tôi chứng ngôn mà tôi có. Cũng bởi nguyên tắc và quyền năng này, Ngài sẽ ban cho tất cả con cái loài người một sự hiểu biết về lẽ thật mà sẽ ở với họ, cũng như sẽ làm cho họ biết được lẽ thật, như Thượng Đế biết, và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha như Đấng Ky Tô đã làm.”

  9. Mô Si A 16:9.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 84:46; xin xem thêm Giăng 1:9.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 88:12–13.

  12. David A. Bednar, Tinh Thần Mặc Khải (năm 2021), trang 7.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 6:23.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 8:2; xin xem thêm Hê La Man 5:30.

  15. Xin xem Mô Si A 5:2; Giáo Lý và Giao Ước 11:12.

  16. Xin xem 2 Nê Phi 4:21; Hê La Man 5:44.

  17. Chúa đã chỉ ra khả năng để tin vào chứng ngôn của những người khác như là một ân tứ thuộc linh (xin xem Giáo Lý và Giáo Ước 46:13–14).

  18. Sự mặc khải hiện đại dạy rằng những lời trong thánh thư: “chính Thánh Linh của ta đã ban những lời đó cho các ngươi, … và các ngươi không thể có được những lời đó trừ phi bằng quyền năng của ta; các ngươi có thể làm chứng rằng các ngươi đã nghe tiếng nói của ta và biết những lời của ta.” (Giáo Lý và Giao Ước 18:35–36).

  19. Xin xem Mô Si A 2:17; Mô Rô Ni 7:45–48.

  20. 1 Nê Phi 1:20. Anh Cả Gerrit W. Gong đã nói về “[việc] tận mắt trải nghiệm và [sự] vui mừng trước tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống của chúng ta” (“Phục Sự,”Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 18) và về cách mà “Bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta thường được thấy rõ nhất khi chúng ta nhận ra những sự việc đã xảy ra rồi khi đã quá muộn” (“Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 108). Ân tứ của việc nhận ra và thừa nhận bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta với lòng biết ơn thì rất mạnh mẽ, cho dù chúng ta không nhận ra hoặc cảm nhận được bàn tay của Chúa trong giây phút đó. Thánh thư thường nói về quyền năng thuộc linh của việc ghi nhớ (xin xem Hê La Man 5:9–12; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79), mà có thể là tiền thân của sự mặc khải (xin xem Mô Rô Ni 10:3–4).

  21. Joseph Smith đã dạy, “Một người có thể có được lợi ích qua việc nhận thấy điều báo trước đầu tiên của tinh thần mặc khải; ví dụ, khi các anh chị em cảm thấy tri thức thuần khiết đang lan khắp châu thân mình, thì tinh thần mặc khải có thể đột nhiên khiến cho ý nghĩ đến với tâm trí của mình, để rồi khi thấy điều đó, các anh chị em có thể thấy rằng ý nghĩ được ban cho đó thì được ứng nghiệm cùng một ngày hoặc sớm hơn; (có nghĩa là) những điều đó được bày tỏ cùng tâm trí của các anh chị em bằng Thánh Linh của Thượng Đế, rồi sẽ được xảy ra như dự định; và như vậy qua việc học hỏi và hiểu biết Thánh Linh của Thượng Đế, các anh chị em có thể tăng trưởng theo nguyên tắc mặc khải, cho đến khi các anh chị em trở nên trọn vẹn trong Chúa Giê Su Ky Tô” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 132).

  22. Ê Phê Sô 1:10.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 88:40: “Vì tri thức gắn chặt với tri thức; sự thông sáng tiếp nhận sự thông sáng; lẽ thật quấn quít với lẽ thật; đức hạnh thương yêu đức hạnh, ánh sáng gắn bó với ánh sáng.”

  24. An Ma 32:35. An Ma nhấn mạnh rằng những kinh nghiệm tràn đầy ánh sáng này, mặc dù thường là nhỏ nhặt, nhưng đều có thật trong mọi phương diện. Tính xác thực của chúng càng trở nên mạnh mẽ hơn khi chúng được kết hợp lại với nhau để tạo thành một tổng thể mạnh mẽ.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 50:24.

  26. An Ma 32:41.