Đại Hội Trung Ương
Hãy Đứng Dậy! Ngài Gọi Ngươi
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Hãy Đứng Dậy! Ngài Gọi Ngươi

Phúc âm không phải là một cách để tránh những thử thách và vấn đề, mà là một giải pháp để giúp chúng ta gia tăng đức tin và học cách đối phó với chúng.

Trước đây, tôi từng hỏi vợ tôi: “Theo như anh nhớ thì chúng ta chưa bao giờ gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào trong cuộc sống của mình, em có thể cho anh biết tại sao không?”

Cô ấy nhìn tôi và nói: “Chắc chắn rồi. Em sẽ nói cho anh biết tại sao chúng ta chưa bao giờ gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào cả; đó là vì anh đãng trí lắm!”

Câu trả lời nhanh chóng và thông minh của cô ấy đã giúp tôi nhận ra một lần nữa rằng việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không loại bỏ nỗi đau đớn và thử thách, là những điều cần thiết để chúng ta phát triển.

Phúc âm không phải là một cách để tránh những thử thách và vấn đề, mà là một giải pháp để giúp chúng ta gia tăng đức tin và học cách đối phó với chúng.

Cách đây vài tháng, tôi cảm thấy điều này là đúng khi hôm đó tôi đang đi bộ và bỗng nhiên thị giác của tôi trở nên mờ mịt, tối tăm, và chập chờn. Tôi cảm thấy sợ hãi. Sau đó, các bác sĩ bảo tôi rằng: “Nếu anh không bắt đầu điều trị ngay lập tức, thì thậm chí chỉ trong vài tuần, anh có thể sẽ mất thị lực.” Tôi cảm thấy sợ hãi hơn nữa.

Và sau đó, họ nói: “Anh cần được tiêm nội nhãn—tiêm thuốc trực tiếp vào mắt—lúc mắt mở to—mỗi bốn tuần, cho đến suốt đời.”

Đó là một lời cảnh tỉnh không dễ nghe.

Rồi một sự suy ngẫm đến dưới hình thức một câu hỏi. Tôi tự hỏi: “Được rồi! Thị lực của tôi không tốt, nhưng còn tầm nhìn thuộc linh của tôi thì sao? Tôi có cần điều trị về mặt đó không? Và việc có được một tầm nhìn thuộc linh sáng tỏ có nghĩa là gì?”

Tôi suy ngẫm về câu chuyện của một người mù, tên là Ba Ti Mê, được mô tả trong Sách Phúc Âm của Mác. Thánh thư có viết rằng: “Vì đã nghe nói ấy là Đức Chúa Giê Su, người Na Xa Rét, người vùng la lên mà rằng: Hỡi Đức Chúa Giê Su, con vua Đa Vít, xin thương tôi cùng!”1

Về cơ bản, trước mắt của nhiều người, Chúa Giê Su chỉ là con trai của Giô Sép, vậy tại sao Ba Ti Mê gọi Ngài là “con vua Đa Vít”? Chỉ vì ông nhận ra rằng Chúa Giê Su quả thật là Đấng Mê Si, là Đấng đã được tiên tri là sẽ được sinh ra thuộc dòng dõi của vua Đa Vít.2

Điều thú vị là người mù này, tuy không có thị lực, nhưng đã nhận ra Chúa Giê Su. Ông đã nhìn thấy về mặt thuộc linh điều mà ông không thể thấy được về mặt thể chất, trong khi nhiều người khác có thể nhìn thấy Chúa Giê Su về mặt thể chất nhưng hoàn toàn bị mù quáng về mặt thuộc linh.

Từ câu chuyện này, chúng ta hiểu thêm về tầm nhìn thuộc linh sáng tỏ.

Chúng ta cũng đọc được rằng: “Có nhiều kẻ rầy người, biểu nín đi; song người lại kêu lớn hơn nữa rằng: Hỡi con vua Đa Vít, xin thương tôi cùng!”3

Mọi người xung quanh đều bảo ông hãy im lặng, nhưng ông càng kêu cầu khẩn thiết hơn vì ông biết Chúa Giê Su thực sự là ai. Ông phớt lờ những tiếng nói đó và càng kêu gào to hơn.

Ông đã hành động thay vì bị tác động. Bất chấp những hoàn cảnh hạn chế, ông đã sử dụng đức tin để vượt qua những nhược điểm của mình.

Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên chúng ta học được là chúng ta giữ tầm nhìn thuộc linh được sáng tỏ khi tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và luôn trung thành với điều chúng ta biết là chân chính.

Thưa các anh chị em, để giữ cho tầm nhìn thuộc linh được nguyên vẹn, chúng ta cần phải quyết định không lắng nghe tiếng nói của thế gian xung quanh mình. Trong thế giới đầy hoang mang và bị hoang mang này, chúng ta phải luôn trung tín với điều mình biết, trung tín với các giao ước của mình, trung tín trong việc tuân giữ các giáo lệnh và thậm chí tái khẳng định niềm tin của chúng ta một cách mạnh mẽ hơn, giống như người đàn ông này đã làm. Chúng ta cần phải làm chứng mạnh mẽ hơn về Chúa cho thế gian này. Người đàn ông này biết Chúa Giê Su, vẫn trung tín với điều ông tin, và không bị xao lãng bởi những tiếng nói xung quanh ông.

Ngày nay, có nhiều tiếng nói cố gắng lấn át tiếng nói của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Những tiếng nói của thế gian đang cố gắng khiến chúng ta im lặng, nhưng đó chính là lý do tại sao chúng ta phải tuyên bố chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi một cách mạnh mẽ và hùng hồn hơn. Trong số tất cả các tiếng nói của thế gian, Chúa trông cậy vào tôi cùng các anh chị em để tuyên bố chứng ngôn của chúng ta, để cất cao tiếng nói của chúng ta, và để trở thành tiếng nói của Ngài. Nếu chúng ta không làm điều đó, thì ai sẽ làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô? Ai sẽ xưng danh Ngài và rao truyền sứ mệnh thiêng liêng của Ngài đây?

Chúng ta có một sứ mệnh thuộc linh đến từ sự hiểu biết của mình về Chúa Giê Su Ky Tô.

Nhưng Ba Ti Mê đã làm gì sau đó?

Khi được Chúa truyền lệnh hãy đứng dậy, ông đã một lần nữa hành động trong đức tin.

Thánh thư viết rằng: “Người mù bỏ áo ngoài, bước tới đến cùng Đức Chúa Giê Su.”4

Người đàn ông khiêm nhường và trung tín này hiểu rằng ông có thể đứng dậy để có cuộc sống tốt hơn theo lệnh truyền của Chúa Giê Su. Ông biết rằng ông không thể bị hoàn cảnh trói buộc, và điều đầu tiên ông làm khi nghe Chúa Giê Su kêu gọi là vứt bỏ cái áo khoác của kẻ hành khất.

Một lần nữa, ông đã hành động thay vì bị tác động.

Ông có thể đã nghĩ rằng: “Tôi không cần cái áo này nữa, vì giờ đây cuộc sống của tôi đã có Chúa Giê Su. Đây là một ngày mới. Tôi đã chấm dứt cuộc sống khốn cùng này rồi. Với Chúa Giê Su, tôi có thể bắt đầu một cuộc sống mới đầy hạnh phúc và niềm vui nơi Ngài, với Ngài, và qua Ngài. Và tôi không quan tâm việc thế gian nghĩ gì về tôi. Chúa Giê Su đang kêu gọi tôi, và Ngài sẽ giúp tôi sống một cuộc đời mới.”

Thật là một sự thay đổi phi thường!

Khi bỏ đi cái áo khoác của kẻ hành khất, ông cũng đã bỏ đi tất cả những lời bào chữa.

Và đây là nguyên tắc thứ hai: chúng ta có được tầm nhìn thuộc linh sáng tỏ khi từ bỏ con người thiên nhiên, hối cải, và bắt đầu một cuộc sống mới trong Đấng Ky Tô.

Cách để làm điều đó là lập và tuân giữ các giao ước để hướng đến một cuộc sống tốt hơn qua Chúa Giê Su Ky Tô.

Chừng nào chúng ta còn bào chữa để cảm thấy thương hại cho bản thân, tiếc cho hoàn cảnh và các vấn đề của chúng ta, cho tất cả những điều tiêu cực xảy ra trong cuộc sống của chúng ta và ngay cả cho tất cả những người xấu mà chúng ta nghĩ là làm cho chúng ta đau khổ, thì chúng ta vẫn còn khoác lên vai mình cái áo của người hành khất. Đúng là đôi khi những người khác, vô tình hay cố ý, làm tổn thương chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải quyết định hành động với đức tin nơi Đấng Ky Tô bằng cách cởi bỏ cái áo khoác về mặt tinh thần và cảm xúc mà mình đang mặc nhằm che giấu những lời bào chữa hoặc tội lỗi, và vứt bỏ nó đi vì biết rằng Ngài có thể và sẽ chữa lành chúng ta.

Không có lời bào chữa chính đáng nào để nói rằng: “Con người tôi như vậy là do một số hoàn cảnh không may và đáng buồn. Và tôi không thể thay đổi, và tôi có lý do chính đáng.”

Khi suy nghĩ như vậy, chúng ta quyết định để bị tác động.

Chúng ta giữ lại cái áo khoác của người hành khất.

Việc hành động trong đức tin có nghĩa là trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi, tin tưởng rằng qua Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể vượt qua tất cả mọi điều, theo lệnh truyền của Ngài.

Nguyên tắc thứ ba nằm trong những từ cuối cùng: “[ông] bước tới đến cùng Chúa Giê Su.”

Làm thế nào ông ấy có thể bước đến cùng Chúa Giê Su khi ông bị mù? Cách duy nhất là bước về phía Chúa Giê Su bằng cách nghe tiếng Ngài.

Và đây là nguyên tắc thứ ba: chúng ta có được tầm nhìn thuộc linh sáng tỏ khi lắng nghe tiếng nói của Chúa và để cho Ngài hướng dẫn chúng ta.

Cũng như khi người đàn ông này đã cất tiếng to hơn những tiếng nói xung quanh ông, thì ông đã có thể lắng nghe tiếng nói của Chúa ở giữa tất cả các tiếng nói khác.

Đây cũng là đức tin mà đã giúp Phi E Rơ bước đi trên mặt nước, miễn là ông tiếp tục tập trung vào Chúa và không để những cơn gió xung quanh làm xao lãng.

Rồi câu chuyện về người mù này kết thúc rằng “người mù được sáng mắt, và đi theo Đức Chúa Giê Su trên đường.”5

Một trong những bài học quan trọng nhất trong câu chuyện này là người đàn ông này đã vận dụng đức tin chân thật nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được một phép lạ vì ông ấy đã cầu vấn với chủ ý thật sự, chủ ý thật sự để noi theo Ngài.

Và đây là lý do chính cho các phước lành chúng ta nhận được trong cuộc sống của mình, tức là noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là về việc nhận ra Ngài, lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế nhờ vào Ngài, thay đổi bản tính của chúng ta qua Ngài, và kiên trì đến cùng bằng cách noi theo Ngài.

Đối với tôi, việc giữ được tầm nhìn thuộc linh sáng tỏ hoàn toàn là do tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô.

Vậy thì, tầm nhìn thuộc linh của tôi có sáng tỏ không, khi tôi được tiêm thuốc vào mắt? Chà, tôi là ai mà có quyền khẳng định chứ? Nhưng tôi biết ơn về những điều tôi nhận thấy.

Tôi nhận thấy rõ bàn tay của Chúa trong công việc thiêng liêng này và trong cuộc đời của mình.

Tôi nhìn thấy đức tin của nhiều người ở bất cứ nơi nào tôi đến, là những người đã củng cố đức tin của tôi.

Tôi thấy các thiên sứ xung quanh mình.

Tôi thấy đức tin của những người dù không thấy Chúa về mặt thể chất nhưng nhận ra Ngài về mặt thuộc linh, bởi vì họ biết Ngài một cách mật thiết.

Tôi làm chứng rằng phúc âm này là câu trả lời cho mọi điều, bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô là câu trả lời cho mọi người. Tôi biết ơn về điều tôi có thể thấy khi noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Tôi hứa rằng khi chúng ta nghe tiếng nói của Chúa và để cho Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường giao ước của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta sẽ được ban phước với tầm nhìn sáng tỏ, sự hiểu biết thuộc linh, và sự bình an trong tâm hồn và tâm trí trong suốt cuộc đời mình.

Cầu xin cho chúng ta có thể rao truyền chứng ngôn của mình về Ngài một cách to hơn những tiếng nói xung quanh chúng ta, trong một thế giới mà cần nghe nhiều hơn chứ không phải ít hơn về Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin cho chúng ta cởi bỏ cái áo khoác của kẻ hành khất mà chúng ta vẫn có thể đang mặc và vượt qua thế gian, để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn trong và qua Đấng Ky Tô. Cầu xin cho chúng ta bỏ đi tất cả những lời bào chữa để không noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và tìm ra tất cả những lý do chính đáng để noi theo Ngài khi chúng ta nghe tiếng nói của Ngài. Đây là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.